Đọc lại hồi ký Trần Quang Cơ  – BÀI HỌC TRUNG QUỐC TRONG HỒI KÝ TRẦN QUANG CƠ

Hồng Khiêm (nguyên Tham tán Bộ Ngoại giao) 

Đã hớ, đã dại rồi mà còn nói đặt sự nghiệp cách mạng lên trên hết… Người lãnh đạo không nên làm như vậy! (Phạm Văn Đồng) 

Tối hôm trước ngày đi viếng cựu Thứ trưởng Trần Quang Cơ, tôi đọc lại “Hồi ức và Suy nghĩ” của ông, coi như một cách tưởng nhớ đối với người quá cố mà tôi rất đỗi kính trọng, người đã tự rút ngắn sự nghiệp của cả đời mình đặng để lại cho hậu thế những trang tư liệu lịch sử quý giá cùng những kiến nghị và những bài học đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nhiều bài học đến nay vẫn chưa được học hết, nhiều khuyến nghị ông nêu ra vẫn chưa được áp dụng hoặc thực hiện đến nơi đến chốn.

  • Qua điếu văn do Bộ trưởng BNG Phạm Bình Minh đọc tại tang lễ, ta được biết chàng thanh niên Trần Quang Cơ đã là người lính bảo vệ thủ đô Hà Nội, rồi hoạt động địch vận trong kháng chiến, sau đó khi hòa bình lập lại, theo sự phân công của tổ chức lại khoác ba lô về nhận công tác tại Bộ Ngoại giao. Tại đây, sau các công việc với Mỹ (đàm phán ở Paris với Mỹ về chấm dứt chiến tranh ở VN, đàm phán bình thường hóa quan hệ với Mỹ dở đang), Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã phân công cho ông – một người am hiểu về Mỹ, phương Tây – phụ trách mảng khó khăn nhất, “xương xẩu” nhất của công tác ngoại giao lúc bấy giờ: đó là giải pháp cho vấn đề Campuchia. Bắt đầu tham gia cách mạng là một người lính, rồi trở thành Thứ trưởng, Thứ trưởng thứ nhất, ông đã lại như một người lính dành cả chục năm cuối đời công tác của mình cho vấn đề Campuchia gai góc, mà vấn đề CPC lại gắn chặt với Trung Quốc. Ông đã sát cánh cùng với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, trở thành một “cặp bài trùng” trong cuộc đấu tranh gay go phá bao vây cấm vận như mục tiêu đấu tranh của cả một giai đoạn cách mạng nước ta lúc đó.
  • Bằng sự phân tích tinh tường, thấu đáo, “Hồi ký” của Trần Quang Cơ đã vạch ra ý đồ và vai trò thực sự của các nước lớn: Mỹ, Liên Xô, Trung quốc trong cuộc xung đột CPC. TQ bằng mọi cách đòi bỏ chữ “diệt chủng” để “rửa mặt” khỏi sự dính líu của họ với một trong những chế độ tàn bạo ghê tởm nhất trong lịch sử, dùng vấn đề CPC để làm mất máu VN. Ông phân tích cái gọi là “giải pháp đỏ” sẽ gây cho VN rắc rối như thế nào, đấu tranh ngoại giao với TQ vất vả ra sao khi những người lãnh đạo TQ từ trên xuống dưới kể cả Đặng Tiểu Bình đều sử dụng thủ đoạn xuyên tạc sự thật một cách trắng trợn (cuộc nói chuyện của Đặng Tiểu Bình với Kayson về VN 7/10/1989), không bao giờ ngừng chia rẽ nội bộ và làm suy yếu VN.

Đọc “Hồi ức và Suy nghĩ”, có thể theo dõi cách xử lý vấn đề CPC và quan hệ với TQ của lãnh đạo VN đã khiến VN bị lừa và trượt dần vào vòng xoáy xảo trá của TQ như thế nào, mà bước ngoặt là hội nghị Thành Đô, mà ông TRầN QUANG CƠ coi đó là hành động vô nguyên tắc, không đúng với nghị quyết BCT và bị TQ lỡm. Cuối Chương 10, Trần Quang Cơ đã phải thốt lên: “Thuốc đắng thầy Tầu bốc cho ta đắng thật, nhưng vẫn không dã được tật”. Ngây thơ, cả tin vào TQ là đồng minh bảo vệ CNXH mặc dù bị TQ từ chối mà vẫn tự nguyện “giơ ngực cho người ta đấm” như nhận xét vừa hài hước vừa chua xót của Cố vấn Phạm Văn Đồng. Ông Cơ đã dẫn lời phát biểu của Phạm Văn Đồng tại cuộc họp BCT: “Mình hớ, mình dại rồi mà còn nói sự nghiệp cách mạng là trên hết, còn được hay không thì không sao. Tôi không nghĩ người lãnh đạo nên làm như vậy”.

Theo ông Trần Quang Cơ, VN-TQ “không phải bình thường hóa quan hệ, mà là phụ thuộc hóa quan hệ”, và kể từ sau Đại hội VII, đánh giá TQ của Bộ chính trị từ chỗ có 2 mặt: bành trướng bá quyền và XHCN nhưng về sau chủ yếu chỉ còn mặt thứ 2. Dẫn sự việc cấp cao của ta chỉ đạo các ngành quan hệ với TQ thông qua Đại sứ TQ ở VN mà không cần qua Sứ quán VN ở TQ, thậm chí không cần qua cả Bộ Ngoại giao VN và còn đi xin ý kiến đối phương (Ban Đối ngoại đi hỏi Thứ trưởng Ngoại giao TQ Từ Đôn Tín) về hướng giải quyết vấn đề trong đàm phán trước khi cử người đi đàm phán cấp thứ trưởng ngoại giao với TQ cho có kết quả. Ông Cơ cho rằng  “thật là có một không hai trong lịch sử đối ngoại!”.

  • Trước bước ngoặt thay đổi thời đại, thay đổi chiến lược trên thế giới cuối thế kỷ XX, TRẦN QUANG CƠ mong ước Việt Nam sẽ “thay đổi tư duy đối ngoại để có được một đường lối phù hợp thực tế khách quan nhằm đưa đất nước thoát ra khỏi thế cô lập, hòa nhập được với đà phát triển chung của khu vực và thế giới”.

“Nhưng không!” – ông Cơ than thở: “Tư duy chính trị xơ cứng đã giam giữ nước ta trong hoàn cảnh khó khăn một thời gian dài”. Có nhiều chủ trương, quyết sách ta chậm đến 20 năm, chẳng hạn như  “từ chối đề nghị của Mỹ và làm cao khiến ta bỏ lỡ cơ hội, khiến cho bình thường hóa với Mỹ và gia nhập ASEAN mãi 20 năm sau (1995) ta mới thực hiện một cách chật vật”.

Ông lấy làm tiếc rằng “việc ta bỏ lỡ cơ hội với Mỹ đã khiến VN gần như đơn độc trước một TQ đầy tham vọng”, và đặt câu hỏi: “Liệu TQ có dám tiếp tay cho bọn diệt chủng Polpot khiêu khích ta và TQ có dám đánh ta năm 1979, nếu như ta có một chiến lược đúng đắn và cầu thị hơn?”. Một câu hỏi đau đáu và chưa bao giờ mất tính thời sự.

Sau khi giải quyết xong vấn đề CPC, đáng lẽ về mặt đối ngoại  phải mở ra một thời kỳ đa phương hóa quan hệ một cách thực sự vì mục đích cao nhất là lợi ích dân tộc và phát triển đất nước, thì đất nước lại rơi ngay vào cái bẫy “toàn diện” mới (bẫy “ý thức hệ” về chính trị và “bẫy phát triển” về kinh tế). Nếu tính từ khi lập nước (năm 1945), đây là lần thứ ba hoặc thứ tư trước các bước ngoặt lịch sử (1946, có thể 1954, 1975, 1990), chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội cho an ninh và phát triển tốt hơn.

  • Đọc lại Hồi ký Trần Quang Cơ và phần “Kiến nghị” ông viết gửi cho Bộ Chính trị theo yêu cầu của BCT, chúng ta thấy thật kỳ lạ là những vấn đề ông đặt ra từ cách đây 20 năm đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Chẳng hạn về những thách thức, trong số thách thức bên trong ông Cơ nhấn mạnh “tệ tham nhũng đang hủy hoại sức đề kháng vật chất cũng như tinh thần của dân tộc ta, làm giảm hẳn khả năng chống đỡ đối với các thách thức bên ngoài”. Về thách thức bên ngoài, ông nhấn mạnh diễn biến hòa bình và bá quyền bành trướng, trong đó những thách thức đe dọa nhiều mặt của TQ đối với ta đều là những vấn đề hiện thực đang xảy ra và ta đang phải xử lý, khác với những thách thức đe dọa của các đối tượng khác, kể cả của Mỹ có phần nào chỉ là giả định và có khi chỉ là sự hù dọa của TQ.

Trên cơ sở phân tích một cách khách quan, khoa học, thấu đáo và sắc sảo, Trần Quang Cơ đã đi đến những kết luận khó có thể bác bỏ đối với một câu hỏi có lẽ là quan trọng sống còn đối với dân tộc: Nguy cơ lớn nhất đối với an ninh và phát triển của nước ta trong tương lai bắt nguồn từ đâu?

Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới, xem xét thấu đáo lần lượt các nhân tố và đối tượng chính có thể tác động đến nước ta, TQC đã giải đáp một câu hỏi quan trọng: Có khả năng Mỹ đi với (câu kết với) Trung quốc (TQ) chống VN hay không? (xin đọc chương liên quan trong “Hồi ức và suy nghĩ” của TQC).

Về TQ, (sau khi phân tích về Mỹ), Trần Quang Cơ cho rằng khác với Mỹ, TQ nhìn thấy ở những biến đổi lớn trong cục diện thế giới ngày nay một cơ hội ngàn năm có một (để độc chiếm biển Đông Nam Á).

Trên con đường ấy, TQ nhìn thấy VN là một điểm yếu dễ lấn nhất (nghèo về kinh tế, kém TQ về quân sự, đơn độc về chính trị) mà lại chiếm một vị trí chiến lược quan trọng ở ĐNÁ và là trở ngại lớn nhất cho kế hoạch biển Đông của TQ.

Từ tất cả những phân tích, Trần Quang Cơ đi đến một kết luận quan trọng:

“Trước mắt cũng như trong tương lai dự báo được, TQ là nguồn xuất xứ chủ yếu của những thách thức, đe dọa đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như đối với an ninh và phát triển của VN”.

Truyện Trung Quốc có quân sư Gia Cát Lượng viết bảo bối, kế sách cho tướng ra trận khi gặp hiểm nguy thì giở ra xem. Nhưng các kiến nghị của Trần Quang Cơ dù có giá trị đến mấy, nhưng đáng tiếc, ở Việt Nam liệu có nhà ‘minh quân” nào biết  giở ra xem và đưa vào ứng dụng trong thực tiễn hay không?

Tâm nguyện đau đáu của “Hồi ức và Suy nghĩ” của TRẦN QUANG CƠ là “rút ra những bài học bổ ích và đích đáng cho ngoại giao trong hiện tại và tương lai vì một mục đích tối cao là đảm bảo lợi ích của dân tộc trong mọi tình huống”. Vì thế ông đã bỏ vào đấy tất cả tâm huyết, trí tuệ, bản lĩnh, cả sinh mệnh chính trị, toàn bộ sức bình sinh của con người ngoại giao – một nhà ngoại giao thượng thặng, chuyên nghiệp, kỳ cựu, vì đất nước! Tôi cũng suy tư mãi về quyết định “bỏ cuộc chơi” của ông. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là bị ép, còn ông, ông tự bỏ. Bỏ cuộc chơi khi canh bạc đã tàn hoặc chỉ còn lại những con bạc khát nước thì cũng là điều không hẳn là đáng hối tiếc. Chỉ tiếc là tiếc cho đất nước, cho dân tộc, nếu nhỡ lần này nữa thì chúng ta sẽ lại rơi vào một vòng trầm luân mới mà chưa biết khi nào mới thoát ra được?!

H.K.

Tác giả gửi BVN

 

 

 

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.