(Trích hồi ký Những ngã rẽ, 2006, chương XX)
Ông Dương Văn Ba sinh năm 1942, là dân biểu Hạ Nghị viện Việt Nam Cộng hòa khóa 1967-1971, đồng thời cũng là một nhà báo có tiếng, từng viết cho báo Tin sáng, Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo Đại dân tộc và Phó Chủ bút kiêm Tổng thư ký báo Điện tín, trong hàng ngũ những nhà báo cấp tiến thuở bấy giờ như Hồ Ngọc Nhuận, Lý Chánh Trung… Ông đã được đề cử làm Thứ trưởng Bộ Thông tin 3 ngày cuối trong Chính phủ Dương Văn Minh trước khi Sài Gòn thất thủ 30-4-1975. Sau khi chiến tranh chấm dứt, ông được tiếp tục làm báo Tin sáng, miễn đi cải tạo và được mời dự một khóa học đặc biệt của Mặt trận Tổ quốc rồi một năm sau được cấp giấy trả lại quyền công dân. Từ 1984, ông được cấp uỷ Đảng và chính quyền Minh Hải tín nhiệm mời tham gia hoạt động kinh tế giúp cho tỉnh Minh Hải, được cử làm Phó giám đốc Công ty CIMEXCOL Minh Hải. Nhưng đến năm 1987 thì Công ty này bị khởi tố và kết quả vị Phó giám đốc Dương Văn Ba bị kết tội chung thân, nhưng đến ngày 30.4.1995 ông được ra tù trước thời hạn. Thực chất đầu đuôi vụ án này là thế nào? Xin trích một đoạn trong Wikipedia Việt Nam, mục từ “Dương Văn Ba” viết như sau:
“Năm 1987, Cimexcol Minh Hải bị TAND tối cao truy tố trước tòa 21 bị cáo theo sáu tội danh: tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa; cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ; buôn bán hàng cấm và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Dương Văn Ba bị hội đồng xét xử đánh giá là ‘người cầm đầu, chủ mưu, có vai trò quan trọng nhất và quyết định nhất trong vụ án’, phạm ba tội ‘tham ô tài sản XHCN; cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ’(xem ở đây), bị tuyên phạt tù chung thân”.
“Qua báo CAND, theo như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, phát biểu tại lễ bế mạc kỳ họp Quốc hội, thì đây là một vụ án chính trị: ‘Ở Việt Nam vừa qua trong vụ Cimexcol, có hiện tượng lợi dụng dân chủ, lợi dụng đổi mới, phá hoại nền kinh tế Nhà nước; vô hiệu hoá, đả kích, tấn công các cơ quan pháp luật, tạo điều kiện tâm lý muốn xoá bỏ chế độ ta, chống Nhà nước XHCN ta’(xem ở đây)”.
“Trang mạng Diễn đàn, của một giới trí thức Paris, khi giới thiệu sách CHUYỆN MỘT VỤ ÁN (Vụ án CIMEXCOL – Minh Hải) của tác giả Hồ Ngọc Nhuận, đã nhận xét: ‘Nhưng qua các tài liệu mà hồ sơ này đưa ra, độc giả có thể thấy rõ phần chìm của ‘vụ án’ này: người chủ trương không ai khác là Nguyễn Văn Linh, và đối tượng là Võ Văn Kiệt. Sự hiềm khích sâu sắc và thái độ tiểu nhân của nguyên Tổng bí thư ĐCSVN đối với ông Võ Văn Kiệt là điều ‘biết rồi, khổ lắm, nói mãi’ trong những lời truyền miệng của ‘giới thạo tin’(xem ở đây)”.
Hồi ký Những ngã rẽcủa ông Dương Văn Ba được viết sau khi ra tù và chấm dứt năm 2006, vì tác giả bị tai biến mạch máu não. Trong chương XX đăng lại dưới đây, cũng là chương cuối cùng, viết còn dở dang, GS Trần Hữu Dũng có một câu bình ngắn nhưng đáng chú ý khi liên hệ chương này với một bài ca ngợi ông Nguyễn Văn Linh “người thiết kế công cuộc đổi mới”(xem ở đây)vừa đăng trên VNExpress.net ngày 27-6-2015: “Các nhà viết sử của Đảng lại không dám nói gì về thái độ của Nguyễn Văn Linh đối với Võ Văn Kiệt! Ráng can đảm, trung thực thử xem!”.
Riêng chúng tôi,từ lâu rồi vẫn có linh cảm, Nguyễn Văn Linh là một cas rất có vấn đề về nhân cách.Nói cách khác, đây là một biểu tượng thú vị về dạng người lãnh đạocộng sản thiên kiến và ích kỷ mà không ý thức được mình cá nhân ích kỷ, chủ động nhúng tay vào những việc nguy hại cho đất nước mà vẫn cứ tưởng mình đang đưa dân tộc lên cõi thiên đường. Tuy vậy, chúng tôi vẫn kiên nhẫn chờ đợi sự phanh phui của những nguồn tư liệu xác tín, trong đó, hồi ký Trần Quang Cơ là một nguồn khá quan trọng nhưng chưa phải tất cả. Chúng tôi không mất hy vọng cái bọc dù giấu khư khư thế nào cũng đến lúc bị rách toạc và chiếc kim gỉ sét sẽ lòi ra.
Xin trân trọng mời bạn đọc đọc Hồi ký Dương Văn Ba coi như một tài liệu bổ sung thứ hai sau Hồi ký Trần Quang Cơ, và hãy cố kiên nhẫn cùng chúng tôi trên đường gian nan đi tìm sự thật.
Bauxite Việt Nam
Tôi bị ông Nguyễn Văn Linh – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI, ra lệnh bắt bỏ tù vào ngày 22 tháng 12-1987 trong cuộc họp tại Hà Nội do ông triệu tập.
Cuộc họp diễn ra tại văn phòng TW Đảng, có mặt gần như đầy đủ thành phần Ban Bí thư. Đặc biệt có mặt của ông Lê Phước Thọ (Sáu Hậu) – Trưởng Ban Tổ chức Đảng, Trần Kiên – Trưởng Ban Kiểm tra TW, Trần Đình Hương – Trưởng Ban Nội chính TW, Lâm Văn Thê (Ba Hương ) – Thứ trưởng Bộ Nội vụ phụ trách phía Nam. Ông Trần Xuân Bách – Ủy viên Bộ Chính trị, lúc đó còn nhiều quyền lực, chưa bị thanh trừng bởi tham vọng làm Thủ tướng với chủ trương đa đảng…
Về phía tỉnh Minh Hải các ông Đoàn Thanh Vị – Bí Thư, Nguyễn Đáng (tức Tư Hườn) – Phó bí thư, Trần Hữu Vịnh – Phó bí thư phụ trách tổ chức, Lê Văn Bình (Năm Hạnh) – Chủ tịch tỉnh. Những người này được gọi ra Hà Nội từ ngày 19-12-1987. Hôm đó, ông Năm Hạnh – Chủ tịch tỉnh Minh Hải đang cùng với tôi làm việc với phái đoàn Lào của Tướng Chẹng tại Đà Nẵng. Đoàn Lào sang Đà Nẵng ngày 18-12-1987 dự định họp với đoàn Minh Hải đến hết ngày 20-12-1987 về những vấn đề của năm 1988. Do lệnh triệu tập khẩn cấp của ông Nguyễn Văn Linh, ông Năm Hạnh phải xin lỗi đoàn Lào và lên xe về Sài Gòn ngay trong đêm 19-12-1987. Sang ngày 20-12-1987, ông Năm Hạnh phải tức tốc đáp máy bay ra Hà Nội. Hội nghị do ông Linh triệu tập diễn ra ngày 21-12-1987 và chấm dứt vào ngày 22-12-1987 với quyết định bắt tôi tống giam ngay lập tức. Ông Nguyễn Văn Linh đã ra lệnh cho ông Lâm Văn Thê – Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Sáu Chí – chuyên viên cao cấp về Nội chính của Văn phòng TW Đảng, bay ngay vào Sài Gòn trong ngày 22-12-1987 để tiến hành chỉ đạo bắt giữ tôi.
Cuộc họp ra lệnh bắt Dương Văn Ba đã diễn tiến như thế nào?
Sau đây tôi ghi lại lời thuật vắn tắt của hai ông Lê Văn Bình và Đoàn Thanh Vị.
Hôm đó, ông Nguyễn Văn Linh, với tư cách Tổng Bí thư chất vấn ông Đoàn Thanh Vị: “Ai cho phép Minh Hải là một tỉnh mà lại dám đi Lào hợp tác kinh tế với quân đội Lào, là quân đội của một nước anh em?”. Ông Ba Vị và ông Năm Hạnh báo cáo việc đi Lào làm kinh tế là chủ trương của Ban Hợp tác Kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia, người trực tiếp cho phép là ông Đặng Thí – Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác Kinh tế ba nước Đông Dương. Ông Ba Vị – Bí thư tỉnh Minh Hải còn nói thêm: “Trước khi đi Lào tôi cũng đã trực tiếp báo cáo anh Mười Cúc và được anh đồng ý. Bây giờ anh hỏi ngược lại ai cho phép, tôi chẳng biết trả lời sao?!”.
Ông Nguyễn Văn Linh lại hỏi: “Ai cho phép mấy anh sử dụng Dương Văn Ba đi làm ở Lào?”. Ông Ba vị trả lời: “Anh Ba Hùng – Chủ tịch tỉnh trước đây đã có báo cáo với ông Phạm Văn Đồng – Thủ tướng và ông Phạm Văn Đồng có cho anh Ba Hùng biết lãnh đạo của Lào khen ngợi Dương Văn Ba và lưu ý cần quan tâm tới việc sử dụng Dương Văn Ba. Tôi nghĩ việc sử dụng Dương Văn Ba được ông Phạm Văn Đồng chấp nhận và khuyến khích”.
Bàn về việc làm ăn của Công ty Cimexcol Minh Hải, mở đầu cuộc họp đã đem báo cáo tối mật của cơ quan tình báo đọc cho Nguyễn Văn Linh nghe. Báo cáo nói rằng Dương Văn Ba là anh của Dương Văn Tư, Tư lệnh lực lượng phản động của Hoàng Cơ Minh đang tập trung lực lượng về Lào để chuẩn bị quấy phá Việt Nam.
Dương Văn Ba là anh của Dương Văn Tư, ông Nguyễn Văn Linh và những người khác trong cuộc họp nghe rất hợp tình, hợp lý và tin ngay (vì đây là báo cáo của cơ quan tình báo). Ba thì phải là anh của Tư, nhất là cùng họ, cùng theo thứ tự anh em. Sự thật ra Ba hoàn toàn không có quan hệ gì với Tư. Tư là người miền Bắc lớn tuổi hơn Ba, còn Ba thì lại là người Bạc Liêu.
Sự tình cờ trùng họ trùng thứ đã được cơ quan tình báo sắp đặt, đúng là một sự tình cờ chết người. Ông Nguyễn Văn Linh đã tin ngay, không cần kiểm chứng, và lúc này có lẽ ở dưới mộ sâu ông cũng chưa hề biết mình đã từng bị gạt.
Tôi được cơ quan tình báo gán ghép là gián điệp của Mỹ cài lại cho kế hoạch đánh phá Việt Nam thời hậu chiến. Tôi gốc là một dân biểu chế độ cũ, lý lịch không tốt, so với những người được cộng sản miền Bắc sử dụng, gieo nghi ngờ tôi là tình báo, gián điệp do CIA cài lại thật là có lý.
Ông Nguyễn Văn Linh còn được cơ quan tình báo báo cáo: Dương Văn Ba đã sử dụng tiền của Công ty Cimexcol Minh Hải để mua hai tàu biển đi viễn dương, phối hợp hoạt động trong và ngoài nước, trên hai tàu biển đều có điện đài, vô tuyến viễn thông để liên lạc với nhau trong âm mưu đánh phá Việt Nam.
Sự thật hai tàu biển đó như thế nào? Điện đài bí mật là như thế nào?
Trong hai tàu biển của Cimexcol mua, có một tàu tên là tàu Gành Hào tải trọng 1.500 tấn, do ông Huỳnh Kim Báu lúc còn làm Giám đốc Công ty Cimexcol mua lại của ông Nguyễn An Trung – Việt Kiều Nhật – để vận chuyển hàng hóa đi Singapore và Nhật. Lúc quyết định mua, Huỳnh Kim Báu có hỏi ý kiến của tôi và Lê Công Giàu đang cùng là Phó Giám đốc Cimexcol. Tôi và Giàu đã đồng ý với Báu: Bởi vì làm ăn xuất nhập khẩu mà có thêm phương tiện vận chuyển đường biển, là điều nên làm. Việc mua bán do Huỳnh Kim Báu và Nguyễn An Trung sắp xếp thỏa thuận có sự tham gia thủ tục thanh toán của Ngân hàng Ngoại thương Chi nhánh TP.HCM.
Thủy thủ đoàn tàu Gành Hào là do Công ty Vitranchart của Tổng cục Đường biển bổ nhiệm, Công ty Cimexcol Minh Hải không có quyền tham gia lựa chọn người đi biển ở trên tàu. Thuyền trưởng là Đảng viên cộng sản. Công ty Cimexcol chỉ làm nhiệm vụ quản lý kế toán tài chánh. Tàu Gành Hào hoạt động có lời nhưng tiền thu được chỉ dùng để trả nợ ngân hàng khi mua tàu. Trên tàu Gành Hào có điện đài nhưng đó là điện đài đã được Tổng cục Đường biển kiểm soát. Tại sao ông Nguyễn Văn Linh lại tin là tôi mua tàu để liên lạc với gián điệp?!
Thật là một sự xếp đặt bỉ ổi với ý đồ xấu của các cơ quan tình báo để báo cáo lên ông Nguyễn Văn Linh và chọc giận ông ta.
Một người như Dương Văn Ba, “gốc tích chế độ cũ” thế mà lãnh đạo tỉnh Minh Hải đã mù quáng sử dụng để Dương Văn Ba có cơ hội làm bùa phép mê hoặc cả tỉnh ủy.
Sự mù quáng của tỉnh ủy tỉnh Minh Hải đối với ông Nguyễn Văn Linh là một điều đáng bị kết tội. Theo tôi được biết, ông Nguyễn Văn Linh thuộc vào loại lãnh đạo thích được xu nịnh, thương ai thì dù người đó có làm điều gì sai khuấy, ông cũng bỏ qua. Còn nếu ghét ai thì người đó coi như phải đi đứt.
Chuyện sau đây do ông Lý Quý Chung kể lại là một thí dụ về tính thiên vị, bè phái và tính ưa xu nịnh của ông Nguyễn Văn Linh.
Trong tòa soạn của báo Lao động của Hà Nội, thời kỳ đó, có ba nhân vật chủ chốt. Thứ nhất là ông Tống Văn Công – Tổng Biên tập, thứ hai là ông Tám Đăng – Bí thư Đảng ủy, thứ ba là ông Lý Quý Chung – phụ trách Tổng thư ký tòa soạn (ông Lý Quý Chung, một người viết báo nổi tiếng ở Sài Gòn, có một thời phải chấp nhận ra Hà Nội ở 6 tháng trời làm báo để kiếm cơm). Sau một thời gian hoạt động chung, giữa ba người trụ cột của báo Lao động có lục đục. Ông Tống Văn Công và ông Lý Quý Chung đứng về một phía, còn riêng ông Tám Đăng đứng về phía đối nghịch với hai người kia. Chuyện lục đục liên quan đến vấn đề quản lý, điều hành báo Lao động, trong đó hai ông Tống Văn Công và ông Lý Quý Chung phát hiện ông Tám Đăng có tư túi và có tinh thần bè phái. Chuyện lục đục này được báo cáo lên ông Nguyễn Văn Linh đương kim Tổng bí thư Đảng và rất quan tâm đến báo chí. Thái độ của ông Linh rất rõ ràng, ông bênh vực cho Tám Đăng, ý kiến của ông là: “Điều quan trọng trong vụ lục đục này, ai là người có quá trình hoạt động Cách mạng tốt, tính cách “đỏ” của Tám Đăng nổi bật vì Tám Đăng trong quá khứ được ông Nguyễn Văn Linh biết rõ, ông đánh giá Tám Đăng rất cao”. Thế là Tám Đăng thắng thế trong vụ lục đục nói trên. Ông Lý Quý Chung buộc phải từ bỏ ghế Tổng thư ký tòa soạn báo Lao động ở Hà Nội.
Một chuyện khác, thể hiện một tính cách khác của ông Linh, do ông Mai Văn Bảy, có lúc là Thường vụ Thành ủy TP.HCM và là Chủ tịch Công đoàn thành phố. Vì là một Đảng viên lão làng, có nhiều quan hệ cho nên ông Mai Văn Bảy biết nhiều việc riêng tư của ông Nguyễn Văn Linh. Ông Mai Văn Bảy kể lại cho tôi nghe trong một chuyến đi về Cần Thơ. Theo ông Bảy “Tính tình ông Nguyễn Văn Linh rất độc đoán và là một người thích ra mệnh lệnh. Ông Linh không thích ai thì người đó khó sống. Theo ông Mai Văn Bảy, ông Nguyễn Văn Linh hoàn toàn không thích ông Võ Văn Kiệt từ hồi họ còn ở trong rừng. Lúc nào có điều kiện là ông Nguyễn Văn Linh tìm cách đè bẹp ông Kiệt. Hiềm khích đó của ông Linh dành cho ông Kiệt đến nỗi con gái của ông Linh là cô Hòa nhận thấy không chấp nhận được, cho nên có lần trong một bữa cơm gia đình, cô Hòa đã thẳng thắn góp ý với bố. Cô Hòa nói: “Sao con thấy chú Sáu Kiệt đâu có vấn đề gì căng thẳng với bố, mà bố không được khách quan với chú, hễ có dịp là cứ châm bẩm với chú Sáu”.
Nghe cô Hòa nói, ông Linh đã không dằn được nóng giận, phản ứng “Mày biết gì mà nói”, ông cầm nguyên tô canh để trên bàn tạt vào mặt cô con gái. Cũng may, tô canh không còn nóng lắm nên cô Hòa không bị phỏng.
Người ta còn nhớ, ông Mười Cúc lúc còn là Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng, chuẩn bị lên làm Tổng bí thư, ông ta có đi Liên Xô trị bệnh một thời gian. Trong thời gian ông ta ở Liên Xô, ở nhà riêng tại Sài Gòn, người con trai lớn của ông Linh đã tự vẫn bằng cách sử dụng khẩu súng lục của bố mình, bắn vào đầu và có để lại một bức thư tuyệt mạng. Điều ấn tượng là con trai ông Linh đã vào nằm ngay chỗ nằm của bố mình để tự sát. Thư tuyệt mạng đó nói gì, không có ai được biết. Chỉ có riêng hai người biết rõ: Một là ông Võ Văn Kiệt lúc đó làm Bí thư Thành ủy, hai là ông Sáu Ngọc tức Thiếu tướng Lê Thanh Vân, Giám đốc Công an TP.HCM. Hai ông Kiệt và Sáu Ngọc đã đến hiện trường khi xảy ra vụ tự vẫn, đã lấy bức thư đó cất giữ.
Ông Nguyễn Văn Linh một người từng được nhiều đàn em trong Đảng tung hô công kênh, thực sự có nhiều vết đen trong đời sống riêng tư như thế. Những vết đen đó có phải là của một lãnh tụ anh minh xuất chúng hay không?
Về chuyện đổi mới trong đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, ai là người có công mở mũi, ông Nguyễn Văn Linh hay ông Trường Chinh?
Chuyện sau đây do ông Lê Văn Triết – Ủy viên TW Đảng, có lúc giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương mại – kể lại. Theo ông Lê Văn Triết, người chủ trương đổi mới đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam là ông Trường Chinh, chứ không phải là ông Nguyễn Văn Linh. Ông Trường Chinh, lúc làm Tổng Bí thư đã chín lần soạn thảo các nghị quyết chỉ đạo Đảng Cộng sản phải tìm cách đổi mới, chuyển hướng làm ăn kinh tế sang cơ chế thị trường. Với sức nặng của một lãnh tụ Cộng sản bảo thủ như Trường Chinh, ông ta mới đủ tư thế nói chuyện đổi mới mà không bị các nhóm bảo thủ khác hạ bệ. Ông Trường Chinh thời kỳ làm Tổng Bí thư cảm thấy tình thế nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản theo đường lối bảo thủ, đang quá chậm tiến và trì truệ. Sau khi đi thăm một số tỉnh ở miền Bắc và đặc biệt là sau khi đi thăm TP.HCM, thăm tỉnh Sông Bé, tỉnh Long An, ông ta mới thức tỉnh phải mở cửa quan hệ với các nước tư bản. Theo ông Lê Văn Triết, Trường Chinh là người đã sớm tỉnh ngộ thoát khỏi cơn mê trì trệ. Ông ta quyết định phải mở cửa hợp tác với các nước tư bản. Ông Nguyễn Văn Linh chỉ là người thừa hưởng quyết định đổi mới của Trường Chinh. Lúc đầu đi theo đường lối đổi mới, Nguyễn Văn Linh vẫn phải dung hòa, tiếp tục dựa vào thế lực của Lê Đức Thọ. Sau đại hội Đảng lần thứ VI, mặc dù nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư, Nguyễn Văn Linh ở Hà Nội đêm nào cũng phải đến nhà Lê Đức Thọ để báo cáo mọi việc và trao đổi ý kiến, coi như một hình thức tiếp tục nhận lãnh sự chỉ đạo của Lê Đức Thọ. Lúc đó, ngành Công an và ngành Nội chính vẫn nằm trong tay của Sáu Thọ, Nguyễn Văn Linh biết dựa vào thế lực đó để từ từ củng cố quyền lực. Phải nhìn nhận về chuyện làm thế nào để ngoi lên được tột đỉnh quyền lực, Nguyễn Văn Linh là một tay sừng sỏ, có bản lĩnh, biết nắm thời cơ, biết dung hòa với các thế lực mà ông còn gờm. Sự việc hàng đêm phải lên nhà Lê Đức Thọ báo cáo trong giai đoạn đầu mới nắm chức vụ Tổng Bí thư đã nói lên tính cách “cáo già” về chính trị của ông ta.
Là một tay cáo già trong việc từ từ nắm quyền lực, ông Nguyễn Văn Linh trong kế hoạch thực hiện vụ án Cimexcol Minh Hải mà mục tiêu chủ yếu là để đánh thẳng vào ông Võ Văn Kiệt, ông Nguyễn Văn Linh đã hai lần chiêu dụ ông Lê Văn Bình, Chủ tịch tỉnh Minh Hải, tố giác tôi, Dương Văn Ba, là gián điệp mà CIA Mỹ đã cài lại trong kế hoạch hậu chiến.
Tại sao ông Nguyễn Văn Linh chiêu dụ ông Lê Văn Bình tố giác tôi là gián điệp? Bởi vì, ban lãnh đạo của tỉnh Minh Hải lúc đó do ông Võ Văn Kiệt chỉ đạo dựng nên trong đại hội Đảng bộ của tỉnh vào năm 1983. Ban lãnh đạo này gồm có những người đứng đầu như ông Ba Vị – Bí Thư tỉnh ủy, ông Ba Hùng – Chủ tịch UB tỉnh, ông Năm Hạnh tức Lê Văn Bình – Phó Chủ tịch Thường trực của tỉnh… những ông này đều do ông Võ Văn Kiệt ủng hộ trong kỳ đại hội Đảng đó của tỉnh Minh Hải. Những ông này lại là những người quyết định sử dụng tôi trong việc đưa tôi sang Lào, đứng đầu thực hiện chương trình hợp tác kinh tế với quân đội Lào. Đánh vào tôi, công cụ thực hiện hàng đầu của tỉnh Minh Hải tại Lào và chứng minh được tôi là người của Mỹ cài lại, thì là tìm được bằng cớ cụ thể xác nhận lãnh đạo tỉnh Minh Hải có liên quan mật thiết với chương trình hậu chiến của Mỹ, đặc biệt ông Võ Văn Kiệt, người dựng nên nhóm lãnh đạo tỉnh Minh Hải, người ủng hộ việc sử dụng tôi làm sao thoát khỏi tay vạ có dính líu đến đám CIA Mỹ, từ trước năm 1975?!!!
Tưởng cũng nên kể lại sự việc vào năm 1968, sau biến cố tết Mậu Thân, lúc đó ông Võ Văn Kiệt còn làm Bí thư chỉ đạo Khu 9, gồm các tỉnh Miền Tây. Ông Kiệt đã từng chỉ đạo tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu – Sóc Trăng liên lạc với tôi, với tư cách là Dân biểu tỉnh Bạc Liêu, với tư cách là nhà báo có nhiều bài viết chống đối chế độ Thiệu, ý đồ của ông Kiệt muốn sử dụng tôi hoạt động cho Cộng sản từ năm 1968.
Chỉ đạo của ông Kiệt về việc móc nối tôi, ông Sáu Hậu, lúc đó là Bí thư tỉnh Sóc Trăng – Bạc Liêu, đã giao cho ông Năm Quân, Phó Bí thư tỉnh thực hiện. Ông Năm Quân và tôi, thời kỳ đó, có một lần quen biết nhau và gặp gỡ tại Cần Thơ. Trong lần đó, tôi có hứa sẵn sàng làm những việc gì tôi thấy có lợi cho cách mạng.
Nếu chứng minh được tôi là tình báo của Mỹ cài lại, sẽ chứng minh được ông Võ Văn Kiệt từ lúc làm Bí thư Khu 9 đã có quan hệ với người của Mỹ. Chứng minh được điều đó qua vụ việc tố giác tôi là người của Mỹ, ông Võ Văn Kiệt lại có quan hệ với tôi từ năm 1968, địa vị chánh trị và vai trò của ông Kiệt trong Đảng Cộng sản, coi như bị chấm dứt, đặc biệt là vào thời điểm ông Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư. Vụ án Cimexcol Minh Hải bề ngoài đích ngắm là Dương Văn Ba, nhưng bên trong mục tiêu số 1 là để hạ bệ Võ Văn Kiệt.
Âm mưu này ông Võ Văn Kiệt là người hiểu rất rõ. Cho nên 3 tháng sau khi tôi bị bắt, có một lần ông Võ Văn Kiệt lúc ấy vẫn còn làm Phó Thủ tướng, đã nhờ bà Bùi Thị Mè cho mời hai đứa con trai lớn của tôi đến gặp riêng tại nhà bà Mè. Ông Võ Văn Kiệt đã nói với hai đứa con tôi “Ba của hai cháu là nạn nhân của vụ án này. Bác không thể quên. Khi nào bác còn sống bác vẫn nhớ đến vụ này”.
Sự kiện ông Võ Văn Kiệt gặp riêng hai đứa con tôi làm cho tôi vô cùng cảm động về NGHĨA KHÍ của một người lãnh tụ Cộng sản Miền Nam. Ông Kiệt rất rõ ràng trong vụ cư xử như thế nào để thể hiện tác phong của một nhà lãnh đạo chân chính. Tôi rất biết ơn ông, khi mãi tới về sau này ông vẫn thường nói với nhiều người khác: “Người ta đánh Dương Văn Ba nhưng thực sự là để đánh tôi”.
D.V.B.
Hết
(Bản thảo này chấm dứt vào khoảng năm 2006
Sau này tác giả bị bệnh nặng nên không thể bổ sung, chỉnh sửa gì được nữa)
26-2-15
Nguồn: http://viet-studies.info/kinhte/DuongVanBa_20.htm