Trường hợp Trần Quang Cơ

Mấy ngày nay, cái tên Nguyễn Văn Linh tràn ngập báo chí lề phải, như một “kiến trúc sư” của Đổi mới. Toàn dân Việt Nam không còn phải XHCN (Xếp Hàng Cả Ngày), được làm ăn cá thể, là phải nhớ ơn ông Tổng Linh. Ấy, người ta muốn nhét vào đầu nhân dân điều ấy đấy!

Nhưng sâu xa là để chạy tội: dựng lên một công lao giả đối với Đổi mới (“công lao” của Nguyễn Văn Linh như thế nào, xin đọc Bên thắng cuộc của Huy Đức, thì sẽ rõ một phần), mà bỏ qua một tội ác thật: Nguyễn Văn Linh là tác giả chính của thỏa thuận Thành Đô – nói theo Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Ngoại giao thời đó –, khởi sự cho “một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm”.Chạy tội cho ông Tổng Linh, là chạy tội cho cả những người còn sống đang chịu trách nhiệm lãnh đạo cái Đảng mà ông Linh từng là đầu nậu.

Trong bối cảnh đó, hai bài báo của Huy Đức và của Đinh Hoàng Thắng dưới đây vinh danh khí phách Trần Quang Cơ, có một ý nghĩa đặc biệt. Đánh giá một nhân vật lịch sử chính là phải đứng ở góc độ dân tộc, chứ không phải trên lập trường của một đảng: Người đó đã làm gì cho đất nước, chứ không phải đã làm gì cho đảng. Lịch sử đã đánh giá Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống nghiêm khắc như thế nào, sẽ đánh giá những kẻ đang tâm bán đứng dân tộc qua thỏa thuận Thành Đô, mà di lụy của nó cho đến nay vẫn chưa biết hết, như thế ấy.

Tám trăm tờ báo hay tám ngàn tờ báo theo lệnh trên cũng không thể nào thay đổi được Lịch sử.

Bauxite Việt Nam

MỘT CÁI TÊN ĐÃ THÀNH DANH: TRẦN QUANG CƠ

Huy Đức

Tuy từ chối chức Bộ trưởng Ngoại giao, ông Trần Quang Cơ vẫn là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất lên đường lối đối ngoại của Việt Nam – không phải bằng quyền lực, chức vụ mà bằng những gì ông bạch hóa trong cuốn Hồi ức & Suy nghĩ được “leak” ra hồi đầu thập niên 2000s. Cuốn hồi ký có giá trị cảnh báo nguy cơ Việt Nam rơi vào thời kỳ Bắc thuộc mới.

Năm 1991, ông Nguyễn Cơ Thạch chịu nhiều áp lực phải rời khỏi chính trường. Chiếc ghế Bộ trưởng Ngoại giao được chuẩn bị cho ông Trần Quang Cơ nhưng ông từ chối. Khi Quốc hội đã nhóm họp, ông Trần Quang Cơ vẫn “công tác” ở Lào. Ông Đỗ Mười tưởng ông Cơ “đòi” cái ghế ủy viên Bộ chính trị nên hứa là nếu ông Cơ nhận, Trung ương sẽ bổ sung. Ông Cơ kiên quyết từ chối.

Thật tình cờ, tôi nhận được điện thoại của Đại sứ Đinh Hoàng Thắng báo ông Trần Quang Cơ đồng ý trả lời phỏng vấn khi đang ở trong Thành phỏng vấn Tướng Lê Đức Anh. Phải ngồi với cả hai mới thấy được sự khác nhau giữa họ về nhân cách, tầm nhìn; sự khác nhau giữa tham vọng quyền lực và lòng yêu quê hương đất nước.

Trong cuộc gặp vào chiều cùng ngày (có đại sứ Đinh Hoàng Thắng), tôi hỏi, vì sao ông lại không nhận chức Bộ trưởng Ngoại giao. Ông Cơ thẳng thắn: “Lúc ấy, trong Bộ Chính trị đã phân công cho Tướng Lê Đức Anh, Chủ tịch Nước, phụ trách quốc phòng, an ninh và ngoại giao. Tướng Lê Đức Anh là kiến trúc sư chính của Hội nghị Thành Đô. Nghị quyết Đại hội VII xác định đường lối ngoại giao đa phương. Nhưng chúng tôi biết rõ ‘phương ưu tiên’ của ông ta là ai, là ngược lại với chúng tôi, dẫu có nhận chức, trước sau cũng mất chức”. Tôi nói: “Tại sao anh không nhận chức rồi đấu tranh, nếu có mất chức vì bất đồng quan điểm thì lịch sử càng làm rõ ai công, ai tội”. Ông Trần Quang Cơ cười: “Cậu nghĩ là người ta sẽ cho tôi mất chức vì bất đồng quan điểm ư”. Khi ông Cơ nói điều đó, chưa xảy ra vụ “hai bao cao su” nhưng tôi cũng phần nào hiểu được.

Rồi các đồng nghiệp của ông Trần Quang Cơ sẽ đánh giá về sự nghiệp ngoại giao của ông. Nhưng, việc ông và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch bị gạt khỏi cuộc chơi hồi thập niên 1990s đã để lại một khoảng trống trí tuệ to lớn cho Hà Nội. Trong khoảng trống đó, người ta mặc sức sử dụng con ngoáo ộp “diễn biến hóa bình” những con ngoáo ộp “made in” Trung Quốc.

Chúng ta chỉ mới biết đến những mất mát ở thác Bản Giốc, bãi Tục Lãm, điểm cao 1509… Chúng ta còn rất ít biết đến những mất mát to lớn hơn: những cơ hội để cải cách chính trị; những cơ hội để cải cách kinh tế theo hướng thị trường; những cơ hội hội nhập sâu rộng hơn với các quốc gia tiến bộ; những cơ hội để ký BTA, đi trước Trung Quốc trong làm ăn với Mỹ.

Cho dù rất chia sẻ với quyết định của ông; vẫn kính trọng tài năng và tâm huyết của ông; không dám trách ông “bỏ cuộc chơi”… nhưng vẫn tiếc, vận nước vào những lúc khó khăn, lại quá thiếu vắng những con người tử tế.

Xin tiễn biệt ông. Ông ra đi nhưng người đời sẽ còn nhắc tên ông, một cái tên đã thành danh: TRẦN QUANG CƠ.

H. Đ.

Nguồn: FB Trương Huy San

***

KHÍ PHÁCH TRẦN QUANG CƠ

TS Đinh Hoàng Thắng

Ông Trần Quang Cơ (ở giữa, complet màu tối) đã tham gia quá trình bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ.

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ buổi giao ban năm ấy… Với sắc mặt thất thần, ông Trần Quang Cơ gần như gào to giữa phòng họp: “Mọi người biết không, người ta sắp cắt thủ cấp Nguyễn Cơ Thạch để dâng cho nước ngoài rồi”.

Đoán “triều đình” có biến, lũ chúng tôi (những đứa lần đầu được dự giao ban), chẳng ai bảo ai, im thin thít. Tôi cố gắng tập trung vào “Bản tin A” (*) nhưng đầu óc thì nghĩ mông lung.

Không tham quyền cố vị

Trước tháng 12/1986, đại sứ Trần Quang Cơ được Bộ triệu tập về họp. Khi trở sang nhiệm sở (Bangkok), ông kể lại với một cán bộ tâm phúc về quyết định của “anh Thạch” dự kiến điều ông về nước làm thứ trưởng ngoại giao và giới thiệu ông vào Ban Chấp hành TƯ Đảng.

Ông lưỡng lự trước đề nghị của Bộ trưởng và tâm sự: “Với cơ chế của ta thì không thể làm việc được”. Sợ ông từ chối cái ghế nhiều người đang mơ ước, cán bộ tâm phúc ấy nói với ông rằng, anh nên nhận lời anh Thạch. Cố nhiên, anh không đi thì “chợ vẫn đông”, nhưng anh làm sẽ tốt hơn khối người khác.

Thế mới biết, tại sao năm 1991, rồi năm 1993 ông lại đề nghị được rút khỏi danh sách Ban Chấp hành TƯ. Đặc biệt và có thể nói vô tiền khoáng hậu (xin lỗi nếu có ngoại lệ), ông từ chối cả cái ghế Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khi Tổng Bí thư Đảng đã có quyết định.

Khí phách Trần Quang Cơ hẳn nhiên đạt tới “đỉnh” khi ông quyết định công bố “Hồi ức và Suy nghĩ” khá sớm, khoảng đầu 2001. Chính nhà ngoại giao Dương Danh Dy cũng không hiểu vì sao được ông tín nhiệm, giao tận tay một lúc cả hai bản đánh máy. Thấy chắc chắn sẽ có ích cho cái chung, ông Dy góp thêm một số ý kiến, sau đó công khai đưa lên mạng.

Hồi ký Trần Quang Cơ lập tức trở thành sách gối đầu giường đối với nhiều nhà quan sát và giới cầm bút muốn có nguồn tư liệu trung thực để phân tích tình hình Việt Nam những năm hậu chiến, thậm chí để hiểu thấu được cả những sự kiện mà hệ lụy của chúng còn kéo dài mãi tới hôm nay và mai sau.

Cống hiến và phản biện

Trần Quang Cơ đóng góp nhiều cho Ngành từ những ngày ông về phụ trách Vụ 2, vụ đối sách với Mỹ, đàm phán tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia, bình thường hóa với Trung Quốc. Từ những năm ấy, ông đã xác quyết các ý đồ và âm mưu của Trung Quốc đối với Việt Nam, đặc biệt là âm mưu cướp biển đảo.

Và Trần Quang Cơ đã bảo vệ đến tận cuối cuộc đời mình tất cả những kế sách mà ông cho là hiệu quả trong cuộc đấu tranh không cân sức với Trung Quốc.

Trần Quang Cơ đã bảo vệ đến tận cuối cuộc đời mình tất cả những kế sách mà ông cho là hiệu quả trong cuộc đấu tranh không cân sức với Trung Quốc.

Ông đã lên tiếng kêu gọi phải khẩn trương trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và sớm gia nhập ASEAN. Triết lý sống còn về an ninh của đất nước được ông khái quát khá sớm: “Trong cái thế anh nằm ngay cạnh nước lớn, nước khổng lồ, mà không có bạn thì anh sẽ bị ép”. Đối với ông, chiến lược an ninh và đối ngoại phải hết sức linh hoạt, phải phù hợp với xu hướng chung của cục diện chính trị-kinh tế thế giới, nhất thiết phải tương thích với những đặc điểm lớn của thời đại đại.

Nhưng rồi ông cũng cay đắng đưa ra nhận xét, ngày ấy, ta đã làm những việc cần thiết đối với Mỹ và ASEAN “chậm trễ tới cả mười năm”.

Sau này, ngay cả khi đã “rửa tay gác kiếm” ông vẫn sẵn lòng cho chúng tôi biết thêm một số chi tiết giá trị trong cuộc vật lộn ngoại giao đằng sau các cuộc chiến, đặc biệt là những bão táp thời hậu chiến mà ông là người trong cuộc, có lúc từng là tác nhân và nhờ sự tỉnh táo mách bảo, biết rút ra sớm khỏi cuộc chơi trước khi có thể trở thành nạn nhân.

Phản biện thông minh và luôn có ý thức tích lũy để cống hiến. Từng là cán bộ địch vận, thuyết phục binh lính Pháp, cùng làm việc với nhiều “cây đa, cây đề” trong làng ngoại giao và văn hóa, một thời dưới trướng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ ngày chuyển về Bộ Ngoại giao, ông càng có cơ hội phát huy tầm nhìn xa trông rộng đối với các vấn đề mỗi khi góp phần vào việc đề xuất chính sách.

Có lẽ các phẩm chất tử tế nói trên đã làm Trần Quang Cơ thành danh như nhận xét của nhà báo tự do Huy Đức. Tuy nhiên, chiến cuộc ngoại giao mà suốt đời ông phụng sự một cách tận tụy thì vẫn còn đó… và đang hết sức nan giải.

Nhưng vận mệnh đất nước không thể cứ “bèo dạt mây trôi” như thế này mãi. Ông ra đi nhưng dường như vẫn muốn nán lại để hỏi chúng ta: “Những người đang sống phải làm gì?”

Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong của riêng tác giả, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên Trưởng Nhóm Tư vấn Lãnh đạo Bộ Ngoại giao.

Bản tin A: bản tin lưu truyền nội bộ hàng ngày của Bộ Ngoại giao

Đ. H. T.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/06/150629_tranquangco_profile

This entry was posted in Đảng CSVN, Trung Quốc. Bookmark the permalink.