“Các công dân mạng, họ xứng đáng là kênh thông tin cần phải quan tâm hàng đầu của các cơ quan Đảng và Nhà nước, trước hết là Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, hơn là đối tượng của A25 Bộ Công an!” (Mạc Văn Trang). Quả đúng vậy.
Tuy thế, vẫn phải nói thêm và nói rõ rằng gốc rễ vấn đề không phải Internet, mà là dân chủ. Báo chí bị kiểm soát nghiêm ngặt. Chỉ một tuần sau khi được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Doãn Hợp thẳng thừng và công khai tuyên bố: Báo chí “cứ đi đúng lề đường bên phải thì sẽ an toàn và được tự do” (http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/215043/Toi-han-che-viec-dung-ngoai-bao-chi-de-quan-ly-bao-chi.html).
Nhưng thế nào là “lề đường bên phải”? Trên thực tế, đó không phải là pháp luật, mà là mệnh lệnh (rất nhiều khi chỉ là lệnh miệng) của “cơ quan chức năng”. Không dựa chắc vào luật pháp, mệnh lệnh hôm nay có thể thế này, ngày mai có thể thế khác. Báo Du lịch đăng bài về chủ quyền biển đảo trước khi có lệnh, thì người chịu trách nhiệm là nhà báo Nguyễn Trung Dân bị mất chức; nhưng chì vài tháng sau, báo chí viết về Trường Sa, Hoàng Sa, vẫn được an toàn. Đã là mệnh lệnh, thì chỉ có cách là chấp hành!
Cho nên, đã xảy ra chuyện kỳ quái mà chắc chắn lịch sử báo chí Việt Nam sẽ ghi nhận như một hiện tượng có một không hai: tàu Trung Quốc cướp của, đánh đập ngư dân Việt Nam, lại được gọi là “tàu lạ”, “tàu nước ngoài”; ngay cả hiện nay, khi báo chí đã được bật đèn xanh viết về đề tài này, vẫn còn có tờ báo nơm nớp sợ hãi, cứ gọi là “tàu lạ”, “tàu nước ngoài” cho an toàn.
Cho nên, đã xảy ra chuyện ngày càng phổ biến: muốn nói được điều gì có ích, người viết phải cố công “tầm chương trích cú” một câu của lãnh tụ để che chắn cho mình. Thấy dân bị bịt miệng quá, nhà báo Thái Duy lấy nguyên văn lời cụ Hồ để đặt tên cho bài viết “Phải cho dân được mở miệng“. Cái thủ thuật ấy được ông sử dụng như một nguyên tắc: “Khi đặt bút, tớ luôn phải “dựa” vào cụ Hồ, không họ “thịt” tớ ngay!” (http://truongduynhat.vnweblogs.com/post/1545/33693).
Than ôi! Lãnh tụ dù có thiên tài đến đâu cũng không thể dự liệu hết mọi vấn đề. Cuộc sống thật hàng ngày hàng giờ đặt ra bao nhiêu vấn đề mới mẻ, đòi hỏi người ta phải giải quyết một cách sáng tạo. Cái mẹo nhỏ của nhà báo Thái Duy, do đó, cũng chỉ có tác dụng rất giới hạn. Trong thể chế hiện hành, người viết nào cũng nhiều lần day dứt vì không thể viết được điều mà lương tri thúc giục phải viết.
Cung cách quản lý báo chí hiện nay là đặc trưng cho chế độ toàn trị: người quản lý đảm nhận trách nhiệm chọn lựa thức ăn cho nhân dân. Nói cách khác, đó là cách ứng xử tự cho mình là cha mẹ, mà nhân dân chỉ là đứa trẻ hoàn toàn không có năng lực phân biệt thức ăn độc hại hay bổ dưỡng. Mặc cho bao nhiêu mỹ từ đề cao nhân dân, trên thực tế đó là sự khinh bỉ nhân dân cùng cực. Công dân mạng sở dĩ là “gương mặt tinh thần mới của xã hội”, chính là vì không chịu sự ràng buộc “lề trái lề phải” ấy.
Cái cung cách ấy làm khổ báo chí đã đành, mà còn làm khổ ngay cả những người quản lý có tâm huyết. Họ phải theo dõi chặt chẽ báo chí, lúc nào cũng trong tâm trạng dè chừng báo chí “đi lệch đường” và phải có biện pháp “chấn chỉnh” tức khắc, nếu không sẽ bị vạ lây.
Một nền báo chí như thế chỉ có tác dụng che giấu cuộc sống thật, tuy có làm yên lòng lãnh đạo. Nhưng như thế thì chừng nào mới có thể “chấn dân khí” như lời kêu gọi khẩn thiết của cụ Phan Châu Trinh xưa?! Xét cho cùng, đó là cung cách quản lý làm tổn hại “nguyên khí quốc gia”, làm cho cả dân tộc bị chấn thương mà không có thuốc chữa trị. Cái lề phải “an toàn và tự do” ấy về lâu dài sẽ đẩy chế độ vào chỗ hiểm nguy.
Anh Hoàng
Dịp 30/04 năm nay các phương tiện truyền thông luôn nhắc đi nhắc lại mấy khẩu hiệu “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”, “hòa hợp dân tộc”… Nhưng các nội dung, hình thức tuyên truyền vẫn chủ yếu là “ôn nghèo, gợi khổ, nhớ thù xưa”! Chưa thấy hé lộ những giải pháp gì mới. Trong khi đó các CÔNG DÂN MẠNG xuất hiện như một nhân tố mới, lực lượng mới, gương mặt tinh thần mới của sức mạnh đoàn kết và hòa hợp dân tộc lại không được nhắc đến. Các công dân mạng không chỉ “đoàn kết”, “hòa hợp” theo lối cũ mà kết nối toàn cầu thành “một làn sóng mạnh mẽ”… hành động cực kỳ mau lẹ, hết lòng vì dân, vì nước.
Một loạt sự kiện nóng bỏng gần đây liên quan đến an nguy quốc gia, danh dự dân tộc, trong khi các phương tiện truyền thông chính thống của Nhà nước còn chưa có thông tin đầy đủ, còn xin ý kiến, chờ chỉ đạo của các cấp trên, còn cân nhắc câu chữ… thì các công dân mạng đã nhanh nhạy loan tin, kịp thời phản ứng, kết nối dư luận của người Việt ở trong và ngoài nước khắp nơi trên thế giới để đấu tranh một cách quyết liệt và hiệu quả. Chỉ xin nêu lại vài sự kiên gần đây nhất.
Đó là vụ Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (NGS) cho xuất bản tấm bản đồ thế giới có những ghi chú sai lệch rất tinh vi. Nhưng một người có tên Mai Nghiêm ở Hoa Kỳ đã phát hiện bản đồ của NGS in tên quần đảo Hoàng Sa của nước ta với tên Trung Hoa là Xisha Qundao và dưới tên này họ lại để thêm chữ China màu đỏ. Anh liền loan tin cho bạn, bạn anh lai loan báo rộng rãi và ba anh Nguyễn Hùng (ở Úc), Lê Quang Long (ở Tân Tây Lan) và Ngô Khoa Bá (Hoa Kỳ) cùng nhau soạn ngay một thư phản đối gửi đến NGS (10/03/2010). Các anh cũng gửi ngay tin về cho các cơ quan thông tin trong nước và Chính phủ Việt Nam. Dư luận trong và ngoài nước cùng lên tiếng mạnh mẽ buộc NGS đã phải chấp nhận sửa lại bản đồ trên. Trong thông báo ngày 25/03 họ chấp thuận sẽ chỉ dùng tên Paracel Islands cho quần đảo Hoàng sa, và với những bản đồ chi tiết họ sẽ ghi chú thêm: “Trung Quốc đánh chiếm quần đảo này và Việt Nam đang đòi lại”. Như vậy chỉ trong vòng 15 ngày, mục tiêu đấu tranh với NGS đã đạt được.
Trong khi NGS có hành động sai lầm như trên bị công luận rộng rãi phản ứng thì Công ty Google không hiểu vô tình hay cố ý, cho công bố những bản đồ giữa Việt Nam và Trung Quốc với đường biên giới lệch hẳn vào trong lãnh thổ Việt Nam, mà trang mạng Bauxite Việt Nam đã kịp thời lên tiếng, kế đó bà Nguyễn Phương Nga đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức tuyên bố việc làm của họ là sai… Ba anh Nguyễn Hùng, Ngô Khoa Bá và Lê Quang Long lại viết liên tục 3 văn thư gửi đến Công ty Google để phản đối. Kèm theo thư là danh sách gần 100 người ở trong và ngoài nước đang sinh sống tại nhiều quốc gia cùng ký tên phản đối. Đồng thời các anh gửi thư cho Tổng bí thư Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Việt Nam biết tình hình và yêu cầu công bố tấm bản đồ chính thức của Việt Nam về biên giới Việt – Trung đã cắm mốc để làm cơ sở đấu tranh với Google…
Tiếp đó là vụ BBC tiếng Việt, ngày 17.04.2010 cho công bố bài: “TS. Đỗ Ngọc Bích – Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc”. Bài báo có tính xuyên tạc lịch sử, xúc phạm dân tộc Việt Nam… Và “có thể nói là một “quả bom tấn” không còn giới hạn trong thế giới ảo” (Ngô Minh Trí, BVN). Các công dân mạng, từ người bình thường đến các nhà sử học, nhà văn hóa học… ở trong và ngoài nước đồng loạt lên tiếng. Rồi các phương tiện truyền thông khác, các cơ quan có trách nhiệm cùng vào cuộc. Và ngày 19-10-2010, PGS Khoa Nhân học Erik Harms tại Đại học Yale (nơi cô Bích đang hợp đồng dạy thêm tiếng Việt cho một số sinh viên) đã kịp thời lên tiếng. Hóa ra cô Đỗ Ngọc Bích chưa đỗ “bà nghè” và không phải là giảng viên của Đại học Yale. Rõ thật là một bài báo vớ vẩn không đáng để tranh luận. Nhưng như bạn Hiền Chi có nêu một ý kiến chí lý: “Bài báo kém cỏi của một kẻ vô danh tiểu tốt hóa ra là phép thử hiệu nghiệm cho thấy tinh thần dân tộc của người Việt (nhất là các công dân mạng – MVT) nhạy bén đến mức đáng cho những ai hoài nghi nhất cũng phải xét lại mình, rằng một đất nước như thế thì không thể mất về tay bất kỳ kẻ thù xâm lược nào, cho dù chúng thâm hiểm đến đâu và cho dù có những kẻ cam tâm bán rẻ mình cho chúng” (BVN). Rồi búa rìu dư luận lại tập trung vào BBC tiếng Việt: “Giống như một giọt nước tràn ly làm cho bao nhiêu yếu kém của trang BBC tiếng Việt lâu nay khiến độc giả ấm ức mà chưa có dịp phát ngôn bỗng được thể bùng lên như một thùng thuốc súng phát nổ. Có tổ chức như Hội An Việt ở Anh Quốc đề xuất với Tổng giám đốc đài BBC sa thải ông Nguyễn Giang, phụ trách trang BBC tiếng Việt, là người chịu trách nhiệm về tất cả những yếu kém ấy, không những thế, còn là người có thái độ đối phó với độc giả trong vụ việc cô Bích, không nghiêm chỉnh và đàng hoàng… ” (BVN).
Còn biết bao nhiêu phản ánh nhạy bén, loan tin kịp thời, kiến nghị tâm huyết của các công dân mạng đầy tình yêu, tinh thần dũng cảm và trách nhiệm với dân, với nước, tạo nên một sức sống mới, bộ mặt tinh thần mới của xã hội ta ngày nay.
CÔNG DÂN MẠNG, họ là ai? Đó có thể là em thiếu niên, hay vị lão tướng, là bà nội trợ hay nhà khoa học, là anh xe ôm hay nhà doanh nghiệp, là người ở phía “bên này” hay “bên kia”, dù họ ở chân trời góc biển nào… các ý kiến của họ đều chân thành, vô tư (không vì tiền) và đều bình đẳng. Các công dân mạng, họ xứng đáng là kênh thông tin cần phải quan tâm hàng đầu của các cơ quan Đảng và Nhà nước, trước hết là Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, hơn là đối tượng của A25 Bộ Công an!
Với tất cả sự khiêm tốn của một tân công dân mạng, tôi có thể tuyên bố hùng hồn (mà không sợ lố) rằng: các công dân mạng người Việt, cùng một bọc Mẹ sinh ra, dù ở chân trời góc biển nào cũng luôn mang trong mình dòng máu yêu nước thiết tha. Khi bà con trong nước ngủ thì anh em ngoài nước thức, cùng nhau canh giữ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu!
Hà Nội, 01–05–2010
M.V.T
HD Mạng Bauxite Việt Nam biên tập