Biển Đông có “thỏa đáng” được không?

Phần đảo Hoàng Sa, Trường Sa theo đường lưỡi bò bỗng... thuộc vùng biển của Trung Quốc. Photo courtesy of UNCLOS

Phần đảo Hoàng Sa, Trường Sa theo đường lưỡi bò bỗng... thuộc vùng biển của Trung Quốc. Photo courtesy of UNCLOS

Cái bắt tay của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư – Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào kèm theo tuyên bố “nhất trí tìm giải pháp thỏa đáng cho Biển Đông” cùng với “món quà” thả 23 ngư dân bị giam giữ cả tháng trời, dường như đang báo hiệu một giai đoạn mới trong quan hệ “hữu nghị” Trung – Việt? Có thật như thế không?

Xưa nay, đã đi thăm nhau thì chủ hay khách đều thường có “quà”: Những tuyên bố mềm mỏng hơn, những động thái dàn hòa tích cực hơn để mở đường – dọn bãi cho những chì chiết, mặc cả trong hậu trường là điều lâu nay ai cũng biết. Riêng tôi, tôi nghi ngờ cái sự hân hoan chi vội ấy.

Thứ nhất, “thả” nhưng tịch thu tất cả máy móc, dụng cụ đánh bắt cá trị giá cả nửa tỷ đồng thì không thể gọi là “quà” được. Đó là chưa nói đến chuyện các ngư dân này đã từng bị bắt giữ và gia đình họ đã phải nộp phạt cho phía Trung Quốc để được thả người, thả tàu. Ai cũng biết rõ là về mặt chính thức, Việt Nam không bao giờ phải “nộp phạt” cho cái gọi là “vi phạm” trên vùng biển chủ quyền của mình. Vì thế mới sinh ra cái sự  nửa dơi nửa chuột của cái gọi là “thỏa đáng”.

Nghe ông Tiêu Viết Là, Thuyền trưởng kiêm chủ tàu QNg 50362-TS kể chuyện thì người dân Việt Nam (không chắc trong đó có các quan chức đương quyền hay không) biết rõ rằng “tình hữu nghị” của Trung Quốc thật đáng phỉ nhổ: “Ngay cả vỏ bao ốc anh em đánh bắt được bỏ trên tàu gặp nắng bốc mùi hôi thối cũng bị lấy sạch… Cả 12 anh em trên tàu khi bị bắt giữ chỉ còn mỗi cái quần đùi. Chỉ còn mỗi cái quần dài trên người thuyền viên Tiêu Viết Linh đang bận”… (VietnamNet, 23:20, 02.5.2010).

Thứ hai, thỏa đáng gì mà lại tăng cường tuần tra trên hải phận của người khác, tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo? Nói một đằng nhưng làm một nẻo là chuyện muôn năm của chủ nghĩa bá quyền. Quản Trọng (725 tr. CN – 645 tr. CN), ông tổ của Pháp gia, cha đẻ của chủ nghĩa bá quyền, cho rằng “nhất thu bách hoạch giả, nhân dã” (trồng một mà gặt được trăm ấy là dụng người vậy). Nếu những người có trách nhiệm và dư luận không hiểu cái ý thâm nho cùng tận ấy mà cứ tin vào cái “bề ngoài thơn thớt nói cười” thì nguy hại vô cùng.

Thứ ba, hai chữ “thỏa đáng” từ xưa đến nay chỉ có một nghĩa mà thôi: Cả hai bên cùng lùi và nhượng bộ lẫn nhau để cả hai cùng có lợi. Chẳng hạn, Mỹ và Nga cùng cắt giảm vũ khí hạt nhân với số lượng và chất lượng tương đương. Biển Đông cũng thế. Không thể thỏa đáng nếu như một bên đưa cái lưỡi của con hà mã ra hòng liếm sạch đến 90% rong biển trên Biển Đông, còn những quốc gia khác chỉ có 10% thì biết đến bao giờ mới thỏa đáng? Một ví dụ nữa: Mùa hạ, cá ở phương Nam di cư lên phương Bắc để tránh nóng với số lượng hàng tỷ con mà anh lại ra lệnh (!?) cấm đánh bắt cá thì chẳng khác gì anh muốn giành hết cá của người. Đó là ăn cướp chứ không có hữu nghị hữu nghiếc gì hết trơn hết trọi. Chúng ta hãy chờ xem mùa hè này Trung Quốc có ban cái lệnh quái gở cấm đánh bắt cá để cá tôm kéo nhau cả đàn cả lũ lên biển Bắc và chui hết vào nồi của Đại Hán hay không?

Mới nghe hai từ “thỏa đáng”, vài tờ báo của VN ta đã vội vàng hỉ hả. Rất mong mỏi rằng hãy từ từ cái đã. Họ đang “dụng” người, “sử” người tinh vi và hết sức bài bản đó. Đây là thời điểm vô cùng nhạy cảm của quan hệ Trung – Việt; nhất là cái kế sách giả hòa để tiến thì  người Trung Hoa luôn là bậc thượng thừa.

Dư luận đòi hỏi Chính phủ phải tỉnh táo để hiểu cho rõ, nhớ cho kỹ những ẩn ý thâm độc sau hai từ “thỏa đáng”. Hãy trả lời cho 23 ngư dân bị Trung Quốc bắt, bị bỏ đói, bị đánh đập tàn nhẫn hàng chục ngày liền rằng họ phải làm thế nào có đủ tiền để trả nợ ngân hàng, làm sao tiếp tục bám biển để mưu sinh và để trở thành những “cột mốc sống” của chủ quyền đất nước? Làm lãnh đạo mà vô cảm trước nỗi đau của dân, không bảo vệ được người dân thì lãnh đạo để làm cái gì?

Muốn thỏa đáng sao không bàn ngay bàn kỹ về Hoàng Sa, về Trường Sa, về cái lưỡi tham lam và tàn độc của con hà mã đi?

Trước mắt, chuyện cá mùa hè này, hãy xem ông Hồ Cẩm Đào tính sao đây?

Huế, 2:30, 3.5.2010

HVT

HO Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in Hoàng Sa, Trung Quốc, Trường Sa. Bookmark the permalink.