Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát động cuộc chỉnh đốn Đảng
Ở Việt Nam ngày nay nếu có vấn đề nào mà mọi người đồng thuận nhiều nhất chắc có lẽ là tham nhũng đang hoành hành như thế nào!
Thử hỏi mười người dân thì hết chín người có thể kể vach vách tham ở đâu và tham như thế nào.
Tuy nhiên đó phần nhiều là cảm nhận chứ ít có chứng cứ xác thực. Nhưng ngay cả người Nhật vốn đã quen liêm chính vậy mà sang Việt Nam cũng phải chạy tiền để được giao dự án đường sắt thì mới thấy quan tham ở Việt Nam tràn lan như thế nào – đến mức “làm hư hỏng” cả người ngoại quốc.
Chờ bao lâu nữa?
Như vậy thì “chuột”, nói theo cách của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, đã chạy lăng quăng cả bầy mà đến nay đã bắt được mấy con có máu mặt?
Mà Việt Nam đã có một “biệt đội săn chuột” quyết liệt nhất từ trước đến nay khi mà chống tham nhũng đã là một nhiệm vụ bao trùm của toàn khóa 11 với Nghị quyết Trung ương 4 tập trung vào những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng.
Nếu mà ném trúng được chuột thì mấy chục năm qua đã sạch sẽ được phần nào rồi chứ không phải để đến bây giờ chuột chạy tràn lan đến mức ném chuột không khéo có thể làm vỡ cả “bình quý”.
Nếu ném được thì ngày nay dân tình đâu có mất lòng tin như thế? Ngày xưa Đảng lấy công “đánh giặc ngoại xâm” mà “có uy tín” với dân bao nhiêu thì ngày nay đàn chuột tung hoành làm mất tín nhiệm của Đảng đối với dân bấy nhiêu.
Nếu ném được thì Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang đâu phải trần tình với cử tri là “tham nhũng rất khó xử lý” và nếu quyết tâm làm “thì sẽ đỡ hơn”.
Nếu ném được thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đâu phải khẩn khoản người dân phải kiên nhẫn, từ từ chứ đừng nên nóng vội.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói “ném chuột coi chừng vỡ lọ quý”
Nhưng người dân thì đã sốt ruột lắm rồi. Tình hình đất nước đã sốt ruột lắm rồi. Còn phải chờ Đảng chống tham nhũng thêm năm, mười năm hay bao nhiêu năm nữa?
Ngày nay người dân mấy ai mà không uất ức việc của cải tài nguyên đất nước bị bòn rút cho đầy túi các quan tham hay đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình bị quan trên bóc lột?
Đơn cử – trước hết tôi muốn xin lỗi những cảnh sát giao thông chính trực làm đúng chức trách – là tôi vẫn nghe trên các trang mạng xã hội lời ta thán về việc bị “chó vàng” “cắn cho mấy phát”. Cách gọi cho thấy sự căm phẫn đến mức nào! Hay việc cán bộ lương bổng chỉ hạn chế ra sao nhưng nhà cao cửa rộng cho con đi học nước ngoài thế nào thì dân người ta ai cũng biết.
Bên ngoài thì Trung Quốc đang gấp rút muốn nuốt trọn Biển Đông. Bên trong thì tham nhũng ăn cho đất nước mục ruỗng từ bên trong mục ra. Giặc ngoài chưa đến mà giặc trong đã tàn phá tan hoang cửa nhà thì mai mốt gặp chuyện thì lấy sức đâu mà chống giặc?
Giới hạn khó vượt qua?
Ông Nguyễn Bá Thanh được tin tưởng giao cho trách nhiệm chống tham nhũng
Tôi không hề coi nhẹ “quyết tâm chống tham nhũng” của Đảng, nhất là trong nhiệm kỳ hiện nay.
Hết kỳ Đại hội này đến Đại hội khác Đảng đều ý thức được tham nhũng là một trong những nguy cơ hàng đầu đe dọa sự tồn vong của chế độ. Nhưng từ nói cho đến làm lại là một khoảng cách xa vời vợi.
Ít nhất khóa 11 đã mở một cuộc vận động “chỉnh Đảng” lớn với việc “phê và tự phê” muốn làm sâu rộng trong toàn Đảng, đã muốn kỷ luật “một ủy viên Bộ Chính trị” nhưng không được chấp nhận. Ít nhất trong điều kiện vào Trung ương khóa 12 Đảng, đã xác định một tiêu chuẩn là không chọn người có “dấu hiệu giàu quá nhanh”.
Ít nhất Đảng đã tái lập Ban Nội chính và giao việc chống tham nhũng vào tay người “nói được làm được” là ông Nguyễn Bá Thanh. Ít nhất đã không dưới mười chuyên án tham nhũng lớn được xác định và có người đã phải lãnh án tử hình.
Đảng cũng đã có một bước đi mới sơ khởi nhưng tôi cho là có ý nghĩa. Đó là đề án tinh giản biên chế đã bàn trong Hội nghị trung ương 10 vừa qua với nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Nếu làm được việc này, theo tôi hiểu, thì Nhà nước sẽ có ngân quỹ lớn hơn để nuôi bộ máy làm việc nhỏ hơn để họ không có nhu cầu tham nhũng nữa.
Những bước tiến tuy là có nhưng so với hiện trạng thì vẫn chưa thấm vào đâu.
Dương Chí Dũng đã bị kết án tử hình
Tuy nhiên lúc này thì ông Thanh đã qua đời, trong khi gần cuối nhiệm kỳ Đảng đang tập trung lo cho Đại hội 12 thì công việc chống tham nhũng lúc đầu gióng trống phất cờ thì hiện giờ có bị bỏ lơ? Và không biết liệu khóa tới có làm quyết liệt hơn so với khóa này hay không?
Đành rằng ném chuột là một việc vô cùng khó. Ai cũng biết chuột là loài chuyên ăn trộm nên giỏi trốn chui trốn lủi. Ném được đã khó mà ném được khi nó chạy quanh cái “bình quý” thì càng khó bội phần.
Nói gì thì nói nhưng câu nói của Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cho thấy việc chống tham nhũng ở Việt Nam có một giới hạn không thể vượt qua: đó là chiếc “bình quý”. Rõ ràng những nước khác chống tham nhũng thì không có cái “bình quý” đó để mà sợ vỡ.
Chiếc bình đó được xem là quý, theo tôi hiểu, vì nó được tạo nên bằng “xương máu” của biết bao nhiêu người. Giả sử lũ chuột từ ở đâu chạy đến thì không nói làm gì chứ nếu lũ chuột đó đi ra từ cái bình quý và cái bình chính là nơi sinh sôi nảy nở của lũ chuột thì cho dù nó có quý thì giá trị của nó cũng bị giảm đi ít nhiều.
Vấn đề đặt ra là nếu lũ chuột khôn ngoan đã biết rõ giới hạn nên cứ “dựa hơi” mà chạy quanh chiếc bình quý đó thì có ném được không?
Vũ khí lợi hại?
Lực lượng đối lập sẽ giúp Việt Nam chống tham nhũng tốt hơn?
Và “phê và tự phê” mà Đảng xem là vũ khí hiệu quả như việc đánh răng rửa mặt hằng ngày lâu nay có túm được con được con nào trong số lũ chuột giảo hoạt kia không? Bởi lẽ tôi đã tham nhũng thì tôi có tự phê cho mình ra tham nhũng hay không? Hoặc là tôi dại gì phê xấu người khác để họ lôi cái xấu của tôi ra? Rồi còn tâm lý nể nang, ngại va chạm của số đông người Việt hay có người lợi dụng việc phê để thực hiện ý đồ không trong sáng.
Thành ra là hòa cả làng. Đó là chưa kể phê và tự phê lần đầu còn có thể coi như nghiêm túc nhưng làm riết thì tự dưng trở thành nhờn nhạt, không có tác dụng và chỉ còn là hình thức mất thời gian.
Nói tóm lại là “phê và tự phê” là một công cụ chống tham nhũng mang nặng tính chủ quan, duy ý chí của Đảng. Nó cũng không khác gì một vũ khí khác mà gần đây được giương lên như chiếc chìa khóa vạn năng: “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.
Thử hỏi trên đời ai mà không vì mình và gia đình mình trước tiên? Tất nhiên cũng có người cá biệt nhưng không thể đòi hỏi ai cũng phải tuyệt đối hy sinh bản thân mình vì dân vì nước. Nhất là khi việc vào Đảng đã gắn chặt với được thăng quan tiến chức chứ không còn là hy sinh gian khổ như trước thì mấy ai không tận dụng để mà “bóc hốt”?
Đảng đã thấy rõ cơ chế sinh ra tham nhũng như lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói “trong điều kiện Đảng ta là đảng cầm quyền, hoạt động trong môi trường phát triển kinh tế thị trường, cán bộ, đảng viên hàng ngày hàng giờ tiếp xúc với hàng và tiền, gắn liền với lợi ích cá nhân”. Trong hoàn cảnh đó thì cách xử lý không thể nào là “chăm lo giữ vững bản chất cách mạng” và “tích cực kiên trì rèn luyện” như ông Trọng kêu gọi được.
Ở đây phải thấy rằng không thể hy vọng vào ý thức của cá nhân trước những điều đã là bản chất tự nhiên của con người. Rõ ràng điều kiện để tạo tham nhũng đủ đầy như thế thì liệu có thể nào trông chờ ý thức của mỗi người hay không? Liệu có bao nhiêu người thấy tiền bạc dễ dàng như thế mà không sáng mắt? Nhất là với đồng lương bèo bọt không đủ sống của cán bộ, Đảng viên thì giữ liêm sỉ có mà đói nhăn răng trong khi người khác ăn thì giàu muôn vạn.
Đồng lương có xứng?
Nội thất nhà ông Mạnh từng làm cho mọi người bàn tán
Ở đây tôi muốn nhắc đến câu chuyện chiếc “ngai vàng” của ông Nông Đức Mạnh vốn đã làm xôn xao dư luận. Chuyện cái ghế ngồi của cựu tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam đẹp xấu thế nào tôi không bàn tới, vì mỗi người có sở thích riêng.
Nhưng nếu một người đã từng lãnh đạo một Đảng cầm quyền mà ở Việt Nam cũng có nghĩa là nắm vận mệnh dân tộc trong một thời kỳ và nếu ông làm được lợi lạc cho đất nước thì việc ông có cuộc sống giàu có cũng chả sao.
Vấn đề là, lương bổng của một tổng bí thư liệu có đủ đảm bảo cho một cuộc sống vương giả đó hay không? Rõ ràng không ai có bất cứ bằng chứng gì để nói đó là của cải bất chính nhưng ở chỗ cần phải xác minh để làm yên lòng dân thì Đảng lại im hơi lặng tiếng trong khi lời nói “chống tham nhũng không có vùng cấm” vẫn còn nghe văng vẳng bên tai.
Tương tự, các bộ trưởng nội các phải chăm lo mọi mặt cuộc sống hàng chục triệu người dân thì việc họ giàu sang hơn người thì cũng không có gì là quá đáng. Với lại ai mà không muốn nhà cao, cửa rộng, con cái học nước ngoài? Thế nhưng lương bộ trưởng chỉ có 14, 15 triệu đồng Việt Nam, liệu có xứng đáng? Và tại sao với đồng lương như vậy mà họ vẫn sống “khỏe re” như có đại biểu Quốc hội đã chỉ ra?
Chẳng thà trả công hậu hỹ cho tương xứng với trách nhiệm và công sức như cách làm của Singapore, còn hơn là hô hào lòng chính trực và sự liêm chính suông để người ta bòn rút, đục khoét một cách bất minh.
Tiền lương cán bộ công chức có đủ để xây căn biệt thự như của ông Trần Văn Truyền?
Mà cái nghề hễ hám mùi tiền riết sẽ thành quen. Lòng tham thì không có đáy. Ăn một muốn được hai. Có hai thèm được ba. Một khi đã quen hơi tiền thì con người sẽ trở nên tha hóa vô độ. Khi đã biết vòi vĩnh thì đã vứt liêm sỉ của mình vào sọt rác.
Ăn được là sẽ ăn đến tán tận lương tâm như vụ ăn chặn đến 250 triệu đồng trong tổng số 280 triệu đồng hỗ trợ người nghèo ở Nghệ An mà báo Dân Trí đã đưa tin. Ăn đến mức không còn tự trọng như một số cảnh sát giao thông bị người dân miệt thị, khinh khi bằng những ngôn từ như “xin đểu”, “cướp đường”, “mãi lộ” mà vẫn ăn. Chưa kể nó còn tạo ra sự giả dối vì trong lòng biết rằng mình không thể không ăn nhưng ngoài mặt vẫn nói nào là học tập, nào là đạo đức.
Trăm thứ đổ đầu dân
Đối với người dân thì cuộc sống họ đã khổ cực trăm bề nay lại bị đè thêm hàng trăm thứ phí “không tên” từ giao thông, giáo dục, y tế cho đến hành chính, xin việc… Đối với doanh nghiệp, đáng lẽ họ phải được tạo điều kiện làm ăn để tạo ra của cải cho xã hội thì họ lại bị làm khó dễ đủ điều. Đối với Nhà nước, bộ máy sẽ bị lọt vào những con người không làm được việc đã đành mà chỉ biết phá hoại.
Và đối với Đảng cầm quyền, sẽ có những người kéo bè kéo cánh tạo thành “dây mơ rễ má” để bảo vệ lợi ích của mình như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã từng nói. Người cần quyền lực thì đem quyền lợi ra mua chuộc. Kẻ cần quyền lợi sẽ bầu cho người đó có quyền lực. Người ngay thẳng bị gạt ra bên lề trở thành thân cô thế cô. Kết quả là tạo thành thành trì của các nhóm lợi ích trong Đảng. Lời tâm huyết của một đảng viên lâu năm như cố luật gia Lê Hiếu Đằng rằng Đảng ngày nay đã trở thành Đảng của “nhóm lợi ích” không phải không đáng suy nghĩ.
Tình hình đó đã kéo dài dai dẳng mấy chục năm nay chứ không phải mới ngày một ngày hai nên đã ăn sâu lan rộng. Nó khiến cho việc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Và cũng trong suốt mấy chục năm đó chế độ độc đảng cầm quyền đã khiến cho dân trở nên không dám ho he, báo chí có giám sát thế nào cũng chỉ là công cụ của Đảng, pháp trị không bằng Đảng trị thì chống tham nhũng kiểu gì?
Bởi lẽ một Đảng quyền lực như thế – nói trời là trời, chỉ đất là đất – thì không có người dân nào, đảng đối lập nào, báo chí nào hay pháp luật nào mà đứng ra chỉ mặt đặt tên hay trừng trị tham nhũng trong Đảng. Và tất cả việc chống tham nhũng phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí chủ quan của Đảng. Mà mình trị người của mình thì làm sao tránh khỏi chuyện du di hay có giới hạn như chiếc “bình quý”?
Cơ chế xin-cho
Làm sao để bộ máy Nhà nước Việt Nam sẽ có những người có tài năng thật sự?
Khổ nỗi cơ chế độc đảng đó là nguồn cơn tạo ra tham nhũng ngay từ đầu. Đó là quyền lực không phải dân giao mà là Đảng có nên tạo ra cơ chế xin-cho. Từ tài nguyên cho đến chức vụ cái gì cũng của Đảng nắm hết, nên ai muốn xin thì xin và ở trên muốn cho là cho. Thành ra ngành nào cũng đầy con ông cháu cha hoặc có những người bỏ tiền ra mua chức tước. Không phải không có người được việc nhưng đa phần làm việc thì nhác mà kiếm chác thì nhiều.
Có một điều chắc chắn là lý tưởng của Đảng Cộng sản là muốn xây dựng một xã hội “tốt đẹp, ưu việt không còn bóc lột”. Nhưng để đến đó thì lại tạo điều kiện cho tham nhũng hoành hành trong khi xã hội tốt đẹp đó mãi vẫn chưa thấy đâu.
Nói tóm lại để triệt tận gốc tham nhũng thì phải tạo cho được “ba không” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ ra: “cơ chế để không thể tham nhũng, biện pháp trừng trị để không dám tham nhũng và điều kiện đảm bảo để không cần tham nhũng”.
Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, tiền ngân sách không có bao nhiêu thì làm sao trả cho người ta để “không cần tham nhũng”? Trong khi đó doanh nghiệp Nhà nước “đốt tiền” không biết bao nhiêu mà kể. Còn “không dám” hay “không thể” tham nhũng thì nó đã nằm trong cơ chế độc đảng rồi liệu có sửa được không?
Và nếu không làm được “ba không” mà chỉ trông chờ vào “tuyên truyền giáo dục để nâng cao đạo đức, xây dựng liêm chính” thì e rằng có ném hoài cũng không bao giờ bắt được chuột!
N.L
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/06/150613_vn_corruption_fight_analysis