Mặt trái của thương mại tự do có thể là một cái bẫy, nhưng xét về bản chất, là một hiện tượng tất yếu của kinh tế thị trường.
Vấn đề là, một chính phủ trước khi quyết định tham gia vào dòng chảy của thương mại tự do phải chuẩn bị trước những điều kiện cần thiết để phát huy tối đa mặt tích cực và giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của những mặt trái của thương mại tự do.
Một trong những mặt trái của thương mại tự do được tác giả Trần Lê Anh phân tích là những lo ngại về thâm hụt thương mại. Hơn nữa, không còn là “sự lo ngại” nữa, mà đã là một thực tế, lên đến 12,8% trong năm 2008. Trong sự thâm hụt thương mại được tác giả đề cập, sự thâm hụt thương mại trong quan hệ thương mại với Trung Quốc đã chiếm tới 11,0 tỷ USD, tức 91,0% tổng thâm hụt thương mại Việt Nam năm 2009.
Một trong những nguyên nhân thâm hụt thương mại được tác giả đề cập trong bài viết là việc nhập khẩu một số lớn nguyên liệu và phụ tùng để phục vụ cho các ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu, biến Việt Nam thành một “xưởng gia công” vĩ đại. Xưởng gia công này bị chi phối rất mạnh bởi nguồn cung cấp phụ tùng và nguyên liệu nước ngoài, đặc biệt là sự chi phối về giá thành, làm cho năng lực cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu trở nên hết sức bấp bênh.
Tác giả đã đưa ra một phân tích rất đáng chú ý, là để trang trải nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu và phụ tùng, trong khi dòng ngoại hối từ FDI và kiều hối giảm mạnh, Chính phủ đã buộc phải tiêu bớt dự trữ ngoại tệ, đồng thời đã hai lần quyết định phá giá đồng tiền (5,4% trong tháng 11 năm 2009 và 3,4% trong tháng 2 năm 2010). Đáng lẽ ra, sự phá giá đồng tiền có thể dẫn đến hiệu ứng tích cực là nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tăng mạnh xuất khẩu, giảm bớt thâm hụt thương mại, nhưng vì không có được nền tảng về nguồn nguyên liệu và công nghiệp phụ trợ, nên đã dẫn đến hiệu ứng ngược lại, là nhập khẩu tăng và đương nhiên, thâm hụt thương mại lại lâm vào một tình trạng bi quan hơn, được dự báo là 13,4% trong năm 2010.
Tác giả đưa ra những nhận xét mạnh dạn (nhưng chuẩn xác), là chưa nhìn thấy một triển vọng lạc quan nào về khả năng kiềm chế sự thâm hụt thương mại, vì cái mà tác giả gọi là “động cơ tăng trưởng của nền kinh tế” của Việt Nam hiện nay trước hết là nhằm vào các ngành sản xuất rất kém hiệu năng kinh tế. Đó là các ngành sản xuất dùng nhiều lao động và xuất khẩu nguyên liệu (có thể nói rõ hơn, là các ngành khai thác tài nguyên khoáng sản), đồng thời là sự thiếu vắng các ngành công nghiệp phụ trợ. Cộng thêm thị hiếu tiêu dùng sùng ngoại càng tạo thêm áp lực cho sự thâm hụt thương mại.
Cuối cùng, tác giả đã đưa ra một nhận xét có thể là đụng chạm tới một vấn đề “nhạy cảm”, là những đặc quyền của khu vực kinh tế nhà nước. nhất là đặc quyền về tín dụng và các khoản trợ cấp (Đặc điểm này đã được nhiều nhà nghiên cứu trong nước bàn đến). Tác giả lưu ý rằng, doanh nghiệp nhà nước hiện nay sản xuất kém hiệu quả, trong khi chúng đang chiếm tới 35% GDP. Đương nhiên, tác giả chưa bàn đến một đặc điểm khác của các doanh nghiệp nhà nước, đó là những đứa con được cưng chiều, luôn có cách để tìm đươc sự bảo trợ của Nhà nước để không phải đối mặt với cạnh tranh.
Bản phân tích của tác giả Trần Lê Anh tuy ngắn, nhưng là một bản phân tích rất chuẩn xác về những lo ngại trước các mặt trái của chế độ thương mại tự do, ở đây, tác giả chỉ mới bàn đến một vấn đề, là sự thâm hụt thương mại.
Bản phân tích cung cấp cho chúng ta những thông tin giá trị về những vấn đề cần quan tâm trên bước đường hội nhập vào quá trình tự do hóa thương mại, đồng thời cũng là một gợi ý quan trọng để tiếp tục đi sâu phân tích những vấn đề nẩy sinh trên con đường hội nhập.
Tác giả còn để ngỏ một nguy cơ quan trọng nữa, đó là sự can thiệp tùy tiện, nhưng đầy quyền lực của các cấp chính quyền vào hoạt động kinh doanh trong điều kiện tự do hóa thương mại, trong đó, người ta mở cửa bình đẳng cho mọi đối tác kinh tế. Kết quả là kẻ xâm lược ngoại bang sẵn sàng lợi dụng, đẩy các cấp chính quyền đến những quyết định tùy tiện, như cho nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn, cho nước ngoài thắng thầu khai thác tài nguyên, không cứu xét tới những nguy cơ an ninh, quốc phòng.
Với tất cả những ý nghĩa quan trọng được làm sáng tỏ trong bản phân tích, chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của tác giả Trần Lê Anh.
GS Vũ Cao Đàm
Với việc thực thi Hiệp định Thương mại Song phương Việt Nam-Hoa Kỳ và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nền kinh tế của Việt Nam giờ đã hội nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu. Thương mại hàng hóa chiếm hơn 150% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trong khoảng thời gian từ 2001 đến 2008, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng hơn ba lần, đạt gần 63 tỉ USD trong năm 2008. Sự suy thoái kinh tế toàn cầu đã đẩy xuất khẩu của Việt Nam xuống dưới 57 tỉ USD trong năm ngoái, nhưng nó được dự báo là sẽ phục hồi trở lại trong năm nay khi nhu cầu ở Mỹ và các thị trường xuất khẩu quan trọng khác tăng lên.
Mặc dù vậy, điều này không làm giảm bớt những lo ngại về thâm hụt thương mại gia tăng của Việt Nam, khi mà con số này đã lên đến bằng 12,8% GDP trong năm 2008. Thâm hụt thương mại đều đặn không hẳn là tiêu cực, đặc biệt là khi nó đưa đến việc nhập khẩu máy móc và công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng, trường hợp của Việt Nam là có vấn đề với những lý do sau:
Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu và phụ tùng để phục vụ cho guồng máy xuất khẩu, đặc biệt là cho các ngành công nghiệp may mặc và giày dép. Điều này chứng tỏ Việt Nam thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ cần thiết để thu lợi ích kinh tế lớn hơn từ xuất khẩu và đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa. Sự lệ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu đầu vào cũng làm cho kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương bởi những thay đổi từ thị trường bên ngoài, bao gồm cả sự biến đổi nhanh chóng của giá cả hàng nguyên liệu.
Thâm hụt thương mại gia tăng của Việt Nam với Trung Quốc kể từ năm 2001 là một nguyên nhân đặc biệt đáng quan tâm. Trong năm 2009, thâm hụt với Trung Quốc lớn hơn 11 tỷ USD, chiếm hơn 91% tổng thâm hụt thương mại của Việt Nam.
Thách thức từ hàng nhập khẩu Trung Quốc, vốn đã đe dọa sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước, có thể gia tăng khi Việt Nam tham gia vào tự do hóa thương mại hơn nữa thông qua Khu vực Thương mại Tự do Asean – Trung Quốc – điều này sẽ cho phép một tỷ lệ lớn hơn của hàng hóa Trung Quốc vào thị trường Việt Nam mà không phải chịu thuế nhập khẩu từ năm 2015.
Thâm hụt thương mại cũng làm giảm phạm vi xoay sở kinh tế vĩ mô. Năm ngoái, khi các nguồn chính của dòng ngoại hối chảy vào, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối, giảm mạnh, Chính phủ đã buộc phải tiêu bớt dự trữ ngoại tệ để trang trải cho các đơn đặt hàng nhập khẩu vẫn cao. Trong một nỗ lực nhằm bảo tồn lượng dự trữ đang giảmvà kiềm chế thâm hụt thương mại, Chính phủ đã hai lần phá giá tiền đồng – 5,4% trong tháng 11 năm 2009 và 3,4% trong tháng 2 năm nay.
Tuy nhiên, những can thiệp này đã không thu hẹp được khoảng cách thương mại. Trong quý một năm 2010, giá trị nhập khẩu tăng gần 38% trong khi xuất khẩu giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổ chức Economist Intelligence Unit dự báo rằng Việt Nam sẽ phải đối mặt với thâm hụt thương mại khoảng 13,3 tỉ USD trong năm nay, tương đương với khoảng 13,4% của con số GDP được dự báo là 99.3 tỉ USD.
Việc phá giá tiền đồng đã làm phức tạp thêm những nỗ lực của Việt Nam trong kiềm chế lạm phát. Các chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng được sử dụng trong lúc cuộc suy thoái của nền kinh tế toàn cầu đang ở đỉnh cao đã giúp Việt Nam duy trì được tỉ lệ tăng trưởng kinh tế ở mức 5,3% vào năm ngoái, nhưng chúng đã làm gia tăng áp lực lạm phát.
Do tiền đồng bị suy yếu, giá nhập khẩu của các sản phẩm và nguyên liệu đầu vào đã tăng lên và thúc đẩy lạm phát cao hơn. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu không để tỷ lệ lạm phát lớn hơn 7% trong năm nay. Nhưng có rất ít các nhà phân tích tin rằng điều này có thể đạt được, mặc dù đã có một số biện pháp để kiềm chế tăng giá và kiểm soát các chính sách nới lỏng trước đây.
Sự thiếu vắng của các giải pháp dễ dàng để kiềm chế thâm hụt thương mại bắt nguồn từ các động cơ tăng trưởng chính của nền kinh tế. Xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào các sản phẩm đòi hỏi nhiều lao động và các mặt hàng nguyên liệu. Nói chung, đây là những hàng hoá có giá trị gia tăng tương đối thấp, rất khó làm tăng mạnh giá trị xuất khẩu để giảm bớt thâm hụt thương mại.
Chính phủ cũng không có một kế hoạch rõ ràng để xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ để thúc đẩy sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao hơn. Nỗ lực để thúc đẩy một số sản phẩm thay thế nhập khẩu vẫn chưa có kết quả khả quan do thiếu hiệu suất kinh tế và áp lực cạnh tranh từ các nhà sản xuất có giá thành thấp của Trung Quốc
Tầng lớp trung lưu ngày càng khá giả hơn của Việt Nam cũng có xu hướng thích sản phẩm nhập khẩu hơn là các sản phẩm nội địa khi họ có khả năng mua chúng. Do đó, nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu cũng đã góp phần làm cho thâm hụt thương mại cao một cách bướng bỉnh. Các nhà kinh tế cho rằng cách duy nhất để thu hẹp khoảng cách nhập khẩu là tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng cải thiện khả năng cạnh tranh.
Theo đây, cải cách sâu hơn khu vực kinh tế nhà nước, hiện đang chiếm gần 35% GDP, sẽ giúp [việc cải thiện này]. Các doanh nghiệp nhà nước được hưởng nhiều đặc quyền, chẳng hạn như có cơ hội thuận lợi tiếp cận tín dụng và trợ cấp, nhưng nhìn chung rất thiếu hiệu suất. Buộc các doanh nghiệp nhà nước họat động có hiệu suất hơn và theo các quy tắc thị trường sẽ tháo gỡ được một lực cản lớn cho nền kinh tế.
Các nhà hoạch định chính sách kinh tế Việt Nam cũng cần phải đưa ra một kế hoạch hành động có ý nghĩa để thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ phù hợp với nhu cầu phát triển rộng rãi hơn của đất nước. Nhật Bản đã sẵn lòng để giúp đỡ. Với việc thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, sẽ có cơ hội để tham gia sản xuất chung các sản phẩm có giá trị gia tăng cao để xuất khẩu sang thị trường Nhật.
Nếu không có một cam kết cao hơn của các nhà lãnh đạo đất nước để cải cách và tái cấu trúc, nhập khẩu sẽ tiếp tục vượt qua xuất khẩu và góp phần tạo ra những bất ổn và rủi ro trong nền kinh tế thị trường vẫn còn đang chuyển đổi của Việt Nam.
Như Quỳnh dịch (theo Asia Times)
Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-04-13-viet-nam-cam-nhan-mat-trai-cua-thuong-mai-tu-do