Lũ là tiểu thuyết luận đề, tiếp theo bộ tiểu thuyết Dòng đời (xuất bản năm 2006), hai tập hơn 700 trang của Nguyễn Trung ra mắt bạn đọc tháng 8 năm 2012. Lũ miêu tả tình trạng đất nước thống nhất sau 37 năm mà vẫn chưa thống nhất được lòng người; thể chế độc tài cản trở hòa giải hòa hợp dân tộc; tình trạng thiếu dân chủ pháp quyền khiến cho tham nhũng trở thành quốc nạn; bởi ngoan cố kiên trì ý thức hệ xã hội chủ nghĩa mà phải chịu khuất phục trước Trung Quốc, bị chúng chèn ép như một chư hầu. Lũ cho thấy nếu không đổi mới chính trị, trả quyền dân về cho dân thì không thể thoát khỏi khủng hoảng toàn diện, Đảng sẽ ngày càng suy thoái, nhân dân cạn kiệt niềm tin, kinh tế trì trệ, đất nước dặt dẹo, không thể thoát khỏi lệ thuộc ngoại bang…
Rồi ba năm vừa qua, thực tế đất nước diễn ra cho thấy những dự báo của Lũ là chính xác. Hồi ấy, chưa có Nghị quyết 4 Trung ương khẳng định “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên kể cả cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng”. Hồi ấy, chưa có “Kiến nghị 72” về sửa đổi Hiến pháp, được hàng vạn nhân dân hưởng ứng đặt ra yêu cầu: Vì một xã hội tự do, dân chủ, công bằng và pháp quyền, vì hạnh phúc của các thế hệ hiện tại và tương lai, Đảng cầm quyền phải chấp nhận cạnh tranh chính trị, do nhân dân bầu chọn, phù hợp với xu thế thời đại, tạo điều kiện cho sự phát triển đất nước. Hồi ấy, chưa có Thư ngỏ của 61 đảng viên ưu tú gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng và toàn thể đảng viên yêu cầu thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa, kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế để phát huy thế mạnh chính nghĩa của nước ta. Hồi ấy, chưa có những hội đoàn do các tầng lớp nhân dân thực thi quyền dân sự và chính trị tự động lập ra. Và hồi ấy, cũng chưa có nhiều người chỉ vì dám nói những lời trung thực mà bị cầm tù, có quá nhiều người chết trong đồn công an khi bị tạm giam… Có lẽ những sự kiện sôi động bức bách liên tục diễn ra suốt ba năm qua đã thôi thúc Nguyễn Trung phải viết lại Lũ.
Trước khi đọc một tác phẩm, chắc bạn đọc cũng muốn biết chất lượng nghệ thuật của nó ra sao. Trong đôi lần tâm sự với bạn bè, Nguyễn Trung chân thành tự nhận xét: Muốn phục vụ lợi ích dân tộc, “không thể không đoạn tuyệt với ý thức hệ” và “Truyện viết chỗ này có lẽ nghệ thuật văn chương còn kém nên chưa lột được hết tinh thần này.” Anh thẳng thắn: “Chuyện văn chương theo nghĩa văn học chẳng có ý nghĩa gì ngoài cái chức năng tôi ốp cho nó với tất cả bạo lực thô thiển của mình để nó chuyển tải suy nghĩ của tôi – nếu có ai đó muốn khép tôi vào tội cưỡng hiếp văn học, tôi cũng sẵn sàng nhận án […]”. (Xem: Trả lời Lữ Phương). Tuy tác giả sẵn sàng xin nhận án, nhưng cho đến nay chưa thấy các nhà phê bình văn học lên tiếng khép tội ông. Trong khi đó, nhiều trí thức tên tuổi nhận ra nét đặc sắc của cây bút Nguyễn Trung. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng khi đánh giá Dòng đời đã cho rằng, nên thể tất cho tác giả việc phải “cưỡng ép văn chương”, bởi đã “cố gắng có cái nhìn toàn diện, tổng hợp, nhưng không thể nào mô tả hết được các sự kiện, nên đành phải tìm cách thể hiện qua đối thoại”. Giáo sư Cao Huy Thuần đặt câu hỏi “Tiểu thuyết chăng?” và khẳng định: “Tất nhiên rồi!”, cuối cùng nhận xét rất xác đáng: “Nhưng chưa thấy ai viết tiểu thuyết như thế. Tâm lý thể hiện qua đối đáp. Đối đáp thay thế cho mô tả. Đọc truyện mà có cảm tưởng như xem kịch trên sân khấu”. Hay hoặc chưa hay, thích hoặc không thích, việc đó tùy cái “tạng” của mỗi người đọc, nhưng chắc chắn Nguyễn Trung có phong cách riêng biệt không lặp lại ai. Đó là phẩm chất quan trọng bậc nhất của một người lao động văn học nghệ thuật. Đọc Lũ, cũng như Dòng đời trước đây, sẽ thấy tác giả dồi dào vốn sống, miêu tả sinh động những cuộc đấu tranh tư tưởng, hội thảo của trí thức, biểu tình của quần chúng đòi dân chủ và cách trấn áp thô bạo của công an…
Nguyễn Trung là một đảng viên cộng sản. Ông vào Đảng ở một thời Đảng biết đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên, dám hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Nguyễn Trung là một trong những đảng viên sớm nhận ra Đảng độc tài và rời bỏ dân chủ. Ông coi đó chính là nguyên nhân khiến cho một Đảng cách mạng bị lâm vào suy thoái, trở thành một Đảng tham nhũng.
Hơn mười năm qua, Nguyễn Trung không mệt mỏi, cố công phân tích thực tiễn, tìm kiếm ánh sáng lý luận mới, mong giúp cho ban lãnh đạo của Đảng nhìn thấy con đường trở về với dân tộc, trả lại quyền dân về cho dân, bám sát nguyện vọng của đa số nhân dân. Các bài viết của ông đã nâng dần các đòi hỏi mỗi ngày một cao hơn.
Năm 2006 khi viết Thời cơ vàng và hiểm họa đen, Nguyễn Trung nêu ra hai luồng dư luận: Một là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện đa nguyên đa đảng để có tự do dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển. Hai là, giúp Đảng khắc phục những hẫng hụt của mình để tiếp tục thực hiện được vai trò lãnh đạo. Khi ấy, Nguyễn Trung đã khẳng định mình theo ý kiến thứ hai. Viết Dòng đời, ông cảnh báo tình trạng “Kẻ thắng xô xát nhau chia quả thực”. Do vậy mà bi kịch của đất nước cũng giống như bi kịch trong gia đình của hai anh em ông Nghĩa. Ông Lễ nói thẳng với anh trai mình: “Đất nước đã thắng cuộc chiến tranh này, nhưng anh vẫn chưa thắng được em!..”. Tác phẩm cho thấy sự thắng thua giữa hai phía không phải là tìm lý lẽ thuyết phục nhau – thật ra là khuất phục nhau – mà phải làm gì để trả lời cho được câu hỏi gay gắt đang đặt ra: “Đất nước này bây giờ là của ai?”. Câu trả lời hồi đó chỉ là chống tham nhũng, quan liêu. Lần này hơn mười năm sau, đảng viên cộng sản, nhà văn Nguyễn Trung viết lại Lũ với tư duy hoàn toàn mới, đã “vượt qua chính mình”.
Trong một chương của Lũ, tường thuật cuộc hội thảo về hiện tình đất nước, có đại diện của lãnh đạo Đảng, đại diện lão thành cách mạng, nhiều cán bộ, đảng viên và trí thức… Tại đây, thạc sĩ doanh nhân Nguyễn Thị Bạch Yến (có con trai là thầy giáo trường đại học PH vừa bị công an bắt tạm giam trong cuộc mít tinh phản đối Trung Quốc xâm lược) được mời lên diễn đàn. Bà Yến cố nén nỗi đau riêng để bình tĩnh nhận định khách quan về nguyên nhân tạo ra bi kịch của đất nước trong 70 năm qua: “Lực lượng chính trị và trí tuệ đất nước chúng ta – dù là bên nào, Hà Nội hay Sài Gòn – đều có hiểu biết hão huyền và quá khờ dại về thiên hạ, về cái thế giới chúng ta đang sống… Đó là bài học đẫm máu thứ nhất… […] Mỗi chúng ta hôm nay có dám thừa nhận bi kịch của đất nước một phần có nguyên nhân là sự giác ngộ chưa đầy đủ của các lực lượng chính trị và trí tuệ của cả nước – dù là bên nào – về lợi ích tối cao của quốc gia hay không?… Đấy là bài học đẫm máu thứ hai!”.
Bà thẳng thắn cho rằng, mọi thứ chủ nghĩa áp đặt cho đất nước ta và sự liên minh ý thức hệ chỉ đem lại thảm họa: “Chúng ta không thấy liên minh ý thức hệ như vậy đang giam hãm nhân dân ta trong sự nô dịch mới của quyền lực Đảng, đang làm suy vong quốc gia, và trên thực tế là đang chặn đứng con đường phát triển của đất nước?”.
Nghe đến đây, vị đại diện lãnh đạo đấm bàn thình thình. Rồi ông đột nhiên đứng bật dậy, chỉ vào Bạch Yến: “Phản động! Bắt! Công an đâu? Bắt ngay!”.
Nhưng do áp lực của cử tọa và của vị lão thành cách mạng, đối thoại vẫn tiếp tục. Bạch Yến tiếp tục thuyết trình, bác bỏ cả hai mệnh đề “Đi với Tàu, mất nước. Đi với Mỹ, mất Đảng”. Bà nói: “Xin thưa! Số phận đất nước ta không phải được định đoạt bởi theo ai mà, ở chỗ ta phải là chính ta và phải có năng lực, có phẩm chất, tập hợp được sự hậu thuẫn của cả thế giới cho sự nghiệp của nước ta nói riêng và cho lẽ phải nói chung […] Dứt khoát không thể gửi nhà cho Tàu hay cho Mỹ giữ hộ được. Cũng chẳng có Tàu hay Mỹ nào chịu làm lính đánh thuê giữ nhà cho ta đâu ạ! (Tiếng vỗ tay ran lên)”. Bà kết luận: “Trung Quốc đặt nước ta trước hai vấn đề: Hoặc là anh đủ sức trở thành đối tác được tôi tôn trọng, hoặc là anh dặt dẹo cam chịu cho tôi khuất phục, buộc làm nô lệ!”.
Lũ được viết lại đã thay đổi về chất những nội dung đổi mới chính trị.
Yến nhấn mạnh 40 năm qua còn có bài học thứ ba, tuy ít đẫm máu hơn, nhưng rất nhiều mồ hôi và nước mắt. Đó là bài học của phát triển…
Yến luôn luôn nói thẳng quan điểm của mình: “Về câu hỏi: Có phải chúng tôi đòi đa nguyên, đa đảng không? Xin thưa, chúng tôi yêu cầu nhiều thứ còn cao hơn đa nguyên, đa đảng ạ! Về vấn đề đa nguyên đa đảng, tôi xin phép nêu lên suy nghĩ thế này. Đây là đòi hỏi tất yếu của một thể chế dân chủ, không thể khác được. Là nước đi sau, chúng ta có thể từ kinh nghiệm của cả thế giới và của chính mình, làm sao để xây dựng nên được một thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng của trí tuệ, của dân chủ và của phát triển, loại bỏ ngay từ đầu nguy cơ của đa nguyên, đa đảng hỗn loạn”. Yến nhấn mạnh: “Song ngay bây giờ nhất thiết phải xây dựng bằng được những điều kiện không thể thiếu cho việc thành lập một thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng như thế […]Hiến pháp mới, Tòa án Hiến pháp và sự thực thi nghiêm minh luật pháp phải trở thành nền tảng và công cụ cho việc xây dựng và bảo đảm sự vận hành của một hệ thống chính trị đa nguyên, đa đảng […] Mặc dù lúc này chưa nên đặt ra vấn đề lập ra các đảng phái mới, chúng tôi nghĩ như vậy”. Nhưng bà đưa ra kiến nghị: “Đại hội Đảng khóa tới phải ghi vào chương trình nghị sự và giao cho ban chấp hành Trung ương khóa tới thực hiện. Đó là xây dựng xong và trình Quốc hội thông qua Luật về các đảng phái chính trị của nước ta, Đảng Cộng Sản Việt Nam thực hiện trước, sau đó các đảng ra đời sau cứ thế mà làm theo”.
Vị đại diện lãnh đạo chỉ tay thẳng vào bà Yến:
“– Xin lỗi bà Yến, bà nói gì? Luật Đảng phái chính trị cho Đảng Cộng Sản Việt Nam?”
– Thưa vâng!
– Đảng cũng phải chịu sự phán xét của Luật này?
– Thưa vâng. Đảng phải tuân thủ Hiến pháp, chịu sự phán xét của Tòa án Hiến pháp và chịu mọi ràng buộc của Luật về các Đảng phái chính trị…”
Bà Yến chưa nói hết câu, vị đại diện lãnh đạo bỗng dưng nấc liên tục, mặt tái tím dần, rồi ngã phủ phục xuống bàn bất tỉnh… (Lũ có những chỗ trào lộng cho ta được bật cười như thế). Người ta phải đưa ông đại diện lãnh đạo đi cấp cứu. Cuộc đối thoại vẫn tiếp tục…
Nhiều người cho rằng mọi chuyện chuẩn bị cho Đại hội đã an bài rồi, chỉ còn dang dở chuyện nhân sự mà thôi. Ván đã đóng thuyền rồi, những mong ước cải cách chính trị chỉ là hão huyền. Cuộc thảo luận lại sôi nổi. Bà cho rằng không nên coi mọi công việc của Đại hội Đảng là “ván đã đóng thuyền” chẳng còn gì để bàn, chừng nào chưa nhận rõ được thực trạng đất nước, những mối nguy và thách thức phía trước… Về vấn đề nhân sự, Yến trình bày lý lẽ không thể tìm và chọn theo mâm bát đã được bày ra trình Đại hội!
Yến kết thúc phần trình bày của mình: “Tình hình thế giới đã sang trang, tình hình đất nước cũng sang trang, mong mỏi Đại hội XII phải là Đại hội của sự thật, hòa hợp dân tộc và cải cách…”.
Đối thoại kết thúc, trên đường về nhà, Yến được tin con trai bị công an đánh chết trong lúc tạm giam, toàn thân run bắn, trong đầu sục sôi:
“Pôn-pốt giết chồng ta! Hải tặc giết em ta! Hôm nay công an cộng sản giết con ta! Trời ơi sao chúng mày ác thế!”
Tiếng kêu gói gọn 24 từ đã nói lên sâu sắc nỗi đau 40 năm qua của dân tộc, hiện rõ những khuôn mặt thủ ác, dù chúng ở những phía khác nhau nhưng tâm địa hệt nhau. Từ đó cho thấy cần phải thay đổi những gì và bắt đầu như thế nào.
Lũ kết thúc với những dòng sau:
“…Tin đầu tiên lên mạng…
…Sang ngày sau, các cơn bão mạng dấy lên các cuộc bãi khóa, bãi công…
…Liên tiếp tuần này sang tuần khác, các con lũ quét của sự thật phá tan tành nhiều thành trì của dối trá, quật lên mặt đất chỏng chơ các xác thối của tội ác và tham những…
…Đất nước chuyển mình trong Lũ…”
Stefan Zweig, một nhà văn lớn của thế kỷ 20, trong bài Người giáo dục sự tự do (viết về triết gia Nietzsche) có đoạn: “Luôn có những con chim báo bão, sứ giả của trí tuệ, đi trước những tai họa lớn bằng sự bay của mình…”. Tiểu thuyết Lũ của Nguyễn Trung đã có một “sự bay”, dự báo đầy trách nhiệm về một tai họa lớn đang đến và cách để tránh nó.
Hy vọng cả dân tộc cùng lắng nghe, cùng sát cánh đứng lên, tránh tai họa lớn cho Tổ quốc đã quá nhiều đau khổ, chọn được con đường hòa hợp hòa giải, để tiến lên kiến tạo tự do hạnh phúc.
Ngày 1 tháng 6 năm 2015
T.V.C.
Tác giả Nguyễn Trung gửi BVN