Cái chết được báo trước!

Báo chí đã đăng thông tin nhà máy thép Hà Tĩnh (Vũng Áng) bị phá sản phải đóng cửa. Đây là Liên hợp Gang Thép Vạn Lợi Hà Tĩnh được đưa vào Qui hoạch theo Quyết định số 694/QĐ-BCT ngày 31/01/2013, công suất sản xuất là 0,5 triệu tấn phôi thép vuông/năm, đi vào sản xuất từ 2020.

Thực ra, Liên hợp này khởi công từ 2008 và sẽ đi vào sản xuất năm 2010, đã mua sắm nhiều thiết bị của Trung Quốc và gặp “trục trặc” về vốn từ 2009, đến 2010 đã phải dừng lại. Nhưng Bộ Công Thương vẫn đưa vào Qui hoạch!?

Đó là cái chết được báo trước! Hay nói theo cách khác, tư duy kiểu ấy, không chết mới là lạ! 

Hơn 750 tỷ đồng các ngân hàng cho vay, giờ chỉ còn lại đống sắt gỉ sau 6 năm vứt giữa nắng mưa (Ảnh trên mạng).

Cái chết được báo trước

Theo tìm hiểu của báo Người lao động, nhà máy Thép Vạn Lợi do Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, xây dựng tại Khu Kinh tế Vũng Áng (xã Kỳ Thịnh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) bị bỏ hoang nhiều năm nên hiện nay, các hạng mục công trình, trang thiết bị máy móc nhập về đã bị hoen gỉ, xuống cấp. Trong biên bản làm việc ngày 30-1-2015 và 24-4-2015 gửi Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh cùng Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh, chủ đầu tư xác nhận không thể khởi động lại dự án.

Tổng vốn đầu tư vào dự án này đã lên tới gần 1.000 tỉ đồng. Trong đó, hơn 750 tỉ đồng là vay của các ngân hàng, nhiều nhất là VDB với 620 tỉ đồng, Vietcombank 70 tỉ đồng, BIDV 50 tỉ đồng. Trả lời báo chí, đại diện một ngân hàng đặt chi nhánh ở Hà Tĩnh cho chủ đầu tư vay tiền cho rằng hồi năm 2008, vì “nghe theo lời kêu gọi” của tỉnh nên các ngân hàng mới cho vay. Tài sản thế chấp là dự án thì ngân hàng có nguy cơ mất trắng vì dự án giờ đây chỉ là đống sắt vụn.

Quy hoạch phát triển thép cung gấp 2,5 lần cầu?

Nói một cách tổng quan, quy hoạch là dự kiến bố trí, sắp xếp các hợp phần của một tổng thể theo không gian, thời gian làm cơ sở cho kế hoạch dài hạn nhằm đạt đến mục đích đã đề ra.

Trong quy hoạch phát triển ngành thép đã đưa ra con số sản phẩm theo từng thời kỳ như sau:

Sản phẩm Giai đoạn 2007-2012,                              xây dựng 20 nhà máy, x1000 tấn/năm Giai đoạn 2013-2020 có xét đến 2025,  xây dựng 44 nhà máy, x1000 tấn/năm
Gang, sắt xốp 0,25 32,65
Phôi vuông 4,19 21,44
Phôi dẹt 25,50
Thép dài 3,88 14,80
Thép dẹt cán nóng 0,60 23,25
Thép dẹt cán nguội 1,40 2,88

Tổng công suất sản xuất thép các loại (thép dài, thép dẹt cán nóng và thép dẹt cán nguội):

Giai đoạn 2007-2012 :           5, 88 triệu tấn/năm 

Giai đoạn 2013-2020:            40,91 triệu tấn/năm

Còn phải kể đến các nhà máy thép đã có và đang sản xuất như Công ty Gang Thép Thái Nguyên, Công ty Thép Miền Nam, Thép Hòa Phát, Thép Vạn Lợi, Thép Việt,  sản xuất khoảng 9,5 triệu tấn thép các loại, trong đó thép dài cho xây dựng là 6 triệu tấn và thép dẹt cán nóng 1,8 triệu tấn/năm.

Trong khi đó Bản Qui hoạch phát triển sản xuất thép đưa ra nhu cầu các loại thép (thép dài-cho xây dựng, thép dẹt cán nóng và thép dẹt cán nguội):

Năm 2013:     14 triệu tấn

Năm 2015:     16 triệu tấn

Năm 2020:     24 triệu tấn

Năm 2025:     37 triệu tấn

Như vậy, tổng công suất sản xuất tới 2020 gồm công suất của các nhà máy xây dựng trước 2007, xây dựng trong giai đoạn 2007-2012 và xây dựng trong giai đoạn 2013-2020 lên tới gần 60 triệu tấn/năm, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ thép của 2020 là 24 triệu tấn.

Số liệu trên cho thấy con số Qui hoạch lớn gấp 2,5 lần so với nhu cầu tiêu thụ. Botay.com!

Lỗi do ai?

Bản Qui hoạch phát triển ngành thép được xây dựng không dựa trên luận cứ cơ sở khoa học và phương pháp luận tin cậy mà chỉ là bài tính cộng các dự án tự phát hoặc do nước ngoài đầu tư, mang tính mong muốn, giải pháp mang tính đạo lý, chung chung. Nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có trong nước như quặng sắt Thạch Khê, măng gan, crômit Cổ Định, than… không được đề cập đến, phải phát triển như thế nào, tiếp tục điều tra bổ sung ra sao, nguồn sắt thép phế trong nước như thế nào? Bản quy hoạch không hề đề cập đến nguồn vốn…

Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm về bản quy hoạch phát triển thép rất tù mù này vì cung lớn gấp 2,5 lần cầu. Trong tổng công suất 60 triệu tấn này, khu vực tư nhân chiếm 70%, công ty quốc doanh chiếm 30%. Đáng mừng là vai trò của lĩnh vực tư nhân chiếm chủ đạo cung cấp “cơm” cho ngành công nghiệp.

Như vậy, bản Qui hoạch lập ra chủ yếu để khu vực tư nhân tham gia. Có điều đầu tư vào ngành thép đòi hỏi vốn rất lớn, tiêu thụ năng lượng và nguồn nước rất lớn, và gây ô nhiễm nặng môi trường, chiếm đất rất nhiều. Trong khi tư nhân Việt Nam nguồn vốn không nhiều (có thể nói là không có vốn), cho nên thường có những đối tác bên ngoài đứng đằng sau.

Doanh nghiệp – nhất là tư nhân có vốn, có lãi và có cơ chế thì họ làm, còn không thì chỉ chiếm chỗ để đấy khi có thời cơ thì làm hoặc để bán lại. Như vậy, làm sao có thể nói rằng là doanh nghiệp tư nhân họ bỏ vốn ra để “thực hiện đường lối công nghiệp hóa”?

Cũng chính vì lãnh đạo Hà Tĩnh tập trung vào Liên hợp thép Vũng Áng Formosa của Đài Loan và Liên hiệp Gang Thép Vạn Lợi mà Dự án Gang Thép của Tổng Công ty Thép Việt Nam (VSC) không thể triển khai được. Đương nhiên, các ông chủ tư nhân “uyển chuyển”, xây đắp quan hệ tốt hơn là doanh nghiệp quốc doanh như VSC.

Dự án của VSC này xuất hiện từ thời ông Lê Duẩn với ý đồ ban đầu sản xuất 1,5 triệu tấn thép từ quặng sắt Thạch Khê do Liên Xô giúp. Dự án (đã được ghi trong Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 3) do ông Hồng Long Thứ trưởng Bộ Cơ khí-Luyện kim đứng đầu.

Nhưng Liên Xô đâu có nhiều tiền để giúp Việt Nam thực hiện bao nhiêu dự án “khung” lúc đó, nào là Nhà máy thép liên hợp Hà Tĩnh, khai thác chế biến quặng bôxít Đak Nông, nhà máy luyện nhôm Ma Mèo ở Lạng Sơn… Còn mỏ sắt Thạch Khê ở Hà Tĩnh khó khai thác đến nỗi liên danh Krupps (Tây Đức) – Mitsui (Nhật Bản) và Glenco (Nam Phi) đành phải “goodbye”, rồi BHP Billiton – tập đoàn khai khoáng lớn nhất thế giới – cũng không giám sờ tới. Sau đó, VSC liên doanh với tập đoàn Tata Ấn Độ, nhưng không thể triển khai được, trong đó có vấn đề địa điểm, vấn đề quyền được sử dụng sắt Thạch Khê cho luyện thép. Cho tới nay thì Dự án của VSC không còn nữa, quặng sắt Thạch Khê cũng “đắp chiếu” nằm yên tại chỗ.

Vạn Lợi chắc không thể thực hiện được dự án này, nhưng phải tìm cách bán hay nhượng lại để gỡ một ít vốn.

Thời buổi này, chắc không có công ty thép Việt Nam nào có khả năng nhảy vào vì vốn không có, và không thể tiếp nhận một đống thiết bị Trung Quốc đưa về từ 2009. Tuy nhiên, đây lại là miếng mồi rất ngon cho Trung Quốc để “xây lô cốt” trên 200 ha đất đắc địa về địa lý này. Kiểu này cũng sẽ lập lại đối với dự án luyện nhôm Trần Hồng Quân ở bô xít Tây Nguyên  (lưu ý rằng tiềm lực Vạn Lợi hơn hẳn Trần Hồng Quân vì Vạn Lợi đã có nhiều dự án thép ở Hải Phòng, Vũng Tàu). Bài học theo vết xe đổ rồi sẽ cũng đấu thầu thiết bị và Trung Quốc lại thắng thầu cung cấp.

Cảnh báo khả năng Formosa xin nhận luôn, mở rộng Liên hợp của mình thêm 200 ha nữa. Dù là công ty Trung Quốc khác hay Formosa tiếp nhận, thì cũng sẽ hình thành một khu kinh tế của Trung Quốc rộng lớn nằm giữa nước Việt Nam, người ta không thể biết Trung Quốc làm gì bên trong đó. Một khả năng nữa là làm sống lại dự án “1,5 triệu tấn” của ông Lê Duẩn?

Công ty Formosa của Đài Loan Trung Quốc đang khai thác Vũng Áng, công nhân chủ yếu là người Trung Quốc lục địa. Formosa đã từng xin được tự trị ở Vũng Áng nhưng không được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam! Trong đó, cái họ quan tâm là vị trí chiến lược của Vũng Áng, có cảng nước sâu Sơn Dương, đối diện với Hải Nam Trung Quốc, có những cán bộ sẵn sàng bán đứng đất cho “dự án” và sẵn sàng làm ngơ để Trung Quốc đào đường ngầm ngay trong nhà mình mà không cần biết!

Việt Nam chưa có chính sách phát triển công nghiệp thép

Thảo luận với một chuyên gia công tác lâu năm trong ngành công nghiệp nặng, và chuyên gia quốc tế, chúng tôi có chung nhận thức Việt nam chưa có chính sách phát triển công nghiệp thép. Bởi vì để đảm bảo cho phát triển bền vững và hiện đại công nghiệp thép và ngăn chặn việc xây dựng các nhà máy thép yếu kém, các chỉ số kinh tế, công nghệ và chất lượng phải đạt các yêu cầu như sau:

– Diện tích lắp đặt một máy thiêu kết ít nhất phải 180 m2, chiều cao một buồng lò  cốc ít nhất là 6 m, thể tích hữu dụng của một lò cao ít nhất 1.000 m3, công suất danh định của một lò thổi ô xy (BOF) ít nhất là 120 tấn, và của một lò điện hồ quang (EAF ) là 70 tấn.

– Xây dựng các nhà máy thép mới ở cảng nước sâu phải có lò cao với dung tích hữu ích ít nhất là 3.000 m3, lò thổi ô xy ít nhất 200 tấn, và công suất nhà máy với ít nhất 8 triệu tấn thép thô/năm.

– Các nhà máy thép phải đạt được các chỉ tiêu kinh tế sau: tiêu thụ năng lượng để sản xuất 1 tấn thép thô là 0,7 tấn than tiêu chuẩn qui đổi hoặc thấp hơn đối với lò cao, 0,4 tấn hoặc ít hơn đối với lò điện hồ quang. Tiêu thụ nước để sản xuất 1 tấn thép thô là 6 tấn hoặc thấp hơn đối với lò cao, 3 tấn đối với lò điện hồ quang, tỷ lệ nước tuần hoàn là 95 % hoặc cao hơn… Các chỉ tiêu khác liên quan đến tiêu thụ điện ít nhất bằng mức trung bình của các công ty thép cỡ trung hàng đầu.

– Tất cả các nhà máy phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải quốc gia và địa phương.

– Tất cả lò cao mới được trang bị với máy phát điện để sử dụng nguồn nhiệt và áp lực dư thừa. Tất cả lò cốc phải được trang bị thiết bị làm nguội khô cốc, thiết bị thu bụi, và thiết bị khử lưu huynh đối với khí cốc. Lò cốc, lò cao, và lò chuyển phải được lắp đặt thiết bị tái chế khi than và khí cốc, nơi nào sử dụng lò điện hồ quang thì phải lắp thiết bị tái xử lý bụi và khói.

– Phù hợp với các nguyên tắc của kinh tế quay vòng, các công ty thép cần xây dựng các hệ thống xử lý nước thải và xỉ. Những công nghệ như là làm nguội khô cốc, tái chế khí than và khí cốc, thì cần lắp đặt máy phát điện chạy bằng khí than, hơi nước và áp dực dư thừa của lò cao, và khói, bụi và tái chế xỉ để nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, sử dụng tốt hơn các nguồn năng lượng, và bảo vệ môi trường tốt hơn.

– Khuyến khích công nghiệp thép tạo ra năng lực phát minh, sáng chế. Các công ty thép cần thiết lập các bộ môn thí nghiệm và phát triển; xây dựng, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất thép tiên tiến như là đúc tấm liên tục và giảm nhiệt độ nóng chảy.

– Các công ty thép cần nhanh chóng áp dụng công nghệ sản xuất thép tiên tiến và các thiết bị như thiết bị nạp liệu, tuyển chọn vật liệu, làm giàu oxygen và phun than bột, qui trình xử lý ban đầu đối với thép lỏng, lò cao có dung tích lớn, nung chảy phát sinh đối với lò chuyển, đúc liên tục, cán liên tục, cán và làm nguội được khống chế.

– Các công ty cần nội địa hoá thiết bị, nâng cao trình độ nghiên cứu và phát triển, thiết kế và chế tạo đối với những công nghệ quan trọng và thiết bị. Chính quyền trung ương sẽ hỗ trợ các dự án thép quan trọng sử dụng các thiết bị do trong nước mới phát triển như là bỏ thuế, cấp kinh phí nghiên cứu và vốn phụ trợ.

– Huỷ bỏ các công nghệ và thiết bị đã lạc hậu. Không được phép xây dựng các dự án sản xuất thép và gang, cốc không đạt tiêu chuẩn. Huỷ bỏ những công nghệ và thiết bị như là thiết bị thiêu kết, lò cốc (kể cả lò đã được nâng cấp), lò luyện gang, lò cao với dung tích lò dưới 300 m3 (trừ những lò của các công ty đúc ống), lò thổi ôxy với công suất danh định dưới 20 tấn, lò thép hồ quang điện với công suất danh định nhỏ hơn 20 tấn (trừ những lò của các công ty đúc và sản xuất thép hợp kim chất lượng), lò cảm ứng trung tần, và nhà máy cán thép nhỏ đã cũ, lạc hậu.

– Chính sách đối với nhập khẩu thiết bị và công nghệ: Khuyến khích các công ty thép áp dụng thiết bị và công nghệ trong nước, và giảm sự lệ thuộc vào nhập khẩu. Chỉ thiết bị và công nghệ tiên tiến và thực dụng và không có trong nước thì mới được nhập khẩu. Cấm nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng, lạc hậu.

– Khuyến khích các công ty thép phát triển theo hướng tập trung và chuyên môn hoá, sử dụng những công nghệ chu trình ngắn để sử dụng thép phế. Không khuyến khích sử dụng lò điện hồ quang loại nhỏ gây ô nhiễm môi trường và tiêu thụ năng lượng cao và cả lò cao nhỏ. Khuyến khích các công ty sản xuất thép đặc biệt làm ra những sản phẩm thép đặc biệt dùng trong công nghiệp quốc phòng, vòng bi, khuôn mẫu chịu nhiệt, chịu lạnh và thép không gỉ, v.v.

Thay cho lời kết

Quy hoạch phát triển ngành thép, sản lượng cung gấp 2,5 lần nhu cầu. Mỏ Thạch Khê chết chưa chôn, Công ty thép Vạn Lợi phá sản… Cái chết được báo trước, trách nhiệm trước hết là Bộ trưởng Công Thương – là người có chức năng lập quy hoạch phát triển ngành thép. Rất tiếc tình trạng này là hậu quả đã được dự báo trước từ lâu khi Bộ Công Thương cứ cố tình triển khai như dự án sắt Thạch Khê bằng mọi giá. Trong khi trước đó, Liên bang Đức, Liên Xô cũ, WB, ADB… đã “bỏ của chạy lấy người”.

Sau Bộ Công thương là TKV (Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam) khi cứ lao đầu vào một cách “u mê” và “ném tiền qua cửa sổ” hàng trăm tỷ đồng rồi. Từ bài học phát triển ngành thép, lại thấy âu lo, trăn trở về dự án bô xít Tây Nguyên.  Ai đứng đằng sau giật dây vì quyền lợi và mục tiêu chiến lược của họ? Hỏi tức là trả lời.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.