Đi vào mùa bầu cử thì các ứng cử viên tại Mỹ đều sợ dính vào cái nhãn hiệu tinh hoa hay trí thức vì họ cần dân chúng thấy gần gũi và thông cảm nguyện vọng của người dân.
Đã đành tranh cử các chức vụ lớn ít nhiều đều bị chi phối bởi giới tư bản cùng các tập đoàn lợi ích nhưng kết quả cuối cùng ở Hoa Kỳ cùng vẫn tùy thuộc vào lá phiếu của từng người dân. Người Mỹ gọi hôm đi bầu thể hiện “nét mầu nhiệm của nền dân chủ” (the miracle of democracry) khi các ứng cử viên chỉ còn việc ngồi khoanh tay chờ quyết định của dân chúng. Thắng bại thường khi sát nút 49-50 nên trong mùa vận động các ứng viên thật tình đi xin xỏ lá phiếu của người dân chớ không phải chỉ để đóng kịch.
Chính vì kết quả ngang ngửa nên dân chúng rất được quan tâm trong mùa tranh cử, nhưng sau đó đi vào sinh hoạt chính trị lại dễ rơi vào cảnh bế tắc (deadlock) giữa các phe nhóm. Không một nền chính trị nào toàn hảo nhưng hệ thống nhà nước của Mỹ được hình thành để không một cánh nào đè bẹp được đối phương. Người Tàu do đó chế giễu Mỹ là tốn hàng tỷ USD mà đến cuối mùa bầu cử mới biết ai thắng thua, trong khi phe ta chẳng tốn đồng nào cũng biết ai sẽ làm lãnh tụ trước đó một năm.
Trở lại mùa vận động, cử tri Hoa Kỳ vốn dị ứng với ba thứ là tinh hoa (elite), trí thức (intellect), và định chế (establishment, còn có khi gọi là beltway tức vòng đai xung quanh thủ phủ quyền lực Washington DC – dân Mỹ cho rằng chính trị gia nào lâu đời rồi cũng phục vụ cho các tập đoàn thế lực thay vì cho dân chúng, nên lúc nào cũng cần những gương mặt mới). Ứng cử viên nào dính vào các nhãn hiệu nói trên đều bị xem là kệch cỡm xa cách dân chúng nên thua là chắc!
Cho nên ngay chính các nhân vật nổi tiếng như bà Hillary Clinton vốn đầy kinh nghiệm, quyền uy và danh vọng cũng từ bỏ máy bay tư nhân, khách sạn sang trọng mà phải đi xe 10 chỗ ngồi để đến các thành phố nhỏ để gặp dân chúng. Bà Clinton mang kính râm đi vào tiệm bình dân Chipolte mua đồ ăn trưa chẳng ai để ý cho đến khi báo chí tường thuật sau đó – vậy mới được điểm với người dân.
Cuộc tranh cử tốn kém hàng trăm triệu USD nhưng mỗi ứng viên đều cố gắng gặp từng nhóm nhỏ ở các địa phương càng nhiều càng tốt để lắng nghe nỗi ưu tư của người dân: chẳng hạn thuế má và hành chánh đè nặng giới tiểu thương; tiền vay mượn đại học quá cao; thất nghiệp trên một năm mà chưa tìm ra việc mới. Cho nên các ứng cử viên phải học bài và chuẩn bị, bởi vì nếu lỡ hôm nào lúng túng không có câu trả lời cho các nhu cầu thiết thực của người dân rồi bị đối thủ hay truyền thông soi mói tường thuật rùm beng trên truyền hình truyền thanh thì mất ăn mất ngủ! Dân chúng cũng tạo cơ hội cho các ứng cử viên được gần gũi, họ không khúm núm đón tiếp, họ bắt tay chụp hình ăn trưa thân mật rồi sau đó nói lên các mối quan tâm trong đời sống hàng ngày vì đây là cơ hội để những nhà lãnh đạo phải lắng nghe.
Trường hợp bà Hillary Clinton – nhắc đến bà vì là ứng cử viên sáng giá nhất hiện thời – tuy đầy kinh nghiệm chính trường nhưng lại không có khiếu ăn nói giản dị tạo cảm tình trong giới bình dân như ông chồng Bill Clinton vốn sanh ra trong hoàn cảnh nghèo hèn; nếm thất bại năm 2008 nên lần này bà Clinton càng cố gắng hoà nhập vào giới thường dân.
Dân Mỹ lại thêm dị ứng với các danh gia vọng tộc, nhưng hiện thời những dòng họ đang thống trị nền chính trị của Hoa Kỳ gồm Bush, Clinton, Kennedy… Đây là mối quan tâm lâu dài vì nước Mỹ phải tạo cơ hội cho tài năng mới, riêng trong mùa tranh cử lần này thì ông Bush em và bà Clinton đều phải chứng tỏ năng lực thực sự chớ không bị ảnh hưởng bởi gia đình. Ông Bush em vào tháng 5 trả lời ấp úng về tác động bởi ông Bush anh nên hiện đang bị tấn công tơi bời, còn bà Clinton liên tục bị soi mói rằng liệu các nhà “hảo tâm” đóng góp cho quỹ từ thiện của ông chồng có nhằm mua thế lực chính trị sau này hay không.
Để các nhà lãnh đạo sau khi đắc cử không trở thành tự tôn tự đại, mỗi năm có truyền thống gọi là Black Tie tức một đêm tổ chức vô cùng trang trọng nhưng dành cho Tổng thống và Quốc hội tự chế diễu lấy mình. Năm nay ông Obama khiến khán giả ôm bụng cười khi châm biếm rằng “đừng phê phán nặng nề đám an ninh Toà Bạch Ốc dù họ phạm nhiều lỗi lầm, nhưng đây là các nhân viên công lực duy nhất phải lo cho MỘT nguời Mỹ đen không bị bắn”!
Cử tri Hoa Kỳ không muốn thấy lãnh đạo mất đi cái gốc dân của mình, cho dù có nhận xét tâm lý quần chúng Mỹ bị nhị trùng (schizophrenia) khi thị hiếu lại thích xa hoa hào nhoáng và các xì-căng-đan. Tuy không khỏi mang màu sắc trình diễn nhưng lề lối giản dị có thật ở Hoa Kỳ, điển hình như ứng viên Mitch Romney sau khi thất cử Tổng thống năm 2012 trở lại đời sống bình thường (của một nhà triệu phú), đứng tự đổ xăng xe ở một góc đường của thành phố San Diego như mọi người dân khác.
Mỗi nước có nét đặc thù riêng: dân Âu xem trọng giới tinh hoa; dân Nga thích hình ảnh lãnh đạo uy quyền và quyết đoán; dân Việt Nam muốn gì cứ muốn trong khi lãnh tụ mặc kệ làm gì thì làm. Tuy truyền thống văn hoá khác biệt nhưng đôi khi cũng nên học lẫn nhau để nhớ rằng chính quyền chỉ có quyền lực chính đáng khi đến từ dân.
Đ.H.Q.
Tác giả gửi BVN