Nhìn lại quá trình chung sống với lũ để ổn định và phát triển bền vững vùng ngập lũ ở đồng bằng sông Cửu Long (*)

Tháng 10 năm 1997, anh Lê Huy Ngọ lên làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Lần đầu tiên vô Sài Gòn, anh kêu chuyên gia thủy lợi Nguyễn Nhiệm đang công tác tại Văn phòng II của Bộ ở đường Pasteur đến giao nhiệm vụ: “Cậu tìm xem ai là người đầu tiên nêu khẩu hiệu “Chung sống với lũ” để tôi thưởng”. Anh Nhiệm mời tôi đến Văn phòng II chơi; rồi đưa tôi đi nhà hàng ăn trưa. Anh kể lại nhiệm vụ Bộ trưởng Ngọ mới giao và nhờ tôi, một người hay viết về Đồng bằng sông Cửu Long tìm hộ tác giả đó. Anh còn nói: “Bộ trưởng mới giao việc cho tôi, anh Phú Khải cố giúp tôi việc này”. Tôi bảo với anh Nhiệm: “Cứ yên tâm, mai tôi sẽ trả lời anh ngay”. Anh Nhiệm mừng lắm.

Hôm sau tôi mang đến cho anh Nhiệm năm bản photo ba bài viết của tôi trên báo: Bài thứ nhất: Ơi Đồng bằng sông Cửu Long – báo xuân Sài Gòn Giải Phóng Nhâm Thìn 1992. Bài thứ hai nhan đề: Chung sống với thiên nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long (đăng ba số báo Sài Gòn Giải Phóng từ số 31/10/1994 đến số 1-11-1994 và số tiếp theo). Bài thứ ba: Né lũ (báo Văn Nghệ Hội Nhà văn Việt Nam 5-11-1994).

Đưa một xấp báo cho anh Nhiệm, tôi nói: “Anh đọc kỹ năm bài báo này theo thứ tự thời gian đăng. Nếu anh không tìm thấy văn bản nào, bài báo, cuốn sách hay quyết định, công văn nào trước đó đã nêu khẩu hiệu “Chung sống với lũ” thì tôi là tác giả của khẩu hiệu “Chung sống với lũ””. Anh Nhiệm mừng lắm, cảm ơn tôi. Ba ngày sau, anh điện cho tôi lên Văn phòng II ăn cơm với anh Ngọ, để anh Ngọ thưởng cho tôi. Bữa cơm ở Văn phòng II có cả chị Năm Triều, Tổng giám đốc công ty Lương thực miền Nam và một vài nhà báo khác. Lúc đã ngà ngà say, anh Ngọ nói: “Giá bây giờ có cái chiếu rải xuống đất ngồi mà nhậu thì hay quá!”.

Tôi nhớ mãi câu này, vì ai đời đang ngồi bàn có ghế tựa lưng để ăn nhậu rất sang trọng lại ước ngồi chiếu ở dưới đất! Ông Ngọ đúng là một “Bộ trưởng của nông dân”! Tiệc xong cậu Nhạn, thư ký của Bộ trưởng đưa tôi một chai rượu Tây và nói: “Bộ trưởng tặng thưởng nhà báo!”. Viết lại câu chuyện, tôi chỉ muốn nói rõ một điều là, tôi chỉ có công gọi đúng tên sự vật khách quan là nhân dân đang “Chung sống với lũ” chứ tôi không phát kiến ra cái gì mới lạ cả.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đọc rất kỹ các bài báo viết về vùng Đồng bằng sông Cửu Long, về lũ. Có lần ông hỏi tôi: “Vợ chồng ông Phú Khải sống với nhau thế nào?”. Câu hỏi đột ngột quá khiến tôi chưa biết trả lời ra sao… thì ông nói: “Phải sống hòa thuận, chứ như “Chung sống với lũ” hiện nay mà Phú Khải viết thì không ổn!”.

Và sau đó, hàng loạt những chương trình để “chung sống với lũ” như khu dân cư vùng lũ, cơ cấu lại thời gian gieo sạ lúa hè thu để né lũ, thời gian học của học sinh vùng lũ được khai giảng sớm hơn và kết thúc năm học sớm hơn các vùng khác trong nước, v.v. đã được Chính phủ dưới thời ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng cho thực hiện có hiệu quả. Năm 1998 Đồng bằng sông Cửu Long lũ rất thấp, sâu bệnh hoành hành, thất mùa lúa mùa cá… ông Võ Văn Kiệt lúc đó là Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng trong một cuộc họp đã nói một câu tôi chưa nghe thấy bao giờ: “Không có lũ cũng là thiên tai với Đồng bằng sông Cửu Long!”.

Chúng ta hôm nay đang lên án mạnh mẽ những kẻ xây đập trên thượng nguồn sông Mê Kông làm ảnh hưởng đến dòng chảy, làm khô cạn nguồn lũ về vùng hạ lưu… càng thấm thía lời nói, càng thấy sự sáng suốt Võ Văn Kiệt – con người sinh ra từ phù sa nước ngọt, từ nắng mưa hào phóng của Đồng bằng sông Cửu Long!

Xưa kia, hai vùng đất hoang rộng lớn là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên ít có người ở, chỉ có người đến canh tác, thu hoạch nông sản xong rồi về, hoặc đến đập lúa ma, nhổ bàng mà thôi. Cái thời đó, lũ đến lũ đi… mặc lũ, không phải đặt vấn đề “Chung sống với lũ”. Sau 1975, chính các chuyên gia Liên Xô cũng khuyên chúng ta nên để hoang vùng Đồng Tháp Mười làm du lịch và tin rằng chim chóc ở vùng Đông Nam Á sẽ gom hết về Đồng Tháp Mười, vì đây là vùng đầm lầy hiếm có của thế giới! Lời khuyên đó chí lý, nhưng sức ép ghê gớm từ cái dạ dày (của cả nước) những năm sau ngày thống nhất đất nước đã buộc chúng ta phải tiến hành khẩn hoang, làm lúa và đưa dân đến các vùng hoang hóa. Chính vì vậy mà vấn đề “Chung sống với lũ” đã được đặt ra.

Quyết định 99TTg ngày 9-2-1996 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đầu tư lớn về thủy lợi và giao thông cho Đồng bằng sông Cửu Long, vùng lũ được ưu tiên hàng đầu. Khách quan mà nói, khi đã làm lúa, trồng màu, xây trường, lập chợ, mở đường giao thông… trong vùng đất hoang rộng lớn của Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên mà xưa kia lũ tràn, thì nếu không có các công trình “Chung sống với lũ” mà Nhà nước và nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long đã kiến tạo trong những năm qua, chắc chắn cuộc “chung sống” này còn khó khăn, tổn thất hơn nhiều. Chiến lược “Chung sống với lũ” là vấn đề sống còn, lâu dài với Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy phải được nhìn nhận rõ ràng những nội dung cơ bản của nó; cái gì đã làm tốt, cái gì chưa làm được… để tiếp tục làm tốt trong tương lai…

Thứ nhất, vào vùng lũ sinh cơ lập nghiệp thì trước hết phải biết cách làm lúa trong vùng lũ. Công thức mà chúng ta đã tìm thấy ở các huyện đầu nguồn của tỉnh đầu nguồn như: An Giang, Đồng Tháp và một phần của Long An… là phải chọn giống lúa hè thu ngắn ngày, kết hợp với các bờ bao lửng để ngăn lũ sớm, thu hoạch lúa hè thu trước 15 tháng 8 dương lịch hàng năm trước khi lũ lớn. Bờ bao lửng là một phát kiến của nhân dân vùng lũ để ngăn lũ sớm, gặt xong lúa hè thu rồi thì lũ tràn bờ, hoặc khơi cho lũ vào ruộng để lấy phù sa và tôm cá, tuyệt đối không làm đê ngăn lũ triệt để, cản trở dòng chảy của lũ, làm lũ dâng cao ở những nơi khác. Bờ bao lửng còn có tác dụng để bơm nước ra, kịp làm vụ đông xuân cuối mùa lũ.

Làm đê bao ngăn lũ tuyệt đối như ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang thì chỉ được vài năm đầu thuận lợi, sau đó thì không ổn, phải xem xét lại. Lũ không vào được Chợ Mới thì lượng nước đó sẽ làm lũ dâng cao lên thêm ở các nơi khác, rất nguy hiểm. Đất Chợ Mới sẽ ngày càng suy kiệt vì thiếu phù sa, tôm cá. Với những vùng trái cây nằm trong vùng lũ ở hạ nguồn như Long Hồ ở tỉnh Vĩnh Long, Thốt Nốt (Cần Thơ), Cái Bè, Cai Lậy (Tiền Giang)… thì phải làm bờ bao ngăn lũ triệt để, bảo vệ vườn cây trái, nhưng phải có quy hoạch cụ thể, do chính quyền các địa phương đứng ra làm “nhạc trưởng”, và vẫn phải chú ý đến các kênh rạch dẫn phù sa vào và thoát nước trong vùng miệt vườn.

Sau nhiều năm sản xuất lương thực trong vùng lũ đã ổn; một số địa phương trong vùng lũ đã chuyển đổi sản xuất, giảm lúa vụ ba “Biến mùa lũ thành mùa sản xuất chính trong năm”. An Giang là tỉnh đi đầu trong phương hướng chuyển đổi này. Ở An Giang, mấy năm nay đã hình thành ba nhóm mô hình sản xuất trong mùa lũ: Nhóm trồng trọt, nhóm nuôi trồng thủy sản và nhóm ngành nghề. Các nhóm mô hình này tận dụng mùa nước nổi, làm ra sản phẩm độc đáo từ lũ, thu lợi bất ngờ cho nông dân. Nhóm mô hình nuôi trồng thủy sản đã trồng các loài thủy sinh như: rau muống, rau nhút, bông súng, củ ấu, điên điển, sen… Trồng ấu lãi từ 5 đến 10 triệu đồng/1 hecta, trồng rau nhút lãi từ 10 triệu đồng trở lên/1 hecta. Nuôi cá thì có nhiều hình thức: nuôi cá lồng bè nhỏ, nuôi mùng vèo, nuôi đăng quầng, nuôi chân ruộng, nuôi ao hầm… Đặc biệt nuôi lươn trong bể lót ni-lông phát triển mạnh vì phù hợp với hộ nghèo, ít vốn. Có đến hàng chục ngàn lao động nuôi lươn, nhiều nhất là ở các huyện Thoại Sơn, Châu Thành… Nhóm ngành nghề mùa lũ thì vô cùng phong phú: sản xuất xuồng, chài, lưỡi câu, dầm chèo, lưới cước, chế biến cá khô, cá mắm, bắt ốc bưu vàng làm thức ăn nuôi cá… Cùng với An Giang, các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An cũng nô nức phát triển các mô hình nuôi trồng mùa lũ. Năm 2005, riêng An Giang, các ngành nghề mùa lũ đã đem lại cả ngàn tỉ đồng cho GDP của tỉnh. Nhờ đó mà, mấy năm gần đây, vùng lũ Đồng bằng sông Cửu Long không còn cảnh than vãn ỉ ôi, trông chờ hàng cứu trợ khi lũ về!

Sau gần 20 năm thực hiện chiến lược “Chung sống với lũ”, nhìn tổng thể, về sản xuất lương thực và thực phẩm trong vùng lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tạm ổn. Tuy nhiên, vấn đề lớn thứ hai là định cư trong vùng lũ, bao gồm: ăn, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh… của nhân dân còn nhiều điều chưa ổn. Trước hết là vấn đề bảo vệ con người, sau đó là vấn đề nhà ở với từng hộ và cụm dân cư.

Về nhà ở của hộ dân, với các huyện đầu nguồn của An Giang, Đồng Tháp thì việc vận động dân vào cụm và tuyến dân cư là cần thiết, vì ở những nơi này lũ có dòng chảy mạnh, độ xói mòn cao, nguy hiểm. Nhưng ở sâu trong Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, lũ lên chậm, một số hộ dân đã làm nhà sàn (trên cột), trồng cây quanh nhà, sắm ghe thuyền để đi lại… hoặc làm nhà trên nền đất cao có trồng cây xung quanh tránh sóng thì việc ăn ở rất an toàn, ổn định. Dọc đường kênh từ thị trấn Vĩnh Hưng (Long An) lên đến biên giới trong vùng sâu Đồng Tháp Mười, người ta còn thấy những nhà xây kiên cố trên nền đất cao, rất an toàn cả trong những mùa lũ lớn như vào năm 2000, 2001. Đây là những mô hình rất tốt. Nhà nước không phải đầu tư một đồng nào, dân vẫn tự lo và ổn định được cuộc sống lâu dài trong vùng lũ.

Ngoài những hộ kể trên, hiện đang định cư rải rác trong vùng lũ, việc xây dựng tuyến dân cư và vận động dân vào ở trong cụm tuyến dân cư là vấn đề nổi cộm, còn nhiều việc phải làm, phải tiếp tục bàn và giải quyết. Chúng ta hãy làm một cuộc rà soát lại, nhìn lại từ đầu vấn đề này, vì như trên đã nói, việc định cư trong vùng lũ ở Đồng Bằng Sông Cửu Long từ sau 1975 có tính tự phát và liên tục, cả nhân dân và Nhà nước đều vừa làm vừa điều chỉnh nên đến nay phải có sự nhìn nhận lại, đánh giá và định hướng mới cho đúng.

Trước hết, nói về các cụm dân cư trung tâm huyện, được gọi là thị trấn, thị tứ của huyện. Khi thành lập các huyện mới trong vùng Đồng Tháp Mười như Vĩnh Hưng, những người đi khai hoang đầu tiên nhận thấy mình có trách nhiệm đặt nền móng lâu dài cho các thế hệ sau này. Bằng dự cảm của mình họ đã vận động nhân dân xây dựng đê bao quanh khu vực dân cư đầu tiên của huyện, sau này trở thành thị trấn huyện. Có thể lấy thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng làm ví dụ rất điển hình. 400 hecta đất tại khu dân cư trung tâm huyện ngay từ ngày đầu thành lập huyện trong vùng Đồng Tháp Mười giáp biên giới Campuchia này, đã được xây dựng một hệ thống đê bao kiên cố bảo vệ. Năm tháng trôi đi, hệ thống đê bao này được gia cố và ngày càng vững chắc thêm. Mùa lũ lớn lịch sử 2000, trong lúc cả vùng Đồng Tháp Mười thành một biển nước thì thị trấn Vĩnh Hưng vẫn bình yên. Thị trấn Vĩnh Hưng trở thành một cái phao giữa biển nước Đồng Tháp Mười, đón nhận nhiều hộ dân “tị nạn” quanh vùng. Cả hai mùa lũ lớn 2000 và 2001, người viết sách này đều vượt hàng chục cây số giữa biển nước Đồng Tháp Mười để đáp lên đê bao Vĩnh Hưng và xuống lòng thị trấn và chứng kiến cảnh “Sơn Tinh đang chiến đấu với Thủy Tinh” của chính quyền và nhân dân nơi đây. Người ta đã bới cả sân vận động thị trấn lên để lấy đất đá gia cố đê bao. Tối đến, các quán cà phê, karaoke vẫn sáng đèn. Sơn Tinh đã thắng. Nhưng có điều là mùa lũ lớn như năm 2000, 2001, nền đất bằng thị trấn thấp hơn mặt nước Đồng Tháp Mười ngoài đê bao đến 2 mét! Cái gì sẽ xảy ra nếu đê bao bị bục?! Chính vì vậy mà mùa lũ năm 2001, khi đến thăm thị trấn Vĩnh Hưng, có người đã cho rằng, nên xây đắp các thị trấn, thị tứ trong vùng lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long trên nền đất cao vượt lũ, như thế an toàn hơn. Các cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long đã và làm theo hướng “an toàn hơn” như thế. Nhưng các tuyến đê bao như ở Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Tân Hồng… là vấn đề “lịch sử để lại” chúng ta không có cách gì hơn là duy trì và gia cố những công trình chung sống với lũ kiểu này. Đồng thời, nó cũng có thể là những giá trị lịch sử, văn hóa của công cuộc chinh phục Đồng Tháp Mười để làm “kỉ niệm” cho các thế hệ mai sau!

Cũng phải nói đến một vài cụm tuyến dân cư tôn nền vượt lũ do các địa phương “tự phát” xây dựng nhưng đã trở thành những hình mẫu rất đẹp. Có thể lấy hình mẫu Gò Tháp ở xã Đốc Binh Kiều, tỉnh Đồng Tháp làm ví dụ. Khu trung tâm xã là một quả đồi được đắp cao (không phải một thung lũng có đê bao!), ở đó trường học, bệnh xá, chợ, trụ sở ủy ban xã… thật sự an toàn trong mùa lũ. Về mùa lũ, các hộ đã có nhà sàn, nhà trên nền đất cao, có ghe xuồng… sẽ đi lại thuận tiện đến khu trung tâm xã, tạo nên nét sinh hoạt rất độc đáo của vùng lũ!.

Với cụm, tuyến dân cư và nhà ở được Nhà nước đầu tư đồng loạt trên phạm vi tám tỉnh, thành phố vùng ngập lũ theo Quyết định 173 giai đoạn 2001-2005 mục tiêu phải tôn nền vượt lũ bảo đảm bố trí được khoảng 200.000 hộ dân đang sống rải rác trong vùng thường xuyên bị ngập vào sinh sống trong địa bàn an toàn này.

Sau 4 năm triển khai thực hiện, theo báo cáo của Bộ Xây dựng thì tính đến hết tháng 7 năm 2006, trên 8 tỉnh, thành phố đã triển khai thực hiện và đạt kết quả như sau:

– Về công tác tôn nền, đắp bờ bao khu dân cư có sẵn:

Các địa phương đã triển khai tôn nền 741/742 cụm tuyến với tổng diện tích 3.494/3.499 ha và 66/66 bờ bao các khu vực dân cư có sẵn. Trong đó, có 705 cụm tuyến (3.275 ha) và 61 bờ bao khu dân cư có sẵn đã hoàn thành việc tôn nền. Như vậy, so với kế hoạch đạt trên 96% tổng khối lượng tính đến thời điểm 31-3-2006.

– Về công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư:

Đến tháng 3-2006, trong số 705 cụm, tuyến đã hoàn thành việc tôn nền mới chỉ hoàn thành xây dựng các công trình giao thông nội bộ ở 380 cụm tuyến, hệ thống thoát nước ở 330 cụm tuyến, cấp nước sinh hoạt ở 338 cụm tuyến, cấp điện ở 415 cụm tuyến. Như vậy mới chỉ đạt tỷ lệ trên 60% khối lượng công việc theo kế hoạch.

– Về công tác xây dựng nhà ở và bố trí các hộ dân vào ở trong cụm, tuyến dân cư:

Các địa phương đã xây dựng được 61.104 căn trên tổng số 149.715 căn nhà cần phải xây dựng (đạt 41%). Đã có 59.015 hộ vào ở trong các cụm tuyến trên tổng số 94.935 hộ đã được bình chọn theo quy định. Nếu kể cả 30.800 hộ dân đang sinh sống an toàn trong các bờ bao đã hoàn thành của chương trình thì mới chỉ đạt 49,4% so với kế hoạch đề ra.

Sau hơn bốn năm triển khai thực hiện, chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ, đã đạt được những kết quả nhất định, đặc biệt là việc đã hoàn thành trên 96% khối lượng công tác tôn nền và đắp bờ bao khu dân cư có sẵn so với kế hoạch được duyệt. Nhờ đó, trong các đợt lũ của những năm sau đặc biệt là mùa lũ khá lớn năm 2005 các cụm, tuyến dân cư được tôn nền đã góp phần làm giảm thiểu đáng kể thiệt hại về người và tài sản của dân vùng lũ.

Tuy nhiên, vấn đề được các địa phương quan tâm hơn cả là tình trạng thiếu vốn. Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho rằng: “Có nhiều lý do làm chương trình cụm tuyến dân cư (CTDC) bị chậm, trong đó vấn đề thiếu vốn là vần đề then chốt. Nhiều CTDC ước tính ban đầu thấp nhưng đi vào thực hiện kinh phí cao, đền bù cao… Chỉ riêng phần tôn nền, kinh phí Trung ương phân bổ 625 tỉ đồng nhưng thực hiện đến 775 tỉ đồng, thiếu 150 tỉ đồng!”.

Tại Vĩnh Long, cũng tương tự. Kế hoạch tôn nền 43 CTDC khoảng 208 tỉ đồng, khi làm xong thiếu đến 60 tỉ đồng. Nhất là những CTDC làm sau đó, giá đất tăng nên chi phí đền bù lớn… Các địa phương khác cũng khó khăn về vốn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ bố trí dân cư. Bình quân, các tỉnh mới đạt 40% đến 60% kế hoạch bố trí dân vào các cụm tuyến dân cư đến tháng 3-2006.

Giải quyết vấn đề này, vẫn theo ông Nguyễn Thanh Nguyên: “Ngoài việc bán nền, Long An sẽ chuyển một số CTDC gần đô thị thuộc các huyện ngập lũ ít, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư làm khu công nghiệp. Có thể chuyển 100% hoặc chuyển một phần làm khu công nghiệp – một phần CTDC nhằm giải quyết việc làm cho dân… Được vậy, sẽ lấy vốn trả nợ và đầu tư hạ tầng. Long An đã chuyển ba CTDC ở Đức Hòa và một CTDC ở Thủ Thừa sang khu công nghiệp!”.

Còn tại Vĩnh Long, ông Trần Hoàng Dũng, Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng CTDC và Nhà ở tỉnh Vĩnh Long cho rằng: “Giải pháp khả thi nhất hiện nay là đẩy mạnh bán 30% nền sinh lợi. Nếu Vĩnh Long, bán được 2.551 nền sẽ thu về khoảng 190 tỉ đồng, số tiền này đủ trả nợ phát sinh tôn nền và đảm bảo đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, tiến độ bán còn chậm (mới 36 tỉ) do hạ tầng chưa xong nên khó thu hút người mua”. Vĩnh Long đang tính toán đẩy mạnh hạ tầng cho những CTDC ở gần quốc lộ, đường giao thông, chợ… để bán nền. Nếu có nhu cầu sẽ bán cao hơn 30%, thậm chí 70% hoặc 100%… số dân tại đây sẽ chuyển sang những cụm lân cận. Thực tế đã có tuyến dân cư Phú Quới, huyện Long Hồ nằm gần Quốc lộ 1A, giá bán nền khởi điểm là 1,2 triệu đồng/m2; khi đấu giá dân mua đến 3,5 triệu đồng/m2, Phú Quới bán nền thu về 9,3 tỉ đồng, dư chi phí đầu tư (Trích báo SGGP – 31-3-2006).

Những ý kiến đề đạt có tính “cấp bách” nêu trên của các địa phương đã được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét và hoàn thiện các công trình kiểm soát lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được khởi công xây dựng. Với các công trình sắp khởi công xây dựng, đã được dự kiến đầu tư kinh phí là 6.800 tỉ đồng, chính phủ hỗ trợ 4.000 tỉ, các địa phương đầu tư 2.800 tỉ, nhằm bảo đảm an toàn cho hơn một triệu dân đang sống rải rác trong vùng ngập lũ, đồng thời tận dụng tối đa nguồn lợi do lũ đem lại… thì một vấn đề lớn đã được đặt ra. Đó là, trong các nguyên nhân mà bà con vùng lũ chưa mặn mà vào sống trong các cụm tuyến dân cư vượt lũ, ngoài yếu tố điều kiện kết cấu hạ tầng chưa bảo đảm, còn có một yếu tố không thể bỏ qua, đó là tập quán sống theo các tuyến kênh rạch. Nhà ở của đồng bào dọc theo các tuyến kinh rạch, con kinh, cũng là con đường ở mặt tiền, đằng sau là ruộng rẫy chạy sâu vô đồng… Đó là tập quán, là “nền văn minh sông rạch” đã được hình thành từ bao đời nay ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu được sống theo sông nước, tự do và phóng khoáng mà vẫn “vượt lũ” để không bị đe dọa, giảm nhẹ được các đầu tư hạ tầng về đường và cống mà vẫn bảo đảm được vệ sinh môi trường thì chắc chắn sức hấp dẫn của các tuyến dân cư này hơn hẳn các cụm dân cư kiểu làng khép kín như ở miền Bắc mà chúng ta đã xây dựng ở vùng lũ. Sở dĩ chúng tôi nêu vấn đề này từ sau tháng 3-2006, vì đối tượng mà các công trình mới này sẽ tập kết vào là các cư dân đang sống “rải rac” ở vùng lũ, chưa kể còn gần 51% trên tổng số 94.935 hộ đã được bình chọn mà chưa vào ở trong các cụm tuyến dân cư đã xây dựng như báo cáo của Bộ xây dựng.

Từ sau hai trận lũ lớn 2000 và 2001, những năm sau lũ ỡ ĐBSCL đều thấp. Đến năm 2011, lũ lớn gần bằng năm 2000 và được xem là liều “thuốc thử” về khả năng chung sống với lũ. Tổng kết thiệt hại về người (65 người) và của cải (125.000 căn nhà; 23.000 ha lúa bị ngập; 150km đê bao bị sạt lở) rõ ràng là ít hơn nhiều so với năm 2000, gần 500 người chết. Nhà bị ngập lụt ít hơn nhiều, diện tích lúa bị mất trắng cũng thấp hơn nhiều so với năm 2000. Cụm tuyến dân cư vượt lũ đã phát huy kết quả nhưng cho đến tận mùa lũ năm 2014 này vấn đề cụm tuyến dân cư vùng lũ vẫn còn là chuyện thời sự. Người dân bị sạt lở nhà cửa do lũ… mong được vào CTDC thì đang mong đợi. Trong khi đó, nhiều hộ đã nhận nhà, nhận đất trong CTDC lại bỏ đi vì điều kiện làm ăn sinh sống gặp khó khăn. Chưa có một số liệu thống kê chính xác nào trên toàn vùng về tình trạng này. Vì thế chúng ta vẫn phải tiếp tục bền bỉ trong việc xây dựng Cụm tuyến dân cư vượt lũ. Thiên nhiên vốn thất thường và không mấy khi chiều theo lòng người. Nhìn lại một chặng đường dài sau nhiều năm thực hiện chiến lược “Chung sống với lũ”, kết quả thu được đáng tự hào. Năm 2002 ở An Giang, Chủ tịch Nguyễn Minh Nhị đã lập đề án số 31 nổi tiếng giúp người dân khai thác nguồn lợi mùa nước nổi, đã đem lại cho tỉnh hàng nghìn tỉ đồng. An Giang xác định đến năm 2010, phấn đấu khai thác từ mùa nước nổi khoảng 400.000 tấn lúa, trên 268.000 tấn rau dưa các loại gần 6.000 tấn rau nhút, 5.000 tấn ấu, 3.500 tấn rau muống, trên 8.000 tấn cá đồng, 1.000 tấn lươn, 200 tấn ếch. Đặc biệt, trong 5 năm (2006-2010) tỉnh sẽ tổ chức đào tạo nghề cho gần 100.000 nông dân vùng ngập lũ. Từ mùa lũ 2006, một không khí làm ăn nhộn nhịp đã được thấy trong vùng lũ tỉnh An Giang…

Đề án mùa nước nổi là một thắng lợi kép của An Giang. Ngoài giải quyết việc làm, tạo kế sinh nhai cho người dân, còn “kích” được tinh thần chủ động, sáng tạo khai thác mùa nước nổi trong dân. An Giang đang điều chỉnh lại Chương trình khai thác lợi thế mùa nước nổi giai đoạn 2006 – 2010 hợp lý hơn. Đó là thực hiện xả lũ theo định kỳ, giảm diện tích gieo trồng lúa, tăng diện tích trồng trọt hoa màu và nuôi trồng thủy sản. Ông Nguyễn Minh Nhị – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ước ao: “Một ngày nào đó, dân An Giang sẽ không làm lúa vụ ba, mà dành hàng ngàn hecta đất để xả lũ vào rồi khép kín lại nuôi dưỡng nguồn cá đồng, thu nhập sẽ cao hơn!” (Báo SGGP 29-8-2006). Có nhà khoa học đã hình dung: Bức tranh tương lai của vùng lũ Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là các thị xã, thị tứ, khu công nghiệp, vườn trái cây… như những đảo nổi giữa biển nước mênh mông phù sa và thủy sản, được nối với nhau bằng các tuyến dân cư và dải cây xanh. Như thế, nơi đây sẽ là một cảnh sắc độc đáo so với các miền khác của đất nước.

Sẽ buồn biết bao nếu mùa lũ đến mà không có “biển nước mênh mông phù sa và thủy sản” cho Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng ta đã từng chứng kiến năm 1998 lũ quá thấp, Đồng bằng sông Cửu Long đã điêu đứng vì công làm cỏ ăn hết công lúa, chuột sâu bọ hoành hành dữ dội, đất thiếu phù sa, còn người nghèo thì không kiếm được con tôm con cá trong mùa lũ. Vì thế đồng chí Võ Văn Kiệt mới có nhận xét xác đáng rằng: Không có lũ cũng là thiên tai với Đồng bằng sông Cửu Long (!).

Những năm lũ vừa đủ, bà con kêu là “lũ đẹp”. Cầu mong cho năm nào lũ cũng đẹp và chúng ta quyết tâm phấn đấu để chung sống hòa thuận với lũ.

Một điều cực kỳ nguy hiểm, phải báo động và lên án, phải đấu tranh bằng mọi biện pháp để ngăn chặn, không để quá muộn… là việc các nước thượng nguồn Mê Kông bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp các cam kết của Hiệp Hội các nước có chung dòng Mê Kông… đã và đang làm cạn kiệt và sẽ giết chết dòng sông vĩ đại này bằng việc xây dựng các đập thủy điện, xả phế thải kỹ nghệ và tiện dụng gia cư xuống dòng sông. Trung Quốc với những con sông rất ô nhiễm, thì nay đến lượt Mê Kông với các đập thủy điện và việc xả phế thải công nghiệp xuống dòng sông hoang dã đã và trinh nguyên này.

Tác giả Hoàng Sơn, một trí thức Việt kiều ở Mỹ trong một bài đăng trên mạng xã hội xuất bản ở Mỹ vào đầu những năm 2000 với nhan đề: “Kế hoạch làm cạn dòng sông Cửu Long để khống chế ba nước Đông Dương của Trung Quốc” đã viết:

“Năm nay nạn lụt khủng khiếp đã xảy ra ở miền Bắc và Nam Việt Nam. Tại Lai Châu, nạn đất lở do mưa lũ đã làm cho hàng chục người chết và nhiều ngôi làng bị chôn vùi. Tại miền Nam thì toàn thể vùng Hậu Giang đã chìm trong một biển nước lụt làm cho hơn 200 người chết, mùa màng thiệt hại nặng và ở Cao Miên nạn lụt cũng làm cho hàng trăm người chết. Ở miền Bắc, mực nước sông Cầu lên cao cũng gây nạn lụt lớn làm mùa màng bị phá hủy, nước lũ cuốn trôi.

Nguyên nhân là do mưa lớn và nhất là nạn phá rừng, đốn cây bừa bãi ở thượng nguồn sông Cửu Long, sông Hồng do Trung Quốc gây ra, bất kể sự thiệt hại cho lưu vực sông Cửu Long. Sau tai họa này thì các chuyên viên thủy nông quốc tế khuyến cáo các nước Đông Nam Á cần phải hợp tác với nhau chặt chẽ để kiểm soát mực nước sông Cửu Long nếu không thì tai họa sẽ tái diễn mỗi năm. Nhưng điều này khó có thể thực hiện được nếu không có sự tham dự của Trung Quốc và từ trước đến nay quốc gia này vẫn có thái độ không đếm xỉa gì đến những lời phản đối của các nước Đông Dương.

Để phát triển mở mang kinh tế vùng Vân Nam – Tứ Xuyên, chính phủ Bắc Kinh đang có một kế hoạch vĩ đại xây 14 đập nước bậc thềm ở thượng lưu sông Cửu Long (có tên là Lan Thượng ở Vân Nam). Đập đầu tiên đã xây xong và đã phát điện còn đập thứ hai Mãn Ngoạn ở gần thị trấn Cảnh Hồng thì tới cuối năm nay sẽ xong, sau đó những đập kế tiếp sẽ được xây từ nay cho đến năm 2010 thì hoàn tất. Vì thượng lưu sông Cửu Long ở Vân Nam là một thung lũng hẹp và sâu nên rất thuận lợi cho việc xây dựng những đập nước bậc thềm. Cùng một dòng nước nhưng chảy qua một thung lũng có dốc cao nên có thể dùng để xây dựng nhiều nhà máy thủy điện rất mạnh có công suất cao dùng cho kỹ nghệ. Nhưng vì làm thay đổi mực nước sông Cửu Long nên kế hoạch xây đập sẽ khiến cho rất khó kiểm soát số lượng nước nên nạn lụt lội đã xảy ra, các nước Đông Nam Á đang tìm cách chống lại kế hoạch xây đập của Trung Quốc. Điều đáng lo ngại nhất là ảnh hưởng lâu dài của những đập nước lên những vựa lúa màu mỡ ở miền Nam Việt Nam và ở xứ Cao Miên. Trong khi đó thì Bắc Kinh hoàn toàn không đếm xỉa gì đến những mối quan tâm của các nước phía Nam và không hề tham khảo khi khởi công xây đập. Lê Quang Minh, dân biểu Quốc hội và Phó Viện trưởng Đại học Cần Thơ, nói: “Chúng tôi không biết được gì về kế hoạch xây đập của Trung Quốc và đây là điều mà chúng tôi rất lo lắng”.

Nhưng các nước Đông Dương không muốn công khai phản đối lại Trung Quốc.

Các chuyên viên quốc tế về môi sinh đều phản đối dữ dội kế hoạch xây đập trên sông Cửu Long của Trung Quốc vì gây ra nhiều ô nhiễm, giảm mức độ phù sa của nước sông Cửu Long, ngư nghiệp suy sụp và nhất là sẽ làm cạn dòng sông Cửu Long, toàn thể miền Nam Việt Nam sẽ chết khát vì thiếu nước tưới ruộng! Sự việc Bắc Kinh từ chối không chịu công bố các khảo sát của họ về môi sinh trước khi xây đập cũng làm cho nhiều người nghi ngờ thiện chí của họ.

Tiến sỹ Prachoon Chomchai, Giám đốc chương trình Phát triển sông Cửu Long ở Bangkok nói: “Chúng tôi hoàn toàn không biết gì về ý đồ của Trung Quốc và đã đến lúc các nước Đông Nam Á cần phải có chiến lược chung để đối phó lại”. Nhưng làm thế nào để đối phó?

Đối với Trung Quốc thì họ có một kế hoạch phát triển kinh tế riêng rẽ, bất chấp sự thiệt hại cho các nước lân bang. Khi Bắc Kinh quyết định bỏ ngỏ vùng bờ biển phía Đông thì đã gây nên một sự chênh lệch trầm trọng về kinh tế giữa vùng nội địa bị bỏ lại đằng sau. Sự phát triển vượt bật của các vùng Lưỡng Quảng, Thượng Hải, Phúc Kiến… đã thu hút hơn 100 triệu cư dân ở trong nội địa từ những vùng Hồ Nam, Quý Châu, Vân Nam, Tứ Xuyên… thất nghiệp bò về kiếm việc làm.

Hiện nay vùng Vân Nam bị coi là chậm tiến, kém mở mang nhất nước Tàu. Tuy có nhiều tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản lâm sản nhưng vì thiếu năng lượng nên chính phủ Bắc Kinh phải tìm các xây những đập nước để phát điện khai thác vùng Vân Nam hòng ngăn lại làn sóng người từ nội địa đổ về các thị trấn ở miền Đông đã nghẹt người như Thượng Hải, Quảng Châu. Thủ phủ Côn Minh được chọn làm địa điểm xây những nhà máy chế biến các khoáng sản như thiếc, kẽm, chì, vàng bạc của Vân Nam khiến các chất độc phế thải sẽ bị đổ vào sông Cửu Long và sẽ làm nhiễm độc toàn thể vùng Đông Nam Á.

Khi Ủy ban Phát triển sông Cửu Long họp vào năm 1995 và mời Bắc Kinh đến tham dự thì họ đã từ chối. TS. Sunai Phasuk nói: “Chúng tôi tin là Bắc Kinh chẳng quan tâm gì tới quyền lợi của chúng tôi mà chỉ biết quyền lợi riêng, của họ mà thôi”. Đại sứ Trung Quốc ở Thái Lan chỉ nói một cách mập mờ rằng: “Chúng tôi sẽ giúp xây dựng sự tin cậy và hợp tác giữa các nước lân bang”. Các nước Đông Nam Á cũng lo ngại rằng nếu hợp tác với một nước lớn như Trung Quốc thì kinh tế của họ sẽ bị ngập tràn bởi hàng hóa rẻ tiền của người Tàu, giống như là một sự hợp tác giữa một đàn cá bé với một con cá mập. Các nước Đông Nam Á chỉ muốn bàn về việc phân chia các dòng nước sông Cửu Long cho công bằng với Trung Quốc mà thôi.

Hiện nay 30% dân chúng sinh sống ở lưu vực sông Cửu Long bị ở dưới mức nghèo khổ và con số thất nghiệp mỗi ngày gia tăng, nếu sự ô nhiễm sông sông Cửu Long làm cho sản lượng lúa gạo bị giảm sút thì con số người chết đói sẽ không phải nhỏ. Nhưng chìa khóa của kế hoạch phát triển sông Cửu Long vẫn nằm trong tay Bắc Kinh vì họ đang ở thế cầm dao đằng chuôi, đặt ra những điều kiện cắt cổ đối với các nước Đông Nam Á.

Ủy ban Bảo vệ môi sinh Terra, trụ sở ở Thái Lan, cho rằng các nước Đông Nam Á đang bị áp lực của Trung Quốc nên không dám đặt ra vấn đề bảo vệ môi sinh lưu vực sông Cửu Long và chống lại việc xây đập bậc thềm ở Vân Nam, Tứ Xuyên. Nhược điểm nữa là sự chia rẽ của các nước Đông Nam Á, thiếu một chính sách đồng nhất đối với Trung Quốc, mỗi nước có những ưu tiên riêng và không thể nào đoàn kết với nhau hòng bảo vệ quyền lợi chung. Về lâu dài thì những đập nước ở Vân Nam sau khi xây xong sẽ biến thành một cái thòng lọng tròng vào cổ các nước Đông Dương nhất là Việt Nam. Nếu các nước Đông Dương có một thái độ chống đối Bắc Kinh thì họ chỉ cần khóa lại các vòi nước thì tất cả sẽ chết khát, các ruộng lúa thiếu nước sẽ khô cạn và nạn đói sẽ xảy ra. Hoặc nếu mực nước dâng cao thì họ có thể mở đập khiến lụt lội xảy ra, chôn vùi các vùng châu thổ sông Hồng, sông Hậu trong một biển nước!.

Từ trước đến nay mực nước sông Cửu Long thay đổi mỗi năm theo một chu kỳ chính xác theo thời tiết là do có một cơ chế thiên nhiên hết sức tinh vi nhờ các lớp tuyết tan ở Tây Tạng, nước mưa ở bên Tàu và bên Lào để điều hòa mực nước sông Cửu Long. Biển hồ ở Cao Miên cũng giữ một vai trò điều hòa mực nước sông Cửu Long khiến cho mực nước lên xuống đều đặn, không có nạn lũ như ở miền Bắc.

Các chuyên viên về thủy nông rất lo ngại là những đập nước bậc thềm ở Vân Nam sẽ làm hỏng cơ chế thiên nhiên điều hòa mực nước sông Cửu Long đã có từ cả ngàn năm nay, tạo nên những xáo trộn tai hại cho nền nông nghiệp của miền Nam. Kinh nghiệm của các nước đã từng xây đập nước lớn trên thế giới như Ba Tây (đập Iguazu), Thổ Nhĩ Kỳ (đập Keban), Trung Quốc (đập Tam Môn, Tam Giáp Khẩu), Ai Cập (đập Aswan)… đều cho thấy ảnh hưởng lên sự màu mỡ của đất đai là rất nặng, số lượng tôm cá bị giảm sút rất nhiều khiến dân chúng bị suy dinh dưỡng vì bị thiếu chất protein. Nếu nước sông Cửu Long bị các đập nước chặn mất đất phù sa thì chắc chắn sản lượng lúa gạo ở miền Tây sẽ bị giảm sút trầm trọng, bao nhiêu phân bón hóa học cũng không đủ để bù lại, thiếu gạo thì nạn đói sẽ xảy ra.

Sự phản đối, kêu ca của các tổ chức quốc tế về ảnh hưởng tai hại của các đập nước Vân Nam đã bắt đầu có một vài ảnh hưởng lên chính sách của Trung Quốc. TS. Achim Steiner cho biết là Trung Quốc đang có một chính sách ngoại giao âm thầm đối với các nước lân bang qua những cuộc hội thảo, trao đổi kinh nghiệm, không dám ăn hiếp một cách trắng trợn vì sợ dư luận quốc tế. Việt Nam đã gửi một phái đoàn sang Vân Nam để bàn về kế hoạch xây đập và ảnh hưởng của những đập nước này lên vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nhất là sông Hồng, sau khi có tin là Trung Quốc đang nghiên cứu xây thêm một số đập nước ở thượng lưu sông Hồng, sông Đà ở vùng Mông Tự, Hà Khẩu… Nạn phá rừng ở thượng lưu sông Hồng và sông Đà cũng có ảnh hưởng rất tai hại lên vùng châu thổ sông Hồng vì nước mưa, nước lũ không còn bị kềm hãm lại bởi các khu rừng già ở Việt Bắc và bên Tàu đang bị cán bộ kiểm lâm phá hoại, đốn rừng lấy gỗ bán ra ngoại quốc, lấy tiền đút túi.

Hiện nay các nước Đông Nam Á đã ý thức được rằng Trung Quốc chỉ chịu bàn về những điều gì có lợi cho nước họ mà thôi.

Đại diện Tổ chức Bảo vệ môi sinh Terra nói: “Các nước Đông Dương cần có một kế hoạch đồng nhất để quản trị, phân phối nước sông Cửu Long và không nên bị chia rẽ bởi những biên giới chính trị”.

Nhưng chìa khóa cuối cùng của kế hoạch phát triển sông Cửu Long vẫn nằm ở trong tay Bắc Kinh!”. 

L. P. K.

Tác giả gửi BVN.

(*) Trích từ cuốn Đồng bằng sông Cửu Long – 40 năm nhìn lại của tác giả (NXB Thanh Niên, 2015).

This entry was posted in Nông Thôn. Bookmark the permalink.