Bài 1 – Tàu Trung Quốc lại tuần tra trong vùng biển tranh chấp với Việt Nam
Mặc Lâm, phóng viên RFA
Tàu Ngư Chính Trung Quốc một lần nữa diễu võ dương oai tại biển Đông với chiêu bài bảo vệ tàu đánh cá của họ. Tuy nhiên vùng biển mà họ bảo vệ lại thuộc khu vực đang tranh chấp với Việt Nam.
Hộ tống hay bá quyền?
Theo tin từ VietnamNet cho biết thì Cục Quản lý Nghề cá Trung Quốc tuyên bố, họ đã bắt đầu tuần tra thường xuyên ở Biển Đông qua việc điều động hai tàu Ngư Chính 301 và 302 thay thế tàu 311 được nói là làm nhiệm vụ hộ tống các tàu đánh cá của Trung Quốc trong khu vực.
Ông Ngô Trang, Giám đốc Cục Ngư nghiệp và quản lý cảng cá Biển Đông thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nói rằng tàu Ngư Chính sẽ đảm nhận nhiệm vụ tuần tra khu vực biển quần đảo Trường Sa.
Theo ông Ngô Trang, các tàu tuần tra được điều động để hộ tống tàu cá Trung Quốc hoạt động tại Biển Đông và gia tăng quyền đánh bắt cá ở vùng biển quanh Trường Sa.
Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động này, không tiếp tục có các hành động gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình tại Biển Đông.
Bà Nguyễn Phương Nga
Đây là động thái mới nhất của Trung Quốc khi điều tàu Ngư Chính, một loại chiến hạm được cải tiến thành tàu tuần duyên liên tục nhiều lần đưa ra hoạt động trên các vùng biển tranh chấp. Trung Quốc ngày càng xem thường các nước trong khu vực qua hành động nước lớn bất kể dư luận quốc tế cùng các công ước biển đảo mà nước này đã ký kết.
Lên tiếng là bảo vệ cho ngư dân của mình nhưng Trung Quốc cố tình quên rằng khu vực mà tàu Ngư Chính hoạt động không hề thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Nhìn dưới bất cứ góc độ nào đi nữa thì đây rõ ràng là một hành động bá quyền khi ngang nhiên mang tàu chiến vào vùng đang tranh chấp.
Khu vực biển Trường Sa từ trước tới nay là nơi ngư dân Việt Nam vẫn thường xuyên khai thác nguồn lợi thủy sản. Hành động mang tàu chiến hộ tống tàu cá của Trung Quốc là trực tiếp xâm phạm lãnh hải cũng như đe dọa nền kinh tế biển của Việt Nam. Ông Lê Trần Nguyên Hùng, trưởng phòng khai thác thủy sản thuộc Cục khai thác và bảo vệ Thủy sản cho biết:
“Ngư dân thì họ cứ đánh bắt bình thường vì đây là vùng biển của Việt Nam. Cho nên cho dù họ đánh bắt ở Trường Sa hay Hoàng Sa thì cũng là quê hương tổ quốc của mình. Riêng về các cái biện pháp thì đối với Việt Nam khi ngư dân ra những vùng biển như thế này thì khi bị các lực lượng Trung Quốc bắt thì cơ quan chúng tôi sẽ đề xuất lên Bộ Ngoại giao để phản đối lại Trung Quốc. Cụ thể thì chúng tôi cũng đang có những giải pháp kiến nghị cũng như tham mưu với lãnh đạo cấp trên để có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa”.
Phản ứng trước hành động Trung Quốc cử tàu ngư chính tuần tra ở khu vực Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga như thường lệ, nói rằng “Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động này, không tiếp tục có các hành động gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình tại Biển Đông, làm ảnh hưởng đến việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực”.
Công khai vi phạm cam kết
Người ta còn nhớ, chỉ cách đây vài hôm, vào ngày 16 và 17/4, nhóm công tác ASEAN – Trung Quốc đã họp tại Hà Nội, khẳng định cam kết tôn trọng và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông. Lời tuyên bố chưa kịp bay khỏi tai của các bên tham gia hội nghị thì Trung Quốc lại chính là nước công khai vi phạm những khẳng định này.
Họ yêu cầu quốc hội cần có những giải pháp, các cuộc trao đổi làm việc trực tiếp với nhà chức trách Trung Quốc để ngăn chặn các vụ việc đáng tiếc xảy ra, tuy nhiên không có sự tiến triển nào.
Ô. Lê Văn Cuông
Có lẽ không gì bẽ bàng hơn đối với Việt Nam trong khi Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội do ông Lê Quang Bình dẫn đầu đang có mặt tại Trung Quốc thì nước này chào đón bằng một hành động không lấy gì làm hữu nghị như hai nước thuờng công bố. Trước sự kiện khá bức xúc này, ông Lê Văn Cuông, đại biểu Quốc hội đơn vị Thanh Hóa lên tiếng với chúng tôi như sau:
“Chúng tôi cũng đang chuẩn bị để sắp tới quốc hội có những chương trình tham gia luật biển để đóng góp vào dự án luật này. Từ xưa đến nay Việt Nam luôn luôn mong muốn giải quyết các công việc tranh chấp bằng thương lượng hòa bình. Hai nữa Việt Nam cũng mong muốn các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc là một nước lớn cạnh Việt Nam cũng phải tôn trọng và xử sự với Việt Nam một cách bình đẳng hơn”.
Tuy mong đợi Trung Quốc sẽ tôn trọng và xử sự với Việt Nam một cách bình đẳng nhưng qua những động thái mà Bắc Kinh thường hành xử buộc Việt Nam phải nhìn lại chính mình cũng như lật lại kinh nghiệm ngoại giao đối với họ trong nhiều chục năm qua. Đại biểu quốc hội Lê Văn Cuông cho biết:
“Tại diễn đàn của quốc hội thì các đại biểu cũng đã phản ảnh về cái tâm tư nguyện vọng hay kiến nghị của cử tri nói chung ngư dân nói riêng, họ yêu cầu quốc hội cần có những giải pháp, các cuộc trao đổi làm việc trực tiếp với nhà chức trách Trung Quốc để ngăn chặn các vụ việc đáng tiếc xảy ra, tuy nhiên không có sự tiến triển nào. Cho nên nhiều đoàn cấp cao trong đó có đoàn của Ủy ban Quốc phòng và An ninh do ông Lê Quang Bình đi thăm Trung Quốc, chúng tôi biết chắc là sẽ có đề cập đến vấn đề này. Chắc rằng sau chuyến đi cũng như trong qua trình hoạt động Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ có ý kiến với Trung Quốc để sớm giải quyết những về phân định ranh giới cũng như tranh chấp trên biển Đông”.
Một tuần trước khi xảy ra vụ tàu Ngư Chính, Tướng Phùng Quang Thanh – Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam dẫn một phái đoàn sang thăm Trung Quốc để bàn chuyện hợp tác quân sự.
Năm ngày sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng chống đối tàu Ngư Chính của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng biển Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu một phái đoàn doanh nghiệp sang thăm Thượng Hải, nơi đang diễn ra hội chợ thế giới do nước này chủ trì.
Theo truyền thông từ Bắc Kinh thì con tàu tuần tra mang tên Ngư Chính sẽ hỗ trợ tàu đánh cá Trung Quốc và các tàu thuyền khác. Tuy nhiên, theo AFP, dưới cái nhìn trung thực của một hãng thông tấn quốc tế thì động thái này của Trung Quốc được coi là Bắc Kinh đang dùng sức mạnh quân sự để o ép các nước tuyên bố chủ quyền nhỏ hơn.
Những nỗ lực hợp tác của Việt Nam đối với Trung Quốc hình như không được nước này đáp trả một cách sòng phẳng. Phải chăng số phận nước nhỏ không còn cách nào khác ngoài những thăm viếng, hợp tác hay tuyên bố này khác nhằm thắt chặt tình hữu nghị, để mong nước láng giềng khổng lồ nghĩ lại mà nhường cho một ít đất của chính tổ tiên mình sở hữu từ hàng trăm năm nay?
Bài 2 – Ngày về của 23 ngư dân
Trà Sơn
Đêm 28.4 vừa qua, 23 ngư dân trên 2 tàu đánh cá của ông Tiêu Viết Là (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) và tàu ông Mai Phụng Lưu (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) đã về tới đất liền sau hơn 1 tháng bị Trung Quốc bắt giữ trong lúc đang đánh cá hợp pháp tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của VN.
Vậy là, sau khi đòi tiền chuộc bất thành (buộc mỗi tàu phải nộp 70.000 nhân dân tệ), phía Trung Quốc đã phải thả số ngư dân nói trên.
Tuy nhiên, niềm vui khi được trở về đoàn tụ với gia đình đúng dịp lễ 30.4 của số ngư dân này vẫn chưa được trọn vẹn. Vì rằng, phía Trung Quốc chỉ “đong đếm” số nhiên liệu vừa đủ cho chuyến hải trình Hoàng Sa – Quảng Ngãi của tàu ông Mai Phụng Lưu, còn tàu của ông Tiêu Viết Là cùng toàn bộ ngư lưới cụ và các phương tiện đánh bắt của cả hai tàu thì vẫn không được trao trả. Theo lời kể của số ngư dân vừa trở về, họ đã phải dò dẫm trở lại quê nhà theo trí nhớ và kinh nghiệm đi biển lâu năm của mình chứ la bàn và máy định vị trên tàu của họ cũng đã bị phía Trung Quốc thu nốt. Các chủ tàu cũng cho biết, trị giá của con tàu ông Tiêu Viết Là và toàn bộ số tài sản trên cả hai tàu lên đến 500 triệu đồng, gấp 1,5 lần số tiền chuộc mà phía Trung Quốc đưa ra trước đó!
Theo các ngư dân, phía Trung Quốc đã tính rất kỹ bài toán “giữ tàu”. Họ không giữ tàu ông Lưu mà giữ tàu ông Là, bởi vì “tàu của tôi mới hơn, công suất cũng lớn hơn tàu ông Lưu, trị giá gần 400 triệu đồng” – ông Là lý giải. Được biết, tàu của 2 ngư dân này trước đây từng bị phía Trung Quốc bắt giữ và đòi tiền chuộc trong lúc họ đang đánh cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của VN. Gần như họ đã trắng tay sau những lần bị bắt ấy. Họ đã chạy vạy để vay ngân hàng, kể cả “vay nóng” để có thể tiếp tục ra khơi trong thời gian qua. Vì vậy, cả tàu ông Là lẫn ông Lưu đang chở trên thân nó không chỉ là hàng chục ngư dân tiến ra biển Đông kiếm kế sinh nhai, mà còn chở theo gánh nặng nợ nần của các ngân hàng và các chủ nợ nữa. Tịch thu tàu và tài sản của ngư dân trong lúc này chẳng khác nào “trói tay” họ lần nữa.
Từ đòi tiền chuộc đến tịch thu tàu, nội dung có khác nhau song tính chất vụ việc thì vẫn không thay đổi. Vì vậy, việc tiếp tục yêu cầu phía Trung Quốc phải trả tất cả những gì họ còn thu giữ của ngư dân VN là rất cần thiết trong lúc này. Bởi vì, đối với ngư dân, không có phương tiện để ra khơi chẳng khác nào người lính ra trận mà không có trong tay vũ khí.
01/05/2010
TS
Nguồn: http://m.baomoi.com/Home/TheGioi/www.thanhnien.com.vn/Ngay-ve-cua-23-ngu-dan/4205902.epi
Bài 3 – Lập trường của Trung Quốc trước vấn đề tranh chấp Biển Đông
Cao Phong dịch theo Chinanews
VIT – Theo báo điện tử Chinanews, trong buổi làm việc với ông Lê Quang Bình đại biểu Quốc hội, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng của Việt Nam tại lầu Bát Nhất, ông SunJianGuo – Trung tướng Hải quân – Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã cho biết những lập trường cụ thể của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông.
Ngày 27.04, trong buổi tiếp Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng Việt Nam, ông SunJianGuo – Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho biết mặc dù quan hệ giữa hai nước Việt – Trung trên nhiều vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận cao, song về cơ bản việc duy trì mối quan hệ hữu hảo giữa hai dân tộc vẫn là chủ đạo.
Trước mắt, với sự nỗ lực của cả hai nước chiến lược phát triển quan hệ bằng hữu trên nhiều lĩnh vực vẫn đang ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Bộ Quốc phòng và sự giao lưu hợp tác giữa quân đội hai nước trong thời gian qua vẫn hết sức tốt đẹp và không ngừng được tăng cường.
Đặc biệt, năm nay là năm hai nước Việt – Trung kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đây chính là cơ hội để hai nước tăng cường hợp tác hơn nữa trên nhiều lĩnh vực. Trung Quốc nguyện cùng với Việt Nam nỗ lực phát triển quan hệ hai nước đi vào chiều sâu và mở rộng hơn nữa.
Đề cập đến lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông, ông SunJianGuo cho biết, vấn đề tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề lớn nhất mà hai nước còn nhiều điều chưa có sự thống nhất và tồn tại mâu thuẫn. Trung Quốc kịch liệt phản đối việc đưa vấn đề này ngày càng trở nên “quá nóng”, phản đối việc đưa vấn đề này thành sự kiện “quốc tế hóa”, đồng thời cũng phản đối việc các nước khác tham gia vào vấn đề này. Theo đó hai nước Việt – Trung nên bình tĩnh, thận trọng và song phương giải quyết vấn đề này qua đó không làm tổn hại đến mối quan hệ hai nước.
Ông SunJianGuo hy vọng, trong thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, giao lưu hơn nữa. Hy vọng hai bên sẽ tiếp tục phát huy và tăng cường mối quan hệ hữu hảo giữa hai nhà nước, hai dân tộc.
Nguồn: http://vitinfo.com.vn/MMuctin/Quansu/THSK/LA76086/default.html
Bài 4 – Việt-Trung nhất trí tìm giải pháp thỏa đáng cho Biển Đông
VNN: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cho rằng hai bên cần nỗ lực tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho các vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Hôm nay (30/4), tại thành phố Thượng Hải, nhân dự khai mạc triển lãm Thế giới Thượng Hải 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam đạt được trong thời gian qua, tỏ ý tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cùng khẳng định Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước không ngừng phát triển trong 60 năm qua là phù hợp với lợi ích cơ bản và nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Nhấn mạnh ý nghĩa của Năm Hữu nghị Việt – Trung 2010, hai bên nhất trí tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển, đi vào chiều sâu theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt.
Theo đó, hai bên sẽ duy trì và tăng cường hơn nữa các chuyến thăm và gặp gỡ cấp cao; mở rộng giao lưu hợp tác giữa các cấp, bộ, ngành và địa phương hai nước; phát huy cơ chế Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương và Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục và du lịch.
Hai bên duy trì đà tăng trưởng thương mại, phấn đấu thực hiện mục tiêu 25 tỷ USD trong năm nay; sớm hoàn tất để ký và thực hiện Quy hoạch 5 năm phát triển kinh tế thương mại Việt – Trung; thúc đẩy các dự án trong kế hoạch hai hành lang, một vành đai kinh tế.
Việt Nam và Trung Quốc giao cơ quan chủ quản hai nước tiến hành trao đổi về việc ký kết thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương sử dụng đồng bản tệ; đồng thời tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền hữu nghị và giao lưu giữa thế hệ trẻ hai nước; đặc biệt là phối hợp tổ chức thật tốt các hoạt động trong Năm hữu nghị Việt – Trung 2010.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về việc hai bên đã hoàn thành phân định Vịnh Bắc Bộ và phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước.
Thủ tướng Việt Nam và TBT, Chủ tịch nước Trung Quốc nhất trí cho rằng hai bên cần tiếp tục kiên trì đàm phán trên tinh thần láng giềng hữu nghị, cùng quan tâm đến lợi ích của nhau, trên cơ sở luật pháp quốc tế, thông qua đối thoại và hợp tác, nỗ lực tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho các vấn đề liên quan đến Biển Đông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ