Đồng bằng sông Cửu Long – 40 năm nhìn lại

(kỳ 2: Tranh chấp ruộng đất)

Cũng trong khoảng thời gian này, công cuộc khai phá hai vùng đất hoang rộng lớn của Đồng bằng sông Cửu Long là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên chưa thu được kết quả như mong muốn nếu không muốn nói là thất bại. Do duy ý chí và nóng vội, chúng ta đã cho máy bay đi gieo sạ lúa ở nông trường Lúa Vàng tại Đồng Tháp Mười nên thất bại hoàn toàn. Tại Tứ giác Long Xuyên, trong vòng hơn 10 năm, đầu từ năm 1975 đến 1987, mọi cố gắng của hai tỉnh An Giang và Kiên Giang đều kém hiệu quả.

Tình hình sản xuất và đời sống của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục gặp khó khăn, phải đến khi có chủ trương khoán 100 của Ban Bí thư, rồi khoán 10 của Bộ Chính Trị (tháng 4/1988) thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế chủ thể, hay nói khác đi, ruộng đất trả về cho nông dân… thì tình hình sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long mới khởi sắc.

Nhưng một cơn bão lại ập đến với Đồng bằng sông Cửu Long vào những cuối thập niên 80 là tình trạng tranh chấp ruộng đất. Khác với đồng bằng Bắc Bộ, ruộng đất đã qua cải cách ruộng đất và Hợp tác hóa nông nghiệp đã lâu, chủ đất cũ không còn nữa, hoặc đã quá già, ruộng đất đã được Nhà nước quản lý và phân chia một thời gian rất dài… Ruộng đất ở Đồng bằng sông Cửu Long mới qua vài năm làm ăn tập thể, chủ ruộng vẫn còn đó, nên chủ trương cào bằng ruộng đất “nhường cơm sẻ áo”… Khi khoán 10 ra đời đã thành cuộc đòi lại, chia lại ruộng đất rất gay gắt, khốc liệt.

Trong vòng hai năm 1988-1989 những cuộc tranh chấp dẫn đến đập phá, đánh chém nhau diễn ra liên tiếp ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hàng đoàn nông dân từ các làng quê kéo lên các thị xã thành phố trong vùng biểu tình đòi ruộng đất diễn ra hàng ngày, hàng tháng… Người bị lấy ruộng để chia cho người khác… đòi!. Người không có ruộng đã được chia ruộng nay bị chủ cũ chiếm lại… đòi! Người có ruộng nhưng phải giao ruộng cho Hợp tác xã để phân chia, rồi phải nhận ruộng của người khác theo “tiêu chuẩn” nhân khẩu… nay đòi về thửa ruộng cũ của mình do ông bà để lại, do gần nhà, v.v. cả đồng bằng náo loạn. Trung ương chưa có chỉ thị, chưa có chủ trương nên các địa phương ở đồng bằng không biết đâu mà lần!

Trong những ngày này, tôi và các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Tiền Giang, nơi có nạn tranh chấp ruộng đất khốc liệt nhất, đã nhận được thông tin và đến tận nơi có tranh chấp, có khi phải liều mình xông vào những nơi đánh chém để ghi chép, chụp hình. Những hình ảnh mà chúng tôi còn giữ lại đến nay, mỗi khi xem lại, còn thấy… cay xè hai con mắt!

Tôi đã ghi chép và tổng kết thành 10 nguyên nhân tranh chấp ruộng đất ở tỉnh Tiền Giang. Báo Công An Tiền Giang lúc đó do Thiếu tá Võ Thị Cẩm Hồng phụ trách đã đăng bài tổng kết này dưới dạng “trích sổ tay phóng viên” với nhan đề “Những dạng đòi đất” trong số báo 13, kỳ 1 tháng 12-1988. Số báo này tôi còn giữ, với ý định sau này sẽ dùng làm đề cương cho một cuốn tiểu thuyết về giai đoạn bi thương này ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng chưa làm được. Nhân “Nhìn lại 40 năm”, tôi chép lại nguyên văn bài báo đó để độc giả tham khảo.

NHỮNG DẠNG ĐÒI ĐẤT

(Trích sổ tay phóng viên) 

– Xáo canh, khi thực hiện khoán theo chỉ thị 100, cán bộ, đảng viên lợi dụng chức quyền giành phần ruộng tốt gần nhà mình, phân bổ cho họ hàng bà con, phe cánh của mình ruộng tốt, chừa phần đất xấu cho xã viên, tập đoàn viên. Nay xã viên đòi được trở về canh tác ruộng cũ của mình. Bị cán bộ đàn áp.

– Có con đi nghĩa vụ quân sự bị cắt bớt đất, nay con trở về, đòi lại phần đất bị cắt.

– Khi khoán, ít lao động, nay con cái lớn đòi được trả lại đất đã bị điều hòa bớt đi trước kia.

– Có ruộng bị điều hòa trước kia, nhưng lại điều cho ngụy quân, ngụy quyền. Nay đòi lại (vì vẫn ghét ngụy quân ngụy quyền đã tàn sát nhân dân).

– Có ruộng bị điều hòa trước kia, nay thấy người được nhận ruộng của mình lười biếng, bỏ ruộng hoang nên đòi lại.

– Có ruộng bị điều hòa trước kia, nay người được nhận ruộng của mình có nhà ngói, sân gạch, giàu có hơn chính mình nên tức mà đòi lại.

– Có ruộng bị điều hòa trước kia, nay đời sống của gia đình vẫn no đủ… Người được nhận ruộng của mình vẫn còn khổ vì có ít ruộng. Nhưng thấy bàn dân thiên hạ đi đòi thì cũng đòi, được lại ruộng cũ thì càng hay, không được thì thôi.

– Có ruộng bị xáo canh phân cho người khác. Còn mình thì nhận ruộng mới. Bán ruộng mới ăn hết rồi. Nay đòi ruộng cũ (!)

– Không có ruộng cũng đi đòi (!) Đòi hộ người khác, nếu đòi được thì có “chỉ”, có tiền. Lúc đi đòi được người khác thuê, chi phí ăn uống, vui chân nên đi đòi!!!

– Có ruộng bị điều hòa, nay đòi lại, chính quyền, hợp tác xã xét cấp trả lại thêm một số diện tích đã bị điều hòa trước kia nhưng không chịu. Đòi được trả lại hết. Cán bộ giải thích, nếu đòi hết thì người đang trực canh hết ruộng, chết đói. Không chịu, vẫn tiếp tục đòi.

– Ruộng từ đời ông cố nội, qua bao nhiêu thăng trầm qua tay nhiều người, nay lấy cớ là của ông cha. Đòi !

– Ruộng cha mẹ chia cho con cái. Nay con cái tranh giành hơn thiệt, đâm đơn thưa kiện, trong lúc chờ phân xử, lấn chiếm xô xát nhau… vân vân… và… vân vân…

Có lẽ không cần bình luận nữa. Chỉ với những lý do đòi đất như chúng tôi thu lượm được, cũng đủ cho thấy việc tranh chấp đất đai hiện nay là rất phức tạp. Phải giải quyết cụ thể từng trường hợp, không thể nôn nóng, “quơ đũa cả nắm”, hoặc cứng nhắc giữ thái độ ủng hộ phía đòi đất hay phía giữ đất (!)

Nhà báo Hữu Thọ, nếu tôi nhớ không lầm thì lúc đó là Phó Tổng biên tập báo Nhân dân, đã vào Nam để đi quan sát tranh chấp ruộng đất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ông đã đến Tiền Giang – nơi tranh chấp nóng bỏng nhất – tôi đã “báo cáo” ông những gì lượm lặt được về tranh chấp ruộng đất. Sau đó, báo Nhân dân đã có một loạt bài viết về sự kiện này.

Điều nguy hại nhất là, khi chưa có chỉ đạo của Trung ương, trước tình trạng tranh chấp ruộng đất ngày một lan rộng, một số lãnh đạo các tỉnh không chịu nhìn thẳng vào sự thật mà đổ lỗi cho “địch phá hoại”, có bàn tay của CIA… thế là xong. Cần thì… bắt!

Ngày 15/8/1988 báo Nhân Dân đã đăng bài nhan đề: “Giải quyết tranh chấp ruộng đất ở Tiền Giang theo hướng nào” của tôi. Xin chép lại nguyên văn bài báo đó:

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP RUỘNG ĐẤT Ở TIỀN GIANG THEO HƯỚNG NÀO? 

Tình hình tranh chấp ruộng đất ở Tiền Giang vẫn không có chiều hướng giảm. Có vụ gần đây rất quyết liệt như vụ xảy ra lúc ba giờ chiều 18-7-1988 ở ấp Tây Hòa, xã Song Thuận, huyện Châu Thành. Trên một công rưỡi đất lúa hè thu đã trổ bông của gia đình ông Trần Văn Đầy, lực lượng dân quân xã, dưới sự chỉ huy của chủ tịch xã Ngô Thị Hoa đã đến cắt phá ruộng lúa này. Khi con trai của ông Đầy là anh Trần Văn Nghi thấy thế vác con dao đang làm việc trên cánh đồng gần đó chạy tới ngăn cản thì lực lượng du kích đã nổ súng hăm dọa anh, sau đó bao vây nhà ông Đầy cho tới khuya. Nguyên nhân của việc phá lúa này là cán bộ xã muốn răn đe gia đình ông Đầy đã đòi lại công rưỡi đất khi con trai ông là Nghi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về. Thiếu ruộng làm, ông phải đòi lại thửa ruộng đã phải điều hòa bớt đi khi con trai ông đi nghĩa vụ. Lực lượng dân quân xã phá lúa của ông vì sợ việc ông Đầy đòi lại được ruộng thì bao nhiêu gia đình khác cũng sẽ đòi lại ruộng, sẽ nhằm vào gia đình cán bộ xã đang chiếm dụng nhiều ruộng đất nhất, vượt quá tiêu chuẩn bình quân theo lao động. Những sự việc như thế không phải là hiếm và đang tiếp tục diễn ra trên đồng ruộng Tiền Giang. Theo con số chính thức của tỉnh, từ đầu năm đến nay có hơn 2600 vụ khiếu nại đòi lại ruộng đất tự động lấy lại ruộng đất trước kia đã điều hòa,

Xảy ra tranh chấp nhiều nhất trong tỉnh là huyện Chợ Gạo với hơn 500 vụ, tiếp sau là Cái Bè 453 vụ, Châu Thành 425 vụ, Cai Lậy 410 vụ; tổng diện tích tranh chấp trong cả tỉnh khoảng 1.000 ha.

Nguyên nhân tranh chấp đất đai ở Tiền Giang hiện nay rất phức tạp. Có nhiều cách giải thích khác nhau, đánh giá khác nhau và đi đến những biện pháp giải quyết khác nhau trên thực tế và trên công luận. Qua nghiên cứu nhiều đơn khiếu nại của nông dân, đối thoại trực tiếp với nhiều hộ nông dân và cán bộ trong tỉnh, kể cả đối thoại với các đồng chí lãnh đạo như bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh, qua nhiều lần xuống tận nơi xảy ra tranh chấp dẫn tới xô xát và đối thoại với các đương sự ngay trên thửa ruộng còn ngổn ngang những dấu vết tranh chấp, chúng tôi tạm nêu lên một số nguyên nhân như sau:

Một là, chính sách quản lý ruộng đất của Đảng và Nhà nước nói chung, ở địa phương Tiền Giang nói riêng đang khuyến khích người làm ruộng. Nông dân thật sự thấy làm ruộng hiện nay có lợi, cho nên một số không ít trước đây từng bỏ ruộng nay lại quay về với ruộng đất. Đó là khía cạnh đáng mừng.

Hai là, so với các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang là tỉnh ít ruộng đất nhất. Có thể nêu một vài con số làm thí dụ, diện tích đất tự nhiên của huyện Hòn Đất tỉnh Kiên Giang tới 110 nghìn hecta, tương đương với cả diện tích đất canh tác của tỉnh Tiền Giang. Bình quân ruộng đất trên đầu người của huyện Vĩnh Hưng thuộc tỉnh Long An nằm trong vùng Đồng Tháp Mười là ba héc-ta, gấp 30 lần bình quân ruộng đất ở Tiền Giang. Vì thế, việc tranh chấp ruộng đất đang là vần đề của cả Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng ở Tiền Giang là gay gắt nhất. Trên thực tế, Tiền Giang không có điều kiện giải quyết tranh chấp ruộng đất như ở những tỉnh láng giềng còn vùng đất hoang rộng lớn, bằng cách trả lại ruộng đã bị điều hòa cho chủ cũ và người trả đất được nhận đất mới ở vùng khai hoang, điều kiện khách quan không có vùng đất khai hoang rộng lớn cũng gây không ít khó khăn cho lãnh đạo tình Tiền Giang trong việc giải quyết tranh chấp ruộng đất.

Ba là, ngay từ khi có chủ trương điều hòa ruộng đất, rồi sau đó là khoán hộ, cán bộ xã và tập đoàn sản xuất, hợp tác xã ở một số nơi đã tư túi, không thực hiện giữ nguyên canh, xáo trộn đất đai để giành phần ruộng tốt, gần nhà cho gia đình dòng họ và phe cánh của mình; chừa phần ruộng xấu cho xã viên, tập đoàn viên. Nay nhờ mở rộng dân chủ, rộng đường dư luận, người nông dân bị thiệt thòi trước kia, nay đòi lại ruộng cũ của mình. Chỉ thị UBND tỉnh Tiền Giang (ngày 10-5-1988) và những chỉ thị trước đó về vấn đề tranh chấp ruộng đất, cũng có nói đến việc phải mạnh dạn sửa chữa, điều chỉnh cho hợp lý, nhưng không được cấp huyện và xã thi hành triệt để hoặc có thi hành thì chỉ trên giấy tờ, hình thức.

Bốn là, do một số nông dân nghe theo bọn xấu xúi giục, lợi dụng việc mở rộng dân chủ đề gây rối, nhằm đục nước béo cò. Nhưng số này không nhiều. Nguyên nhân này không phải là nguyên nhân cơ bản.

Tình hình nói trên ở Tiền Giang và những nguyên nhân của tình hình ấy đòi hỏi có những biện pháp tháo gỡ một cách có hiêu quả và kịp thời, không thể để tình trạng như hiện nay tiếp tục diễn tiến. Cần có ngay một hội nghị chuyên đề về tranh chấp ruộng đất ở Đồng bằng sông Cửu Long do Trung ương tổ chức. Đề nghị của tỉnh Tiền Giang trong báo cáo gửi Hội đồng Bộ trưởng ngày 16-5-1988 có nêu vấn đề cần có sự chỉ đạo chính thức thống nhất cho cả nước vấn đề tranh chấp ruộng đất, tránh tình trạng mỗi nơi, mỗi địa phương làm một cách. Đó là đề nghị đúng và rất cần thiết lúc này với Đồng bằng sông Cửu Long.

Sau Hội nghị thống nhất đó, các tỉnh có vấn đề tranh chấp ruộng đất, dựa trên Luật đất đai của Nhà nước đã ban hành và những chỉ thị hướng dẫn dưới luật do hội nghị nói trên thông qua để có cách giải quyết đồng loạt, dứt điểm trên phạm vi rộng. Muốn vậy, các tỉnh phải tập trung thời gian và cán bộ, thành lập một ban chuyên trách lo giải quyết vấn đề này. Cách làm như hiện nay, chỉ thông qua con đường kiện tụng, hòa giải, xét xử ở các phòng tiếp dân, thông qua một vài bài báo trên cơ quan thông tin đại chúng của địa phương, không giải quyết được tận gốc vấn đề, chỉ có tính cách chữa cháy, nhỏ giọt.

Việc nóng bỏng cần làm ngay ở Tiền Giang là chặn đứng những hành động thô bạo của cán bộ chính quyền cấp xã đang phá rau màu, bắt giữ trái phép những nông dân bị oan ức, vì chưa hiểu luật đất đai, thậm chí vì bọn xấu xúi giục, mà đòi lại ruộng đất. Xung đột về ruộng đất ở Tiền Giang cũng như ở các nơi trên Đồng bằng sông Cửu Long là thuộc những mâu thuẫn nội bộ, nhất thiết phải được giải quyết trên tinh thần công khai hòa giải để tìm ra phải trái, tìm cách phân xử trong các đại hội của tập đoàn sản xuất, của xã, ấp. Mọi hành động như bắt trói và phá hoại rau màu đều là thô bạo, trái với pháp luật, phải được ngăn chặn và trừng trị thích đáng.

Dư luận trong tỉnh đang đòi hỏi đưa ra xét xử trước pháp luật những cán bộ cấp xã ở Hòa Tịnh (huyện Chợ Gạo), ở Điềm Hy và Song Thuận, v.v. trong việc bắt giữ trái phép những nông dân và phá hoại rau màu trong các vụ tranh chấp ruộng đất.

Riêng đối với tỉnh Tiền Giang, tuy là một tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng phải đặt vấn đề di dân đi khai hoang các tỉnh khác thuộc miền Tây hoặc miền Đông Nam Bộ vì đất quá hẹp người quá đông. Sau ngày giải phóng. Diện tích trồng lúa của Tiền Giang là 120 nghìn hecta. Dân từ 1,2 triệu; nay lên 1,4 triệu. Như vậy là mất đi một huyện đất và thêm một huyện dân. Thống kê năm 1985, bình quân ngày công lao động trong cả năm từ 200 đến 220 ngày, tức là từ năm đến bảy tháng, người nông dân phải ở không; tới nay tới nay số ngày ở không còn nhiều hơn. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp ruộng đất. Những quân nhân hết hạn nghĩa vụ quân sự trở về, lúc đi bị cắt đất, lúc về không còn đất để canh tác, như trường hợp anh Trần Văn Nghi con ông Trần Văn Đầy ở xã Song Thuận huyện Châu Thành kể trên là một thí dụ tiêu biểu.

Chưa bao giờ người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và nông dân Tiền Giang nói riêng thiết tha với ruộng đất, nỗ lực sản xuất như lúc này. Nếu những tranh chấp ruộng đất hiện nay được giải quyết chắc chắn sức sản xuất sẽ được bật lên mạnh mẽ hơn lúc nào hết. Với cách nhìn như thế, những tranh chấp ruộng đất hiện nay ở Tiền Giang là không có gì đáng lo ngại, nếu chúng ta quyết tâm giải quyết một cách đúng đắn.

Lê Phú Khải 

Cùng với hàng loạt các bài báo khác được đăng tải trên báo Nhân Dân và các báo khác ở Trung ương… vấn đề tranh chấp ruộng đất ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có hướng giải quyết. Hội đồng chính phủ sau đó có Hội nghị về vấn đề này ở Cần Thơ do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt chủ trì đã có kết luận tháo gỡ dần những khó khăn. Đồng bằng sông Cửu Long từ đó bước vào một giai đoạn mới, phát triển đúng hướng khi ruộng đất đã được trả về cho dân cày từ chủ trương khoán 10 của Bộ Chính Trị.

L. P. K.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Nông Thôn. Bookmark the permalink.