Một cuộc chiến mà hai người nồng nhiệt yêu nước – Phạm Đình Trọng và André Menras Hồ Cương Quyết (xem bài đăng dưới đây) – có cái nhìn hoàn toàn đối lập: người trước khẳng định phải “gọi đúng tên” là nội chiến, và người sau lại xác tín: “Đối với tôi, đó không phải là một cuộc nội chiến […]”. Chỉ chừng đó thôi, cũng đủ thấy cuộc chiến tranh khốc liệt ấy phức tạp và ám ảnh đến chừng nào. Thời gian 40 năm vẫn chưa đủ để hàn gắn vết thương, chưa đủ để thống nhất trong đánh giá. Nhưng mọi người đều có quyền nêu lên quan điểm của mình và nếu chế độ toàn trị xa lạ với tinh thần dân chủ thì ít nhất trên những diễn đàn của những ai ưu tư về vận nước, sự khác biệt cần được tôn trọng.
Bauxite Việt Nam
Lần thứ 40 ngày 30 tháng Tư của lịch sử đau thương mất mát, của vui nông nổi mà buồn thăm thẳm lại đến.
Suốt 40 năm qua, hệ thống tuyên truyền khổng lồ của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền đã ngốn quá nhiều tiền thuế của dân, tiền bán tài nguyên đất nước vào việc tự huyễn hoặc mình và lừa dối người dân về ngày 30 tháng Tư năm 1975, ngày huy hoàng đại thắng, ngày vẻ vang thống nhất đất nước.
Cuộc chiến tranh mà hệ thống tuyên truyền của nhà nước Việt Nam cộng sản vẫn thần thánh hóa là cuộc chiến tranh “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, “Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước” thực chất chỉ là cuộc nội chiến tội lỗi, người Việt bắn giết người Việt, hệ quả tất yếu của hiệp định Genève cắt đôi đất nước Việt Nam thành hai tiền đồn, hai trận tuyến của hai ý thức hệ quyết liệt đối kháng, tiêu diệt nhau, chia đôi dân tộc Việt Nam thành hai thế lực thù địch không đội trời chung, hai tên lính xung kích của hai lực lượng đối kháng đó. Việc chia cắt độc đoán, phũ phàng, oan nghiệt đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam hoàn toàn do những người cộng sản thực hiện, cộng sản Tàu mưu toan và áp đặt, cộng sản Việt cam tâm cúi đầu chấp nhận.
Rắp tâm làm cuộc nội chiến, lực lượng cộng sản Việt Nam ở miền Nam phải chuyển ra miền Bắc theo qui định của hiệp định Genève nhưng họ đã bí mật ém lại lượng lớn súng đạn và khá đông đội ngũ lãnh đạo cộng sản chỉ biết có đấu tranh giai cấp bạo liệt, sắt máu, không biết đến đạo lí thương yêu đùm bọc giống nòi. Đầu năm 1959, Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành nghị quyết 15 xác định rõ việc thâu tóm miền Nam bằng bạo lực cách mạng, tiến hành chiến tranh trong lòng dân tộc, quyết thực hiện nội chiến tương tàn.
Có nghị quyết 15, những người cộng sản ở miền Bắc liền hối hả mở đường đưa súng đạn và lực lương chiến đấu vào miền Nam. Tháng năm, 1959, đường mòn từ miền Bắc xâm nhập miền Nam được mở dọc theo dãy Trường Sơn. Tháng Bảy, 1959, mở tiếp đường mòn trên biển, mở luồng mở bến cho những con tàu không số chở súng, đạn, thuốc nổ từ Đồ Sơn, Hải Phòng vào Vũng Rô, Phú Yên, Trung Bộ, vào Gành Hào, Cà Mau, Nam Bộ.
Có nghị quyết 15, cán bộ cộng sản ở lại miền Nam nằm vùng liền tổ chức, tập hợp lực lượng. Những hầm súng đạn được khui lên. Cuối năm 1959, tiếng súng nội chiến bùng nổ ở Trà Bồng, Quảng Ngãi. Ngày 17.1.1960, tiếng súng nội chiến rộ lên ở huyện Giồng Trôm và huyện Mỏ Cày, Bến Tre. Từ đó tiếng súng nội chiến lan ra khắp miền Nam. Khắp miền Nam, nơi nào cũng có lãnh đạo cộng sản nằm vùng, nơi nào cũng mịt mù lửa khói nội chiến, lênh láng máu người Việt giết người Việt. Từ đó, ngày 17.1.1960 được những người Cộng sản tự hào coi là ngày Đồng khởi vẻ vang của họ. Còn lịch sử Việt Nam phải đau buồn ghi nhận ngày 17.1.1960 là ngày khởi đầu cuộc nội chiến Nam Bắc.
Chiến tranh vũ trang thảm khốc và chiến tranh chính trị lừa dối do những người cộng sản phát động đã đẩy chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam vào cuộc khủng hoảng nặng nề, triền miên không có điểm dừng. Trước nguy cơ sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, một chính quyền được tổ chức theo mô hình dân chủ văn minh, có tam quyền phân lập thực sự, nhờ thế người dân miền Nam bước đầu đã có tự do dân chủ thực sự, một chính quyền đang chiến đấu ngăn chặn sự tràn lan bạo lực cộng sản; trước nguy cơ cả Đông Nam Á bị tràn ngập trong sắt máu bạo lực cộng sản, năm 1965, sáu năm sau nghị quyết 15 của Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng bạo lực thâu tóm miền Nam, gần sáu năm sau tiếng súng nội chiến bùng nổ ở miền Nam, Mĩ mới đưa quân vào miền Nam Việt Nam cứu đồng minh Việt Nam Cộng hòa trước nguy cơ sụp đổ và củng cố một tiền đồn ngăn chặn cơn thác lũ cách mạng bạo lực cộng sản đang ở đỉnh cao trào.
Năm 1965, quân đội Mĩ đổ vào Việt Nam cũng như năm 1944 quân đội Mĩ đổ bộ vào châu Âu trong chiến tranh thế giới thứ hai, cũng như năm 1950 quân đội Mĩ đổ bộ lên bán đảo Triều Tiên đều không có mục đích xâm lược, không đánh chiếm lãnh thổ mà chỉ để làm trách nhiệm của một đồng minh và làm trách nhiệm của một nước lớn bảo đảm một thế giới ổn định, công bằng, bảo vệ những giá trị tự do, dân chủ của con người, ngăn chặn thảm họa phát xít thời thế chiến hai và ngăn chặn thảm họa cộng sản đang như bệnh dịch nhấn chìm thế giới vào hận thù đấu tranh giai cấp, vào bạo lực chuyên chính vô sản và nô dịch con người.
Cần giấu biến cuộc nội xâm tội lỗi của ý thức hệ giai cấp, cuộc nội xâm mang hận thù giai cấp vay mượn, mang tư tưởng bạo lực chuyên chính vô sản ngoại lai, mang súng đạn của thế giới cộng sản về đánh phá dân tộc, nô dịch nhân dân, thống trị đất nước, ngay từ khi phát động cuộc nội chiến phi nghĩa núp bóng cuộc chiến tranh chính nghĩa “giải phóng miền Nam”, những người cộng sản đã vẽ ra con ngáo ộp “đế quốc Mĩ” hiếu chiến, tham tàn, man rợ hù dọa người dân, đã lôi “đế quốc Mĩ” vào tham chiến để biến cuộc nội chiến thành cuộc thánh chiến như lời bài hát của nhạc sĩ cộng sản Lưu Hữu Phước sáng tác năm 1960: “Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước / Diệt đế quốc Mĩ phá tan bè lũ bán nước”. Năm 1965, những đơn vị tinh nhuệ, hiện đại nức tiếng của quân đội Mĩ, những sư đoàn Kị Binh Bay Số 1, lữ đoàn Tia Chớp Nhiệt Đới… với xe tăng lổm ngổm bò kín đất Vạn Tường, Quảng Ngãi, máy bay lên thẳng vè vè rợp trời Bông Trang Nhà Đỏ, Bình Dương thì hệ thống tuyên truyền nhà nước Việt Nam cộng sản như bắt được vàng, như được trích một liều đô pinh mạnh, họ reo lên: “Có những ngày vui sao cả nước lên đường / Xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục… Bộ đội dân công trùng trùng điệp điệp / Chào nhau không kịp nhớ mặt nhớ tên / Đội ngũ ta đi dài theo tiếng hát…”. Đó là thơ của nhà thơ quân đội Nhân dân Việt Nam, Chính Hữu. Khi reo lên như vậy, năm 1966, nhà thơ Chính Hữu là thiếu tá ở cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. Lúc chết, năm 2007, ông là đại tá.
Đây không phải là niềm vui của người lính bị dồn ra trận. Đi vào chỗ chết, đi vào cuộc chiến người Việt bắn giết người Việt, làm sao vui được. Đây là niềm vui tuyên huấn, niềm vui cộng sản. Niềm vui của những người đã đánh tráo được tên gọi cuộc nội chiến tương tàn thành cuộc thánh chiến hào hùng “Chống Mĩ cứu nước”. Niềm vui đã đưa được cả nước vào cuộc nội chiến ngùn ngụt hận thù giai cấp, người Việt vô sản say mê bắn giết người Việt tư sản. Niềm vui khi thấy hai anh em ruột thịt cùng cha cùng mẹ ở hai chiến tuyến ý thức hệ xả súng vào ngực nhau, quăng lựu đạn vào đầu nhau!
Quân đội Mĩ vào tham chiến bên những người lính Việt Nam Cộng hòa có làm cho cuộc nội chiến do những người cộng sản tiến hành chựng lại, tốc độ khuất phục, thâu tóm dải đất miền Nam của họ chậm lại nhưng không làm thay đổi bản chất cuộc nội chiến vì ý chí cộng sản dùng bạo lực khuất phục dải đất miền Nam không thay đổi. Không thay đổi ý chí cộng sản dùng máu người Việt để thống nhất trong tay họ đất nước Việt Nam mà chính họ đã chia cắt.
Nếu thực sự là cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước thì khi quân đội Mĩ giảm vai trò, giảm sự có mặt trong cuộc chiến, mức độ ác liệt của cuộc chiến phải giảm và khi quân đội Mĩ rút hết khỏi Việt Nam thì cuộc chiến phải kết thúc. Không! Từ năm 1970, Mĩ thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh, quân đội Mĩ giao lại vai trò chủ thể chiến trường cho quân đội Việt Nam Cộng hòa, quân đội Mĩ không trực tiếp tham chiến nữa, họ chỉ trợ chiến, yểm trợ hỏa lực. Khi quân đội Việt Nam Cộng hòa độc lập tác chiến trên các mặt trận, trực tiếp đối đầu với những người lính Việt Nam phía bên kia là lúc diễn ra những trận đánh đẫm máu nhất, những người lính Việt Nam ở cả hai phía, Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Cộng sản chết trận nhiều nhất. Những điểm quyết chiến ở Snoul, Mỏ Vẹt, biên giới Việt Nam – Campuchia, ở đường 13, ở đường 9 – Nam Lào, ở thành cổ Quảng Trị trở thành những cái cối xay thịt nghiền nát hết trung đoàn, lữ đoàn lính Việt Nam này đến trung đoàn, lữ đoàn lính Việt Nam khác của cả hai phía.
Từ khi cuộc nội chiến bùng nổ, chưa bao giờ những người lính Việt Nam Cộng hòa và những người lính Việt Nam Cộng sản chết nhiều như trong chiến dịch đường 9 – Nam Lào đầu năm 1971.
Từ khi cuộc nội chiến nổ ra, chưa bao giờ những người lính Việt Nam Cộng hòa và những người lính Việt Nam Cộng sản chết nhiều như trong trận hai bên giành giật nhau thành cổ Quảng Trị hè thu năm 1972, thời gian miền Trung bước vào mùa mưa xối xả. Mưa ở Quảng Trị năm 1972 trở thành những trận mưa máu. Máu nhào đất thành cổ Quảng Trị thành bùn nhão nhoét, đỏ lòm và tanh tưởi. Dòng sông Thạch Hãn ngàn đời trong xanh bỗng trở thành dòng sông máu, loang đỏ máu lính Việt Nam. Lính chết không kịp chôn. Quân số bổ sung liên tục mà không còn lính sống để chôn lính chết. Người lính Lê Bá Dương may mắn sống sót đã viết về những đồng đội không có người vớt lên chôn cất còn mãi mãi nằm lại với sông Thạch Hãn: “Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ / Đáy sông còn đó bạn tôi nằm / Có tuổi hai mươi thành sóng nước / Vỗ vô bờ mãi mãi ngàn năm”.
Nước lênh láng ba phần tư diện tích trái đất được nhà thơ Xuân Diệu coi đó là nước mắt đau khổ của loài người: “Trái đất ba phần tư nước mắt / Đi như giọt lệ giữa không trung”. Ba phần tư lịch sử Việt Nam cũng là lịch sử chiến tranh, là máu và nước mắt. Trong những cuộc chiến tranh liên miên đó chưa có cuộc chiến tranh nào mà người Việt lại quyết liệt, say mê giết người Việt như trong cuộc nội chiến do những người Cộng sản Việt Nam phát động giữa thế kỉ hai mươi.
Năm 1973, quân đội Mĩ rút khỏi Việt Nam thì những người Cộng sản càng đẩy mạnh cuộc nội chiến để chỉ hai năm sau họ thâu tóm hoàn toàn miền Nam vào ngày 30.4.1975.
Là cuộc nội chiến nên đích cuối cùng những người lính Việt Nam Cộng sản đến không phải là tổng hành dinh quân đội Mĩ mà là dinh Độc lập, nơi làm việc của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, người quản lí một nửa lãnh thổ Việt Nam, người lãnh đạo một nửa dân số Việt Nam.
Là cuộc nội chiến nên lá cờ những người lính Việt Nam Cộng sản hạ xuống ở dinh Độc lập ngày 30. 4. 1975 không phải là lá cờ Mĩ mà là lá cờ Việt Nam Cộng hòa, lá cờ quốc gia của một nửa lãnh thổ Việt Nam, lá cờ Tổ quốc của một nửa dân tộc Việt Nam.
Những người Cộng sản Việt Nam đã cắt đôi đất nước Việt Nam, chia đôi dân tộc Việt Nam rồi họ lại lấy máu của chính dân tộc Việt Nam để thống nhất đất nước, để họ nghiễm nhiên thống trị cả nước không cần lá phiếu bầu chọn của người dân! Những người Cộng sản Việt Nam coi đó là chiến thắng vĩ đại của họ. Còn với dân tộc Việt Nam đó là keo thua đau đớn tức tưởi! Với những người dân miền Nam đã được sống trong tự do dân chủ, nay mất cả quyền con người, quyền công dân, không được quyền bầu chọn người quản lí đất nước, người lãnh đạo dân chúng, còn cái thua nào đau hơn!
Điểm lại những sự kiện chính của cuộc chiến tranh do những người cộng sản Việt Nam phát động từ 1960 đến ngày kết thúc 30.4.1975 để thấy rõ cuộc chiến này dứt khoát không phải là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà chỉ là cuộc nội chiến đẫm máu nhất, tội lỗi nhất trong lịch sử Việt Nam để Đảng Cộng sản Việt Nam giành quyền thống trị cả nước, nô dịch cả dân tộc Việt Nam.
Bản chất cuộc nội chiến càng lộ rõ ngay cả khi cuộc chiến đã kết thúc. Nếu cuộc chiến tranh kết thúc ngày 30.4.1975 là “Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước” thì cuộc chiến tranh đó trước hết phải giải phóng người dân miền Nam khỏi sự nô dịch của đế quốc Mĩ như hệ thống tuyên giáo cộng sản vẫn ra rả tuyên truyền, để người dân miền Nam trở về với dân tộc Việt Nam yêu thương. Đất nước thống nhất trước hết phải thống nhất trong tình cảm, ý chí người dân. 40 năm đã qua, sự thống nhất đó vẫn chưa hề có. Cuộc chiến tranh kết thúc ngày 30.4.1975 chỉ giải phóng đất đai miền Nam để người thắng cuộc thâu tóm, thống trị cả nước, còn người dân miền Nam vẫn bị người thắng cuộc coi là thù địch. Chỉ là cuộc nội chiến, người Việt Cộng sản làm chiến tranh để tiêu diệt người Việt Cộng hòa. Người Việt Cộng hòa có may mắn thoát chết trong cuộc nội chiến khốc liệt, tàn bạo đó cũng bị loại bỏ khỏi sinh hoạt xã hội, trở thành những người tù không án, bị giam cầm mút mùa không thời hạn trong những nhà tù hà khắc.
Trước 30.4.1975 một ngày, Đô đốc Elmo Zum Walt Jr., Tư lệnh hải quân Mĩ ở Việt Nam điều một máy bay vận tải C130 từ Philippines đến Tân Sơn Nhất đón cả gia đình Đô đốc Trần Văn Chơn của Hải quân Việt Nam Cộng hòa sang Mĩ tị nạn. Đô đốc Trần Văn Chơn đã từ chối ra đi để được ở lại làm người dân Việt Nam sống cuộc đời bình yên với đất nước yêu thương đã hết chiến tranh. Nhưng những người Cộng sản thắng cuộc trong cuộc nội chiến vẫn coi những người như Đô đốc Trần Văn Chơn là đối tượng phải loại bỏ của cuộc nội chiến, họ nào có để cho ông được yên. Đô đốc Trần Văn Chơn ở tuổi ngoài sáu mươi bị tống vào nhà tù với tên gọi trại tập trung mỏi mòn mười ba năm trời.
Những ngày ngục tù tăm tối, cực khổ, Đô đốc Trần Văn Chơn mới nhận ra rằng nhà nước Việt Nam Cộng sản chỉ là nhà nước của một giai cấp hão huyền nào đó chứ không phải nhà nước của dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam chân chính dù yêu nước nhưng không Cộng sản cũng không thể sống bình yên trên đất nước thương yêu của mình. Ra tù dù đã gần tám mươi tuổi, chân đã yếu, mắt đã mờ, đã gần đất xa trời, dù muốn được gửi nắm xương tàn vào đất Mẹ Việt Nam bên ông bà, tổ tiên, Đô đốc Trần Văn Chơn cũng phải ngậm ngùi gạt nước mắt ra đi, tìm đến đất nước xa lạ nhưng mở lòng bao dung đón nhận ông. Vài triệu người Việt Nam đã phải bỏ nước ra đi trong nước mắt như Đô đốc Trần Văn Chơn là nỗi đau, nỗi uất hận khó nguôi ngoai của dân tộc Việt Nam. Suốt bốn ngàn năm lịch sử có khi nào dân tộc Việt Nam bị thua đau đến như vậy!
Ngày 30.4.1975 là ngày chiến thắng vĩ đại của những người cộng sản chỉ biết có giai cấp, không biết đến dân tộc nhưng là ngày thua đau của cả dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam đã bị thua đau, bị chết mòn trong cuộc nội chiến núi xương sông máu nay lại bị đòn thù giai cấp đánh vào trái tim con người, đánh vào đạo lí xã hội, đánh vào lẽ sống còn của dân tộc làm cho dân tộc li tán tan tác và ngày 30.4.1975 là ngày khởi đầu của cuộc đại li tán dân tộc.
Ngày 30.4.1975 sau thoáng vui nông nổi mau qua đi, người dân liền phải nhận ra một sự thật cay đắng. Sự thật của lịch sử trớ trêu: Cái hung tàn thắng cái văn minh. Sự thật trắng tay của người dân. Bao thế hệ người dân Việt Nam đổ máu trong cuộc chiến đấu cho đất nước độc lập, cho người dân được tự do. Cuộc chiến kết thúc, trở về xã hội dân sự mới lồ lộ ra một thực tế: Tự do của người dân không có mà độc lập của đất nước cũng không! Quyền yêu nước của người dân cũng bị tươc đoạt. Đất nước ngày càng phụ thuộc và mất dần vào tay kẻ thù truyền kiếp của lịch sử Việt Nam nhưng là đồng chí cùng lí tưởng, cùng ý thức hệ, là bạn vàng bốn tốt của Đảng Cộng sản Việt Nam!
P. Đ. T.
Tác giả gửi BVN.