Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Y tế

Chủ nhật vừa qua tôi ngồi nghe buổi Dân hỏi bộ trưởng trả lời của bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Cùng nghe có một vị bác sĩ bệnh viện Trung ương Huế. Bà Tiến đã trình bày  những điều hay của quyết định yêu cầu các bệnh viện tuyến trên cam kết mỗi bệnh nhân một giường. Bà cho biết và có ý biểu dương nhiều bệnh viện đã tích cực hưởng ứng và tự nguyện ký cam kết, tuy vậy cũng còn một số bệnh viện đáng ra phải cam kết nhưng chưa ký. Nghe đến đây vị bác sĩ tỏ ý khen ngợi các bệnh viện chưa ký đó. Tôi thắc mắc vì sao lại khen các bệnh viện không thực hiện chủ trương rất hay, rất tốt của Bộ. Bác sĩ giải thích cho tôi thấy cái mặt trái nham nhở của “chủ trương rất hay vì người bệnh” đó của Bộ. Biết tôi thường có các ý phản biện, vị bác sĩ đề nghị tôi viết một bài, không những phản ảnh cho Bộ trưởng biết tình hình thực tế mà còn để nhiều người tham khảo. Tôi chọn cách viết thư ngỏ (ngoài ra còn gửi vào hòm thư Dân hỏi bộ trưởng trả lời để nhờ chuyển).

Chủ trương không để bệnh nhân nằm chung giường, nếu thực hiện được đúng thì sẽ rất hay, rất tốt. Nhưng để thực hiện được phải có điều kiện cần là bệnh viện tuyến trên phải có đủ số giường theo yêu cầu của bệnh nhân, bệnh viện tuyến dưới phải có đủ điều kiện điều trị để giảm bệnh nhân lên tuyến trên. Thí dụ có 1000 bệnh nhân cần điều trị, bệnh viện phải có tối thiểu 1000 giường. Nếu bệnh viện chỉ có 600 giường mà muốn cho mỗi bệnh nhân một giường thì phải tạm từ chối nhận 400 bệnh nhân khác. Số 400 này hoặc phải xếp hàng chờ đợi hoặc phải điều trị ở bệnh viện tuyến dưới. Xét các bệnh viện đã ký cam kết vị bác sĩ nghi ngờ là chưa có bệnh viện nào có đủ số giường theo yêu cầu, họ ký cam kết, bên ngoài là tự nguyện nhưng bên trong chắc phải chịu một áp lực nào đó (sợ và nịnh Bộ, bệnh thành tích rởm, chỉ tiêu thi đua khen thưởng). Kết quả của việc trên chỉ mang lại sự thoải mái tạm thời cho những bệnh nhân đang điều trị, còn lâu dài chưa chắc đã tốt, vì rằng dưới áp lực của những người chờ vào viện, bác sĩ có thể rút ngắn thời gian của người đang điều trị  để sớm giải phóng giường cho bệnh nhân đang chờ ngoài hành lang. Tác hại rõ ràng nhất là cho số bệnh nhân chưa hoặc không được nhận, cho các bệnh viện tuyến dưới và  cho số bác sĩ của bệnh viện tuyến trên.

Cái hại cho số bệnh nhân không hoặc chưa được nhận vào tuyến trên và cho bệnh viện tuyến dưới là rõ ràng. Bệnh nhân phải chờ đợi hoặc phải điều trị ở tuyến dưới, lúc này bệnh viện tuyến dưới sẽ quá tải. Tránh nằm chung ở tuyến trên thì phải nằm chung ở tuyến dưới, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Nếu buộc phải nằm chung thì nằm chung ở tuyến trên là tốt hơn cho bệnh nhân.

Cái hại cho bác sĩ tuyến trên là làm việc chưa hết công suất. Hiện nay mức thu nhập của bác sĩ có phụ thuộc vào số bệnh nhân, giảm bệnh nhân thì thu nhập của bác sĩ sẽ giảm theo.

Ở Ba Tư (Iran) cổ có câu châm ngôn nổi tiếng: “ Khi định làm việc gì, ngoài cái lợi thấy được còn phải tìm ra cho hết những cái hại mà công việc có thể mang lại”. Không biết Bộ Y tế đã xem xét kỹ những điều mà vị bác sĩ ở Huế nhận ra chưa.

Nhân dịp này tôi cũng muốn phản ảnh với Bộ trưởng Kim Tiến một vấn đề. Không biết bà có nắm được tình hình “mổ đẻ” tại các bệnh viện phụ sản, đặc biệt là tại tuyến dưới hay không. Theo bình thường thì bác sĩ chỉ định mổ khi mà không thể để sản phụ sinh tự nhiên vì như vậy sẽ nguy hiểm cho hài nhi hoặc mẹ. Nhưng hiện nay người ta mổ đẻ tràn lan, theo yêu cầu của sản phụ cũng có và theo gợi ý của bác sĩ cũng nhiều, mặc dầu phần lớn các ca đều có thể sinh  tự nhiên. Tôi biết việc sinh đẻ tự nhiên là nghĩa vụ và quyền lợi của hài nhi. Trong quá trình vận động để chui ra khỏi bụng mẹ, đứa trẻ hoàn thành một chức năng quan trọng, thế mà người ta nỡ tước bỏ cái quyền làm người đầu tiên ấy. Nếu theo yêu cầu sai lầm của sản phụ là chọn cách mổ để có được giờ sinh tốt theo tử vi (quá sai lầm) thì cũng còn chấp nhận được, nhưng nếu theo gợi ý, theo yêu cầu của bác sĩ thì vì lý do gì ngoài lý do để nhận tiền bồi dưỡng ca mổ? Tôi theo dõi những trẻ sinh mổ, có một số khỏe mạnh bình thường nhưng cũng gặp không ít các em có thể chất yếu ớt. Phải chăng  sự yếu ớt ấy là do không được thực hiện bài tập đầu tiên của cuộc đời. Nếu một dân tộc mà phần lớn được sinh ra bằng mổ đẻ thì liệu dân tộc đó có trở nên hùng cường được không, và như vậy phải chăng nền y tế đã góp phần làm yếu dân tộc. Nếu quả thật như thế thì cái việc bác sĩ gợi ý, yêu cầu mổ cho sản phụ khi không cần chỉ định là một tội đối với dân tộc, chỉ vì vài triệu đồng tiền bồi dưỡng cho một ca mổ mà góp phần làm yếu nòi giống. Kính mong Bà Bộ trưởng quan tâm và có những chỉ đạo phù hợp.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.