Luận về đấu tranh dân sinh, dân chủ

Việc công nhân đình công… gây sức ép với giới chủ đòi tăng lương, bớt giờ làm… thường xảy ra không nơi nầy cũng nơi khác, không nhiều thì ít, dưới chế độ nào cũng có.

Phải thừa nhận rằng, dưới thể chế “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” từ 1976 đến nay, đã 40 năm, đây là cuộc đình công, biểu tình thị uy của công nhân gây chấn động nhứt, nó chẳng những rộng về diện mà còn lớn về qui mô, xuất phát điểm từ khu công nghiệp Tân Tạo rồi lan dần ra các tỉnh xung quanh, với số lượng lớn người tham gia, suốt cả tuần lễ, vào những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4/2015.

Nhìn vào diện và qui mô cuộc đình công nầy, một số nhà bình luận phân tích theo hai hướng: một số người tỏ ra hơi lạc quan, cho rằng phong trào đấu tranh của công nhân VN đã trưởng thành; một số người khác, có vẻ hơi bi quan, cho rằng rồi nó cũng như bao cuộc biểu tình trước đây, khi yêu sách được giải quyết, nó cũng sẽ chết yểu thôi”.

Đã là bình luận của một cá nhân, có quyền dùng kiến thức chủ quan của mình suy luận một vấn đề gì đó “trình làng”, còn suy luận ấy đúng hay sai phải đợi hạ hồi phân giải.

Với tôi, cuộc đấu tranh của công nhân lần nầy không giống như những cuộc đấu tranh từng xảy ra trước đó. Bởi vì, những cuộc đấu tranh trước đó, đối tượng đấu tranh là giới chủ doanh nghiệp, yêu sách đòi tăng lương, bớt giờ làm…; còn cuộc đình công, biểu tình thị uy ở Tân Tạo… lần nầy, đối tượng đấu tranh là nhà nước, yêu sách phản đối luật Bảo hiểm Xã hội 2014 do nhà nước ban hành, nó không dừng lại ở lĩnh vực kinh tế (dân sinh) mà đã chuyển sang lĩnh vực chính trị (dân chủ). Nói nôm na: Dân sinh trị cơn, Dân chủ trị căn.

Nói đấu tranh “dân sinh, dân chủ” là nói sự đòi hỏi quyền lợi cả kinh tế lẫn chính trị. Dân sinh thuộc lĩnh vực kinh tế, Dân chủ thuộc lĩnh vực chính trị, chúng có chung đường biên, có mối liên hệ tương tác, nhân quả với nhau. Từ đấu tranh dân sinh chỉ cần dịch qua tí xíu là sang dân chủ – tức là từ kinh tề sang chính trị. Vậy là cuộc đấu tranh của công nhân phản đối luật BHXH của nhà nước vừa rồi đã dịch chuyển sang lĩnh vực chính trị – Dân chủ. Sự căng thẳng và quyết liệt của cuộc đấu tranh ở chỗ: cả một biển người, suốt một tuần gần như nổi loạn, từ một điểm lan nhanh ra diện rộng thuộc nhiều tỉnh. Để hãm đà phát triển nguy hiểm nầy, Thủ tướng Chính phủ phải hứa sẽ bàn với Quốc hội điều chỉnh, sửa đổi luật BHXH vừa mới ban hành. Có lời hứa của Thủ tướng, công nhân mới chịu tạm thời trở lại làm việc. Nếu nhà nước không thực hiện lời hứa của mình và xử lý minh bạch việc quản lý, sử dụng quỹ BHXH để thất thoát vừa qua thì chuyện gì sẽ xảy ra làm sao có thể đoán trước được?.

Với hình thức bất bạo động (nghị trường), phong trào đấu tranh kết hợp dân sinh dân chủ của các từng lớp nhân dân nói chung từng bước hình thành trên diện rộng, ngày đi vào chiều sâu, tấn công vào tử huyệt thể chế độc tài bảo thủ. Bằng những hình thức phong phú, những cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập không kém phần quyết liệt – một còn một mất, dồn thể chế chính trị hiện hành vào thế bị động trong đối phó, phân hóa, lung lay, nhứt là ở 2 lĩnh vực chính yếu:

* Kinh thị trường đối lập với kinh tế XHCN. Kinh tế thị trường đang chiếm thế thượng phong, ngày một phình ra; kinh tế XHCN thất sủng, teo dần, ngay những người sản sinh ra nó, từng tôn thờ nó , hiện nay cũng hết ưa nó, đòi cắt đuôi nó.

* Độc tài đối lập với Dân chủ. Dân chủ đang chiếm thế thượng phong. Những người từng căm ghét dân chủ, hiện nay, dầu cho chưa thật dạ, miệng họ cũng phải đề cao dân chủ để “kiếm điểm”, phải luôn đeo lá bùa dân chủ để hộ mạng. Chính nghĩa đang thuộc về phái Dân chủ Đa nguyên.

Thời thế đã trải ra, bất cứ ai, lực lượng nào đạt 3 chuẩn: chống bành trướng Trung quốc; chấp nhận nền kinh tế thị trường; theo thể chế chính trị Dân chủ Đa nguyên là được lòng dân – ăn khách.

Điều đáng mừng, những năm tháng gần đây, trước áp lực đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, không thể bảo thủ mãi, nhà cầm quyền từng bước thức tỉnh, đã có những chỉ dấu nhượng bộ ở một số lĩnh vực:

– Hiến pháp trước đây, Đảng CSVN giành sở hữu quân đội, buộc nó phải trung với Đảng ; Trước sức ép của công luận, Hiến pháp hiện hành (2013, ở điều 65) đã quốc hữu hóa quân đội, buộc nó phải trung thành với tổ quốc, với nhân dân…).

– Nhà cầm quyền tỏ ra tuân thủ hơn điều 25 của Hiến pháp hiện hành về quyền công dân: ngoài nới lỏng quyền của người dân, còn không cấm tìm thông tin trên mạng Internet, nhẹ tay hơn đối với những trang mạng xã hội và những người viết bài đưa lên mạng.

– Mặc nhận những tổ chức Xã hội Dân sự.

– Đang soạn thảo luật biểu tình; sửa đổi luật Hình sự, luật Bảo hiểm Xã hội… theo chiều hướng thoáng hơn.

– Đang xem xét cho công nhân được quyền thành lập Công đoàn Độc lập, đại diện thật sự cho mình ở từng doanh nghiệp.

– Trước đây nhà cầm quyền xem những người biểu tình, tưởng niệm liệt sĩ chống Trung quốc xâm lược là “những phần tử gây rối, do thế lực thù địch xúi giục…”, cho công an, côn đồ khủng bố, đánh đập, giam cầm; nay chính quyền xem những người ấy, việc làm ấy là hành động yêu nước.

.v.v…

Đấu tranh thay đổi ý thức hệ bằng giải pháp bất bạo động là việc làm không dễ, phải kiên trì đấu tranh thay đổi, tích lũy dần về lượng để dẫn đến thay đổi về chất trong tương lai, quyết không chấp nhận quan điểm “bất chiến tự nhiên thành”.

Muốn có kinh tế thị trường đúng nghĩa, có thể chế chính trị Dân chủ Đa nguyên thật sự, không cách nào khác, phải gắn liền đấu tranh Dân sinh với Dân chủ – kinh tế và chính trị.

10/04/2015

T.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Dân chủ. Bookmark the permalink.