Quan hệ giữa giới chủ và người làm thuê

Quan hệ giữa giới chủ và người làm thuê là quan hệ mua bán sức lực và kỹ năng lao động theo kiểu thuận mua vừa bán, cùng có lợi. Quan hệ giới chủ và người làm thuê là quan hệ cùng sinh tồn, chỉ có đối thoại chớ không đối chọi – Có thứ nầy đã hoặc sẽ có thứ kia, có thứ kia đã hoặc sẽ có thứ nầy, nếu khuyết một trong hai, nó không còn là nó.

Ông Các Mác nói cách nay hơn một thế kỷ: “Giải cấp tư sản đẻ ra giai cấp công nhân, giai cấp công nhân sẽ là người đào mồ chôn giai cấp tư sản”. Dựa theo câu nói của Mác, những đảng mệnh danh của giai cấp vô sản cho ra đời bài quốc tế ca: “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian, vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn…”.

Thế là ông tổ Mác và những đệ tử vô sản của mình phát động công nhân vùng lên tiêu diệt giới chủ, một việc làm nghịch lý, cuối cùng kẻ chủ trương và người hường ứng phải trả giá đắt cho việc suy nghĩ và hành động nông cạn của mình. Thi nhau sụp đổ, sụp đổ và sụp đổ.

Sáng ngày 26/03/2015, tại công ty Pou Yuen Tân Tạo, Bình Tân, thuyết trình viên tổ chức tuyên truyền về luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) sửa đổi cho công nhân; trưa có khoảng 30 nam công nhân ở xưởng D3 kéo qua D4 tắt đèn khiến cho 500 công nhân không làm việc được; chiều cùng ngày có 700 công nhân ngưng việc. Sáng hôm sau 27/3, từ 83.000 rồi lên 90.000 công nhân đình công, biểu tình thị uy phản đối luật BHXH mới. Từ đó đến nay, nhiều ký giả, học giả… viết về sự kiện nầy. Khi đọc những bài của quí tác gia không chê vào đâu được, có điều, tôi cảm nhận còn phảng phất đâu đây hương vị “vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian…” – nghĩa là phần lớn tác giả hơi thiên về phía công nhân, xem thường giới chủ.

Thử hỏi: Triệt tiêu người mua sức lao động (giới chủ) thì người bán sức lao động (công nhân) còn bán được cho ai? Hậu quả của nhận thức phiến diện nầy dẫn đến triệt tiêu sản xuất, nạn thất nghiệp lan tràn, xã hội tuột hậu là điều tất yếu.

Tuần qua, những vụ đình công, biểu tình phản đối luật BHXH mới do nhà nước đưa ra, xuất phát điểm từ Pou Yuen Tân Tạo rồi lan ra các tỉnh chung quanh. Đây không phải mâu thuẫn quyền lợi giữa giới chủ và người làm công mà giữa người làm công với nhà cầm quyền.

Đình công, biểu tình về luật bảo hiểm xã hội vừa qua rộng về diện, lớn qui mô chưa từng có theo kiểu “giận dao chém thớt” nầy là do, từ lâu, công đoàn “quốc doanh” nhận 2% tổng quỹ lương của doanh nghiệp tư nhân “đi nhậu”, không màng gì đến tâm tư nguyện vọng của công nhân và giới chủ. Trong khi chưa có tổ chức công đoàn độc lập, thực sự đại diện cho công nhân, làm lực lượng trung gian đối thoại giữa công nhân với nhà nước và giới chủ. Bức xúc quá về cuộc sống, theo kiểu “tức nước vỡ bờ”, công nhân buộc phải nổi loạn cho động đến “triều đình”. Dẫu cuộc biểu tình vô lý theo kiểu “giận dao chém thớt”, nhưng kết quả buộc giới cầm quyền phải hứa xem xét điều chỉnh lại luật BHXH.

Vì độc đoán, không tôn trọng quyền của người dân trong việc xây dựng pháp luật nói chung, luật BHXH nói riêng, hàng triệu công nhân đình công, biểu tình qui mô lớn, cùng một lúc trên diện rộng. Hậu quả của việc độc đoán nầy, ngoài lực lương bảo vệ phải cố hết sức trong việc giữ trật tư trị an tại chỗ; bảo hiểm địa phương phải xuống nước hứa “sẽ chuyển yêu sách của công nhân về trên”; chủ doanh nghiệp tư nhân, vì nóng lòng về sự thua lỗ của xí nghiệp, nói đại ý: “Nếu công nhân tiếp tục bãi công, chúng tôi chỉ cố gắng tính lương cho họ đến hết ngày 30/03/2015 chớ không thể hơn nữa được”– tức là sau 4 ngày từ khi đình công.

Công nhân đình công, biểu tình không chỉ vì luật BHXH mới không hơp lý mà chủ yếu là họ đã mất lòng tin ở khâu quản lý, sử dụng quỹ nầy không minh bạch, sợ mất trắng tay:

– Cuộc họp ngày 24/04/2014, Ủy ban Các vấn đề xã hội (thuộc Quốc hội) cho biết: 1.052 tỷ đồng tiền BHXH coi như mất trắng. Đại biểu QH Nguyễn Tấn Tuấn (Khánh Hòa) đặc vấn đề về sự công bằng: “Tại sai người lao động không đóng bảo hiểm thì đòi xử lý hình sự, trong khi chúng ta lấy tiền của họ cho vay và làm thất thoát thì lại không ai chịu trách nhiệm?”.

– Trong cuộc trao đổi trực tuyến bàn tròn cuối tháng 3/2015 do đài BBC tổ chức, bà Phạm thị Loan, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 12, đang là giám đốc công ty Việt Á cho rằng: “Quốc hội và người lao động không hề biết người ta quản lý, sử dụng quỹ BHXH như thế nào. Qua báo đài, chỉ biết nó thất thoát 1.052 tỷ đồng”.

– Theo báo Tuổi trẻ ngày 16/06/2014, tiết lộ: “Chỉ trong 1 năm (8/2008-8/2009), BHXH Việt Nam đã ký 14 hợp đồng cho công ty Cho thuê tài chính II(ALC II) vay vốn với tổng số tiền 1.010 tỷ đồng. Số tiền nợ nầy sẽ giải quyết như thế nào? BHXH nhìn nhận: khả năng trả nợ của ALC II là rất thấp”.

– Theo báo Pháp luật ngày 15/09/2014 tiết lộ: “Từ năm 2010-2013, các cơ quan BHXH đã khởi kiện gần 4.000 vụ doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa án, với số nợ 1.790 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng số tiền thu lại được chỉ trên 733 tỷ đồng, chưa đạt 50% . Trong số tiền thu lại được (733 tỷ), qua hòa giải là 270 tỷ đồng, qua xét xử 463 tỷ đồng”.

Đã là kinh tế thị trường theo kiểu “thuyền ai nấy lạn” thì nhà nước xía chi vào chuyện “mua bán” sức lao động giữa giới chủ với công nhân. Nhà nước chỉ làm tốt vai trò trung gian giải quyết khi họ tranh cãi nhau làm đình đốn trong sản xuất hay làm mất trật tự xã hội.

Về lương, tùy thời gian làm việc, lao động nặng nhọc, độc hại…, cứ để cho giới chủ và người làm công mặc cả với nhau theo kiểu “thuận mua vừa bán”. Nhà nước chỉ có quyền định mức lương cho những người thuộc diện nhà nước trả lương, chớ lấy quyền gì mà xen vào “định mức lương tối thiểu” cho công nhân ở các doanh nghiệp tư nhân? – ôm đồm theo tàn dư bao cấp, xâm phạm quyền tối thiểu của công nhân và giới chủ. Về việc BHXH (phúc lợi xã hội), nếu không theo cách tự giác mà bắt buộc thì nhà nước soạn thảo “trình làng” luật thuế thu nhập cá nhân rồi dựa vào đó mà thu, như các nước đã làm, mắc mớ gì phải chia ra: công nhân đóng bao nhiêu, xí nghiệp đóng bao nhiêu, nhà nước hộ trợ bao nhiêu chi cho phiền phức như vậy ?!

Vấn đề công nhân và công đoàn, đây chỉ nói một phía của người bán sức lao động (công nhân): công nhân đông như kiến cỏ, mỗi người một ý, cần có một tổ chức do công nhân cử ra, đại diện cho mình ở từng xí nghiệp (công đoàn cơ sở) để trao đổi bàn bạc với giới chủ trên tinh thần cùng có lợi. Nếu nhà nước muốn giám sát công nhân thì chọn từ công đoàn cơ sở bầu ra công đoàn các cấp. Đã là công đoàn thì nó phải độc lập – không thể chấp nhận công đoàn “quốc doanh” mang yếu tố chính trị, chỉ lo trục lợi cho riêng mình.

Công đoàn độc lập phải như cái gạch nối giữa giới chủ và công nhân, phải xem xí nghiệp là môi trường sống của cả 2 phía. Phải bằng mọi cách cho xí nghiệp tồn tại và phát triển. Khi lợi nhuận xí nghiệp tăng thì Công đoàn yêu cầu chủ tăng lương và điều kiện sinh hoạt cho công nhân. Khi xí nghiệp khó khăn thì Công đoàn phải vận động công nhân “thắt lưng buộc bụng” để cùng vượt khó, quyết không để doanh nghiệp phá sản. Phải xem doanh nghiệp như công ty cổ phần, chủ góp vốn, công nhân góp sức lao động để cùng chung sống. Chỉ dùng phương pháp đối thoại, không đối chọi.

Giới chủ và công nhân phải nương nhau để tồn tại và phát triển. Như đã nói ở phần mở đầu: phải thấu hiểu mối quan hệ không thể tách rời giữa giới chủ và công nhân: “Có thứ nầy đã hoặc sẽ có thứ kia, có thứ kia đã hoặc sẽ có thứ nầy, nếu khuyết một trong hai nó không còn là nó”.

6/4/2015

T.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in lao động. Bookmark the permalink.