“Tôi kinh ngạc về vụ chặt cây Hà Nội”

 

Dự án “chặt hạ 6.700” cây xanh ở Hà Nội làm xôn xao dư luận thủ đô trong mùa Xuân này.

Một kiến trúc sư đô thị từng có hai thập niên tham gia tư vấn cho các dự án bảo tồn phố cổ hợp tác Pháp – Việt ở Hà Nội tỏ ra “kinh ngạc” khi được biết về dự án “chặt hạ cây xanh” hàng loạt gây tranh cãi vào mùa xuân 2015.

Trao đổi với BBC Việt ngữ, ông Pierre Cambon, kiến trúc sư đô thị, nguyên cố vấn Tòa thị chính thành phố Toulouse, miền Nam nước Pháp, về bảo tồn, phục chế nói:

“Tôi đã rất kinh ngạc khi biết tin về dự án, bởi vì có vẻ với tôi, trong văn hóa Việt Nam, cũng như đương nhiên trong văn hóa phương Đông, việc tôn trọng, quý mến cây xanh, như là một thành tố văn hóa Việt, do đó quyết định vừa rồi với tôi có vẻ lệch hoàn toàn so với quan niệm về văn hóa Việt Nam”.

Khi được đề nghị bình luận về việc đại diện chính quyền Hà Nội đưa ra lý do “thay cây hàng loạt” vì nhiều cây bị “bệnh tật”, nhiều cây dễ bị “đổ, gẫy, bật gốc” mà có thể gây tai nạn cho cư dân hoặc người qua lại, người tham gia giao thông trong mùa mưa bão v.v…, kiến trúc sư đáp:

“Cái đó thì cũng là điều xuất hiện ở nhiều thành phố trên thế giới, đúng là có một số cây có thể nguy hiểm, nhưng vì thế mà đột ngột chặt hàng loạt với số lượng cực lớn các cây khác, thì điều đó thật đáng ngạc nhiên.

“Do đó, mà với các nhà quản lý giỏi đô thị, người ta phải có các kế hoạch thay thế hợp lý, đương nhiên là khoanh vùng các cây nguy hiểm, không thể cứu vãn, nhưng cũng phải có một kế hoạch từng bước, từ từ, mà không thể làm như một chiến dịch, thay hạ hàng loạt với quy mô cực lớn và tốc độ cực nhanh như thế được.

“Tức là với việc quản lý cây xanh, thì cũng phải có sự quản lý với các kế hoạch, dự án thay thế cây xanh, và ngay khi chúng ta chặt với số lượng lớn như thế, thì chính sự chặt hạ thiếu quản lý hợp lý đã gây ra một thảm họa về môi trường, sinh thái và vệ sinh rồi”.

Khi được hỏi chính quyền Hà Nội và các nhà quản lý đô thị, cây xanh có thể làm gì khác được khi mà quy hoạch mà người Pháp thực hiện từ trước ở Hà Nội là thuộc về đầu thế kỷ trước, với một Hà Nội nhỏ hơn, ít dân số hơn, còn ngày nay Hà Nội đã phát triển đông đúc cư dân hơn rất nhiều và thành phố cũng được mở rộng hơn, do đó mà phải quy hoạch lại cây xanh khác đi, ông Cambon nói:

“Tôi thì nhìn vấn đề ngược lại. Thực vậy, trái lại khi Hà Nội càng lớn rộng ra, thì nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng tăng lên, và các không gian xanh ở trong thành phố càng ngày càng trở nên quý hiếm.

“Mặt khác Hà Nội càng tăng thêm về mật độ giao thông, về mật độ cư dân, thì người ta lại càng phải bảo tồn, duy trì cây xanh, lá phổi của thành phố, hàng rào bảo vệ trước tiếng ồn, ô nhiễm và cái nóng sứ nhiệt đới, càng nhiều càng tốt, và đó chính là cách nhìn trái ngược lại”.

“Gỗ để bán”

cây xanh  Hà Nội

Chính quyền Hà Nội cho rằng nhiều cây xanh cần phải thay vì tật bệnh, dễ gãy đổ gây tai nạn, hoặc thiếu phù hợp.

Khi được hỏi, liệu Hà Nội có lý gì không khi chủ trương thay thế một số loại cây có thể “cho gỗ bán” và tạo “lợi nhuận kinh tế”, mà trong đó có thể trích từ đó ra kinh phí để đầu tư cho việc “tái trồng các cây mới hơn”, ở nơi cũ và cũng như ở các nơi khác cần trồng trong thành phố, kiến trúc sư nêu quan điểm:

“Không, tôi không nghĩ như vậy. Một cây trưởng thành ở đô thị, chưa kể cổ thụ, có giá trị vượt quá với giá trị thương mại thông thường từ gỗ mà nó có thể mang lại.

“Một cây xanh ở một đô thị, với đời sống riêng của nó, với tương tác và hòa nhập vào đời sống, văn hóa, lịch sử, môi trường của đô thị, nó hàm chứa trong nó những khía cạnh văn hóa, tinh thần, tâm linh, thiên nhiên và hòa nhập với cư dân.

“Nó chính là thành phố, nó chính là một phần của cộng đồng cư dân, nó có thể là nhân chứng lịch sử, văn hóa, cộng đồng, nó có một “siêu giá trị” vượt xa so với giá trị của một cái cây lớn cho gỗ, dù là gỗ quý, mà chúng ta trồng ở đâu đó khác với mục đích hạ chặt, khai thác thương mại.

“Việc thay thế các cây mới, trẻ hơn, với các cây này, ở đô thị, chỉ có thể thay thế được một phần nào mà thôi, nếu không nói là không thể thay thế với nhiều cây thế hệ trước, và không thể sử dụng tiếp cận đơn thuần kinh tài ở đây với các trường hợp như thế”.

Gần đây có một số ý kiến cho rằng Hà Nội đã đúng khi thay cây, khi có nhiều cây ở các tuyến phố đã phát triển “thái quá”, xâm phạm “không gian vỉa hè” và “ảnh hưởng tới đi lại”, “sinh hoạt”, thậm chí ảnh hưởng tới “sức khỏe vệ sinh”, khi “có mùi vị quá đáng” ảnh hưởng tới người dân, ngoài ra, với một số tuyến phố có quy hoạch gốc, hoặc liên quan, từ thời Pháp, vỉa hè nay “rất hẹp”, không còn phù hợp nữa v.v…

Kiến trúc sư Pierre Cambon nêu quan điểm:

“Tôi đồng ý là có những trường hợp như vậy, nhưng cũng cần phải xem lại xem vấn đề đó là do cây phát triển đơn thuần, hay là do sự mở rộng, phát triển của nhà cửa cơi nới, vỉa hè bị thu nhỏ, hay giao thông bị quá tải, do dân số quá tải, quá tập trung.

“Tôi đồng ý là với những trường hợp cụ thể “không thể cứu vãn”, thì trong lộ trình thay thế có thể thay chẳng hạn một cây trên bốn cây như thế, hoặc một tỷ lệ giãn hơn nữa, nhưng không thể nào chặt đồng loạt hàng loạt cùng một lúc như một chiến dịch làm nhanh, làm cấp tập như thế.

“Cái đó có thể gây sốc, gây kinh ngạc về mặt tâm lý cho cộng đồng khi người ta chưa được chuẩn bị, hay thậm chí chưa nhất trí và họ cảm thấy chưa được tôn trọng, được hỏi ý kiến, thông báo đầy đ..”

“Ở Nhật Bản”

Có blogger từ Anh cho rằng nên chặt các cây xà cừ và cây sữa vì nhiều cây không phù hợp với vệ sinh, môi trường và kém an toàn.

Một nhà nghiên cứu văn hóa và xã hội học của Pháp từ Paris nhân dịp này cũng nêu quan điểm với BBC về dự án được cho là thay thế quy mô tới 6.700 cây xanh ở Hà Nội, mà nay đã bị đình chỉ.

Tiến sỹ Jean-Francois Sabouret, nguyên Giám đốc Mạng lưới Châu Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Xã hội Quốc gia Pháp nói:

“Tôi đã từng tới nhiều nước, nhiều thành phố, từ Tokyo tới Hà Nội, từ Nam Mỹ tới Đông Nam Á.

‘Tôi có thể nói thế này, như ở Nhật Bản chẳng hạn, có những cây được cho là rất có giá trị, thậm chí còn giá trị chẳng kém một căn nhà, một khu nhà.

“Với những cây quý, hiếm, lâu niên, người ta còn tìm mọi cách bảo tồn, đưa vào dữ liệu, tàng thư, đánh số, đưa công khai lên mạng các thông tin.

“Người ta chằng dây, rào chắn bảo vệ, đóng cọc bao, có hệ thống hỗ trợ cho từ gốc, thân, cành nhánh chính v.v…

“Có những cây vài chục năm hôm qua, thì mới có những cây trăm năm sau này. Do đó mà phải cân nhắc lắm, không thể chặt hạ cây tùy tiện.

“Người dân Nhật Bản rất hiện đại, nhưng đời sống tâm linh của họ cũng mạnh mẽ. Nhiều người tin rằng chúng ta không thể tàn nhẫn với cây, vì cây cũng là cơ thể sống, cũng có sự cảm nhận, tôi không nói tới việc có nhiều người tôn thờ cây và cho rằng cây có “thần linh” v.v… như các nhà nhân học đô thị đề cập.

“Thế nhưng ở những khu mà tôi từng sống ở Tokyo, đã có những cuộc đấu tranh chống lại chiều hướng phát triển đô thị, hạ tầng mà ở đó người ta đòi chặt hạ những cây có tuổi thọ từ nhiều chục năm, tới vài trăm năm, có cây tới bốn trăm năm.

“Khi các nhà đầu tư muốn khai thác, phát triển hạ tầng, họ trình bày nhiều lý do lắm. Nhưng người dân cũng có lý do của mình, họ biện dẫn luật pháp, họ quyết tâm bảo vệ cây xanh và chính quyền cùng nhiều nhà đầu tư, cuối cùng đã không thể làm gì được mà phải thay đổi kế hoạch xuất phát.

“Và tất cả cư dân ở các nơi đó họ còn liên hệ với nhau, thành lập các hội nhóm bảo vệ, giám sát cây xanh, các cây lịch sử, văn hóa và do đó, không dễ dàng mà các quyết định chính sách tùy tiện có thể xảy ra được”.

“Paris và Toulouse”

Các em nhỏ tham gia tuần hành vì cây xanh và môi trường của Thủ đô Hà Nội.

Một thiếu nữ thể hiện tình yêu của mình đối với cây xanh, môi trường Hà Nội.

Khi được hỏi liệu chính quyền như ở Paris, hay Toulouse có phải lắng nghe ý kiến của cư dân khi tiến hành các dự án chặt hạ cây xanh, hay thay thế hàng loạt như những gì vừa xảy ra ở Hà Nội trong mùa Xuân này, hay không, các chuyên gia nêu quan điểm:

“Tại Paris hay Lyon, Bordeaux hay ở những nơi khác, các kế hoạch, dự án phải được công khai cho người dân, phải xin ý kiến họ từ trước, các ủy ban độc lập có thể giám sát, có tiếng nói, các dân biểu được dân ủy nhiệm, trả lương, bầu ra, cũng có trách nhiệm theo dõi, giám sát, các hiệp hội cũng có vai trò,” Tiến sỹ Sabouret từ Paris nói.

“Bất cứ một bước nào của dự án, dù có thể đã được thông qua rồi, nhưng trong khi thực hiện, có ý kiến của người dân, dư luận, hay đông đảo cộng đồng, chưa kể gây xôn xao quan ngại, thì đương nhiên là phải dừng lại ngay, phải thận trọng.

“Và không ở đâu mà người ta cho phép mở chiến dịch thay cây ào ào, không quan tâm, không thông báo trước lịch trình, kế hoạch cụ thể cho người dân đâu.

“Nếu các chính quyền địa phương không lắng nghe dân, chưa kể trước đó nhóm tranh cử nào cũng phải có phần hứa hẹn với người dân những điều hữu ích phát triển, bảo tồn, bảo vệ tích cực môi trường, sinh thái, mà nay anh làm trái lại, anh gây ra đổ vỡ, bất cập, gây ảnh hưởng tới môi trường, tới đời sống của dân, thì anh có thể bị kiện.

“Và chắc chắn anh bị mất phiếu ở lần bầu cử sau, nếu như may mắn mà không phải từ chức ngay lập tức.

“Cái đó, chính là tinh thần dân chủ, cái đó cũng là tinh thần của chính quyền “khiêm tốn” và biết tôn trọng ý kiến của cộng đồng, người dân, cử tri, các giới và cả xã hội dân sự.

“Điều ấy có thể tôi chưa thấy rõ lắm ở Hà Nội qua dự án thay cây vừa qua”, nhà nghiên cứu xã hội học người Pháp từ Paris nói.

Còn từ Toulouse, kiến trúc sư Pierre Cambon nói thêm:

“Chuyện như ở Hà Nội không thể diễn ra ở Toulouse hay ở Paris, nền dân chủ hiện đại không cho phép điều đó.

“Nếu chính quyền tiến hành chặt cây như thế, bất ngờ một ngày chặt hết hàng loạt cây xanh, cây che mát v.v… quanh trường học của dân, dọc đường phố của dân, trước khu phố của dân như thế, mà nói là “cứ làm mà không phải hỏi ý kiến” vì hỏi thì “mất thời gian”, thì điều đó với tôi có lẽ là một cách nói độc đoán, thiếu dân chủ, khó chấp nhận”.

“Tầm tư duy”

Hà Nội từng là một trong những thành phố nổi tiếng về cây xanh và cảnh quan, theo các chuyên gia.

Còn về việc chính quyền có cần tham khảo ý kiến các giới chuyên môn hay không, đặc biệt là giới quy hoạch kiến trúc, kiến trúc cảnh quan, đô thị, ông Cambon, với có 20 năm kinh nghiệm cố vấn các dự án bảo tồn phố cổ ở Hà Nội, nói tiếp:

“Đương nhiên là quy hoạch cây xanh có liên quan tới quy hoạch kiến trúc, và các lĩnh vực kiến trúc cảnh quan, đô thị, việc tăng cường trao đổi thông tin, tư vấn là một nguyên tắc quan trọng.

“Tôi nghĩ, giới chức lãnh đạo Hà Nội nên thấy rằng cần có một tư duy thích hợp hơn vì nay Hà Nội đã là một thành phố thuộc loại lớn trên thế giới, cần phải áp dụng những tầm nhìn lớn hơn, xa hơn và sâu hơn”, kiến trúc sư nói.

Về phần mình, nhà nghiên cứu Jean-Francois Sabouret bình luận:

“Cây xanh đô thị chính là một phần của đời sống, văn hóa, lịch sử, môi trường, cảnh quan và chính là cuộc sống của cộng đồng cư dân thành phố.

“Chúng ta tôn trọng sinh mạng của thành phố như thế nào, cuộc sống của chúng ta ra sao, thì cũng nên tôn trọng không gian xanh, cây xanh như thế nấy, trừ phi bất đắc dĩ mà không thể nào làm khác đi được, nhưng làm gì cũng nên hỏi ý kiến của người dân, đó là luật và cũng là nguyên tắc đạo đức”, ông Sabouret nói.

Trong một trao đổi từ trước với BBC, một số kiến trúc sư ở Hội kiến trúc sư Việt Nam cũng bình luận về dự án chặt hạ, thay cây xanh ở Thủ đô Hà Nội.

Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nói: “Đây là một sự tổn hại rất đáng tiếc và Hà Nội phải rút kinh nghiệm việc này”.

Còn một đồng nghiệp của ông, kiến trúc sư Nguyễn Thúc Hoàng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc này, nêu quan điểm:

“Trong kiến trúc, chúng tôi rất thích ý tưởng về vấn đề cây xanh, chứ không phải là cứ trồng theo kiểu bạ đâu trồng đấy mà chỉ đạt được bóng mát hoặc vấn đề là rễ rồi thì là khỏi đổ thế thôi.

“Chỉ mới quan tâm đến việc đó thì chưa đủ, mà phải quan tâm đến vấn đề thẩm mỹ nữa, mà đồng thời có những nhận biết về đô thị.

“Thí dụ như có những phố hoa sữa, rồi phố hoa phượng, rồi phố cây sấu… thì các phố có những cái đặc thù, ngày xưa đẹp nhất thời Pháp là phố Lò Đúc, các cây rất đẹp”, ông Hào nói với BBC.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2015/04/150405_pierre_cambon_on_hanoi_tree_choppings

 

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.