Hai sự kiện ở hai miền đất nước khác nhau về hình thức nhưng đều dẫn đến một phản ứng tức thì, gay gắt của người dân, đó là việc chặt cây xanh ở Hà Nội và lấp sông xây nhà ở Đồng Nai.
Người dân Hà Nội tự nhiên thấy hàng trăm cây xanh to lớn, đẹp đẽ bị đào bới, chặt bỏ. Cảm giác đầu tiên của họ là bàng hoàng, xót xa, sau đó là phẫn nộ khi biết lý do của việc làm đó được những người có trách nhiệm giải thích một cách ‘tỉnh queo”! Việc chặt cây xanh ở Hà Nội đã bị đình chỉ nhưng hậu quả là người dân mất lòng tin vào năng lực quản trị của những người lãnh đạo thành phố.
Tương tự như vậy ở Đồng Nai, người ta cũng ngang nhiên lấp sông (nói cho chính xác là lấn sông) xây nhà để kinh doanh dịch vụ dưới cái tên mỹ miều là “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”.
Diễn biến của dự án này khá phức tạp trong khi Mạng lưới Sông ngòi Việt nam (VRN) đề nghị rút giấy phép dự án thì chính quyền Đồng Nai cho rằng, trước khi bắt tay làm dự án phát triển đô thị ven sông, đã nghiên cứu, đánh giá những ảnh hưởng và thực hiện đầy đủ các bước quy định, phù hợp với quy hoạch và các quy định của pháp luật. Đồng thời đã có sự xem xét chấp thuận, thống nhất của Ban thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai.
Sơ lược đôi nét chính về dự án
Hệ thống lưu vực sông Đồng Nai liên quan đến 11 tỉnh thành trong khu vực. Sông Đồng Nai (chỉ có phần nhỏ thuộc Campuchia) được coi là con sông nội địa dài nhất của nước ta đi qua thành phố Biên Hòa, rồi chia làm 2 nhánh ôm trọn vùng đất Cù lao Phố.
Dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” được khởi công vào tháng 9/2014 với tổng vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng với các hạng mục chính như: bờ kè, công viên, dãy nhà phố, cao ốc văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại… Dự án có chiều dài 1,3 km; đoạn xa nhất lấn ra ngoài sông Đồng Nai khoảng hơn 100 m.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai quy hoạch chi tiết 1/500 của phường Quyết Thắng được tỉnh phê duyệt năm 1997, có thể xây dựng kè lấn sông mà không ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy, không tạo nút thắt gây ảnh hưởng giao thông và thoát lũ. Năm 2008, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai ký hợp đồng với Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam để đánh giá tác động dòng chảy theo mục tiêu kè lấn sông. Sau một năm nghiên cứu, đánh giá đã kết luận việc chỉnh trị bờ trái sông Đồng Nai nằm giữa cầu Hóa An và cầu Ghềnh, sẽ không ảnh hưởng đến vùng dự án và khu vực lân cận.
Đến nay, dự án thực hiện đầy đủ thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng và đang được thực hiện đúng tiến độ được duyệt.
Luận cứ khoa học
Bất kể một dòng sông nào thì vận động của nó đều tuân theo một quy luật đặc thù: đó là quy luật về hình thái. Trong toán học, để có một kết quả tích số là 100, ta có thể có vô số phép nhân có nghĩa. Nhưng để có một lòng sông ổn định có diện tích mặt cắt ngang 100 m2 thì chỉ có một cặp duy nhất về trị số chiều rộng sông và độ sâu dòng chảy (ví dụ là 50 m x 2 m) là bảo đảm cho lòng sông đó ổn định được dưới tác động của một chế độ dòng chảy nhất định mà thôi.
Người ta không thể cưỡng bức dòng sông tuân theo sự sắp đặt chủ quan của con người. Chỉnh trị sông cũng như dạy thú dữ làm xiếc, nếu dạy theo một phương pháp khoa học, thì con thú có thể được thuần phục làm trò để mua vui cho mọi người, nhưng nếu dạy thú theo một phương pháp trái quy luật của thú thì nó có thể quay lại trả thù con người, thậm chí trả thù rất tàn bạo. Những ví dụ để minh chứng cho điều đó đã có rất nhiều trong thực tế.
Sông Đồng Nai đã được hình thành từ ngàn năm, hình thái của nó trên mặt bằng, trên mặt cắt ngang, trên mặt cắt dọc đã được định hình theo nguyên tắc hình thái ổn định động để phù hợp với các điều kiện về dòng chảy, địa chất, địa hình tại chỗ. Sự thay đổi hình thái tại một vị trí nào đó sẽ kéo theo một phản ứng dây chuyền về bờ đối diện, về thượng lưu, và cả về hạ lưu.
Đoạn lấn bờ sông Đồng Nai nằm ở bờ lõm của sông, tức là ở phía có chủ lưu áp sát, ở đó sông sâu, nước xiết, mọi tác động đều tạo ra phản ứng rất nhạy cảm. Điều chỉnh lại đường bờ sẽ là cho lưu tốc phân bố lại theo phương ngang, kéo theo sự biến hình mặt cắt ngang, tức là dẫn đến sự sạt lở mạnh mẽ bờ đối diện.
Tác động trực tiếp nhất là làm thay đổi tỷ lệ phân lưu giữa 2 nhánh sông tại Cù lao Phố. Điều đó, sẽ ảnh hưởng tức khắc đến an toàn của các cầu Rạch Cát, Hiệp Hòa ở đầu lạch trái, nghiêm trọng hơn là an toàn của cầu Ghềnh, cầu Bửu Hòa ở đầu lạch phải. Tất nhiên, biến động có thể xảy ra là lạch trái có thể bị lấp, lạch phải mở rộng, đào sâu thêm, đấy là chưa kể đến việc ảnh hưởng thoát lũ do thu hẹp mặt cắt sông, v.v. Không có mô hình tính toán thủy lực dù là 1 chiều – 2 chiều hay mô hình vật lý nào có thể phản bác được các lý lẽ nói ở trên.
Hình ảnh mũi tên chỉ khu vực dự án (Ảnh trên mạng)
Sai lầm không thể biện minh
Sông Đồng Nai là con sông liên tỉnh, có Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai. Quản lý lưu vực sông là trách nhiệm chủ yếu của Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Có ý kiến cho rằng dự án này đã vi phạm quy định hành lang thoát lũ theo Luật đê điều. Khách quan, nhận xét lý lẽ này không thuyết phục vì trong phạm vi dự án không có đê. Sai lầm lớn nhất, không thể biện minh của dự án chính là vi phạm Luật Tài nguyên nước đã được Quốc hội khóa 13 phê duyệt năm 2012.
Khoản 22 Điều 2 ghi rõ “Hành lang bảo vệ nguồn nước là phần đất giới hạn dọc theo nguồn nước hoặc bao quanh nguồn nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định”.
Khoản 5. Điều 9 Các hành vi bị nghiêm cấm :”Khai thác trái phép cát, sỏi trên sông suối, rạch, hồ chứa, khai thác khoáng sản, khoan đào, xây dựng nhà cửa và kiến trúc công trình và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng uy hiếp hành lang bảo vệ nguồn nước đến sự ổn định an toàn của sông, suối, kênh rạch, hồ chứa”.
Nếu lãnh đạo tỉnh, bộ phận tham mưu, doanh nghiệp và cả nhà khoa học chịu khó đọc và hiểu Luật tài nguyên nước thì chắc chắn không ai dám phạm Luật để tiến hành nghiên cứu và xây dựng dự án này!
Tôi cũng vừa mới đọc báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, quy mô 8,4 ha” phải nói làm công phu, nhiều luận cứ dựa trên tính tóan mô hình nhưng các tác giả quên rằng nội dung mới chỉ đánh giá tác động do xây dựng ở bề mặt, bỏ qua phần cốt lõi là không làm ĐTM do lấn sông và thay đổi mặt cắt ướt dưới lòng sông. ĐTM cũng không có các biện pháp giảm thiểu do tác động xấu gây ra. Đây không phải là báo cáo theo đúng nghĩa ĐTM của dự án, mặc dù đã được Hội đồng khoa học thông qua.
Mặt khác, theo quy định báo cáo ĐTM thuộc phạm vi của Tỉnh phê duyệt nhưng chỉ khi công luận lên tiếng thì địa phương mới nộp báo cáo ĐTM và quyết định phê duyệt cho Bộ Tài nguyên & Môi trường.
Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư, quy hoạch 15 ha nhưng dự án thực hiện chỉ 8,4 ha, trong đó 7,2 ha (hơn 90%) là san lấp mặt nước sông Đồng Nai. Lý do nêu ra là không đủ vốn, nên xin và được duyệt dự án trên phần diện tích 8,4 ha gần như không phải đền bù của 15 ha đã được quy hoạch.
Tại sao việc đầu tư dự án làm phát sinh yêu cầu phải di dời vị trí trạm bơm lấy nước cấp cho sinh hoạt ra phía sông lại do nhà nước đầu tư (60 tỷ đồng) chứ không phải bằng tiền của dự án (tiền của chủ đầu tư)?
Như vậy, dự án thực hiện, phần diện tích còn lại của quy hoạch càng trở nên xương xẩu, khó mà tin rằng sẽ được nhà đầu tư khác tiếp tục đầu tư vì hiệu quả kém. Nếu sau này lại do nhà nước đầu tư thì rõ ràng đây là trò móc túi tinh vi…
Lời kết
Về mặt khoa học kỹ thuật còn có thể tranh luận nhưng chiểu theo đúng Luật Tài nguyên nước thì rõ ràng dự án đã vi phạm vào hành vi nghiêm cấm không được làm (Khoản 5 – Điều 9).
Từ sự kiện chặt cây xanh ở Hà Nội đến việc lấp sông Đồng Nai làm dự án đều thể hiện “lỗ hổng” trong tư duy và năng lực quản trị của chính quyền địa phương dù mức độ có khác nhau nhưng đều là vết nhơ không dễ gì rửa sạch!
T.V.T.
Tác giả gửi BVN