Hà Nội mùa Thu! Mùa Thu Hà Nội! Nếu kế hoạch triệt hạ hơn bảy nghìn cây xanh Thủ đô được thực hiện trót lọt thì bắt đầu từ tháng Chín này Hà Nội sẽ không có mùa Thu.
Cuối đường mây trắng bay (nguyên tác: Cuối trời mây trắng bay)
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng?
Mùa Thu đi cùng lá?
Chẳng phải lá về rừng đâu mà chính các quan chức Hà Nội đã ra lệnh triệt hạ lá ngay tại nơi chôn nhau, cắt rốn của nó.
Hầu hết các cây xanh có tên trong danh sách “tử”, đã gắn bó như máu thịt với người Hà Nội trong cả hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Những cành cây vươn ra như những cánh tay vẫy chào đoàn quân chiến thắng trở về. Khó ai có thể quên những ngày Hà Nội oằn mình chống trả những trận mưa bom của máy bay B52 Mỹ. Nhà cửa, công trình kiến trúc nhiều nơi bị san phẳng. Cảnh chết chóc, đau thương bao phủ Khâm Thiên. Những lúc đó chính cây xanh Hà Nội đã lặng lẽ, âm thầm chịu đựng, cố sống, chắt chiu từng nhành lá, ngọn cây để che chở các trận địa pháo, các giàn tên lửa. Cây Hà Nội cũng xung trận, biết chia sẻ, biết yêu thương. Trong niềm tự hào của nhân dân Thủ đô chiến thắng cuộc không kích mười hai ngày đêm của không quân Mỹ, không thể không kể đến “đóng góp” của cây xanh Hà Nội. Uống nước sao chẳng nhớ nguồn?
Chính quyền Hà Nội đã vi phạm Luật Thủ đô
Khoản 2, Điều 14, Luật Thủ đô quy định “Trên địa bàn Thủ đô, nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng sai chức năng, mục đích”.
Việc tỉa cành, chặt bỏ các cây bị sâu, mục, không có khả năng phát triển hoặc có nguy cơ bị gãy, đổ trong mùa giông bão là chuyện bình thường ở bất cứ địa phương nào. Tuy nhiên do tầm quan trọng đặc biệt của Thủ đô, là bộ mặt của cả nước, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao…, nên việc xây dựng, kiến trúc, cải tạo, tái thiết… tại Thủ đô phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật. Việc triệt hạ gần bảy nghìn cây xanh (nay đã tạm dừng) trải dài trên hàng trăm tuyến phố tại Hà Nội sẽ làm thay đổi căn bản bộ mặt và không gian xanh Hà Nội. Khoản 3, Điều 10, Luật Thủ đô quy định việc cải tạo, tái thiết tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng nhất thiết phải trình Thủ tướng chính phủ xem xét, quyết định.
Vai trò, trách nhiệm của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội và trách nhiệm của người đứng đầu
Nguyên tắc lãnh đạo của ĐCSVN là tuyệt đối, toàn diện và trực tiếp. “Mọi việc đều bàn bạc một cách dân chủ và tập thể, khi đã quyết định rồi thì phân công công tác rạch ròi, giao cho mấy đồng chí làm đến nơi, đến chốn” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, NXB CTQG, HN- 2002).
Theo nguyên tắc này thì kế hoạch đốn hạ gần bảy nghìn cây xanh ở Thủ đô Hà Nội không thể nằm ngoài tầm kiểm soát của Thành ủy và UBND thành phố. Để ngăn ngừa hiện tượng không ai chịu trách nhiệm, Nghị quyết Hội nghị TW4 (khóa XI) cũng đã đề ra các biện pháp khá cụ thể nhằm gắn chặt quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu và giúp giải quyết mối quan hệ giữa người đứng đầu với tập thể cấp ủy, cơ quan, tổ chức. Lạ thay, khi sự việc diễn ra rầm rộ, bị người dân Thủ đô và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cả nước phản đối, thì Bí thư thành ủy HN mới phát biểu quan điểm: Yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm từ giám đốc, phó giám đốc, cán bộ của các sở, ngành liên quan và việc xử lý trách nhiệm không được né tránh, bao biện hay kiểu hòa cả làng. “Hiện tượng” này chỉ có thể xảy ra bởi một trong hai trường hợp sau: Trường hợp thứ nhất là Bí thư thành ủy không biết, nay mới biết và ra chỉ đạo kịp thời. Trường hợp này bị coi là đã buông lỏng nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. Trường hợp còn lại là giả vờ!
Khoản 1, Điều 7, Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ quy định người đứng đầu phải “Chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý”. Khoản 1, Điều 6 (cũng của Nghị định này) quy định:
“Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước nếu vi phạm chế độ trách nhiệm quy định tại Nghị định này, tùy theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, phải chịu một hoặc nhiều hình thức trách nhiệm sau đây:
- a) Trách nhiệm kỷ luật;
- b) Trách nhiệm dân sự;
- c) Trách nhiệm vật chất;
- d) Trách nhiệm hình sự;
đ) Trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Dấu hiệu của tội phạm
Điều 285 BLHS (sửa đổi, bổ sung 2009) quy định về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Khoản 1 của Điều này nêu rõ “Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.
Sự việc đốn hạ cây xanh diễn ra công khai, rầm rộ, với quy mô cực lớn, trải dài trên hầu hết các tuyến đường chính của Hà Nội, hậu quả để lại cho bộ mặt và môi trường Thủ Đô là nghiêm trọng. Cho dù Thành ủy và UBND thành phố HN có thực sự “không biết” từ đầu thì với quy định của pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu buộc họ phải biết.
Quan điểm của người viết
Với tư cách một công dân, một người yêu mến Thủ đô, với tư cách một đảng viên lớp U40 tuổi đảng, tôi rất mong Bộ Chính trị có biện pháp xử lý kỷ luật (về mặt đảng) đối với hai chức danh chủ chốt (thuộc diện quản lý của TW) là Bí thư thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, như đã từng làm năm xưa với Bí thư thành ủy TP.HCM trong vụ án Năm Cam và đồng bọn. Xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với cán bộ vi phạm thuộc diện TW quản lý là trách nhiệm của Bộ Chính trị, vì con dại thì cái mang, mũi dại thì lái phải chịu đòn.
Người Hà Nội vốn có tiếng là thanh lịch, rất có tài, có duyên trong sáng tác thơ, ca, hò, vè… Họ sáng tác không chỉ để ca ngợi cuộc sống tốt đẹp, nhân ái, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu Thủ đô mà còn để phác họa chân dung các lãnh đạo của mình. Chắc dịp này rồi sẽ có … thơ!
C.X.B.
Tác giả gửi BVN