Bi kịch Tam nông ở đất Kinh Bắc
Câu chuyện thứ nhất: Tam nông ở xã Đình Tổ
Chẳng hiểu sao, hễ nhắc chuyện Tam nông, nghĩ về thân phận người nông dân hiện nay, tôi lại thấy bên tai vẳng lên câu hát thời chống Pháp: “Nông dân là quân chủ lực, đội quân hùng cường, không có nông dân thì kháng chiến ta không hề thành công…”. Bài hát ấy tên gì, tác giả là ai, tôi không nhớ. Nó không thể sánh được với kiệt tác “Lên ngàn” của Hoàng Việt hay “Bộ đội về làng” của Lê Yên, bởi nó đơn thuần chỉ là những khẩu hiệu phổ nhạc. Song thật lạ, nó như mưa dầm thấm lâu vào ký ức thế hệ chúng tôi từ thủa còn thơ bé rằng, đất nước này tồn tại và phát triển là nhờ vào mồ hôi, xương máu của hàng chục triệu nông dân qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ trong thế kỷ XX. Giờ đất nước đang khá lên sau 20 năm đổi mới, nhưng sao nhiều sự thiệt thòi phi lý lại cứ rơi vào nông nghiệp, nông thôn và nông dân? Muốn dò sâu vào mảng tối Tam nông, có lẽ tôi phải về các vùng quê thuần nông tưởng như yên ả, nằm xa đường quốc lộ, tỉnh lộ. Những năm chống Mỹ, tỉnh Hà Bắc cũ là nơi có nhiều cơ quan, trường học, nhà máy về sơ tán. Yêu cầu an toàn và bí mật đòi hỏi điểm sơ tán phải xa đường lớn, cầu cống. Và thế là ý định về thăm khu sơ tán năm xưa chợt lóe lên, thôi thúc tôi lên đường thăm lại Đình Tổ – Thuận Thành – Bắc Ninh…
Nỗi lòng người trở lại
Miền quê ven sông Đuống ấy là nơi tôi từng sống suốt 5 năm đời sinh viên gian khổ, nhưng đầy kỷ niệm thấm đẫm hồn quê, chan chứa ân tình của những bà mẹ áo nâu, chân đất thời đó. Thoắt đã 42 năm, mỗi lần về tôi chỉ như người khách có chút nặng lòng với quá khứ, thăm hỏi qua loa, chia quà cho trẻ nhỏ, ghé chùa Bút Tháp rồi đi. Chỉ đến năm 1998, tôi về điều tra, viết lọat bài “Chuyện nhức nhối ở thôn Đình Tổ” trên báo Văn nghệ, phanh phui những tiêu cực và lộng hành đến khiếp đảm của mấy ông hào lý thời nay, tôi mới bừng tỉnh, suy ngẫm vấn đề Tam nông trong cuộc đổi mới. Giờ lại 10 năm qua đi, sau vụ tiêu cực ấy nông nghiệp, nông thôn và nông dân ở đó có gì thay đổi? Nói rộng ra, những miền quê thuần nông ở Kinh Bắc và cả nước được thụ hưởng những gì từ công cuộc đổi mới, phát triển hiện nay?… Xe bon bon đưa tôi đi trên QL5, đến đọan giao cắt với đường dẫn lên cầu Thanh Trì đang xây dở, chật cứng người và xe làm tôi liên tưởng đến con đường cao tốc QL5B sắp khởi công vào tháng 5/2008. Nó sẽ đi qua 4 tỉnh trồng lúa nước của đồng bằng Bắc Bộ và là dự án thí điểm hình thức đầu tư BOT (doanh nghiệp bỏ tiền ứng vốn đầu tư thay vì sử dụng ngân sách). Các doanh nghiệp tham gia dự án BOT sẽ được Chính phủ đặc biệt ưu tiên cho sử dụng quỹ đất khá lớn dọc theo trục đường cao tốc để xây dựng các khu công nghiệp và khu đô thị mới. Trên chiều dài hơn 100 km của dự án QL5B kia chắc chắn sẽ có vài chục ngàn ha lúa nước bị thu hồi. Tại cuộc Hội thảo quốc tế về phát triển và quản lý đường bộ cao tốc Việt Nam ngày 22/12/2007 cho thấy, nước ta đang cần tới 6.000 km đường cao tốc, trong đó 40% là dự án bằng vốn BOT. Không ai có thể phủ nhận vai trò của đường cao tốc và các khu công nghiệp trong việc kích thích tăng trưởng GDP. Song cả nước đã, đang và sẽ còn mất đi bao nhiêu ha ruộng tốt trồng lúa nước? Hàng lọat vấn đề an ninh lương thực, môi trường sinh thái nông thôn, việc làm cho nông dân… không chỉ là vấn nạn phát triển bền vững ở nơi bị thu hồi đất mà còn là trọng tâm của vấn đề Tam nông ở tất cả những vùng quê thuần nông như Đình Tổ ở Kinh Bắc và trên khắp cả nước. Mang nặng trong lòng suy tư ấy, tôi rời QL5, qua chợ Sủi, chợ Keo, rẽ lên đê sông Đuống hăm hở phóng xe về Đình Tổ. Trong ký ức của tôi, một dải đất màu mỡ ven sông với những tên làng thơ mộng từ Lệ Chi, qua Đình Tổ – Phú Mỹ – Á Lữ, đến tận Song Hồ ngày xưa ngoài bãi mênh mông một thảm xanh của đay và mía, còn trong đồng bát ngát lúa trổ đòng chiêm mùa đôi vụ. Giờ bãi sông tản mát mấy vạt ngô hay ruộng dâu, xen kẽ những bến khai thác cát bụi mù và cả những lò gạch thủ công nhả khói đen ngòm, bao quanh là những hố đào lở loét. Trong đồng cũng vậy, ruộng lúa thu hẹp dần, thay bằng đủ loại cây trồng manh mún và tự phát, không theo quy luật của nền nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Cứ đà này, những làng thuần nông ở Kinh Bắc và cả nước sẽ đi về đâu trong xu thế phát triển chung của đất nước? Rồi đây, nếu bất chợt có làng nào bị thu hồi hết đất canh tác, nông dân sẽ sống ra sao với vài trăm triệu đền bù đất? Đường làng ngõ xóm đổ bê tông, những ngôi nhà mái bằng thô kệch hay vài tiện nghi như TV, xe máy rẻ tiền không đủ làm nên diện mạo một nông thôn đổi mới, càng không che giấu nổi cuộc sống bần hàn của người nông dân Đình Tổ và các làng thuần nông khác.
Trăn trở xót xa qua từng câu chuyện kể
Vấn đề Tam nông ở các làng thuần nông như Đình Tổ, xét cho cùng vẫn xoay quanh điệp khúc muôn thủa là nuôi con gì, trồng cây gì, làm thêm nghề gì để thay đổi diện mạo làng quê, nâng cao mức sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo với đô thị và các vùng quê có làng nghề phát triển như Bát Tràng, Ninh Hiệp… (Hà Nội), hay Đồng Kỵ, Phù Khê, Phù Lưu, Thổ Hà, Đại Bái… (Bắc Ninh). Về Đình Tổ lần này, có lẽ tôi phải nán lại nhiều ngày, hỏi chuyện từng hộ dân về cuộc mưu sinh của họ thời đổi mới mà chưa đổi đời. Mới đến đầu làng tôi đã sững sờ nhìn 2 cây cổ thụ ở chân dốc đê đang bị chặt hạ và xẻ thịt. Chúng vốn là cảnh quan đặc sắc, dấu hiệu nhận biết từ xa cho người xa quê lâu ngày trở về. Người ta bảo, lãnh đạo thôn bán cho thợ xẻ 40 triệu đồng/cây để lấy tiền bù thêm vào vốn xây nhà văn hóa đang bị thiếu hụt vì đội giá!
Vào nhà ông chủ sơ tán, ngồi chưa nóng chỗ, chưa kịp hàn huyên nhiều chuyện, tôi đã phải vội đi thăm ông Luận đang nằm ốm liệt vì con bò cái vừa chết cả bê lẫn mẹ. Luận kém tôi hai tuổi mà nom bơ thờ, teo tóp, già như ông lão ngoài 70 tuổi. Hỏi thăm mới biết, con bò lúc còn đang chửa đã thiếu cỏ ăn, giá cám công nghiệp dùng nuôi bò lại tăng chóng mặt nên lúc đẻ nó kiệt sức vì suy dinh dưỡng. Nghề nuôi bò vàng lấy thịt và bê con ở Đình Tổ đang lụi dần vì môi trường ô nhiễm, cỏ ngoài đê không sống nổi, chưa kể dịch bệnh hoành hành đe dọa đàn bò trong thôn. Thời sinh viên, tôi khá thân với Luận vì anh đẹp trai, vui tính, đang làm thư ký đội sản xuất xóm Đình. Là con liệt sĩ chống Pháp, mẹ bị mù lòa sau cơn bệnh thiên đầu thống, nhà có 2 anh em trai thì anh Thảo đã đi B từ năm 1964 nên lẽ ra Luận được miễn nghĩa vụ quân sự. Thế nhưng năm 1968 Luận đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ bằng máu, để lại quê mẹ già mù lòa và đứa em gái tên Dư chưa đầy 16 tuổi. Giờ chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, tôi đảo mắt nhìn quanh vẫn thấy chỉ là ngôi nhà ngói 5 gian thấp tè, ẩm mốc, không một tiện nghi nào đáng giá bạc triệu. Ngoài sân vẫn là căn bếp xiêu vẹo, bên cạnh cây ngâu cổ thụ có từ thời ông nội của Luận. Tôi nhìn thằng cháu nội trên tay bà Luận lòng thấy xót xa. Nó được 7 tháng tuổi mà không bằng đứa trẻ 3 tháng tuổi ngoài Hà Nội. Thân hình nó còm nhom, đầu to, cổ ngẳng, nom như khỉ con ngoài vườn Bách thú. Luận bảo, bố nó làm thợ xây ráo mồ hôi là hết tiền; còn mẹ nó làm thợ may ở công ty ngoài chợ Sủi, cách nhà gần 10 km, làm việc từ 7 giờ sáng đến 8 giờ tối mới được 1,2 triệu/tháng. Tôi lại hỏi: “Bò chết rồi, sắp tới cả nhà trông vào nguồn thu nhập nào để sống?” Luận cười buồn, thều thào đáp: “Giờ cả 5 nhân mạng trông cậy vào 3 sào đất bãi trồng dâu nuôi tằm, nhưng cũng bấp bênh lắm. Tư thương đến mua kén, thích cho giá nào mình được giá ấy”.
Tôi rời nhà Luận lòng trĩu buồn. Nhượng – con trai ông chủ sơ tán bảo, nhà nó cũng có 4 sào đất bãi, mấy năm trước đều trồng dâu nuôi tằm, năm nay chỉ dám để lại một sào nuôi tằm còn 3 sào đành quay lại cây ngô, thu nhập thấp, nhưng nhàn thân và đỡ lo. Đi thêm dăm nhà trồng dâu nuôi tằm khác cũng chẳng sáng sủa hơn gì. Thôn Đình Tổ có khoảng 200 mẫu đất bãi màu mỡ ven sông Đuống, chuyên canh trồng đay từ thời bao cấp. Khi thị trường đay ở Nga và Đông Âu bị đổ vỡ, dân chuyển sang trồng rau có năm rớt giá thảm hại, cà chua không bán kịp, chất đầy nhà đến thối rữa, xu hào thồ đầy một xe ra tận Hà Nội cũng chỉ bán được dăm chục ngàn. Trăn trở nhiều năm họ mới tìm ra nghề trồng dâu nuôi tằm, nhưng nguồn trứng tằm đầu vào, kén tằm đầu ra đều lệ thuộc vào tư thương. Mỗi sào dâu nuôi được một vòng trứng tằm. Một lứa tằm nếu thuận lợi thì sau hơn 3 tuần thu được 12 – 15 kg kén, chậm bán 3 ngày sẽ hỏng. Tư thương giao vòng trứng cho từng nhà nên họ nắm rất chắc thời gian thu hoạch và sản lượng kén ở các xóm. Đến kỳ thu hoạch, họ tụ tập ở ngoài đê từ sáng sớm, thống nhất giá cả rồi chia nhau vào xóm thu mua ép giá, chỉ để cho nông dân có chút lãi nhỏ, nếu gặp phải vòng trứng kém chất lượng hay nhà nào có tằm bị bệnh là lỗ nặng. Nhượng bảo, các năm 2002-2005 giá kén bỗng nhiên tụt xuống 14 – 15 ngàn/1kg, thu không đủ bù chi nên nhiều nhà phá dâu trồng ngô. Năm 2007 vừa rồi giá kén lên 27- 28 ngàn/1kg, ai phá ruộng dâu lại tiếc đứt ruột. Song năm nay giá vật tư nông nghiệp tăng quá trời, phân đạm tăng gấp đôi, cỡ 7.200 đồng/1kg nên cháu và một số nhà chỉ dám cầm chừng, vừa làm vừa nghe thôi. Trồng dâu nuôi tằm ở Đình Tổ thu nhập gấp 3- 4 lần cây ngô, nhưng cứ để tình trạng bấp bênh thế này thì bao giờ dân mới yên tâm với nghề mới? Tôi đã từng đến các xã có nghề ươm tơ ven sông Hồng, thuộc huyện Duy Tiên – Hà Nam. Ở đó, nông dân học theo kinh nghiệm của người Nhật, tự thiết kế ra máy ươm tơ mini 8 guồng hoặc 16 guồng nên họ chủ động thu hoạch kén và chế biến ra bán thành phẩm là tơ sợi, đầu tư rất nhỏ, không bị tư thương ép giá, thu nhập khá cao. Lẽ ra ở Đình Tổ các cấp chính quyền từ huyện đến xã, thôn nên tổ chức cho dân đi Duy Tiên học thêm nghề mới hoặc chí ít cũng liên hệ hợp tác với họ mở thông đầu ra kén tằm cho địa phương mình. Nghe tôi nói vậy, dân chỉ cười mát bảo, các vị ấy chỉ quan tâm đến bán đất cho lò gạch, bán bến khai thác cát cho các ông chủ mà thôi…
Trồng cây gì vẫn đang bế tắc, vậy còn nuôi con gì thì sao? Nuôi lợn mỗi nhà đôi ba con để tận dụng thức ăn thừa và rau cỏ tự kiếm vốn là tập quán lâu đời ở các làng thuần nông như Đình Tổ. Giờ lương thực đắt đỏ, rau cỏ khan hiếm nên mọi nhà đều phá chuồng lợn cho rộng sân. Muốn nuôi lợn có lãi bằng cám công nghiệp phải đạt quy mô 30 con trở lên, cần vốn đầu tư chuồng trại, bể BIO gas, giếng khoan nước, máy bơm… Vay vốn ngân hàng PTNN lãi suất 1,2% tháng họ không dám, còn vay vốn ngân hàng dành cho người nghèo thường chỉ được 3 – 5 triệu/1 hộ mà cũng không dễ gì đến lượt các hộ dân đen. Nghe nói, có nơi có lúc, vốn dành cho người nghèo lại rơi vào tay mấy ông cán bộ vay rồi cho vay lại bạn bè, người quen để làm nhà, cưới hỏi, thậm chí đánh bạc. Cả thôn 500 hộ chỉ có khoảng hơn hai chục hộ nuôi lợn gột giống hoặc lợn thịt quy mô 30 – 60 con/lứa, rải rác ở các xóm Đình, xóm Nghè và xóm Chùa. Ông Nguyễn Đình Giác, cựu chiến binh 73 tuổi là người nuôi lợn đã gần 20 năm, quy mô 30 con/lứa. Ông cho biết, nuôi lợn vất vả, lợi nhuận rất thấp. Lợn thịt nuôi 4 tháng xuất chuồng cỡ 80 kg chỉ lãi 100 ngàn đồng/1 con. Lợn gột giống nuôi 1 tháng đạt 10 – 12 kg lãi cao, cỡ 70 ngàn đồng/1 con, nhưng rất vất vả, lại bấp bênh ở khâu tiêu thụ, lỡ mà không bán kịp, phải chuyển sang nuôi lợn thịt là gay to! Xem ra, ông Giác đang lo lắng vì giá cám công nghiệp tăng từ 42 ngàn lên 81 ngàn/1bao (12 kg)và sẽ còn tăng nữa.
Đêm ấy, tôi trằn trọc không sao ngủ được, đành ra sân thơ thẩn dạo quanh, ngắm nhìn trời đất. Chợt tôi nghe tiếng bò sữa nhai cỏ và tiếng bê con kêu trong đêm khuya khoắt từ phía nhà ông Bổng. Sáng, tôi dậy sớm qua thăm ông và hỏi chuyện. Ông Bổng là 1 trong số 7 người tiên phong khởi xướng nghề nuôi bò sữa ở Đình Tổ từ năm 2001. Họ đã trải qua bao nỗi thăng trầm, điêu đứng của nghề này, có lúc tưởng như phá sản. Giờ cái anh VINAMILK không còn một mình một chợ, khuynh đảo thị trường sữa tươi nên sản phẩm bán chạy, giá thu mua từ 3.500 đồng đã lên 7.000 đồng/1 lít. Nghề nuôi bò sữa ở đây đang có cơ hội phát triển. Theo ông Bổng, 1 con bò sữa 12 tháng tuổi đầu tư 14 triệu đồng, nuôi đủ 18 tháng tuổi sẽ bắt đầu vắt sữa. Mỗi năm con bò cho vắt sữa 10 tháng, có tháng nhiều tháng ít, năng suất trung bình cỡ 15- 18 lít sữa/ngày. Kinh nghiệm cho thấy cứ nuôi 3 con cần 2 lao động, lợi nhuận tính bằng sữa tương đương với năng suất của 2 con, đạt hơn 200 ngàn đồng/ngày. Hiện trong thôn có hơn 10 nhà nuôi bò sữa, tổng cộng 40 con, số con vắt được sữa đạt sản lượng trên 200 lít/ngày. Với sản lượng này họ không đủ thành lập bồn chứa vì sữa không đủ ngập cánh khuấy nên mỗi lít sản phẩm bị mất đi 400 đồng cho người thu gom và chủ bồn ở Dốc Lời cách đó 10 km. Tôi hỏi: “Nuôi bò sữa lãi thế sao đàn bò không phát triển lên 120 con để lập bồn chứa?” Ông đáp: “Bò sữa mỗi con cần 80 kg cỏ/ngày và cứ 1 lít sữa cần cho bò ăn thêm 3 lạng thức ăn công nghiệp. Cái khó ở đây là 1,5 sào trồng cỏ mới đủ nuôi 1 con bò sữa. Muốn tăng trưởng đàn bò thì phải dồn điền đổi thửa cho các hộ nuôi bò tập trung lại thành đồng cỏ lớn”. Tôi lại hỏi: “Đảng và Nhà nước từ lâu đã có chủ trương dồn điền đổi thửa phù hợp với quy luật sản xuất hàng hóa cơ mà?” Ông cười nheo mắt nói hóm: “Ở đất này thì còn lâu, bác nhà văn ạ! Người ta sợ nếu dồn điền đổi thửa phải đo lại ruộng sẽ lòi ra vài chục mẫu làm quỹ riêng cho các quan, vượt quá quy định cỡ 20% chứ bỡn. Tế nhị lắm!”. Vậy là con bò sữa cũng như cây dâu, ngỡ đã tìm ra lời giải nuôi con gì, trồng cây gì hóa thành xôi hỏng bỏng không chỉ vì sự tắc trách hay tư lợi của vài lãnh đạo chính quyền cơ sở!…
Và những điều tai nghe mắt thấy
Lại nói đến nghề mới phi nông nghiệp và việc làm cho nông dân. Đây là mắt xích quan trọng của vấn đề Tam nông. Một vùng quê thuần nông như Đình Tổ, nằm lọt thỏm giữa biển nông thôn bao la, cách tốt nhất là mở hướng cho nông dân “ly nông bất ly hương” mới hạn chế được tăng dân số cơ học ở các thành phố lớn. Ở Đình Tổ chỉ có vài chục phụ nữ qua đào tạo thành công nhân may. Họ đều cam chịu hoàn cảnh như con dâu ông Luận, sáng đi tối về, làm việc cật lực 10 – 14 giờ/ngày ở công ty may ngoài chợ Sủi mà thu nhập chỉ có 1,2 triệu đồng/tháng, cốt sao được gần con cái. Số còn lại sang các làng nghề giàu có lân cận trong bán kính 10 – 15 km để làm thuê kiếm sống, mỗi ngày được 20 – 25 ngàn đồng. Mấy năm trước, khi viết bài về các chợ lao động ngoại thành Hà Nội ở Đa Tốn, Bát Tràng tôi đã từng gặp rất đông người Đình Tổ, Phú Mỹ, Đại Trạch… đến đó chầu chực từ 5 giờ sáng để chờ người thuê dỡ lò gốm, cấy lúa, làm cỏ hay giúp việc vặt trong nhà. Hỏi chuyện thanh thiếu niên trong làng, đa số các em bỏ học giữa chừng ở cấp THCS. Giá mà chính quyền xã, thôn quan tâm tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho họ! Nghèo khổ và thất học, nhưng thật lạ lùng khi tôi dự đám cưới con trai ông Toán ở xóm Sông vẫn thấy các chú bé choai choai điên loạn nhảy “đít cô đít cậu” trong tiếng nhạc xập xình, đinh tai quá cỡ. Cụ Nguyễn Văn Cược, 80 tuổi, hơn 40 năm tuổi đảng ngồi gần tôi thở dài cho biết, tệ cờ bạc, lô đề trong thanh thiếu niên đang rất phổ biến. Thôn có 50 mẫu ao, đầm là cảnh quan thơ mộng và nguồn dự trữ nước, điều hòa không khí đang bị san lấp, lấn chiếm vô tội vạ, gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Hàng quán mở ra nhiều, sức mua của dân kém nên thực chất là nơi gá bạc và ghi lô đề. Tệ nhất là những thân nhân, bạn bè các ông cán bộ được đấu thầu 20 m2 đất bờ ao ven đường mở quán rồi lấn ra mặt nước hàng 100 m2, vừa phá hoại môi trường vừa tha hóa thanh thiếu niên…
Thay lời kết
Tôi chưa thể rời Đình Tổ nếu không hoàn thành một việc mà cháu Ngô Thị Thúy Hằng nhờ cậy lúc còn ở Hà Nội. Hằng và Tuấn là nòng cốt của nhóm trí thức trẻ thế hệ 8x tự bỏ tiền xây dựng và duy trì trang Web “Nhắn tìm đồng đội” nổi tiếng, có lượng người truy cập và hiệu quả xã hội rất cao (không phải trang Web “Đi tìm đồng đội” tốn bạc tỷ của Bộ LĐ-TB &XH mà vẫn chỉ là trang Web chết). Cháu Hằng gửi tôi bản danh sách 103 liệt sĩ của E102, Sư 308 hy sinh trong trận đánh Làng Cát ở Khe Sanh tháng 5/1968. Tôi nhận ra có 19 liệt sĩ quê Thuận Thành – Bắc Ninh, trong đó có 3 liệt sĩ quê Đình Tổ. Hằng chỉ mong tôi có thể tìm được gia đình liệt sĩ, thắp một nén nhang, hỏi thăm gia cảnh để cháu có hướng giúp đỡ, trước lúc cháu lên đường cùng cựu chiến binh của E102 đi tìm hài cốt đồng đội còn chưa được quy tập. May sao, cuối cùng tôi cũng tìm ra được thân nhân liệt sĩ Nguyễn Sĩ Thừ, con cụ Thiềm ở thôn Phú Mỹ. Lớp trẻ sinh ra sau 1975, giữa bộn bề mưu sinh, nhiều sự cám dỗ mà vẫn có tấm lòng nhân hậu, nghĩa cử cao đẹp đến thế! Chúng ta thì sao? Có lẽ cách đền ơn đáp nghĩa các anh hùng liệt sĩ nông dân ấy là làm tốt vấn đề Tam nông trên cả nước. Muốn vậy, chính sách phải minh bạch, thiết thực, đồng bộ. Và quan trọng hơn, hệ thống chính quyền cơ sở nông thôn phải gồm người tài đức, hết lòng vì dân để câu hát “Nông dân là quân chủ lực…” năm xưa mãi không chỉ là khẩu hiệu được phổ nhạc…
Câu chuyện thứ hai: Tam nông ở xã Phù Chẩn
Biết tôi có ý định đi tìm hiểu, viết kịch bản phim tài liệu truyền hình về vấn đề Tam nông ở Phù Chẩn, huyện Từ Sơn, anh bạn thân có trọng trách khá cao, học vấn và uy tín lớn khuyên nên cẩn thận. Tôi hỏi: Vì sao?… Anh nói: “Đất ấy dữ lắm! Nghe nói ở đấy sắp thu hồi hết đất canh tác, dân mất nguồn sống chưa thông, nhưng ruộng không được cày cấy, nguồn nước thủy lợi bị cắt. Họ thà đi làm thuê kiếm ngày dăm chục ngàn chứ quyết không nhận vài trăm triệu đền bù. Nhà nào phá lệ làng nhận tiền đền bù trước thì từ nay việc giỗ tết, ma chay, cưới hỏi cả làng sẽ không đến nữa. Luật bất thành văn của làng thiêng lắm!…” Tôi nghe mà lạnh cả người, càng quyết chí liều đi một chuyến…
Từ bức tranh toàn cảnh…
Để thấy rõ vấn đề, có lẽ cần điểm qua đôi nét trên bình diện cả nước và tỉnh Bắc Ninh. Kết quả điều tra mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong vòng 5 năm lại đây, diện tích canh tác đã mất đi 153.000 ha, trong đó 80% là đất tốt nhất. 88% hộ nông dân cả nước không có nước sạch để dùng… Còn theo GS Tương Lai – người nhiều năm nghiên cứu xã hội học nông thôn cho biết, năm 2005, cả nước có 4.125.200 ha trồng lúa nước, giảm 302.500 ha so với năm 2000 và hầu hết là đất tốt 3 – 4 vụ/năm. (vietimes.com.vn). Tỉnh Bắc Ninh vừa qua nổi lên như một điểm sáng thu hút đầu tư trong vùng phát triển kinh tế phía Bắc. Song chỉ cần nhìn qua mấy khu công nghiệp ở các huyện bán sơn bán địa như Tiên Sơn, Quế Võ đã thấy ngay hàng ngàn ha đất đạc điền trồng lúa nước, sát kề trục đường cao tốc đã bị thu hồi. Đổi mới ở nước ta bắt đầu từ nông nghiệp, song dường như nông dân lại là người được hưởng ít nhất về thành quả đổi mới (?!)
…Đến điểm nóng Phù Chẩn
Nằm ở ngay điểm giao cắt giữa quốc lộ 1B (đọan đường cao tốc Hà Nội – Bắc Ninh) với đường tỉnh lộ 119, cách trung tâm thủ đô chỉ 20 Km, nhưng xã Phù Chẩn vẫn nghèo và lạc hậu bởi kinh tế thuần nông, lại đang mất dần đất canh tác màu mỡ nhất. Vấn đề Tam nông ở đây dường như đang lâm vào ngõ cụt! Chủ trương đúng đắn về công nghiệp hóa, đô thị hóa của Trung ương và tỉnh đã bị cấp chính quyền cơ sở thôn, xã lợi dụng để trục lợi cá nhân, o ép nông dân thu hồi đất thật nhanh cho các nhà đầu tư mà không hề có động thái gì cụ thể để hỗ trợ nông dân giãn dân, tái định cư, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề. Cụ Nguyên, một lão nông ở thôn Rích Gạo kể rằng, Phù Chẩn là đất huyền thoại trong 6 đất Lục Phù (Phù chẩn, Phù Khê, Phù Đổng, Phù Lưu, Phù Dực, Phù Ninh) của xứ Kinh Bắc. Trong Phù chẩn lại có Tứ Phù (Phù Chẩn, Phù Loan, Phù Lộc, Phù Tảo). Mỗi tên làng, tên xóm ở Phù Chẩn đều có sự tích gắn với truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương: thôn Doi Sóc rèn roi sắt, ngựa sắt cho ngài; thôn Rích Gạo xay thóc nuôi quân cho ngài; xóm Thành Tre xưa ngựa của ngài thét ra lửa nên rất nhiều tre đằng ngà; vó ngựa của ngài đi qua làm nên nhiều ao đầm ở thôn Doi Sóc… Ông Nguyễn Văn Mười, một đảng viên 40 năm tuổi đảng chép miệng than thở: “Tre đằng ngà chỉ còn 1 bụi xơ xác, ao đầm bị lấp gần hết, chạm vào tín ngưỡng thiêng liêng của dân và âm ỉ nhiều dấu hỏi tiêu cực trong quá trình đấu thầu bán đất giãn dân, tôi đấu tranh 10 năm nay không có kết quả, còn bị trù dập”. Ông Mười còn cho biết, Phù Chẩn được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng (1997) vì đây là vùng du kích chống Pháp nổi tiếng với những nữ du kích anh hùng như cụ bà Nguyễn Thị Mai ở thôn Doi Sóc đã ngoài 80 tuổi vẫn hết lòng dạy con cháu tin tưởng vào Đảng và Bác Hồ. Thôn Doi Sóc có hơn 2000 dân mà trong cuộc chống Mỹ đã hiến dâng 146 liệt sĩ, đặc biệt lứa nhập ngũ năm 1965 chết hết, không một ai trở về. Với truyền thống ấy, người Phù Chẩn sẵn sàng hy sinh 5 ha làm đường cao tốc và 20 ha ruộng tốt nhất cho dự án đô thị Nam Từ Sơn rất nhanh gọn trong vài tuần, không một lời ta thán, một hành động nhỏ nào cản trở. Nhưng kể từ 6/7/2007, khi dự án khu công nghiệp – đô thị và dịch vụ (dự án VSIP) được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt theo quyết định 1501/QĐ-UBND thì mọi việc diễn ra ở Phù Chẩn rối như canh hẹ. Theo dự án VSIP, tổng quỹ đất bị thu hồi là 700 ha thì riêng xã Phù Chẩn sẽ thu hồi gần 400 ha, có nghĩa là 8000 nông dân ở đây hầu như mất trắng diện tích canh tác. Một việc lớn và hệ trọng, liên quan đến chính sách Tam nông của Đảng và Chính phủ như vậy mà không hiểu vì sao Huyện Từ Sơn và xã Phù Chẩn nóng vội lập ra kế hoạch thu hồi đất với tốc độ phi mã: 30/11/07 thu hồi xong 38,5 ha, 31/12/07 thu hồi nốt 350 ha còn lại! Để đảm bảo tiến độ phi mã trên, ngay từ tháng 10/2007 huyện đã ra thông báo ngừng sản xuất trên toàn bộ diện tích canh tác của xã. Ông Nguyễn Văn Tâm, nguyên trưởng thôn Doi Sóc (2000 – 2002) bức xúc nói: “Một xã thuần nông, không có nghề phụ, chỉ trông vào mấy vụ lúa, ngày nông nhàn thì chỉ biết sang các xã Ninh Hiệp, Phù Lưu, Đồng Kỵ… làm thuê, giúp việc vặt trong nhà, giờ thu hồi hết đất canh tác thử hỏi 8000 con người sống bằng gì? Ép dân ngừng sản xuất từ tháng 10 năm ngoái, đến tháng 3 âm lịch này là tháng giáp hạt, thóc gạo đâu mà ăn giữa cơn bão giá, hở giời?” Dân Phù Chẩn chưa thông, chưa chịu nhận đền bù bởi họ và con cái họ chưa hề được chuẩn bị về kiến thức, tay nghề, tiền vốn khi phải từ bỏ nghề nông vì mất hết ruộng. Giá đền bù đất cũng chưa thỏa đáng trong hoàn cảnh riêng của xã thuần nông ven thủ đô Hà Nội bị mất hết đất canh tác. Một hộ như gia đình ông Nguyễn Đức Tám ở thôn Doi Sóc có 7 nhân khẩu, chỉ trông vào 8 sào ruộng lăn lưng cấy 3 vụ làm nguồn sống chính, giờ được đền bù 28.400.000 đồng/1 sào. Với hơn 200 triệu, không có nghề phụ, không biết kinh doanh, miệng ăn núi lở, liệu gia đình ông Tám tồn tại được bao lâu?…
Nguyện vọng của nông dân Phù Chẩn đơn giản chỉ là nâng giá đền bù, dành lại quỹ đất 5% xưa, gom chung vào một diện tích có quy hoạch tổng thể rõ ràng, chia lô công khai trên bản đồ quy hoạch cho từng hộ để dân có chỗ kinh doanh dịch vụ kiếm sống và có chỗ ở cho con cháu họ sau này. Lẽ ra chính quyền cơ sở huyện, xã phải thương lượng với dân, động viên giúp đỡ họ tháo gỡ khó khăn sau khi mất ruộng. Đáng tiếc, những biện pháp cứng rắn, thiếu tình, nóng vội áp dụng ở Phù Chẩn đã khiến lòng dân càng thêm nghi ngờ động cơ sau cái kế hoạch giải phóng mặt bằng với tiến độ phi mã của một số cán bộ. Ngày 22/3/2008, người dân thôn Phù Lộc phẫn nộ vì phát hiện ra bằng chứng chia chác tiền đền bù đất công biến thành đất tư cỡ hàng chục tỷ đồng của cán bộ thôn, khiến các vị hoảng sợ bỏ nhiệm sở trốn khỏi địa phương. Dứt dây động rừng, bà kế toán thôn Doi Sóc thấy thế vội đem hòm tài liệu của mình gửi đi cất giấu ở nhà hàng xóm, cũng bị dân phát hiện và thu giữ. Ông Trần Viết Soạn ở thôn Phù Lộc lắc đầu, chua chát nói: “Những bằng chứng tham nhũng do dân vừa phát hiện chỉ là mảnh vụn vỡ ra từ chiếc bánh tham nhũng lớn, đang nằm trong 4 tủ hồ sơ mà sau khi các vị bỏ trốn chúng tôi đã lập biên bản niêm phong, cất giữ ở trong hậu cung đình làng. Dân chúng tôi chỉ cầu mong cơ quan bảo vệ pháp luật của Trung ương hoặc tỉnh Bắc Ninh mau tiếp quản 4 tủ hồ sơ này về xử lý, ắt cháy nhà ra mặt chuột mà vẫn chưa được giải quyết.” …
Lời kết
Rời nhà ông Soạn, tôi thơ thẩn đi thăm đồng, đau xót nhìn mấy trăm ha bờ xôi ruộng mật bị bỏ hoang đã 5 tháng một cách phi lý. Lòng mương thủy lợi khô cạn như gương mặt khắc khổ, cạn khô niềm tin vào chính quyền cơ sở của 8.000 nông dân nghìn đời nay chỉ biết sống nhờ cây lúa. Rồi đây mất ruộng, mỗi hộ cầm vài trăm triệu biết làm nghề gì để sống giữa thời gạo châu củi quế? Bài học sau thu hồi đất ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), Mỹ Đình (Hà Nội) vẫn còn đang nóng hổi trên công luận. Bao giờ chính sách Tam nông của Đảng và Chính phủ mới đi vào cuộc sống ở Phù Chẩn, bao giờ?…
Hà Nội xuân hè 2008
V.N.T.
Tác giả gửi BVN