Trung Quốc lấn đất trên biển Đông: Đâu là nguyên nhân thật sự? 

Vụ việc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông có lẽ còn lâu mới đến hồi kết, một khi Trung Quốc ngày càng gia tăng thay đổi hiện trạng trên các quần đảo nhằm đặt Việt Nam vào sự đã rồi bằng áp lực quân sự, kèm theo những lời ve vuốt “Bốn tốt’ và “Mười sáu chữ vàng”. Từ lâu nhà cầm quyền Trung Quốc luôn coi Biển Đông là ao nhà  thì ai cũng rõ, nhưng đến cái động thái “đường lưỡi bò 9 đoạn” và bản đồ theo “chiều dọc” trình làng như một bằng chứng “lịch sử” thì đúng là độc nhất vô nhị mang nhãn hiệu “Made in China”.

Tất cả những trò ảo thuật ấy, thực ra đều nằm trong kế sách binh pháp Tôn Tử, Gia Cát Lượng, Tư Mã Ý, từng một thời làm cho đất nước Trung Quốc rộng lớn đại loạn. Xem ra, nhà cầm quyền Bắc Kinh rất biết kế thừa và phát triển thành tựu của cha ông để thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”,  đồng thời, mở rộng không gian sinh tồn cho 1,3 tỷ dân vốn đang thiếu đất canh tác và nhất là môi trường sinh thái đã ô nhiếm đến mức báo động đỏ.

Hẳn nhiên, muốn thực hiện âm mưu này thì phải đánh mắt về Biển Đông,  và Chú em Việt Nam là đối tượng dễ bảo nhất nằm trong tầm ngắm từ lâu của các đời “Hoàng đế đỏ”. Ta hãy làm một so sánh. Bắc Triều Tiên, từ lâu cũng được xem là “thuộc quốc” của Tàu. Ngoài món nợ xương máu trong chiến dịch “Viện Triều chống Mỹ”, từ khi Bắc Hàn lập quốc, Trung Cộng phải nuôi báo cô chế độ họ Kim mỗi năm hàng triệu tấn gạo, hàng triệu tấn xăng dầu, cùng những nhu yếu phẩm khác, nhưng qua các vòng đàm phán về biên giới mấy chục năm, Bắc Kinh không lấy được một mét vuông đất. Vì sao? Câu trả lời rất đơn giản, cha con, ông cháu họ Kim có tinh thần dân tộc. Họ Kim thà để dân chết đói, quyết tâm là nguyên tử (điều này tất nhiên là đáng lên án). Một khi đã có “vũ khí răn đe” trong tay thì chính ông thầy Hoa Hạ cũng phải chờn. Chỉ riêng việc “đồng chí” Kim con thanh toán ông chú dượng (bằng cả một đàn béc giê) vốn là tai mắt của Cục Tình báo Hoa Đông, dằn mặt Trung Nam Hải cũng là một bài học khiến cho các nhà lãnh đạo Việt Nam suy nghĩ.

Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Biển đảo của mình không giữ lại giao cho hàng xóm “giữ hộ” bằng “Công hàm 1958”, hay lờ đi việc Trung Quốc đem quân đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, thậm chí còn ra lệnh không được nổ súng khi chúng ngang nhiên bắn vào các chiến sĩ hải quân trên đảo Trường Sa năm 1988 làm 64 người hy sinh cho đến nay vẫn không tìm được thi hài, là những điều kiện tuyệt vời để kẻ thù lấn tới. Rồi còn một thứ “quyền lực mềm” được hình thành từ hệ ý thức qua “Hội nghị Thành Đô”, đúc kết thành mười sáu chữ vàng tai hại như một trò trớ trêu định mệnh bám riết lấy dân tộc Việt. Vậy thử hỏi, qua chừng ấy hành vi của những người tự nhận là “đỉnh cao trí tuệ”, nhân dân Việt Nam có thể nhìn nhận các nhà lãnh đạo có tinh thần dân tộc?

Đấy chính là nguyên nhân cơ bản nhất để Việt Nam mất đất, mất đảo thuộc chủ quyền hợp pháp do cha ông để lại. Một gã hàng xóm có dã tâm, đầy tham vọng bành trướng, , món ngon kề miệng, không ăn thì mới là lạ.

Một ban lãnh đạo không có tinh thần dân tộc, Tổ quốc bị đặt xuống dưới quyền lợi phe nhóm và lợi ích cá nhân, còn nhân dân, chẳng là “cái đinh gỉ”, miệng lúc nào cũng tụng niệm thứ học thuyết ngoại lai, cũ rích mà loài người từ lâu đã vứt vào sọt rác, thử hỏi có đủ tư cách bảo vệ chủ quyền đất nước? Liệu họ có đủ bản lĩnh kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế, hay lại chỉ phản ứng chiếu lệ qua phát ngôn viên ngoại giao rằng thì là “Việt Nam có đủ cơ sở để khẳng định…”.

 Bauxite Việt Nam

 Việt Nam, Philippines, Mỹ và ASEAN vừa lên tiếng phản đối hoặc bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc lấn đất trên biển Đông. Các hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Bắc Kinh đang quyết liệt tiến hành hoạt động này trên cả sáu điểm ở Trường Sa.

Hình ảnh so sánh hiện trạng lấn đất của Trung Quốc ở bãi Gaven (thuộc cụm Nam Yết) ở Trường Sa trong các tháng 3-2014, tháng 8-2014 và 30-1-2015 - Ảnh: IHS Jane’s Defence Weekly

Hình ảnh so sánh hiện trạng lấn đất của Trung Quốc ở bãi Gaven (thuộc cụm Nam Yết) ở Trường Sa trong các tháng 3-2014, tháng 8-2014 và 30-1-2015 – Ảnh: IHS Jane’s Defence Weekly

Trên máy bay, hải quân Mỹ cùng có mặt với quân nhân Philippines trong các chuyến bay kéo dài suốt ba tuần cho đến hôm 21-2. Tuần trước, gần một tuần sau khi kết thúc, hải quân Mỹ mới lần đầu tiên thừa nhận máy bay do thám hiện đại nhất của họ có ở biển Đông và đã thực hiện tổng số 180 giờ bay. Người phát ngôn của Philippines, đại tá Restituto Padilla sau đó tuyên bố với báo giới là sẽ có thêm các chuyến do thám thế này.Tháng 2-2015, máy bay do thám hiện đại nhất của Mỹ P-8A Poseidon bắt đầu xuất phát từ Philippines để tiến hành các hoạt động do thám ở biển Đông.

Không nêu trực tiếp nguyên nhân, nhưng việc xuất hiện của P-8A Poseidon lúc này chắc chắn có liên quan tới hoạt động lấn đất ở biển Đông của Trung Quốc – điều đã được Việt Nam, Philippines, Mỹ và ASEAN cùng lên tiếng phản đối hoặc bày tỏ quan ngại. Cuối tháng 1-2015, báo cáo quốc phòng của IHS’s Jane công bố một loạt bức hình được chụp với sự hỗ trợ của một vệ tinh Airbus cho thấy tốc độ lấn đất kinh hoàng đến thế nào. Trong chưa đầy một năm, các bãi cạn ở Trường Sa mà Trung Quốc chiếm giờ đã trở thành các đảo nhân tạo với bãi cát lớn và vô cùng quy mô. Một số điểm ngoài biển Trung Quốc chiếm vốn là những bãi ngầm san hô hay các điểm nhỏ giờ trở thành sân bay hay bệ phóng trực thăng, đường băng và trong nhiều trường hợp là cả hòn đảo mới.

Ý đồ quân sự

Các giả thuyết đầu tiên đều coi các đảo nhân tạo mới này sẽ được dùng làm các mục tiêu quân sự hoặc hậu cần của Trung Quốc. Về mặt quân sự, hàng hải, vị trí của các điểm đang xây mang tính chiến lược rất cao, đặc biệt khi vị trí xây dựng của Trung Quốc nằm ngay trung tâm của biển Đông. Báo cáo của chính quyền Mỹ cho rằng sân bay của Trung Quốc gần đây xây ở Vành Khăn, bãi Chữ Thập có thể cho phép Trung Quốc mở rộng tầm với của lực lượng không quân nước này.

Theo Peter Dutton – giám đốc Viện nghiên cứu biển Trung Quốc ở ĐH Chiến tranh hàng hải Mỹ, một trong những biện pháp đầu tiên Trung Quốc có thể tiến hành sau khi xây các đảo là triển khai khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) tương tự ADIZ từng được áp dụng ở biển Hoa Đông quanh vùng tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản. Việc áp đặt ADIZ sẽ là bước leo thang nữa trong việc chiếm dần từng bước, áp đặt dần từng bước quyền kiểm soát ngoài biển Đông của Bắc Kinh.

“Việc đó đồng nghĩa với việc hỗ trợ các tàu đánh cá, các hoạt động thăm dò dầu khí, các hoạt động áp đặt luật, tuần tra biển, bên cạnh các hoạt động quân sự – Peter Dutton nói với Quartz – Các đảo đang được xây dựng ở biển Đông thật sự là vấn đề nghiêm trọng cho các nước có liên quan trong vùng, vì đơn giản là Trung Quốc vượt trội hơn họ về mọi mặt sức mạnh để áp đặt (các tuyên bố chủ quyền)”.

Nhưng ý đồ thật sự của Trung Quốc có thể còn sâu xa hơn thế. Một yếu tố khác thường trong việc xây dựng gần đây của Trung Quốc là việc xây dựng rất gấp rút và vô cùng quyết liệt.

“Với các nước, hoạt động của Trung Quốc lúc này là đặc biệt gây bất ổn (với khu vực” – Mira Rapp Hooper, giám đốc Sáng kiến minh bạch trên biển châu Á (AMTI) của Trung tâm CSIS tại Washington DC, viết trên trang web AMTI – Các hoạt động này diễn ra trên sáu điểm khác nhau, rất nhanh và với mục tiêu rõ ràng là tạo đảo nhân tạo ở những nơi mà đảo chưa hề tồn tại”.

Đá, san hô ngầm hay đảo?

Rapp và các đồng nghiệp ở AMTI lập luận: ngoài việc xây dựng củng cố về mặt quân sự, Trung Quốc đang tìm cách chặn vụ kiện mà Philippines đang đưa ra Tòa trọng tài thường trực PCA tại The Hague của Hà Lan. Vì theo các quy định về quyền trên biển của UNCLOS, một nước được quyền tài phán đối với phần “lãnh hải”, kéo dài 12 hải lý (22km) tính từ bờ, cũng như quyền được khai thác tài nguyên trong vùng “đặc quyền kinh tế” (EEZ) kéo dài 200 hải lý ngoài vùng đó và quyền đối với các tài nguyên ở thềm lục địa có thể kéo dài tới 350 hải lý.

Nói cách khác, hòn đảo chỉ cần một cái cây cũng có thể cực kỳ ý nghĩa nếu như nó nằm ngay ở vùng nhiều tài nguyên như biển Đông. Điều này giải thích tại sao mặc dù bờ biển hợp pháp nhất của Trung Quốc cách Trường Sa – Hoàng Sa hàng trăm hải lý, Trung Quốc vẫn tìm mọi cách đưa quần đảo này vào đường chín đoạn hay đường lưỡi bò của mình.

Quy định của UNCLOS nói rất rõ về đảo để được tính các đặc quyền: đảo phải được hình thành một cách tự nhiên, không phải là đảo nhân tạo. Và đảo đó phải nổi trên mặt nước khi thủy triều cao. Nếu không đạt được điều này thì quốc gia có đảo đó chẳng có quyền gì cả. Đồng thời, các điểm đá mà “không thể duy trì sự sống con người và hoạt động kinh tế trên đó” thì chỉ có 12 hải lý lãnh hải.

Tháng 1-2013, Philippines đưa vụ kiện chống đường chín đoạn của Trung Quốc ra tòa thường trực PCA tại The Hague, yêu cầu tòa ra phán quyết liệu tám điểm mà Trung Quốc đang chiếm ở Trường Sa có phải là đảo hay không hay đó chỉ là điểm đá và bãi ngầm san hô.

Sau khi đọc phần lập luận của Philippines, tòa trọng tài dự kiến sẽ ra phán quyết thứ nhất là liệu họ có quyền phán quyết về vấn đề này hay không trong năm nay. Và nếu xác định là có quyền, phán quyết của vụ kiện dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối năm nay hoặc trong năm 2016.

“Phá hoại chứng cứ”

Việc Trung Quốc đột ngột tăng tốc tốc độ chiếm đất trong hơn một năm qua được nhiều chuyên gia cho là có liên quan tới vụ kiện, theo ông Jay Batongbacal – giám đốc Viện nghiên cứu về luật biển của ĐH Philippines, trong một bài viết trên AMTI.

Để ra phán quyết, tòa PCA sẽ cần xem lại chi tiết tám điểm mà Trung Quốc chiếm. Bằng việc đột ngột biến các điểm này thành đảo, Trung Quốc sẽ khiến việc thăm dò, đánh giá này cực kỳ khó khăn mà theo lời ông chính là “phá hoại chứng cứ” làm thay đổi hiện trạng ban đầu của các đảo.

Thông thường, những việc xác định đảo như thế này không phải là khó khăn cho tòa. Tuy vậy, “các nghiên cứu chính xác trên biển Đông đang cực thiếu và việc đánh giá chính xác các điểm bị Trung Quốc thay đổi là hoàn toàn không thể”, theo Gregory Polling của CSIS viết trên AMTI. Và theo Polling, tòa PCA sẽ phải tiến hành thăm dò địa chất rất kỹ mới có thể đưa ra được quyết định chứ không thể đơn thuần dựa vào hình ảnh vệ tinh như hiện tại.

Theo ông Batongbacal, việc xây dựng sẽ khiến “việc thống nhất về đặc điểm của các đảo này trong tương lai để phân định sẽ rất khó khăn” – thực tế sẽ cản trở quá trình ra phán quyết của tòa trọng tài.

Đảo nhân tạo chỉ có 500m ngoài biển

Với Trung Quốc, “các đảo nhân tạo cũng giúp giải quyết điểm yếu của họ trong các tình huống chiến lược (về mặt quân sự) và đảm bảo cho họ trong trường hợp có phán quyết bất lợi – ông nhấn mạnh – Nó nhằm để Trung Quốc có thế thượng phong và đảm bảo các nước xung quanh chấp nhận thực tế là sẽ không dễ bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”.

Theo UNCLOS, trong các vùng biển trong EEZ, các nước có thể tiến hành việc đổ đất ngoài biển nếu họ thông báo đầy đủ và tôn trọng quyền của các nước khác (UNCLOS, các điều 60.3, 56.2 và 56.3). Tuy vậy, các đảo nhân tạo này chỉ có quyền với khu vực biển 500m – coi như là vùng an toàn (điều 60.5 và 60.8) và các đảo này không thể xây dựng ở những khu có thể gây ảnh hưởng tới các đường hàng hải quốc tế (điều 60.7). Các hoạt động của Trung Quốc còn gây phương hại tới việc hạn chế những hoạt động mà có thể gây nguy hại hay ảnh hưởng tới thỏa thuận cuối cùng đối với các tranh chấp (điều 74.3 và 83.3). Điều khoản này cũng cấm việc hành động đơn phương gây tổn hại vĩnh viễn tới vùng biển hay ảnh hưởng tới quyền lợi của các bên khác vĩnh viễn.

Trong các vùng biển quốc tế ngoài 200 hải lý, các nước có quyền tự do xây dựng các đảo, các cấu trúc và không bị hạn chế hoạt động chiếm đảo. Theo ông Batongbacal, Trung Quốc đã lợi dụng một số điểm sơ hở trong vụ kiện của Philippines nhất là khi Manila thừa nhận một số điểm Trung Quốc đang chiếm có thể có hơn 12 hải lý.

Theo Philippines, trong tám điểm mà Trung Quốc chiếm trên Trường Sa, có năm điểm là bãi san hô cạn hoặc chỉ nổi lên khi nước triều thấp (mà Trung Quốc đã xây thêm công trình phía trên) và hoàn toàn không có quyền trên biển nào. Có ba hòn đá mà chỉ có quyền 12 hải lý. Việc Trung Quốc nói họ có quyền trên biển Đông, vượt quá cả 200 hải lý từ đất liền của họ, thực tế là không có cơ sở. Có khả năng Trung Quốc thậm chí chẳng có quyền gì từ những điểm trên biển họ có này. Chủ quyền về bãi cạn Scarborough và ba điểm đá trên Trường Sa còn tranh cãi và tòa không có thẩm quyền để quyết định vấn đề chủ quyền của các hòn đảo.

Giới hạn trên biển

Tháng 12-2014, một tuần trước khi phía Trung Quốc phải nộp lập luận của mình trong vụ kiện tại PCA, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra một báo cáo 26 trang nhan đề “Limits in the seas” (Các giới hạn trên biển), chỉ ra những bất hợp lý trong tuyên bố chủ quyền ở biển Đông của Trung Quốc.

Báo cáo đã so sánh một loạt tài liệu và bản đồ khác nhau của Mỹ trong vài chục năm gần đây để chỉ ra đường chín đoạn của Trung Quốc “thiếu sự nhất quán và chính xác về mặt pháp lý” và “Trung Quốc chưa làm rõ… cơ sở pháp lý hay nguyên tắc cho các tuyên bố chủ quyền của mình”. Các luật, tuyên bố, hành động và tuyên bố chính thức của Trung Quốc có các dẫn chứng mâu thuẫn nhau về phạm vi những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Vài ngày sau báo cáo, Trung Quốc vội vàng ra tuyên bố phản đối quyết liệt.

Ông Peter Dutton nêu ra một điểm khác có thể là mục tiêu của chuyện xây đảo ngoài biển. Theo ông, đầu năm 2016 Đài Loan sẽ tiến hành bầu cử tổng thống. Và các chuyên gia dự đoán Quốc Dân đảng, vốn thông thường ủng hộ quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, sẽ thua trước Đảng Dân tiến có quan điểm không thân Trung Quốc.

Ông nói: “Nếu coi bản đồ, anh sẽ thấy một trục gần như là thẳng giữa các đảo mà Trung Quốc đang chiếm với Đài Loan và đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nếu tôi là nhà quy hoạch chiến lược của Đài Loan, đó sẽ là điều tôi phải chú ý”.

T.T.

Nguồn:

http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/cuoc-song-muon-mau/phong-su-ho-so/20150311/trung-quoc-lan-dat-tren-bien-dong-dau-la-nguyen-nhan-that-su/719156.html

 

 

 

This entry was posted in Biển Đông. Bookmark the permalink.