Nhân đọc bài “Nên khen dân nhiều hơn”

Tôi không có ý định tranh luận với tác giả của bài báo về tỉ lệ khen thưởng cán bộ lãnh đạo và nhân dân, mặc dù tôi cho rằng tỉ lệ này (90% khen lãnh đạo, 3% khen dân,còn lại là khen cán bộ không chức vụ) là hợp lý. Chắc mọi người cũng đồng ý với tôi rằng chỉ có đầy tớ mới mong được khen, chứ ông chủ thì cần gì những lời khen ngợi? Điều tôi muốn bàn là về hiệu quả của thi đua khen thưởng.

Thi đua khen thưởng đã trở thành một nguyên lý cơ bản của việc tổ chức điều hành xã hội ở nước ta. Tôi nhớ khi học về quan điểm “đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội loài người” của chủ nghĩa Mác, các giảng viên có nói rằng “còn trong xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, là các xã hội không có giai cấp thì động lực phát triển là thi đua xã hội chủ nghĩa”. Các giảng viên còn nhấn mạnh là thi đua chứ không phải ganh đua. Các phong trào thi đua được tổ chức một cách hệ thống có bài bản trong tất cả các lĩnh vực, các ngành nghề, các cơ quan đoàn thể, các địa phương… Các công việc thường ngày mà mọi người phải làm theo bổn phận đều được gắn cho một ý nghĩa mới là thi đua lập thành tích chào mừng gì đó. Người ta mất khá nhiều thời gian, tiền của để tổ chức các lễ phát động thi đua, các buổi kiểm điểm, bình bầu cá nhân xuất sắc, phê bình người chậm tiến, và các buổi tổng kết báo cáo thành tích tuyên dương khen thưởng. Các hình thức khen thưởng thật vô cùng phong phú đa dạng. Có đủ các loại giấy khen, bằng khen, các loại danh hiệu, huy chương, huân chương thích hợp cho mọi tầng lớp, lứa tuổi trong xã hội, từ các cháu học sinh trường tiểu học đến các cụ già thuộc đủ các ngành nghề. Hiệu quả của các cuộc thi đua khen thưởng đối với năng suất lao động và sự phát triển của xã hội đến đâu thì chỉ có ban thi đua mới đánh giá được. Nhưng căn cứ vào những trường hợp không hiếm đã xẩy ra như: một xí nghiệp bị phá sản ngay sau khi được tuyên dương anh hùng, một cây cầu xây dựng trong phong trào thi đua chào mừng Đại hội Đảng bị sập, một Bí thư Tỉnh ủy có tiếng xấu về nhân cách được tuyên dương trong phong trào học tập theo tấm gương của Bác… người ta thấy thật khó tin vào hiệu quả thực sự của thi đua khen thưởng. Hiệu quả của thi đua thì khó đánh giá, nhưng mặt trái của nó lại dễ thấy. Phải chăng thi đua khen thưởng chính là cội nguồn của căn bệnh thành tích, là tác nhân làm cho sự giả dối đang lan tràn trong xã hội?

Có nhận xét rằng xã hội ta có nhiều đổi mới, nhưng cách điều hành xã hội thì chẳng thay đổi bao nhiêu. Không hiểu sao mỗi khi quan sát một buổi lễ tuyên dương khen thưởng, tặng bằng khen hay gắn huân chương huy chương cho một đơn vị hoặc cá nhân nào đó, tôi lại nhớ tới câu thơ của thi sĩ Tản Đà: Dân hai nhăm triệu ai người lớn / Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con!

TN

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.