Trần Quang là một thành viên “đặc sắc” của nhóm “tứ trụ” dưới thời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Văn Lộc trong những năm 60 và 70 của thế kỷ 20 (nhóm tứ trụ bao gồm: các ông Trần Quang, Nguyễn Duy Hiền, Bùi Huy Đáp, Trịnh Văn Thịnh). Thời kỳ này, anh đã giữ nhiều chức vụ quan trọng của Bộ Nông nghiệp, như Chánh văn phòng, kiêm tổng chỉ huy các đoàn chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của Bộ ở các tỉnh, thành phố, tổ trưởng tổ cải tiến quản lí, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cây trồng (lúc thành lập Ủy ban Nông nghiệp Trung ương), Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới…
Anh mất sớm khi mới 68 tuổi, nay tôi “nhớ anh Trần Quang” không phải chỉ vì lí do sắp đến ngày giỗ anh (25 tháng giêng âm lịch) mà vì lí do quan trọng hơn là sắp đến ngày kỉ niệm 40 năm hòa bình, thống nhất nước nhà.
Nhà anh ở cuối ngõ số 9 phố Phan Huy Chú, Hà Nội (đối diện Bộ Tài chính). Anh thường tiếp khách thân quen tại căn phòng nhỏ, chừng 12 m2, được cơi nới trong khuôn viên của ngôi nhà này. Hôm ấy là ngày 28 tháng 4 năm 1975. Anh cùng đám “đệ tử” thân tín đang ngồi uống trà, hồ hởi bàn luận về những tin tức thời sự nóng hổi đang diễn tiến nhanh chóng từng giờ, từng phút của những ngày lịch sử cuối tháng 4 năm 1975. Bỗng có một người đàn ông lạ xồng xộc bước vào, giọng hách dịch hỏi anh Trần Quang: “Ai bảo anh viết lá thư này cho anh Ba và anh Năm?”. Bọn tôi ngơ ngác chưa hiểu đầu đuôi xuôi ngược ra sao. Anh Trần Quang dõng dạc quát, trả lời: “Anh thì biết gì? Anh về đi. Anh không đủ tư cách nói chuyện với tôi”. Đôi co qua lại vài phút, người lạ mặt không thể nói gì thêm, đành ra về (bây giờ chắc họ đã xích tay anh Trần Quang rồi, cũng nên). Lúc đó, anh Trần Quang mới giải thích cho chúng tôi. Người đàn ông này là một viên thiếu tướng ở Bộ Công an (hồi ấy thiếu tướng công an chỉ có vài người, chứ không đông như quân Nguyên như bây giờ!). Ông ta hách lắm, nhưng không may lại đụng phải Trần Quang, con người không biết sợ ai ngoài lẽ phải, đành phải ra về lủi thủi, không hách dịch như lúc ban đầu. Còn nội dung bức thư của anh? Chúng tôi nóng lòng muốn biết anh Trần Quang đã viết gì. Anh Trần Quang nói: “Tớ viết thư chỉ gửi cho hai ông lãnh đạo cao nhất, có đủ thẩm quyền giải quyết là anh Ba (Lê Duẩn, nhân vật số 1) và anh Năm Trường Chinh (nhân vật số 2). Tớ đã kiến nghị với hai ông này: Hãy thông báo cho đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, ông Graham Martin, rằng ông cứ yên tâm ở lại, chúng tôi sẽ bảo vệ an toàn cho tòa Đại sứ Mỹ và toàn bộ công chức, viên chức của sứ quán Mỹ. Chúng tôi chỉ đánh đổ chế độ Nguyễn Văn Thiệu, sau đó muốn thiết lập lại quan hệ ngoại giao bình thường với chính phủ Mỹ.
Nhưng qua thái độ của viên thiếu tướng công an vừa rồi, chắc lá thư ấy chẳng mang lại kết quả gì. Buồn!
Lúc đó, chúng tôi còn trẻ và còn non về chính trị, chưa thấu hiểu hết tầm vóc lớn lao của tư duy Trần Quang. Bây giờ nghĩ lại, sau 40 năm, giá mà (lại giá mà)… Lịch sử làm gì có “nếu như” hay “giá mà”! Chả hiểu bức thư ấy có đến tay hai vị lãnh đạo kia không? Nếu đến thì hai vị này nghĩ gì? Chịu.
Những thực tế lịch sử 40 năm qua đã chứng tỏ tầm vóc chính trị lớn lao của tư duy Trần Quang và tầm thấp chính trị của những người có đủ thẩm quyền quyết định vận mệnh của cả một dân tộc trong thời đại đầy biến động khôn lường, với những thời cơ vàng bị đánh mất do thói hãnh tiến, “kiêu ngạo cộng sản” (Lênin) của “bên thắng cuộc” (Huy Đức).
Rồi chuẩn bị Đại hội 4 của Đảng năm 1976, anh Trần Quang cùng các cộng sự trình đề án 31 triệu tấn lương thực quy thóc/năm, trong khi dự thảo nghị quyết chỉ mới đưa ra chỉ tiêu 21 triệu tấn lương thực/năm. Nhiều người bảo Trần Quang khùng, háo danh… Anh Trần Quang đã báo cáo trực tiếp với ông Ba Lê Duẩn. Rồi thực tế sau kế hoạch 5 năm 1976-1980, sản lượng lương thực chỉ đạt chừng 17 triệu tấn/năm. Cả nước đói, phải ăn bo bo, nhập khẩu cả triệu tấn gạo, bột mì/năm… Nhiều người lại có lí do chê cười anh Trần Quang. Họ không hiểu, hay cố tình không hiểu bản đề án 31 triệu tấn lương thực/năm của anh Trần Quang, khi không nhắc đến điều kiện cần và đủ là phải thay đổi chính sách và chế độ quản lý (hồi đó chưa dùng thuật ngữ “cơ chế” như bây giờ). Ở hợp tác xã Mĩ Thọ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam (lúc đó là Nam Hà), tổ công tác của chúng tôi do anh Trần Quang và anh Nguyễn Duy Hiền lập ra và chỉ đạo, cùng với sự giúp đỡ kĩ thuật của nhà nông học Bùi Huy Đáp, đã lập được kì tích. Nhờ những thay đổi căn bản chế độ quản lý và áp dụng một số tiến bộ kỹ thuật, ngay vụ Đông Xuân 1974, hợp tác xã Mĩ Thọ đã sản xuất hơn 1.000 tấn thóc trên 400 ha canh tác lúa, bằng sản lượng cả năm của những năm trước đây. Liên tục ba năm (1974,1975,1976), sản lượng lúa ở Mĩ Thọ làm ra hàng năm đều gấp hai lần, lúa hàng hóa bán cho nhà nước bằng ba lần (cả trong và ngoài nghĩa vụ theo chính sách lúc ấy) so với những năm trước đó. Hợp tác xã được tặng thưởng huân chương lao động hạng 3 năm 1975 và hạng 2 năm 1976…
Ngoài ra, ở các điểm chỉ đạo khác ở miền Bắc lúc đó, nhiều hợp tác xã cũng có những tiến bộ rõ rệt về sản xuất lúa, tuy không bằng hợp tác xã Mĩ Thọ. Chỉ đến khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (4/1988), thừa nhận hộ xã viên nông dân là đơn vị sản xuất tự chủ, ngay năm sau 1989, Việt Nam xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo (tương đương với hơn 2 triệu tấn thóc), người ta mới âm thầm thừa nhận tính khả thi của đề án 31 triệu tấn lương thực của nhóm Trần Quang.
Cuối những năm 70 của thế kỷ 20 (tôi không nhớ cụ thể năm nào), anh Trần Quang được giao nhiệm vụ Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới. Anh đã tổ chức ngay một cuộc hội thảo khoa học “Bảo vệ môi trường sinh thái trong công cuộc khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới”. Sau lời dẫn của anh Quang, các nhà khoa học, đặc biệt là Giáo sư, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu đã có nhiều ý kiến xác đáng về việc bảo vệ môi trường sinh thái. Tiếc rằng, người ta vẫn dùng hàng trăm máy kéo công suất lớn 75-100CV để phá rừng đại ngàn Tây Nguyên với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, thuộc nhóm “thiết mộc”, để trồng khoai mì (sắn). Tệ hơn, người ta còn báo cáo với Phó Thủ tướng phụ trách nông, lâm, ngư nghiệp lúc đó, ông Võ Chí Công, là cuộc hội thảo này là một lãng phí lớn, không có giá trị khoa học và thực tiễn. Tình trạng kinh tế tụt hậu, đạo đức, văn hoá-xã hội bị băng hoại, môi trường sinh thái bị ô nhiễm trầm trọng ở nước ta hiện nay, tất cả đã chứng tỏ tầm vóc lớn lao của tư duy Trần Quang. Hình ảnh anh Trần Quang mãi mãi còn lại trong tình cảm vô vàn kính trọng, thương tiếc của những người hiểu anh, cùng cộng tác với anh trên các cương vị khác nhau, là đồng nghiệp, là cấp dưới, là người cùng có tư duy như anh, tuy không đạt được tầm cao của anh.
Ngày giỗ anh 25 tháng giêng âm lịch, ngày 30 tháng 4 năm 2015 sắp đến, bài viết này thay cho nén nhang để tưởng niệm Anh, một “CON NGƯỜI” viết hoa và cũng để ngậm ngùi cho số phận dân tộc đã không được lãnh đạo bởi những người có tầm cao trí tuệ như anh Trần Quang. Thương thay!!!
TP Hồ Chí Minh, ngày 24/2/2015
Mồng 6 tết Ất Mùi
- T. K.
Tác giả gửi BVN.