Tây Nguyên không những nổi tiếng về tài nguyên khoáng sản, còn được coi là vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống.
Nhân chuyến đi thị sát thực tế ở Tây Nguyên ngày 10/2 vừa qua, những người có trách nhiệm đã báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông tin rất đáng khích lệ rằng tính đến nay, Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV) đã ký hợp đồng bán alumina (nhôm oxit) với 11 khách hàng, đồng thời cũng ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm alumina (nhôm oxit) và nhôm hydroxit, sản phẩm trung gian của nhà máy alumin với gần 20 khách hàng trong nước.
Thông tin trên báo chí theo TKV cho biết đầu năm 2014, giá bán (FOB cảng Gò Dầu) alumina (nhôm oxit) ở mức 300-310 USD. Cuối năm, giá đã tăng lên mức 350-360 USD/tấn. Giá bình quân cả năm 2014 đạt 326,5 USD/tấn cao hơn so với tính toán của dự án trước đây là là 325 USD/tấn.
Đọc các con số này, theo tôi hiểu, một cái phải là tổng sản lượng sản xuất, một cái là tổng tiêu thụ, có nghĩa là TKV không xuất khẩu hết, còn tồn kho 173 ngàn tấn bẳng 26% sản lượng.Tổng sản lượng tiêu thụ luỹ kết hết năm 2014 đã đạt xấp xỉ 663 ngàn tấn trong nước, trong đó, năm 2014 tiêu thụ 492 ngàn tấn. Trong số này, TKV đã xuất khẩu 490 triệu tấn, đạt 160 triệu USD kim ngạch xuất khẩu và thu về hơn 90 tỷ đồng cho các hợp đồng trong nước.
Trong bối cảnh giá dầu xuống thấp, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách, thì thông tin hiệu quả và an toàn của dự án bô xít Tây Nguyên rất đáng khích lệ, có tác dụng trấn an người dân. Tuy nhiên, ngẫm suy thì không phải như chúng ta hy vọng.
Theo lẽ thông thường khi tính hiệu quả của phương án thường xảy ra hai xu hướng chủ yếu. Thứ nhất là cố tình tìm cách tính để giảm nhu cầu về vốn đầu tư, để vừa dễ được thông qua, vừa tạo khả năng tăng hiệu quả kinh tế trong tính toán. Về phương diện này, phổ biến nhất là không đưa nhu cầu đầu tư vào các ngành phù trợ như đầu tư vào giao thông vận tải, đầu tư về nguồn điện, nước. Ngoài ra, còn đầu tư vào hệ thống công trình hạ tầng xã hội để đảm bảo đời sống của người lao động đến từ tứ phương. Cố tình tính giá thành thấp (có liên quan đến mức khấu hao thấp vì vốn đầu tư đã hạ thấp), tính giá bán theo phương thức nhu cầu cao nên giá bán cao.
Thứ hai là nhân tố thời cơ tức thời điểm đầu tư có hiệu quả nhất. Có thể lấy cầu Chương Dương để minh họa khi hoàn thành đã phát huy ngay hiệu quả và vẫn đang tiếp tục phát huy dầu có thêm cầu Thanh Trì và Cầu Thăng Long. Thế nhưng khi hoàn thành cầu Thăng Long thì phải một thời gian dài sau đó mới phát huy được hiệu quả chứ không phát huy ngay được như cầu Chương Dương.
Đối với dự án bô xít Tây Nguyên, giá xuất khẩu bình quân cả năm 2014 đạt 326,5 USD/tấn cao hơn so với tính toán của dự án trước đây là là 325 USD/tấn, nghĩa là mỗi tấn cao hơn dự trù là 1,5 USD. Mới nghe, dễ ngộ nhận là hiệu quả, nhưng thực tế người ta cố tình lờ tịt, né tránh, không dám báo cáo với Thủ tướng về thực chất giá thành để so sánh với giá xuất khẩu mới thấy lỗ chỏng gọng!
Giá bán cao hơn dự tính 1,5 USD/ tấn thì nhấn mạnh, thế còn chi phí môi trường, thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu mà TKV xin giảm hàng chục USD/ tấn so với quy định của nhà nước thì vì sao chẳng ai nhắc tới!? Phương Tây có câu ngạn ngữ rất chí lý: ”Một nửa cái bánh mì là bánh mì nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật”. Theo các tính toán trước đây, so sánh giá xuất khẩu với giá thành thì mỗi tấn alumina bán ra lỗ khoảng 70 USD/tấn, nếu ngày nay thời cơ được giá cao hơn dự tính mỗi tấn 1,5 USD có nghĩa là bán ra 1 tấn vẫn lỗ 68,5 USD!
Thông tin về Công ty TNHH Trần Hồng Quân, là doanh nghiệp tư nhân 100% vốn trong nước duy nhất có mặt trong tổ hợp bauxite nhôm Tây Nguyên và được coi là một mắt xích quan trọng kết nối đầu ra cho chuỗi sản xuất alumina ở Nhân Cơ, Đắc Nông và Tân Rai, Lâm Đồng của TKV, v.v. rất đáng khích lệ về chủ trương xã hội hóa, nhưng họ yêu cầu EVN bán điện chỉ với giá 5 cen/KWh so với giá thị trường là 7 cent, mà muốn phát triển điện phân nhôm càng “bấu véo” vào nguồn điện hạn chế của dân!?
Đừng quên rằng dự án điện phân nhôm triển khai ở Nhân Cơ được ưu đãi giá mua điện 10 năm đầu với giá rẻ hơn giá thị trường thì ngân sách nhà nước phải chi ra (qua EVN) hoặc móc túi người dùng điện tức là người dân, chứ lấy đâu ra để mà cân đối?
Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn cho biết Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đầu tư khoảng hơn 7000 tỷ đồng vào 2 dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ (lấy nguồn vốn từ than) mỗi năm lỗ khoảng 1000 tỷ đồng nên vẫn đang loay hoay chưa tìm được lời giải!
Vấn đề xã hội quan tâm là hiệu quả và đóng góp của dự án bô xít Tây Nguyên thực chất cho ngân sách được bao nhiêu? Xuất khẩu hàng triệu tấn mà chẳng mang lại lợi ích thì sao cứ phải tiếp tục và mở rộng làm gì?
Theo Thông báo số 245-TB/TW ngày 24/4/2009 của Bộ Chính trị có đoạn nêu rõ : ”Phát triển ngành công nghiệp khai thác bô xít, chế biến alumi, nhôm, có bước đi thích hợp từ nhỏ đến lớn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm bảo đảm hiệu quả kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh quốc phòng”…
Người đọc hiểu tinh thần của Thông báo nói trên là làm thí điểm dự án bô xít Tây Nguyên. Nếu ngày nay, Nhà nước muốn chủ trương xã hội hóa phải rõ ràng, minh bạch, bởi vì Trung Quốc sẽ không ngần ngại, hỗ trợ “cánh hẩu” người Việt đứng ra để hợp thức hóa việc đặt chân chính thức vào Tây Nguyên thì hậu quả khôn lường. Lúc đó, cái hại nhất là người ta không chỉ thất vọng mà còn có thể suy diễn xa hơn. Không gì chán hơn là hy vọng mới nhen nhóm đã tan vỡ.
Xin mượn lời “Sớ táo quân 2015” để kết luận cho bài viết này:
“Hàng nghìn tỷ đầu tư bô xít
Kiểu mần ăn lời ít lỗ nhiều
Dân kêu thì mặc dân kêu
Đã leo lưng cọp cứ liều xông pha”
T.V.T.
Tác giả gửi BVN