Không ai mong muốn gì một nước Trung Quốc suy sụp về kinh tế, bới với 1 tỷ 3 dân số, người đói cứ tràn qua các nước giáp biên giới với Trung Quốc cũng đủ làm cho các nước chết ngạt. Nhưng trong lịch sử nhân loại, thăng và giáng luôn luôn là một sự vận hành có quy luật của bất cứ một thể chế nào. Xem ra 4 nguy cơ mà bài viết cố gắng tổng hợp, tuy đã chỉ ra những căn bệnh đáng gọi là nan y của kinh tế và xã hội Trung Quốc hiện nay nhưng theo chúng tôi, vẫn còn nhiều hiểm họa tiềm ẩn khác ngay trong nội tại sự phát triển thần kỳ Trung Quốc chưa được đề cập tới, mà muốn nhìn cho thấu đáo, cần có một sự khảo sát công phu, đi vào bề sâu và toàn diện hơn nữa, của các chuyên gia kinh tế cũng như các nhà xã hội học.
Bauxite Việt Nam
Nhiều năm qua, mặc dù gặt hái nhiều thành tựu to lớn, nhiều dự đoán cho rằng kinh tế Trung Quốc sắp vượt qua Nhật Bản để đứng thứ hai thế giới, tuy nhiên, đằng sau bức tranh kinh tế – xã hội của đất nước có diện tích khổng lồ này đã bộc lộ những khiếm khuyết đe dọa đến sự phát triển bền vững của chính họ.
Dưới đây là 4 vấn đề lớn mà Trung Quốc sẽ phải giải quyết trong tương lai nếu muốn duy trì và phát triển một nền kinh tế bền vững.
Thứ nhất, mất cân đối vĩ mô nghiêm trọng
So với các nước đang phát triển cũng có ảnh hưởng tương đối lớn như Ấn Độ và Brazil, Trung Quốc có tỉ lệ công nghiệp trong GDP cao hơn nhưng lại có tỉ lệ dịch vụ trong GDP nhỏ hơn rất nhiều. Để thúc đẩy cho sự tăng trưởng ồ ạt của thành phần công nghiệp, Trung Quốc đã đưa ra những chính sách hỗ trợ không những làm méo mó sự phân bổ tài nguyên kinh tế mà còn kìm hãm khả năng phát triển của nhu cầu tiêu thụ nội địa (ví dụ, sự hạn chế mức tăng trưởng tiền lương sẽ giúp các nhà sản xuất nhưng lại cản trở khả năng tăng thu nhập của công nhân để họ có thể tăng mức tiêu thụ).
Chủ tịch Ngân hàng xây dựng Trung Quốc, ngân hàng lớn thứ hai cả nước xếp về tổng giá trị tài sản mới đây đã đưa ra cảnh báo về những hiểm họa mà sự tăng trưởng kinh tế quá nhanh có thể gây ra cho Trung Quốc. Đó là sự bùng nổ tín dụng của năm 2009 khi mà các ngân hàng, dưới dự bảo trợ từ gói kích thích kinh tế khổng lồ của Chính phủ đã “vung tay” cho vay, đưa tổng dư nợ tín dụng mới của nước này trong năm 2009 lên tới con số kỷ lục 9600 tỷ NDT, tương đương với 1400 tỷ đôla Mỹ, tăng gấp đôi so với năm 2008.
Trong khi đó, thị trường bất động sản sôi động đã dẫn đến mức tăng mạnh về doanh thu bán đất trong năm 2009 ở Trung Quốc, khiến sự kỳ vọng giá nhà sẽ còn tăng cao hơn nữa. Nhiều công ty, đặc biệt là các tập đoàn quốc doanh với quỹ dồi dào, có xu hướng đầu tư vào bất động sản để kiếm lợi nhuận nhanh chóng. Bản thân chính quyền địa phương còn “dựa dẫm” vào chuyện bán đất để có nguồn thu tài chính, họ cũng không muốn kiềm chế tình trạng giá tăng chóng mặt.
Ở khía cạnh khác, Trung Quốc còn phải đối mặt với gánh nặng nợ nần của các địa phương. Nhận định của nhóm các chuyên gia tài chính, đứng đầu là Giáo sư Kenneth Rogoff của Đại học Harvard cho rằng, bong bóng khổng lồ tạo nên bởi gói kích thích kinh tế cùng với kỷ lục cho vay 1.400 tỉ đô la Mỹ riêng năm 2009 của chính quyền các địa phương đã khiến lạm phát trở nên khó kiểm soát và tạo nên “bong bóng nợ” (debt-fueled bubble).
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể gặp nguy hiểm nếu các cơ quan tài chính do chính quyền ở các địa phương thành lập để đầu tư vào địa ốc và hạ tầng cơ sở không thể trả nổi món nợ quá cao. Ðiều này có thể đưa đến các rủi ro, vì một số cơ sở có sự hậu thuẫn tài chính của chính quyền địa phương, nhưng nhiều chính quyền địa phương rất khó khăn trong việc cân bằng cán cân ngân sách của họ.
Theo giới truyền thông Trung Quốc, các công ty tài chính trực thuộc chính quyền địa phương đã vay khoảng 6 ngàn tỉ NDT (tương đương 880 tỉ USD). Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu ở Mỹ, ông Victor Shih tại Trường đại học Northwestern Univesity, ước lượng rằng con số các chính quyền địa phương Trung Quốc vay mượn từ năm 2004 đến 2009 lên đến 12 ngàn tỉ NDT (khoảng 1,6 ngàn tỉ USD).
Không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước, sự tăng trưởng mất cân đối của Trung Quốc cũng đang gây ra những khó khăn trên trường quốc tế. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, vấn đề thường hay được nhắc đến là chính sách tỉ giá của Trung Quốc. Từ nhiều năm, nhiều nước đã chỉ trích việc Trung Quốc cố giữ đồng NDT (NDT) yếu so với đồng đô la nhằm thúc đẩy xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.
Ngoài ra, những chính sách hỗ trợ công nghiệp đã duy trì sự tồn tại của các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả và dẫn đến hiện tượng dư thừa công sức không những gây ra lãng phí mà còn tạo sức ép bán rẻ sang các nước khác.
Hơn nữa, sự tập trung vào các ngành công nghiệp nặng, tiêu thụ nhiều năng lượng (chẳng hạn như thép, nhôm, và hóa chất) buộc Trung Quốc phải tìm kiếm không ngừng nghỉ các nguồn cung cấp năng lượng trong nước cũng như khắp nơi trên thế giới. Điều này làm quá trình tăng trưởng thiếu tính chất bền vững và không hài hòa với bối cảnh kinh tế toàn cầu.
Thứ hai, ô nhiễm môi trường gia tăng
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc từ lâu đã khiến các nước khác thèm muốn, nhưng việc mở rộng phát triển công nghiệp trong 3 thập kỷ qua cũng đang dần biến họ thành một trong những nước “độc hại” nhất thế giới. Vô số thành phố đang bị bao phủ bởi khói bụi trong khi hàng trăm triệu người không có cơ hội tiếp cận với nước sạch sinh hoạt.
Sự phát triển ồ ạt của các ngành công nghiệp đã gây ra sự tàn phá môi trường ở phạm vi rộng lớn. Trong 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới thì 20 là ở Trung Quốc. Và Trung Quốc hiện nay đã vượt qua Mỹ để trở thành nước xả khí thải cacbon lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, với 70% hệ thống sông hồ bị ô nhiễm và hơn 300 triệu dân không có nước sạch để uống, sức khỏe của nhiều người dân, đặc biệt là dân nghèo, đã bị ảnh hưởng nặng nề. Tình trạng này đã gây ra làn sóng khiếu nại và phản đối mạnh mẽ trong quần chúng, có khả năng làm mất ổn định xã hội nếu nạn ô nhiễm môi trường không được khắc phục tốt.
Theo báo cáo năm 2007 của Ngân hàng thế giới, mỗi năm có 750.000 người Trung Quốc chết sớm do không khí và nước bị ô nhiễm. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc vẫn lưỡng lự không muốn công bố, do lo ngại có thể gây bất ổn xã hội.
Ngoài ra, Trung Quốc hiện nay cũng là một trong những trở lực lớn trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường. Trước nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu, việc Trung Quốc từ chối các cam kết về mức độ cắt giảm khí thải CO2 cũng như sự giám sát của quốc tế trong quá trình thực hiện cắt giảm, đã góp phần ngăn cản các nước đi đến một hiệp định chung có tính pháp lý ràng buộc tại hội nghị về biến đổi khí hậu ở Copenhagen vừa qua.
Thứ ba, khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng
Hệ số Gini (một thước đo về mức độ bất bình đẳng thu nhập; hệ số này đi từ 0 đến 1, với con số càng cao thì mức độ bất bình đẳng càng cao) của Trung Quốc đã tăng liên tục trong nhiều năm qua, từ 0.257 trong năm 1990 lên đến 0.473 trong năm 2007. So sánh với các nước khác, Trung Quốc có hệ số Gini cao hơn Ấn Độ và các nước trong khu vực, ngoại trừ Sri Lanka.
Giữa các thành phần trong xã hội, sự cách biệt nghiêm trọng nhất là giữa thành thị và nông thôn. Trung Quốc càng tăng trưởng thì khoảng cách về thu nhập giữa hai khu vực này càng rộng ra. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực thành thị cao hơn gấp ba lần khu vực nông thôn.
Với hơn 700 triệu dân vẫn ở các vùng thôn quê, sự cách biệt này đã và đang tạo ra hàng loạt các vấn đề nhức nhối trong phạm vi toàn xã hội. Theo thông báo của Cơ quan thống kê Quốc gia Trung Quốc, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực thành thị của nước này trong năm 2009 là 17.175 NDT (2.500 USD), trong khi ở nông thôn chỉ là 5.153 NDT. Tuy chiếm có 10% dân số Trung Quốc, song tầng lớp trung và thượng lưu hiện kiểm soát tới 45% thu nhập toàn quốc.
Thứ tư, sự lão hóa dân số
Trung Quốc đã áp dụng chính sách một con để giảm áp lực của gia tăng dân số nhưng hệ quả là dân số lao động mỗi năm giảm 10 triệu từ năm 2005, và dân số trẻ từ 20-24 tuổi sẽ giảm 25% trong thập niên tới.
Trong khi lực lượng lao động trẻ giảm xuống, số người cao niên tăng theo nhịp điệu lũy tiến: năm 2008, Trung Quốc có 169 triệu người trên 60 tuổi (13% dân số), dự kiến sẽ tăng lên 250 triệu trong 10 năm nữa và đến năm 2050, cứ 3 người dân thì có 1 người già.
Vấn đề càng nghiêm trọng hơn là số người già sống đến 80 tuổi càng ngày càng đông, cứ 5 người già thì có 1 người già 80 tuổi vào năm 2050. Việc săn sóc và vấn đề an sinh người già là vấn đề trọng đại cho quốc gia và gia đình.
Ngoài việc gồng gánh gia đình, người trẻ tuổi trong tuổi lao động hôm nay còn phải đóng góp quỹ hưu bỗng càng lúc càng nặng để nuôi người già càng lúc càng tăng. Năm 1980, 13 người làm việc để nuôi 1 người già, tỷ lệ này giảm xuống còn 3/1 năm 2003, và đến năm 2050, cứ 2 người làm việc để nuôi 1 người già. Đó là một viễn ảnh kinh tế đen tối mà chính phủ Trung Quốc phải đối diện.
Trung Quốc hiện nay có 41.000 nhà dưỡng lão, như vậy cứ 1000 người chỉ có thể đáp ứng được 11 chỗ nghĩ dưỡng trong khi đó tỷ lệ này ở các quốc gia phát triển là từ 50 đến 70 chỗ nghỉ.
BN – LD (Tổng hợp)
Nguồn: http://bee.net.vn/channel/2043/201004/Dang-sau-su-tang-truong-than-ky-cua-Trung-Quoc-1751234/