Chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và PTNT
Ngôn ngữ thời thượng hiện đang rất thịnh hành trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong các lời phát biểu của các vị lãnh đạo, quản lý ngành nông nghiệp các cấp là : “Tái cấu trúc nông nghiệp” để thay đổi mô hình tăng trưởng, gia tăng giá trị nông sản.
Ngành nông nghiệp được coi là một hệ thống trong hệ thống lớn là nền kinh tế quốc dân. Hệ thống là một chỉnh thể bao gồm các yếu tố liên kết với nhau theo một kiểu cấu trúc nào đó và tương tác với nhau trong quá trình vận hành theo một cơ chế quản lý tương thích, sao cho tạo ra được những thuộc tính mới về chất, không có trong các thuộc tính vốn có của các yếu tố cấu thành. Vì thế, tái cấu trúc (Restructuring) chỉ là thay đổi kiểu cấu trúc và cơ chế vận hành của một chỉnh thể dựa trên các yếu tố cấu thành hiện hữu. Cho nên, tái cấu trúc chỉ đạt được mục tiêu khi các yếu tố cấu thành hiện hữu của nó còn nhiều tiềm năng và được phát huy khi thay đổi kiểu cấu trúc và cơ chế quản lý cho phù hợp với thực tế phát triển khách quan, nhất là với môi trường tồn tại của hệ thống. Hiện nay, nền nông nghiệp nước ta với các yếu tố cấu thành, như qui mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, ruộng đất manh mún, công nghệ và trang thiết bị sản xuất ở cả đầu vào và đầu ra đều lạc hậu, nghề nông vẫn là nghề “ cha truyền con nối”, “lão nông” mới “tri điền”; công nghiệp chế biến và buôn bán nông sản lạc hậu, không liên kết với sản xuất nông sản nguyên liệu theo chuỗi giá trị ngành hàng; các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp là trang trại (chủ yếu là trang trại gia đình), hợp tác xã và doanh nghiệp chế biến, buôn bán nông sản trên thị trường trong và ngoài nước còn yếu kém, lạc hậu về mọi mặt. Trong khi đó môi trường kinh doanh nông sản đã thay đổi căn bản do những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ sản xuất và quản lý, do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Nền kinh tế nói chung và nền nông nghiệp nước ta nói riêng đang tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong thế yếu, vì chỉ đủ khả năng xuất khẩu sản phẩm thô, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo qui định của các nước phát triển, không truy xuất được nguồn gốc, không có thương hiệu… Do vậy, giá trị gia tăng thấp, càng hội nhập sâu vào thị trường toàn cầu, nền nông nghiệp càng mang lại hậu quả xấu cả về kinh tế, xã hội và môi trường, nông dân đã nghèo và càng nghèo hơn. Ví dụ, càng trồng lúa nước nhiều với kỹ thuật canh tác lạc hậu, dùng nhiều nước và phân bón hóa học, Việt Nam càng xả nhiều khí CO2, CH4, N2O ra môi trường gây hiệu ứng nhà kính, góp phần phá thủng tầng ozon, làm biến đổi khí hậu… Xuất khẩu lúa gạo là xuất khẩu tài nguyên nước, làm tổn hại môi trường sống của người dân Việt Nam. Do công nghệ sản xuất và quản lý lạc hậu, nên giá gạo xuất khẩu thấp hơn giá gạo tiêu thụ trên thị trường trong nước và thấp hơn giá gạo xuất khẩu của các nước khác. Do vậy vô tình Việt Nam, mà trước hết là nông dân, đang “bù lỗ” cả về giá và “phí môi trường” cho người dân nước nhập khẩu gạo của Việt Nam, khiến cho nông dân nói riêng và Việt Nam nói chung rơi vào tình trạng càng xuất khẩu nhiều gạo càng nghèo, môi trường càng ô nhiễm nặng, tài nguyên càng nghèo kiệt. Nông dân Việt Nam đang phải bất đắc dĩ làm “nghĩa vụ quốc tế về an ninh lương thực” do sự khiếm khuyết của thể chế quản lý và lại hậu về công nghệ trong thời đại toàn cầu hóa.
Vì thế, tái cấu trúc nông nghiệp vẫn dựa trên những yếu tố cấu thành hiện hữu, sẽ không bao giờ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường như người ta mong muốn. Do đó, phải tạo ra những yếu tố mới cho một cấu trúc mới của một chỉnh thể mới. Điều đó gọi là xây dựng lại “(Reengineering hay Perestroika) nền nông nghiệp. Cho nên, nhân bàn chuyện hôm nay, tôi nhớ lại câu chuyện nông nghiệp cách đây gần 50 năm, gắn liền với tên tuổi GS Bùi Huy Đáp, lúa xuân và vụ sản xuất nông nghiệp mùa đông ở miền Bắc nước ta, như là một điển hình trong việc xây dựng lại nền nông nghiệp cuối thập kỉ 60 và đầu thập kỉ 70 của thế kỷ 20. Giống lúa xuân, ngắn ngày, thấp cây cho năng suất cao từ viện lúa quốc tế (IRI) ở Philippines qua nước bạn Cuba được du nhập vào nước ta, đã thay thế dần giống lúa chiêm truyền thống, cao cây, dễ đổ, dài ngày, năng suất lại thấp.
Thời đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp là ông Nguyễn Văn Lộc, ủy viên dự khuyết trung ương Đảng Lao động. Bên cạnh ông Lộc, ở Phủ Thủ tướng, còn có văn phòng nông nghiệp do ông Nguyễn Quang Xá làm chủ nhiệm. Giúp việc đắc lực nhất cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Lộc là nhóm 4 người, được dân nông nghiệp thường gọi là “Tứ trụ triều đình” của ông Lộc, bao gồm kĩ sư nông học Bùi Huy Đáp, Viện trưởng Viện khoa học Nông nghiệp, kiêm vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học và kĩ thuật, kiêm Tổng biên tập Tạp chí Khoa học nông nghiệp, Chủ tịch Hội đồng khoa học nông nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp); bác sĩ thú y Trịnh Văn Thịnh, phó vụ trưởng vụ khoa học và kĩ thuật, kiêm thư kí Hội đồng khoa học nông nghiệp; ông Trần Quang, chánh văn phòng Bộ Nông nghiệp, kiêm tổng chỉ huy các đoàn chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của Bộ tại các tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương; Ông Nguyễn Duy Hiền, Quyền vụ trưởng vụ kế hoạch (thủ trưởng trực tiếp của người viết bài này). Cần nói thêm là, thời kì này, Bộ Nông nghiệp chủ trương đưa sinh viên vừa tốt nghiệp các trường nông nghiệp tham gia đoàn chỉ đạo sản xuất của Bộ ở các tỉnh, thành ,trong thời gian ít nhất là 2 năm. Lãnh đạo các đoàn ở mỗi tỉnh là 1 cán bộ cấp vụ, cục, viện của Bộ Nông nghiệp. Giống lúa xuân, ngắn ngày IR8 của IRI được nước bạn Cu Ba cho Việt Nam, được đặt tên là NN8 (ở miền Nam lúc đó gọi giống IR8 là giống “Thần nông”). Sau một vài vụ sản xuất thử nghiệm, vụ đông xuân năm 1971, ông Bùi Huy Đáp cùng với nhóm “Tứ trụ” đề nghị với Bộ trưởng Nguyễn Văn Lộc cho sản xuất đại trà ở hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp trên miền Bắc. Lúc đó, miền Bắc phải nhận viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa hàng năm tới vài trăm ngàn tấn lương thực (gạo, bột mì). Do đó, yêu cầu gia tăng sản lượng sản xuất lương thực, trước hết là lúa gạo, hết sức cấp bách, là nhiệm vụ hàng đầu của toàn ngành nông nghiệp miền Bắc. Trong nền kinh tế nhà nước hóa cao độ, 95% ruộng đất canh tác thuộc về các hợp tác xã, hợp tác xã phải sản xuất và có nghĩa vụ nộp thuế bằng lương thực, bán lương thực cho ngành thương nghiệp quốc doanh theo số lượng và mức giá do nhà nước quy định, không được buôn bán lương thực tự do. Được Thủ tướng chính phủ đồng ý, Bộ trưởng Lộc cùng với “Tứ trụ triều đình” mở “chiến dịch” chỉ đạo các tỉnh, các hợp tác xã toàn miền Bắc trồng lúa xuân thay cho vụ lúa chiêm trên diện rộng vào vụ đông xuân 1971. Giống và kĩ thuật canh tác lúa xuân NN8 được các đoàn chỉ đạo sản xuất của Bộ Nông nghiệp tại các tỉnh và cán bộ nông nghiệp ở địa phương (tỉnh, huyện…) triển khai đến từng hợp tác xã.
Rất không may là vụ đông xuân 1971, miền Bắc rét đậm, kéo dài. Gần đến tết âm lịch thời tiết vẫn lạnh giá, nếu cấy trong thời tiết này, thất bại là “cái chắc”. Mạ xuân có nguy cơ bị già (dân gọi là mạ ống), nếu cấy mạ già, thất bại cũng là “cái chắc”. Các hợp tác xã và địa phương nao núng, đòi cấy lúa chiêm, bỏ mạ xuân. Họ báo cáo lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông chủ nhiệm văn phòng nông nghiệp ở Phủ Thủ tướng Nguyễn Quang Xá hàng ngày, liên tục gọi điện thúc giục Bộ trưởng Lộc phải ra quyết định, cho các hợp tác xã trở lại cấy lúa chiêm, mặc dù lúc đó cũng đã trễ thời vụ lúa chiêm. Nhóm “Tứ trụ” kiên quyết giữ vững “lập trường”, thuyết phục Bộ trưởng Lộc không thay đổi quyết định. Ông Bùi Huy Đáp nói với ông Lộc và các địa phương, không sợ mạ xuân già, sau tết âm lịch, thời tiết ấm, sẽ cấy lúa xuân… Dân gian đã có câu vè râm ran khắp các hợp tác xã: “mạ xuân, xuân mãi không già, nghe Bùi Huy Đáp bán nhà mà ăn”. Ông Bùi Huy Đáp và nhóm “Tứ trụ” hàng ngày giải thích động viên ông Lộc. Ông Lộc hàng ngày trả lời điện thoại ông Xá: phải kiên trì thực hiện chủ trương cấy lúa xuân. Các đoàn chỉ đạo sản xuất của Bộ Nông nghiệp ở các địa phương dưới sự chỉ đạo xát xao của ông Trần Quang, kiên trì giải thích cho xã viên, lãnh đạo hợp tác xã và chính quyền địa phương về chủ trương, biện pháp triển khai cấy lúa xuân NN8 trên diện rộng. Ông Nguyễn Duy Hiền bảo đảm kế hoạch cung cấp đủ phân bón hóa học, nhất là phân đạm, lân, cho các diện tích cấy lúa xuân.
Quả thật, sau tết âm lịch, thời tiết ấm, cả ngành nông nghiệp và bà con xã viên tập trung mọi lực lượng cấy lúa xuân theo đúng lịch thời vụ mà ông Đáp đã chỉ đạo. Ơn trời, vụ lúa xuân 1971 thắng lợi lớn, năng suất lúa NN8 cao vượt trội so với lúa chiêm truyền thống đến 10-15%. Ông Lộc và nhóm “Tứ trụ” thở phào, sung sướng. Các địa phương và bà con xã viên hợp tác xã vui mừng khôn xiết. Họ có đối chứng ngay tại ruộng của HTX mình. Vì giống lúa xuân NN8 chưa đủ để cấy hết diện tích lúa; hơn nửa diện tích của HTX vẫn cấy giống lúa chiêm truyền thống.
Rút kinh nghiệm vụ lúa xuân 1971, ông Đáp chủ trương làm mạ khay, mạ sân, vừa tiết kiệm diện tích làm mạ, lại dễ chống rét, vừa chủ động cung cấp đủ mạ theo lịch thời vụ cấy lúa xuân mà không lo thời tiết lạnh giá, mạ bị chết hoặc ống (già). Kết quả này là một trường hợp hi hữu của cơ chế quản lý kinh tế tập trung, bao cấp nhưng không quan liêu!
Thời gian sản xuất lúa xuân được rút ngắn 20-30 ngày so với lúa chiêm, thời vụ lại rơi vào mùa xuân. Do vậy, việc thay thế lúa chiêm bằng lúa xuân mở ra khả năng tăng thêm vụ sản xuất nông nghiệp thứ 3 trong mùa đông, thường gọi tắt là vụ đông. Ông Bùi Huy Đáp và nhóm “Tứ trụ” tham mưu cho Bộ trưởng Lộc phát triển vụ đông ở miền Bắc, theo công thức 2 vụ lúa nước (lúa xuân và mùa sớm ngắn ngày) và 1 vụ cây trồng cạn trong vụ đông, với nhiều loài rau màu rất đa dạng, như khoai tây, rau các loại… Điều này đã mang lại lợi ích kinh tế lớn cho nông dân miền Bắc, nơi có mức bình quân diện tích đất nông nghiệp trên đầu người vào loại thấp nhất thế giới (khoảng 500-600m2 /nhân khẩu), đồng thời có tác dụng cải tạo đất rõ rệt.
Giống lúa ngắn ngày, năng suất cao nói chung và giống lúa xuân nói riêng với vụ đông, chính là những nhân tố kĩ thuật mới dẫn đến sự thay đổi hệ thống sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc. Nhưng thể chế quản lí kinh tế tập trung, bao cấp, quan liêu và HTX dựa trên chế độ sở hữu tập thể về ruộng đất và các tư liệu sản xuất chủ yếu…, tất cả đã triệt tiêu động lực sản xuất của nông dân xã viên, đến mức lúa chín rũ ngoài đồng mà xã viên không muốn gặt. Thực tế ấy đã mách bảo các nhà hoạch định chính sách nảy ra ý tưởng cho xã viên mượn đất của HTX để làm vụ đông. Thành công đã đến bất ngờ trong mấy vụ đông của những năm cuối thập kỉ 70 của thế kỉ 20. Thực tế đó lại dẫn các vị lãnh đạo quyết định chấp nhận cơ chế “khoán hộ” của ông Kim Ngọc, bí thư TU Vĩnh Phú năm 1968, nhưng với cái tên “đẹp” là: “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động trong HTX nông nghiệp”, bằng chỉ thị 100 của Ban bí thư TW đảng tháng 1 năm 1981. Nhưng vì HTX vẫn là chủ thể sản xuất trong cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp, nên chỉ sau vài năm, chỉ thị 100 đã hết ”thiêng”. Điều đó đã làm cho yếu tố kĩ thuật mới (lúa xuân và vụ đông) không thể phát huy hết vai trò của nó trong việc thay đổi cấu trúc nền nông nghiệp miền Bắc lúc đó. Chỉ đến khi có Nghị quyết 10 (tháng 4/1988) của Bộ chính trị trung ương Đảng thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, các yếu tố mới về kĩ thuật sản xuất nói chung, giống lúa ngắn ngày, vụ lúa xuân và vụ đông, nói riêng…, mới có điều kiện phát huy hết khả năng của nó. Nhưng sự thay đổi thể chế kinh tế của Chỉ thị 100 và Nghị quyết 10 chỉ có ý nghĩa “cởi trói”.
Hiện nay, sau gần 30 năm đổi mới, các yếu tố về kĩ thuật và thể chế kinh tế đã phát huy đến mức tới hạn. Vì vậy, cần phải tạo ra những yếu tố mới về kỹ thuật và thể chế để xây dựng lại nền nông nghiệp. Nói cách khác là, cần phải phát triển nền nông nghiệp bằng việc tạo ra một hệ thống mới, có cấu trúc và cơ chế quản lý dựa trên các yếu tố mới cả về kĩ thuật và thể chế quản lí. Yếu tố mới đó là các biện pháp kĩ thuật công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, tiêu thụ nông sản, do những nhà khoa học tạo ra và được thương mại hóa, do những nông dân chuyên nghiệp áp dụng trong các trang trại sản xuất hàng hóa qui mô lớn, được những chuyên gia kĩ thuật và quản lý chuyên nghiệp thực hiện trong các HTX và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào-đầu ra cho các trang trại của nông dân. Điều đó đảm bảo cho việc tạo dựng một nền nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, chứ không phải là việc tạo ra các khu công nghiệp công nghệ cao để làm kiểng.
Yếu tố mới, do là việc tổ chức lại nền nông nghiệp theo hợp đồng (contract farming) và quản lý theo chuỗi giá trị trong mỗi ngành hàng nông sản trên mỗi vùng nông nghiệp sinh thái, từ trang trại đến bàn ăn (hoặc mạn tàu xuất cảng). Trong đó, chủ trang trại gia đình sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn và các HTX của họ, các nhà quản trị các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ đầu vào-đầu ra cho sản xuất nông nghiệp (giống xác nhận, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thú y, khuyến nông, vốn tín dụng… mua, chế biến, tiêu thụ nông sản trên thị trường trong và ngoài nước) là các chủ thể của mỗi chuỗi giá trị ngành hàng nông sản.
Yếu tố mới, đó là nền nông nghiệp Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu với vị thế bình đẳng, cùng có lợi, theo luật lệ quốc tế, nhờ áp dụng công nghệ cao cả trong sản xuất, chế biến và quản lý.
Yếu tố mới, đó còn là vai trò kiến tạo phát triển của nhà nước, như xây dựng chiến lược phát triển ngành hàng nông sản quốc gia và qui hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng để thực thi chiến lược sản phẩm đó, ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái, chính sách tạo dựng thị trường mua-bán, cho thuê quyền sử dụng ruộng đất…, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của các trang trại sản xuất nông sản hàng hóa qui mô lớn, áp dụng công nghệ cao, thực thi Global Gap; chính sách đào tạo đội ngũ nông dân chuyên nghiệp “thanh nông tri điền” thay thế đội ngũ nông dân “cha truyền con nối”, những “lão nông tri điền”, tạo ra nguồn cầu của thị trường đất nông nghiệp; chính sách tài chính – tín dụng tạo điều kiện hình thành và phát triển các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, cung ứng dịch vụ đầu vào-đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, đóng vai trò “nhạc trưởng” trong việc tổ chức sản xuất theo hợp đồng và quản lý chuỗi giá trị ngành hàng nông sản; chính sách phát triển các khu công nghiệp-dân sinh ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái để vừa tạo điều kiện hình thành và phát triển các doanh nghiệp phục vụ nông nghiệp ở cả đầu vào-đầu ra, vừa thu hút, sử dụng sức lao động nông nghiệp dỗi dư, tạo sinh kế mới, “an cư lạc nghiệp” cho những nông dân li nông. Khi đó, họ mới bán hay cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp, tạo nguồn cung cho thị trường đất nông nghiệp; chính sách thu hút các nhà đầu tư tư nhân xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đặc biệt chú ý đến giao thông đường bộ và đường thủy… theo hình thức “công-tư” kết hợp; chính sách đầu tư nghiên cứu khoa học để có các giải pháp công nghệ cao áp dụng trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị ngành hàng nông sản…
Thể chế quản lý mới phải đóng vai trò mở đường, tạo điều kiện, khuyến khích cho sự ra đời của các yếu tố mới cấu thành nên hệ thống nông nghiệp mới.
Tình thế hôm nay khác xa cái thời ông Bùi Huy Đáp chủ trương phát triển lúa xuân thay cho lúa chiêm và mở rộng sản xuất nông nghiệp vụ đông, cái thời Bộ chính trị ban hành Nghị quyết 10. Nhưng bài học về tạo dựng ra những yếu tố mới và xây dựng lại nền nông nghiệp từ thời ông Bùi Huy Đáp cùng nhóm “Tứ trụ” của Bộ trưởng Nguyễn Văn Lộc ngày ấy, bây giờ vẫn còn có giá trị cho câu chuyện “Tái cấu trúc nền nông nghiệp Việt Nam”, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa nền kinh tế.
Xuân Ất Mùi
01/2015
V.T.K.
Tác giả gửi BVN