Chịu khó quan sát một chút, người ta sẽ thấy một điều thật quái gở, thật buồn cho loài người tiến bộ là vẫn có những kẻ muốn làm hoàng đế, muốn làm đại đế ở thế kỷ @!
Đó là “hoàng đế” Tập Cận Bình và “đại đế” Putin.
Trước hết nói về “hoàng đế” họ Tập ở sát nách nước Việt ta.
Từ khi lên cầm quyền ở nước Tàu mới đây, ông bỏ ngay chế độ lãnh đạo tập thể truyền thống đang có và thâu tóm mọi quyền hành về tay mình. Công cuộc chống tham nhũng mà ông đang thực hiện thực chất là tiêu diệt các đối thủ chính trị. Cả nước Tàu rung chuyển trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”, nhiều người sợ quá đã phải tự tử. Cùng với trò mỵ dân này, ông kích động tư tưởng Đại Hán bằng thuyết “Giấc mộng Trung Hoa”. Đàn áp, mỵ dân và ngu dân là những bảo bối của bất cứ chế độ độc tài nào, đang được ông khai thác tối đa. Và để chính thức lên ngôi hoàng đế ở thế kỷ tin học 21, ông ra lệnh cấm nghiên cứu và giảng dạy 7 đề tài tại các đại học: đó là các giá trị phổ quát, xã hội dân sự, các quyền của công dân, tự do báo chí, các sai phạm của Đảng Cộng sản, các đặc quyền của chủ nghĩa tư bản, và tính độc lập của ngành tư pháp (xin xem Elizabeth C. Economy 2014, Chủ tịch hoàng đế Trung Hoa: Tập Cận Bình thắt chặt quyền kiểm soát).
Tất cả những gì mà “hoàng đế” Tập Cận Bình cấm đều là những thành tựu văn minh của nhân loại. Vậy là ông Tập đã quyết tâm đưa nước Tàu của ông “đi giật lùi đến tương lai” (Nguyễn Trần Bạt 2009, Không gian tinh thần)!
Sau hơn ba thập niên phát triển nóng, đầu tư lan tràn, chạy theo số lượng, Trung Quốc đã tàn phá môi trường, người dân không còn không gian cư trú (trong 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, Trung Quốc chiếm 15 thành phố), hố phân biệt giàu nghèo ngày một lớn, 350 triệu công nhân và 650 triệu nông dân sống nghèo khổ, quan chức tham nhũng từ trên xuống dưới thành bệnh dịch hạch, chia rẽ sắc tộc ngày một sâu sắc… Tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc đến 2014 bắt đầu chựng lại. Và, chỉ giảm thiểu 1% GDP thì sẽ đẩy 40 triệu công nhân lành nghề ra đường, họ không có đường trở về quê cũ nữa, vì ruộng đất đã bị cướp sạch. Cái nền kinh tế lấy công nhân rẻ mạt làm gia công là chính, không phân biệt mèo trắng mèo đen “miễn là bắt được chuột”, thứ lý thuyết AQ ấy chỉ giúp nước Trung Hoa nghèo khổ thoát nạn chết đói và làm giàu cho đảng cầm quyền mà không có sáng chế, phát minh gì cả. Vì thế, nó tất nhiên phải chựng lại. Vì thế, 85% công dân Trung Quốc có tài sản trên 1 triệu đô, hơn 65% người có tài sản 1,65 triệu đô đã di cư và có kế hoạch di cư ra nước ngoài. Còn người nghèo ở Trung Quốc thì chính Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đẩy họ đi châu Phi, đi Việt Nam, đi Lào, đi Campuchia…
Một nước Trung Hoa phát triển hài hoà như mong muốn của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào không thực hiện được.
Làm sao có thể “hài hoà” ở một nước mà cùng đoạt giải Nobel, ông Mạc Ngôn thì được tung hô, còn ông Lưu Hiểu Ba thì bị tống vào tù!
Cái hiện thực đang có ở Trung Quốc được ông Tập Cận Bình thay thế bằng hiện thực muốn có là “giấc mộng Trung Hoa”! Nhưng cơn ác mộng đã đến với họ Tập trong năm 2014. Vì phần còn lại của thế giới đứng đầu là Mỹ đã có lập trường dứt khoát với chủ nghĩa bá quyền bành trướng Bắc Kinh.
Bây giờ nói về “đại đế” Putin.
Ngay khi mới lên cầm quyền, hình ảnh ông Tổng thống Nga buổi chiều đi đấu võ judo, đi công tác tự lái máy bay phản lực… đã được báo chí Nga đăng tải, báo chí Việt Nam cũng hùa theo ca ngợi, thì các nhà bình luận phương Tây, vốn sẵn các từ ngữ chính trị ở một xã hội phát triển đa nguyên đã gọi ông bằng cái tên rất chính xác: “polichinelle de la politique” (tên hề chính trị), “politicailleur” (con buôn chính trị)!
Anh con buôn chính trị Putin những năm đầu gặp thời nhờ kích động tinh thần Đại Nga mà thực chất là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, đồng thời nhờ vào nguồn tài nguyên trời cho nước Nga là dầu khí, khí đốt, đá quý, gỗ quý mà tha hồ xuất khẩu để “nâng cao đời sống cho dân Nga”, biến những người lao động kiên cường thời Xô Viết trở thành những công dân lười biếng thời “đại đế” Putin! Những doanh nhân Việt Nam đang làm ăn ở Liên bang Nga về thăm quê đều ca cẩm rằng, dân Nga bây giờ rất trì trệ, trì trệ còn hơn cả thời Xô Viết. Các hợp đồng, dịch vụ làm ăn mà chỉ người Nga mới được ký với nhà nước thì sau đó đều được “bán cái”, thuê lại người nhập cư làm, họ chỉ ngồi hưởng chênh lệch! Có người còn nói với tôi rằng, rất khó kiếm được một người Nga lái xe buýt ở Moscow bây giờ. Đường phố thủ đô Nga tràn ngập xe đời mới nhập ngoại từ Hàn Quốc, Nhật, Đức… Ngành sản xuất xe hơi của Nga coi như chết hẳn! Hàng hoá tiêu dùng thì đã có hàng Trung Quốc…
Tưởng rằng đã có dầu lửa để khống chế phương Tây, anh chính trị con buôn Putin sát nhập Crimea vào Nga, tuồn vũ khí vào miền Đông Ukraine. Và thế là thảm hoạ đã giáng xuống đầu nhân dân Nga – người viết xin nhấn mạnh điều này. Phương Tây cấm vận, giá dầu giảm thê thảm, đồng rúp mất giá chưa từng có, 1 đô la “ăn” hơn 65 rúp, một đồng Euro “ăn” hơn 75 rúp, mà 50% ngân sách nước Nga dựa vào xuất khẩu dầu lửa. Dân Nga đã nhận ra họ bị anh chàng con buôn chính trị Putin lừa!
Nhưng Putin không lừa được phương Tây. Ngay sau khi Putin sát nhập Crimea vào Nga, Tổng thống Mỹ Obama đã đột xuất đến Arab Saudi bàn về việc khai thác mạnh dầu lửa để giảm giá dầu. Sau đó từ tháng 3 đến tháng 9/2014, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã 7 lần gặp Ngoại trưởng Arab Saudi, đất nước có trữ lượng dầu lửa 190 tỷ thùng – lớn nhất thế giới (Iran 160 tỷ, Iraq 150 tỷ thùng dầu) – đã ra tay. Đồng thời Mỹ dùng công nghệ mới fracking trong khai thác dầu và khí đá phiến… Hai mũi giáp công này đã kéo tụt giá dầu xuống. Mỹ đã làm chủ cuộc chơi dầu lửa chứ không phải Putin!
Putin không hiểu rằng, nền văn minh của nhân loại có hôm nay là nhờ vào việc khai thác và dự trữ carbon từ thời kỳ Carbon. Của cải của loài người hiện nay đều dựa vào nguồn gốc nhiên liệu hoá thạch, hoá dầu. Nhưng cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 đã gióng lên hồi chuông về nguồn nhiên liệu hoá thạch đang suy tàn.
“Vào tháng 7 năm 2008, nền kinh tế toàn cầu sụp đổ. Đó là một cuộc địa chấn kinh tế khủng khiếp báo hiệu kỷ nguyên nhiên liệu hoá thạch đi đến hồi kết mà dư chấn là sự sụp đổ của thị trường tài chính 60 ngày sau” (Jeremy Rifkin 2014, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, NXB Lao động Xã hội, trang 30).
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba mà phương Tây đã và đang chuẩn bị là sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và nước. Người ta đã tính toán rằng, chỉ một giờ ánh sáng mặt trời có thể cung cấp đủ năng lượng để vận hành nền kinh tế toàn cầu trong một năm. Nước Mỹ đủ nguồn gió để cung cấp gấp vài lần nhu cầu điện cho cả nước. Phương Tây đang xúc tiến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba này. Dẫn đầu là EU.
Nước Đức đang trong quá trình cách mạng hoá ngành công nghiệp xe hơi và đang tích cực chuẩn bị cho việc sản xuất hàng loạt ô tô, xe tải, xe buýt chạy bằng pin nhiên liệu hydro vào năm 2015. Sự chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang pin nhiên liệu sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong chuyển đổi nền kinh tế Đức, sự chuyển đổi từ năng lượng hoá thạch hoá dầu sang năng lượng xanh.
Chỉ có nền kinh tế tự do và thể chế dân chủ mới đủ sức mở cánh cửa đến tương lai. “Đại đế” Putin cố tình hay vô tình không hiểu điều đó. Một đô la dầu giảm giá ngân sách của Nga sẽ mất đi 2 tỷ đô la! Vì thế Putin không thể chỉ dựa vào tài nguyên trời cho nước Nga để “phục hưng” vị thế siêu cường thời Liên Xô cũ! Năm 2014 đã trịnh trọng ra thông điệp này với nước Nga.
Nghĩ đến tình cảnh của nước Nga bây giờ, người ta không khỏi nhớ đến những câu thơ của thi hào Nga Puskin (1799-1837):
Tôi muốn ca ngợi tự do cho trần thế
Tôi muốn đạp vào những tật xấu gian tham
Đang nghiễm nhiên ngự trị trên ngai vàng!
Ngoái nhìn sang nước Mỹ, thiếu khách quan nhất người ta cũng không thể phủ nhận vai trò tích cực của Mỹ với thế giới. Ai đã bỏ ra gần 7 tỷ đô la để ngăn chặn thảm hoạ ebola cho cộng đồng thế giới? Ai đã đứng ra nghiêm trị phiến quân Hồi giáo cực đoan IS?
Trong một ngôi làng, không ai có thể được xem là có ảnh hưởng nếu kẻ đó làm ngơ với những sự cố xảy ra trong ngôi làng. Không hề thấy các “cường quốc” Nga, Tàu có động thái gì trong ngôi làng bé nhỏ ấy khi sự cố ebola, IS xảy ra!
Khi Trung Quốc đưa giàn khoan khủng Haiyang Shiyou 981 vào thăm dò dầu khí ở vùng biển đặc quyền của Việt Nam, đe doạ an ninh toàn khu vực thì người lên tiếng đầu tiên vẫn là Mỹ. Ngay ngày 7.5.2014 phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki đã cho rằng hành động của Trung Quốc là khiêu khích và gây căng thẳng.
Ngày 9 tháng 5 tiếp theo, 6 thượng nghị sĩ Hoa Kỳ cũng lên tiếng, và đến 10.7.2014 Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua Nghị quyết S.RES 412 về Biển Đông. Vì thế có người Việt Nam đã nói một cách hóm hỉnh rằng: “Mỹ không phải là thiên đường nhưng ngày càng xa địa ngục”. Và cái “không phải là” thiên đường ấy đã bỏ cấm vận với địa ngục Cuba.
Năm 2014 đầy hiểm hoạ. 30 chuyến bay đã gặp nạn, cả ngàn người thiệt mạng. Đắm tàu, cháy tàu ở nhiều vùng biển. IS giết người man rợ, cuộc chiến đẫm máu Ukraine ở ngay giữa châu Âu thanh bình…
Tuy nhiên, loài người tiến bộ cũng được chứng kiến một đất nước rộng lớn có dân số trên một tỷ người đã bầu bán dân chủ, hoà bình người lãnh đạo của mình. Đó không chỉ là điều hãnh diện của người Ấn mà còn là niềm vui của nhân loại tiến bộ về nền dân chủ đông dân nhất hành tinh này.
Năm 1947 Ấn Độ độc lập. Đất nước đông dân thứ hai này với đa số công dân mù chữ và dùng hai, ba ngôn ngữ khác nhau, chưa kể các thổ ngữ. Nhiều tôn giáo cùng tồn tại như Ấn Độ giáo, Cơ đốc giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Phật giáo, Do Thái giáo, đạo Sikh, Hoả giáo, Jaina giáo… Sự phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo trong xã hội rất sâu sắc. Cuộc sống ở nhiều nơi lộn xộn, mất vệ sinh đến mức… huyền bí. Nhiều nhà quan sát đã cho rằng Ấn Đọ là một đất nước… tuyệt vọng!
Cứ theo luận điệu của độc tài thì một đất nước như thế, dân trí như thế, không thể có dân chủ. Chỉ có thể cai trị bằng dùi cui và chó nghiệp vụ! Nhưng tầng lớp tinh hoa của Ấn Độ đã chọn con đường dân chủ. Khác với Trung Quốc chọn mình làm công xưởng của thế giới, Ấn Độ chọn mình làm văn phòng của thế giới. Và, tương lai của thế kỷ 21, sẽ thuộc về cường quốc hạt nhân, tin học, âm nhạc, điện ảnh này.
Ngày 26.5.2014, ông Narendra Modi đã tuyên thệ nhận chức thủ tướng mới của Ấn Độ sau chiến thắng vang dội của đảng BJP trong cuộc bầu cử Quốc hội. Đó là một ngày đáng nhớ của năm 2014.
Nước Việt của chúng ta cũng không nằm ngoài những buồn vui của năm 2014. Vui vì kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi. Sau nhiều năm ngân hàng Nhà nước “chọn thằng quịt nợ để cho vay”, như một vị chủ tịch ở đồng bằng sông Cửu Long đã từng nhận xét như thế, nay ngân hàng đã đi tìm những doanh nghiệp có thực lực, làm ăn có lời để đầu tư cho vay. Chính phủ đã nhận thấy phải chăm sóc thực sự cho khối doanh nghiệp tư nhân phát triển để giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân, sau những năm dài quốc doanh lỗ lã.
Buồn vì đầu năm Thủ tướng có bài phát biểu cởi mở về chính trị, “dân chủ và xã hội dân sự là xu thế của thời đại… Việt Nam cũng không ngoại lệ”, đến giữa năm thì một số tù nhân lương tâm bị trục xuất, và cuối năm thì một loạt blogger bị bắt.
Việc Nguyễn Quang Lập, một nhà văn hiền lành, viết lách ôn hoà lại cao tuổi và bệnh hoạn, bị bắt như giọt nước tràn ly, gây sốc cho xã hội. Nhiều người phát biểu: nhà văn Nguyễn Quang Lập bị bắt thì ai cũng có thể bị bắt. Cả ngàn người đã ký tên đòi tự do cho Nguyễn Quang Lập. Trong những cuộc gặp gỡ cuối năm người ta cười vui hỏi nhau: Bao giờ thì anh bị bắt? Người kia cãi lại: Câu đó phải để tôi hỏi hỏi anh chứ!
Đã đến thế thì phải xem lại!
P. K.
Tác giả gửi BVN.