Sự kiện Du Chí Thanh, nhân vật quyền lực thứ tư của Đảng Cộng sản Trung Quốc sang “thăm” Việt Nam theo lời mời của Đảng Cộng sản Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được các nhà hãng thông tấn bình luận dưới nhiều sắc thái khác nhau, nhưng tựu trung đều thống nhất một luận điểm là, Trung Quốc chơi trò ngoại giao nước lớn, coi Viêt Nam như một phiên bang để áp đặt điều kiện bất bình đẳng trong các mối quan hệ, đồng thời, luôn đặt ban lãnh đạo Việt Nam trước những sự việc đã rồi.
Âm mưu lâu dài, thâm hiểm có tính nguyên tắc của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông bằng thủ đoạn vẽ bản đồ hình lưỡi bò, nhằm nới rộng không gian sinh tồn cho một cộng đồng nhân mãn với hơn 1,3 tỷ dân song hành với kế hoạch đưa dần người Hán xâm thực các quốc gia kém phát triển ở lục địa châu Á và châu Phi. Đây là một kế hoạch đầy tham vọng được trù hoạch rốt ráo từ thời Mao Trạch Đông. Nó luôn là đường lối chiến lược bất di bất dịch của các thế hệ Tổng bí thư, và Tập Cận Bình là một trong số đó. Cái gọi là Chủ nghĩa xã hội theo màu sắc Trung Quốc thực chất chỉ là thứ sản phẩm quái dị kết hợp giữa hình thái xã hội phong kiến độc tài toàn trị với những luận điểm chủ quan, duy ý chí – và cũng là duy ngã, một cái “ngã” to tướng của gã hoàng đế tàn bạo thời nay – đầy tính tư biện của Mao. Nền chính trị Trung Quốc “chạy” trên hệ điều hành đặc thù ấy, tất yếu sẽ nẩy sinh khuyết tật, mà khuyết tật lớn nhất là làm sống lại tư tưởng Đại Hán dưới hình thức mới, được dán nhãn “Mười sáu chữ vàng” và “Bốn tốt” làm quà ban tặng cho các “thuộc quốc”. Hành động hạ đặt giàn khoan HD 981vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam cũng như xây đảo nhân tạo, làm sân bay, bến cảng, thậm chí còn thiết lập các đơn vị hành chính trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa chứng tỏ Đảng CSTQ luôn tiềm tàng trong não trạng một thứ tư duy bệnh hoạn, chẳng coi các chuẩn mực quốc tế cũng như những giá trị phổ quát mà nhân loại phải trải qua hàng ngàn năm mới tích góp được, ra gì. Một ban lãnh đạo chẳng những đầu độc các nước láng giềng bằng ngôn ngữ xảo trá và thực phẩm nhiễm hóa chất mà còn đầu độc ngay chính dân tộc mình không thể nói là lương thiện. Sữa cho trẻ em nhiễm độc Mê la min, dầu thải loại vớt từ cống rãnh được thu gom tái chế làm thực phẩm, hoa quả ngâm chất bảo quản để hàng năm không phân hủy, mươi sáu nghìn con lợn tai xanh bị vứt xuống sông Hoàng Phố là những bằng chứng khó chối cãi.
Phụ họa với giới lãnh đạo chóp bu, Tân Hoa xã, cơ quan truyền thông chính thức của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, gần đây đã có những bình luận mang đậm tinh thần sô vanh nước lớn, tiêu biểu cho kiểu tư duy Đại Hán bất chấp sự thật hiển nhiên. Chuyến công du Việt Nam của Du Chính Thanh cũng như những bình luận đầy ẩn ý của Tân Hoa xã liệu có phải chỉ là màn kịch được dàn dựng nhằm tung hỏa mù để che giấu sự thật phía sau nguy cơ Hán hóa của dân tộc Việt? Những người Việt chân chính, không ảo tưởng, những người có lương tri hoặc lương tri đang thức tỉnh, hết thảy đều nhìn rõ sự thật đắng lòng này. Nhưng còn những ai đó đang vướng vào “vòng tục lụy”, hình như vẫn bị “bả vinh hoa” che mắt. Đến bao giờ các vị mới thoát ra khỏi nỗi ám ảnh “mười sáu chữ vàng” mà thực chất chỉ là chiếc ghế lợi ích cá nhân và phe nhóm?
Bauxite Việt Nam
Học giả gốc Hoa: Việt Nam nên để Mỹ-Ấn-Nhật vào Cam Ranh
Hồng Thủy
25/12/14 07:20
(GDVN) – Theo Vuving, Việt Nam có thể cho phép hải quân Ấn Độ truy cập Cam Ranh và Mỹ truy cập căn cứ Đà Nẵng, 2 trong số các vị trí chiến lược nhất.
Lính Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp trên đá Chữ Thập, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ năm 1988.
Tờ Inquirer của Philippines ngày 25/12 đưa tin, một học giả an ninh gốc Hoa có ảnh hưởng toàn cầu đã “lột mặt nạ chiến lược” của Trung Quốc giành quyền kiểm soát khu vực châu Á – Thái Bình Dương bằng cách theo thang mở rộng, gặm nhấm dần dần hơn là tiến hành các trận đánh lớn. Tiến sĩ ALexander L.Vuving, một giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh Châu Á – Thái Bình Dương tại Honolulu, Hawaii bình luận trên trang Commentators.com.
Tuyên bố chủ quyền (vô lý và phi pháp) của Bắc Kinh ở Biển Đông dựa trên đường lưỡi bò (đã xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán) khi đè lên vùng biển của các quốc gia ven Biển Đông, bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei. Bắc Kinh tuyên bố (cái gọi là) chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), Scarborough (Philippines), quần đảo Pulau và Natuna trong vùng biển Indonesia.
Chiến lược gặm nhấm dần Biển Đông, không đánh lớn
Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là giành quyền kiểm soát khu vực. Các chiến dịch để đạt mục tiêu này đều dựa trên việc gặm nhấm dần dần chứ không phải các trận đánh lớn, Vuving đã viết trong một bài bình luận về chiến lược biến đá thành đảo nhân tạo (bất hợp pháp) trên Biển Đông. Vuving chuyên nghiên cứu khoa học chính trị, kinh tế, xã hội học và kỹ thuật điện tử tại đại học Cornell, đại học Johannes Gutenberg và đại học công nghệ Budapest. Ông lấy bằng tiến sĩ khoa học chính trị tại đại học Johannes Gutenberg của Đức.
Theo Vuving, chiến thuật ưa thích của Bắc Kinh thường là “lát cắt xúc xích” và sử dụng thủ đoạn “ngoại giao cây gậy nhỏ” với các nước láng giềng nhỏ hơn. Ông nhấn mạnh chiến lược này sẽ đòi hỏi 3 yêu cầu bắt buộc mà mỗi trong số đó sẽ được xây dựng nhằm vào một đối tượng cụ thể.
Đầu tiên, Bắc Kinh sẽ tránh việc đụng độ có vũ trang càng nhiều càng tốt. Cuộc đụng độ ở Biển Đông có thể được bắt đầu, nhưng Trung Nam Hải chỉ khai thác nó trong một tình huống thuận lợi có thể. Thứ hai, Bắc Kinh sẽ tìm cách chiếm các vị trí chiến lược nhất ở Biển Đông, nếu chưa chiếm được các vị trí này cần phải được chiếm một cách lén lút nếu có thể, không thì dùng một cuộc xung đột hạn chế nếu cần thiết. Thứ ba, Trung Quốc sẽ sử dụng các vị trí này làm trung tâm hậu cần và căn cứ triển khai sức mạnh.
Vuving cho rằng, quan sát lịch sử Trung Quốc tham gia tranh chấp (thực tế là đánh chiếm, thôn tính) Biển Đông đã được thực hiện gọn gàng theo những yêu cầu nghiêm ngặt trên.
Trung Quốc thôn tính Hoàng Sa, một phần Trường Sa và lựa chọn chiến lược
Vuving dẫn chứng thực tế là trong số rất nhiều lần Bắc Kinh nỗ lực “cướp tài sản mới trong 6 thập kỷ” chỉ có 2 cuộc xung đột vũ trang, đó là việc Bắc Kinh cất quân thôn tính nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa năm 1974 (của Việt Nam). Cuộc thôn tính thứ 2 xảy ra tháng 3 năm 1988, Trung Quốc cất quân đánh chiếm 6 bãi đá trong quần đảo Trường Sa (của Việt Nam).
“Điều đáng lưu ý trong 2 cuộc đối đầu này là Trung Quốc đều cất quân tiến đánh trong thời điểm khoảng trống quyền lực đã mở rộng trong khu vực. Trận Hoàng Sa, Hoa Kỳ đã rút khỏi khu vực. Trận Gạc Ma, Liên Xô cũng rút khỏi Đông Nam Á”, Vuving lưu ý.
“Trong cả hai sự kiện này, Bắc Kinh cũng rất thích sự đồng ý của Hoa Kỳ, quốc gia mạnh nhất ở Thái Bình Dương rộng lớn. Kết quả là các cuộc đụng độ quân sự (thôn tính trên Biển Đông) gây ra hậu quả ngoại giao rất ít”, Vuving bình luận.
Yêu cầu bắt buộc thứ 3 đã được phản ánh rõ trong việc Bắc Kinh lựa chọn các vị trí chiến lược để thôn tính. Vuving lưu ý, trong cuộc chiến (thôn tính) ở Trường Sa năm 1988, Trung Quốc đã lựa chọn “chất lượng thay cho số lượng”, chỉ chiếm 6 bãi đá, 5 trong số đó giữ vị trí chiến lược nhất của quần đảo Trường Sa.
Lựa chọn số một khi Trung Quốc cất quân tiến đánh Trường Sa là đá Chữ Thập, một trong những vị trí tốt nhất của quần đảo về khả năng cải tạo đất. 5 bãi đá có vị trí lý tưởng tại cửa ngõ phía Tây quần đảo Trường Sa và là một trong số ít các vị trí được tiếp xúc nhiều nhất với các tuyến đường vận tải hàng hải chủ chốt đi qua Biển Đông.
Đá Chữ Thập đang được cải tạo thành căn cứ quân sự bất hợp pháp ở Trường Sa.
Ngày nay đá Chữ Thập là trọng tâm của hoạt động cải tạo (bất hợp pháp) không ngừng nghỉ mà Bắc Kinh tiến hành và đã được thể hiện rõ bằng hỉnh ảnh tuần san quốc phòng IHS Jane công bố tháng trước. Trung Quốc đang xây dựng 1 đường băng và bãi đỗ máy bay trên diện tích cải tạo đo được độ dài 3000 mét, rộng 200-300 mét.
Vị trí của đá Chữ Thập không quá xa và cũng không quá gần các nhóm đảo khác làm giảm tính dễ tổn thương và mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Kết hợp với các căn cứ tại đá Su Bi, Ga Ven, Gạc Ma và Châu Viên, từ đó Trung Quốc có thể kiểm soát một vùng biển rộng lớn và các tuyến hàng hải quan trọng vào quần đảo Trường Sa.
Còn đá Vành Khăn phía Đông quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc lén lút đánh chiếm năm 1994 hoặc tháng 1/1995 lại nằm gần tuyến hàng hải chạy dọc phía Đông của Biển Đông. Năm 2012 Trung Quốc tiếp tục chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough, một ngư trường truyền thống của Philippines chỉ cách Palauig 123 dặm.
Trung Quốc đang chiếm thế thượng phong về khả năng kiểm soát Biển Đông
Với sự kiểm soát (bất hợp pháp) quần đảo Hoàng Sa, Scarborough và một số vùng chiến lược trong quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã chiếm thế thượng phong, thuận lợi hơn bất kỳ bên nào để kiểm soát các tuyến hàng hải chiến lược. Vuving giải thích, đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, đá Chữ Thập, đá Vành Khăn ở Trường Sa cùng với Scarborough tạo thành “chòm sao 4 điểm” với bán kính chỉ 250 hải lý có thể theo dõi toàn bộ Biển Đông.
Điều này có nghĩa rằng Trung Quốc có thể trở thành chúa tể ở Biển Đông trong việc cung cấp cơ sở hậu cần cho vô số tàu cá và các tàu chính phủ, tàu ngầm và máy bay để thống trị bầu trời và mặt biển, một số cơ sở tạo ra các khu kinh tế và an ninh lớn”, Vuving nhấn mạnh.
Đó là cách Trung Quốc chiếm đảo Phú Lâm và biến nó thành một pháo đài quân sự với ít nhất 1000 quân và “dân thường” đồn trú. Bắc Kinh đã xây dựng đường băng 2700 mét trên đảo có khả năng chứa 8 hoặc nhiều máy bay thế hệ 4 như Su-30MKK, máy bay ném bom JH-7 trong khi cầu cảng đảo Phú Lâm có thể tiếp tàu 5000 tấn trở lên.
Ở Trường Sa, Trung Quốc tiến hành các dự án xây dựng khổng lồ đế biến các bãi đá họ đã chiếm được thành những hòn đảo. Dẫn nguồn tình báo Đài Loan, Vuving nhắc lại rằng chính ông Tập Cận Bình đã trực tiếp phê duyệt kế hoạch biến đá thành đảo (bất hợp pháp) ở Trường Sa, xây dựng căn cứ quân sự không chỉ ở Chữ Thập mà còn ở Tư Nghĩa, Gạc Ma, Ga Ven và Châu Viên.
Tình báo Đài Loan khẳng định chính ông Tập Cận Bình trực tiếp duyệt kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự bất hợp pháp ở đá Chữ Thập, Trường Sa.
Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi Bắc Kinh xây dựng căn cứ quân sự như sân bay hay cầu cảng nước sâu tại Su Bi, Vành Khăn và Scarborough và cuối cùng thiết lập một vùng nhận diện phòng không (bất hợp pháp) trên Biển Đông, Vuving dự đoán. Với hoạt động mở rộng đảo nhân tạo và vị trí chiến lược, Trung Quốc có tiềm năng hơn bất kỳ quốc gia nào khác để chiếm thế thượng phong không – hải quân trên Biển Đông.
Mặc dù Bắc Kinh vẫn còn một chặng đường dài để đi tiếp, nhưng không phải không thể tưởng tượng rằng chỉ 20 năm nữa Biển Đông sẽ xuất hiện rải rác các căn cứ quân sự mạnh mẽ của Trung Quốc, trải dài từ quần đảo Hoàng Sa ở mé Tây Bắc qua Vành Khăn ở Đông Nam, từ Scarborough ở Đông Bắc đến Chữ Thập ở Tây Nam.
Giải pháp ngăn chặn Trung Quốc biến Biển Đông thành ao nhà
Đối mặt với hoạt động gặm nhấm dần Biển Đông, Vuving cho rằng ASEAN có thể gửi các quan sát viên quốc tế theo dõi việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông mà khối ký với Trung Quốc năm 2002 để xác minh các công trình xây dựng, gây áp lực ngoại giao buộc Bắc Kinh ngừng tay.
Một cách khác để đối phó Trung Quốc theo Vuving, Việt Nam có thể cho phép hải quân Ấn Độ truy cập Cam Ranh và Mỹ truy cập căn cứ Đà Nẵng, 2 trong số các vị trí chiến lược nhất của Việt Nam dọc Biển Đông. Nếu Trung Quốc vẫn phớt lờ thông điệp này, quân đội và cảnh sát biển Mỹ, Nhật Bản có thể được quyền truy cập Cam Ranh, Đà Nẵng để tuần tra Biển Đông.
Cuối cùng, nếu Trung Quốc vẫn quyết tâm biến Biển Đông thành ao nhà của họ, Vuving cho rằng cần phải hình thành một liên minh vững chắc giữa Việt Nam, Philippines, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ. Điều này là rất cần thiết để khắc phục tình trạng mất cân bằng quyền lực trong khu vực.
H.T.
Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Hoc-gia-goc-Hoa-Viet-Nam-nen-de-MyAnNhat-vao-Cam-Ranh-post153877.gd
Tân Hoa Xã bình luận gì về chuyến thăm Việt Nam của ông Du Chính Thanh?
Hồng Thủy 27/12/14 10:11
(GDVN) – Tân Hoa Xã vẫn mang giọng kẻ cả, trịch thượng và đổ lỗi cho Việt Nam trong những căng thẳng vừa qua.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tiếp ông Du Chính Thanh, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Chính hiệp Trung ương Trung Quốc.
Tân Hoa Xã ngày 26/12 có bài xã luận cho rằng, sau những căng thẳng quan hệ Việt – Trung sẽ chứng kiến những dấu hiệu cải thiện vào cuối năm nay khi quan chức hàng đầu Trung Quốc, ông Du Chính Thanh bắt đầu thăm chính thức Việt Nam từ hôm Thứ Năm. Ông Thanh là Chủ tịch Chính hiệp Trung ương Trung Quốc là quan chức cấp cao sang thăm Việt Nam theo lời mời của Đảng Cộng sản Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Sau cuộc tiếp xúc, hội kiến, hội đàm giữa các quan chức hai nước, chuyến thăm của ông Du Chính Thanh dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện quan hệ song phương sau những căng thẳng gần đây. Nó cũng thể hiện nguyện vọng chung của cả hai bên để đưa mối quan hệ Việt – Trung “trở lại đúng hướng trong thời gian ngắn”.
Tân Hoa Xã nói rằng giữa tháng Năm năm nay đã xảy ra một loạt “các vụ bạo động nhắm mục tiêu vào các công ty nước ngoài ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, làm 5 người Trung Quốc thiệt mạng, khoảng 20 nhà máy nước ngoài bị cháy rụi và một số doanh nghiệp nước ngoài bị ảnh hưởng”.
Tân Hoa Xã nói “bạo lực diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam trong tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông”. Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, hãng thông tấn này đã bóp méo sự thật, Việt Nam không tranh chấp lãnh thổ với ai, chỉ có Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan 981 và hạm đội tàu hộ tống hùng hổ xông vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam bất chấp luật pháp quốc tế cũng như phản ứng mạnh mẽ của dư luận Việt Nam và khu vực.
Chính điều này đã làm dấy lên các hoạt động tuần hành phản đối của người Việt, trong đó bị một số phần tử quá khích lợi dụng kích động bạo lực và đã bị Nhà nước Việt Nam xử lý nghiêm khắc – PV.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã bình luận tiếp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi tiếp đặc phái viên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Lê Hồng Anh sang Bắc Kinh hồi tháng Tám đã nói: “Hàng xóm thì không thể thay đổi được và thân thiện với nhau là vì lợi ích chung của cả hai bên”.
Tay của Du Chính Thanh thì chỉ, tay của Lê Hồng Anh thì chắp
Nguồn: ‘TQ muốn quan hệ với VN đi đúng hướng’ (BBC 26-12-14)
(Có thể có nhiều ảnh khác, nhưng Tân Hoa Xã chọn ảnh này)
Tân Hoa Xã nói, với một đường biên giới chung, tương đồng văn hóa và quan hệ tương hỗ về kinh tế, Trung Quốc và Việt Nam đã phát triển quan hệ hợp tác cùng có lợi, đã mang lại những lợi ích thiết thực, kết quả tốt đẹp cho cả hai dân tộc.
Theo thống kê, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 9 năm liên tiếp, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc trong khối ASEAN. Trong bối cảnh này, Tân Hoa Xã cho rằng “cả hai bên cần tuân thủ việc xử lý đúng hướng mối quan hệ, giữ gìn tình láng giềng và tình bạn lâu dài với một quan điểm chiến lược”.
“Lịch sử là một tấm gương. Trung Quốc và Việt Nam đã thành công trong việc gác lại các vụ đụng độ tranh chấp biên giới giữa hai nước để nắm lấy cơ hội phát triển và cùng đối mặt với những thách thức chung trong nhiều thập kỷ qua”(?!)
Tân Hoa Xã kết luận: “Như vậy, có lý do để tin rằng nếu hai nước, đặc biệt là Việt Nam tập trung vào việc cải thiện và phát triển các mối quan hệ khác nhau thay vì làm căng thẳng, lợi ích mang lại sẽ không chỉ cho bản thân 2 nước mà còn cho cả khu vực”.
Rõ ràng trái ngược với những phát biểu mang tính thiện chí của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc khi sang thăm Việt Nam, Tân Hoa Xã vẫn mang giọng kẻ cả, trịch thượng và đổ lỗi cho Việt Nam trong những căng thẳng vừa qua khi Trung Quốc khơi mào, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Tân Hoa Xã không những một lần nữa phủi sạch trơn trách nhiệm của Bắc Kinh trong vụ giàn khoan 981, mà còn có ý vu cáo Việt Nam gây sự. Ông Tập Cận Bình đã đúng khi nói rằng láng giềng thì không thể thay đổi, thân thiện sẽ có lợi cho cả hai. Nhưng phải nhấn mạnh rằng, thân thiện hay thiện chí phải xuât phát từ hai phía, một bàn tay không thể vỗ thành tiếng. Bài xã luận của Tân Hoa Xã vẫn còn những quan điểm đi ngược lại thiện chí mà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết- PV.
H.T.
Cẩn trọng trước đạn bọc đường của TQ
BBC
27 tháng 12 2014 Cập nhật lúc 00:08 ICT
Việt Nam phải cẩn trọng với các ngôn từ “ngọt nhạt” kiểu đạn bọc đường của Trung Quốc, theo bình luận của nhà quan sát trong nước xung quanh chuyến thăm ba ngày của Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc, ông Du Chính Thanh.
Trao đổi với BBC hôm 26/12/2014, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Ban tư vấn Thủ tướng Chính phủ thời các Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải nói:
“Theo tôi thì việc Trung Quốc nay thì có ngôn từ nhẹ nhàng hơn, như gần đây trong một cuộc họp với Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì đã có lời nói nhỏ nhẹ, khác thường, so với các lời lẽ của ông ấy rất hung hăng, khi ông đến Hà Nội cách đây không lâu.
“Chứng tỏ rằng cũng một con người, khi cần thiết thì họ đưa ra các lời hết sức chối tai, hết sức không ngoại giao, và họ áp đặt, họ đe nẹt, thể hiện những yêu cầu, đòi hỏi, thậm chí họ còn nói nếu các anh không làm như thế này, thì chấm dứt, sẽ không còn điều gì để có thể nói nữa, và lúc bấy giờ chúng tôi sẽ có những biện pháp trừng phạt anh.
Đấy cũng là những giọng điệu lên xuống bình thường của phía Bắc Kinh để họ sử dụng nhằm đạt được mục tiêu của mình và đối tác cần có đủ sự sáng suốt và bình tĩnh để hiểu rằng đấy là nước cờ gì để về lâu dài có thể giữ vững được chủ quyền
TS. Lê Đăng Doanh
“Thì bây giờ họ lại nói nhỏ nhẹ như vậy, tôi nghĩ rằng đấy cũng là những giọng điệu lên xuống bình thường của phía Bắc Kinh để họ sử dụng nhằm đạt được mục tiêu của mình và đối tác cần có đủ sự sáng suốt và bình tĩnh để hiểu rằng đấy là nước cờ gì để về lâu dài có thể giữ vững được chủ quyền, bảo vệ được độc lập và thực hiện được chính sách phục vụ cho lợi ích của dân tộc mình, cho đất nước mình.
“Chứ không phải là vì ảnh hưởng của những lời ngọt nhạt đó, để có thể lơi là trước tất cả những hành động, những âm mưu của phía Trung Quốc.”
Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu, Tiến sỹ Doanh nói với BBC Trung Quốc có thể “mời chào”các quốc gia trong khu vực “hợp tác tiền tệ” với Trung Quốc qua chính sách mậu dịch, trao đổi bằng đồng Nhân dân tệ, điều mà ông nói, về lâu về dài sẽ làm cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam lệ thuộc sâu hơn vào nước láng giềng này.
Trong khi đó, vẫn theo ông, Trung Quốc sẽ không thay đổi chiến lược chính, đó là độc chiếm Biển Đông với việc duy trì bản đồ đường 9 đoạn (đường lưỡi bò), cùng với khả năng mở vùng quản lý bay (vùng nhận diện phòng không ADIZ), trong khi trên thực tế đã đang kiên cố hóa và bê tông hóa các vùng đảo chiếm giữ được ở khu vực, như tại Gạc Ma, Trường Sa mới đây.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2014/12/141226_ledangdoanh_duchinhthanh