Một số người muốn xem những lộn xộn đang diễn ra tại Thái Lan như cơ hội để nghi ngờ hiệu quả của thể chế tự do bầu cử đa đảng đối với nền dân chủ thực sự, cũng như từng không giấu sự khoái chí khi thấy những nhà “cách mạng da cam”, “cách mạng nhung” lại bị chính người dân hạ bệ sau khi đã đưa họ lên cầm quyền. Bài viết sau đây của một người am hiểu nội tình Thái cho thấy rõ: Lộn xộn chẳng phải do đa đảng, do tự do biểu tình, mà do chính sự suy thoái của thể chế dân chủ, mà sự suy thoái này lại do sức ỳ của truyền thống độc tài, tham nhũng, gia đình trị, phe nhóm trị vốn bám rễ rất sâu trong những nước đang phát triển.
Con đường đi đến nền dân chủ pháp trị trưởng thành không đơn giản dễ dàng, những vấp ngã, cản trở nhất là trong bước đầu của nó là không tránh khỏi. Nhưng cứ lấy cớ này nọ để trì hoãn (không biết đến bao giờ?) việc dấn thân lên con đường ấy, thì hậu quả có thể không chỉ là những cuộc xuống đường 10.000 người như thế đâu! Nhân đây tưởng cũng nên tạt sang một nước Đông Nam Á khác là Indonesia, một nước độc tài vào 10 năm trước, nghe Tổng thống hiện nay nói sao về “dân chủ”.
Trong bài phát biểu tại Đại hội Phong trào Dân chủ Thế giới lần thứ 6 tổ chức tại thủ đô Jakarta, từ ngày 11 đến ngày 14-04-2010, ông đã nói (đại ý): 1. Nhiều năm trước người ta nghĩ rằng Indonesia chưa sẵn sàng cho đời sống dân chủ, nhưng giới lãnh đạo sáng suốt cùng với ý chí của quần chúng có thể làm nên cuộc chuyển hóa này. 2. Ông chẳng sợ hãi chút nào khi để cho các đảng chính trị cuồng tín tham gia tranh cử, vì ông biết rõ các đảng này không thể đắc cử. Cho nên khi ta tin vào nhân dân, nhân dân biết cách chọn lựa và đạt những thành tựu lớn (dẫn theo “Tìm hiểu về Phong trào Dân chủ Thế giới” của Ỷ Lan, thông tín viên RFA, 20/4/2010).
Hoàng Hưng
Những diễn biến căng thẳng mới đây ở Thái Lan cho thấy tình hình dân chủ ở Thái Lan đã suy thoái. Trên tạp chí Newsweek, nhà nghiên cứu Joshua Kurlantzick (*) giải thích một phần là lỗi của giới trung lưu.
Hôm qua (22.4), quân đội Thái Lan yêu cầu những người biểu tình áo đỏ giải tán, nếu không quân đội phải dùng sức mạnh để trấn áp. Trong khi đó, những người biểu tình áo đỏ bao vây tòa nhà Liên hiệp quốc (LHQ), kêu gọi LHQ cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến Bangkok để ngăn chặn sự trấn áp của quân đội. Những người áo đỏ còn chặn một đường tàu chở 300 binh lính lên tiếp cứu Bangkok.
Biện pháp trấn áp cho thấy tầng lớp trung lưu đang cầm quyền từng thúc đẩy thực thi dân chủ thông qua quyền tự do chính trị hiện nay cũng đang viện đến các chiến thuật ngoài luật pháp và không dân chủ, được cho là để cứu rỗi chế độ dân chủ.
Phi dân chủ để cứu dân chủ
Tầng lớp trung lưu sống ở thành thị của Thái Lan, vốn đã bị sự lạm dụng quyền hành của ông Thaksin làm thất vọng một cách cay đắng và lo lắng ông này trao quyền cho người nghèo, đã nổi loạn. Thay vì thách thức Thaksin thông qua tiến trình dân chủ, chẳng hạn như bằng việc ủng hộ các đảng đối lập hay bắt đầu những tờ báo của riêng họ, họ đã lật đổ chế độ dân chủ bằng hành động chấm dứt các thể chế của Chính phủ và kêu gọi một cuộc đảo chính quân sự thậm chí trong khi tuyên bố ủng hộ chế độ dân chủ.
Một nhà ngoại giao Thái Lan cũng đồng tình với những người phản kháng nói: “Chúng tôi phải cứu chế độ dân chủ, cho dù điều đó có nghĩa là bỏ qua các cuộc bầu cử”. Giới tinh hoa của Thái Lan đã đạt được những gì mà họ mong chờ: Thaksin phải sống lưu vong, các đối thủ của ông lên nắm quyền, còn chế độ dân chủ của Thái Lan đã bị phá hủy hoàn toàn.
Việc tầng lớp trung lưu buộc chế độ dân chủ phải lùi bước, bằng cách đảo chính và các biện pháp chống dân chủ khác, đã tước đi quyền bầu cử của người nghèo, gây ra nhiều cuộc phản kháng hơn cho đến nay. Ở Thái Lan, các đám đông phản kháng, hầu hết là những người nghèo, đã tiến hành các cuộc biểu tình bạo lực nhằm vào tầng lớp trung lưu.
Trước đó, ông Thaksin cũng phạm sai lầm y như vậy. Vào những năm 1990, Thái Lan thông qua một trong những hiến pháp tiên tiến nhất trong thế giới đang phát triển, xây dựng một nền văn hóa sôi nổi đầy khí lực của các tổ chức phi chính phủ (NGO) có thể so sánh được với bất cứ nền văn hoá NGO nào ở phương Tây, và đỡ đầu cho giới truyền thông không bị kiểm soát, đào bới hết vụ bê bối này đến vụ bê bối khác.
Năm 2001, ông Thaksin Shinawatra, một trùm tư bản trong lĩnh vực truyền thông, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc gia nhờ vào lời hứa chỉnh đốn lại nền kinh tế và đem lại các chương trình trợ cấp xã hội cho người nghèo, những người chiếm đại đa số dân trên cả nước nhưng trong lịch sử đã bị các nhà chính trị trong giới tinh hoa của Thái Lan đối xử với thái độ khinh thị.
Ông Thaksin thực hiện được một số lời hứa hẹn trước công chúng: chính quyền của ông đã phát động kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người và cung cấp các khoản tiền cho vay cho mọi ngôi làng để khởi động sự tăng trưởng kinh tế. Vị Thủ tướng này lắng nghe người nghèo, đi từ ngôi làng này sang ngôi làng khác để nghe ngay cả những lời phàn nàn nhỏ nhất.
Nhưng sau đó, ông bắt đầu phá hoại ngầm nhiều thể chế dân chủ non trẻ của Thái Lan. Ông phá hủy bên trong ngành dân chính và bộ máy tư pháp, thay thế các nhà tư tưởng độc lập bằng những người thân cận, và buộc các phương tiện thông tin đại chúng phải im lặng bằng việc để các đồng minh mua các tập đoàn truyền thông và sau đó không phát thông tin chỉ trích.
Tuyên bố “cuộc chiến chống ma túy”, Thaksin bị các tổ chức nhân quyền trong nước và quốc tế buộc tội đã bỏ qua các vụ giết người không xét xử và các vụ mất tích do lực lượng an ninh gây ra. Các nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng như Luật sư Somchai Neelapaichit đơn giản là đã mất tích với hơn 2.500 người khác.
Dân chủ không chỉ là bầu cử bán chuyên nghiệp
Không chỉ có Thái Lan rơi vào tình cảnh như vậy. Năm 2005, tổ chức Freedom House báo cáo chỉ có chín nước trải qua các cuộc thoái trào của chế độ dân chủ, đến năm 2009 Freedom House ghi nhận sự suy giảm dân chủ tại 40 nước ở châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông, và Liên Xô trước đây. Tổ chức này phát hiện số lượng chế độ dân chủ được bầu ra đã giảm xuống còn 116, con số thấp nhất kể từ năm 1995.
Thủ phạm chính gây ra sự suy giảm của chế độ dân chủ theo Kurlantzick là tầng lớp trung lưu. Tầng lớp trung lưu đẩy những kẻ độc tài ra khỏi chiếc ghế quyền lực nay lại mong nhớ những ngày của chế độ chuyên quyền vì quá trình thiết lập chế độ dân chủ quá khó.
Các nhà lãnh đạo ban đầu của các chế độ dân chủ còn non trẻ nổi lên vào những năm 1990 không nhận ra rằng xã hội tự do đòi hỏi phải có các thể chế mạnh mẽ, sự phản đối có tính xây dựng đối với đảng cầm quyền, và sự sẵn sàng thỏa hiệp. Thay vào đó, họ nhìn nhận chế độ dân chủ chỉ như các cuộc bầu cử bán chuyên nghiệp. Sau khi giành chiến thắng, họ sử dụng mọi công cụ quyền lực để thống trị đất nước của họ và phân phát lợi ích cho các đồng minh hoặc những người cùng bộ tộc với họ.
Kurlantzick cho rằng cách diễn giải về chế độ dân chủ theo nghĩa hẹp này không chỉ bóp méo ý nghĩa thực sự của từ này mà còn làm cho dân chúng ở nhiều nước xa lánh, họ trở nên phẫn nộ khi những người dân chủ này có vẻ như không tận tuỵ với lợi ích của cộng đồng hơn các chế độ độc đoán trước đây.
P.V lược thuật
(*) Joshua Kurlantzick, học giả hòa bình quốc tế của Học viện Di sản Carnegie, chuyên nghiên cứu Đông Nam Á.
Nguồn: http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.onbzbv.pbz/Ubzr/GurTvbv/ftgg.pbz.ia/Phh-qna-puh-onat-cuv-qna-puh/4171443.rcv