viết từ Saint Petersburg, CHLB Nga
Cuộc họp báo cuối năm của Tổng thống V.Putin có ảnh hưởng gì tới tình hinh kinh tế Nga?
Như đã dự định, hôm nay Tổng thống Nga V.Putin đã gặp đại diện của các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước. Đây là lần thứ mười nhà lãnh đạo Nga gặp gỡ báo giới vào dịp cuối năm, nhưng năm nay sự kiện này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Đó là cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã kéo dài tới hơn chín tháng và nền kinh tế Nga đang gặp nhiều khó khăn cực kỳ nghiêm trọng, nhất là từ đầu tháng 12 tới nay.
Trong cuộc họp báo kéo dài hơn ba tiếng đồng hồ, nhà lãnh đạo Nga đã trả lời hơn 50 câu hỏi và đề cập tới nhiều vấn đề, từ Ukraine, quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây, cũng như với các đối tác mới, đặc biệt là quan hệ với Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Như chúng ta đã biết, chính V.Putin đã tuyên bố ngừng dự án Nam Hải lưu (South Stream) chạy qua Bulgaria và chuyển hướng sang phía Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng một trong những chủ đề nóng hổi nhất của cuộc họp báo chính là cuộc khủng hoảng kinh tế tại Nga và hướng khắc phục của điện Kremlin.
Hiện nay, đồng rouble đã xuống giá kỷ lục vào ngày thứ ba 16.12, khi tỷ giá hối đoái của đồng tiền này đã tụt xuống mức hơn 100 Rouble/Euro và hơn 80 rouble/USD. Sự mất giá của đồng rouble đã gây ra hoảng loạn trong giới kinh doanh và khiến thủ tướng Nga Dmitri Medveded phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với sự tham gia của các bộ ngành có liên quan và Ngân hàng Trung ương Nga. Theo tin chính thức, ông Medvedev đã yêu cầu các nhà xuất khẩu tăng cường bán ngoại tệ để giữ giá đồng rouble. Đến hôm nay thì một số phương tiện tuyền thông đại chúng tại Nga còn loan tin là chính Tổng thống Putin đã gọi điện cho lãnh đạo của các hãng xuất khẩu lớn để khuyến khích họ bán ngoại tệ.
Có vẻ “lời khuyên” của các nhà lãnh đạo số một và số hai của Nga đã có tác dụng vì đồng rouble bắt đầu lên giá. Sang ngày thứ tư 17.12 đã có lúc tỷ giá rouble so với đồng dollar Mỹ trên MICEX đã lên tới 55 Rouble/USD. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cho rằng Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng cường can thiệp bằng cách bán ngoaịi tệ từ nguồn dự trữ. Bộ Tài chính Nga cũng tuyên bố sẽ đem bán số ngoại tệ dư tại các tài khoản của mình – khoảng 7 tỷ USD.
Tất cả các biện pháp nói trên cộng với một số biện pháp chuyên môn của Ngân hàng Trung ương Nga đã giúp đồng rouble quay trở lại mức 59-60 Rouble/USD. Thế nhưng sau khi Tổng thống V.Putin tuyên bố tại cuộc họp báo rằng Ngân hàng Trung ương Nga không nên “đốt cháy” dự trữ vàng và ngoại tệ thì USD và Euro lại tiếp tục lên giá trên thị trường tiền tệ Moscow (MICEX). Tới chiều thì tình hình lắng dịu, cả hai ngoại tệ dự trữ chủ yếu của thế giới dao động ở mức 60 Rouble/USD và 72-73 Rouble/Euro.
Mặc dù các nhà xuất khẩu có tăng cường bán ngoại tệ, nhưng công lao chủ yếu trong việc giữ giá cho đồng rouble là thuộc về Ngân hàng Trung ương Nga. Chính cơ quan này hôm nay thừa nhận là vào ngày thứ ba đen tối 16.12 họ đã không can thiệp bằng cách bán ngoại tệ, dẫn tới việc đồng rouble mất giá kỷ lục. Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu Ngân hàng Trung ương Nga có thể tiếp tục can thiệp được bao lâu nữa? Theo tin của cơ quan này, cho tới ngày 12.12. 2014 dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga chỉ còn có 414.6 tỷ USD, mặc dù mới đầu năm nay, nói chính xác hơn là vào ngày 03.01 năm nay con số này là 510 tỷ.
Cần phải nói thêm rằng cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng mà đã lan sang nhiều lĩnh vực khác như bán lẻ, xây dựng nhà ở. Theo RBK, các doanh nghiệp không thể chịu nổi được lãi suất ngân hàng ở mức hiện nay quá hai tháng. Nếu lãi suất chủ yếu do Ngân hàng Trung ương Nga thiết lập ở mức 17% thì lãi suất của các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng vay chắc chắn sẽ không dưới 20%.
Đồng rouble xuống giá đã biến Nga thành một trung tâm mua sắm khổng lồ, bởi giá nhiều mặt hàng tại Nga hiện nay thấp hơn rất nhiều so với các nước xung quanh. Nếu trước đây người Nga ở Saint Petersburg thường sang Phần Lan mua hàng vì giá rẻ thì nay người Phần Lan ở các vùng giáp biên giới với Nga ồ ạt kéo sang Nga mua hàng. Hiện tượng này khiến nhiều tập đoàn bán lẻ, kể cả các hãng lớn có tên tuổi trên thế giới, trong đó có Apple, IKEA, phải ngừng bán hàng.
Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính ở Nga xem ra còn kéo dài. Chính Tổng thống Nga V.Putin hôm nay cũng phải thừa nhận là phải cần phải ít nhất hai năm để phục hồi. Tuy nhiên nhiều chuyên gia kinh tế, trong đó có ông Ruslan Grinberg của Viện kinh tế trực thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, thì tỏ ra nghi ngờ. Theo ông Grinberg, ông không hiểu tại sao ông Putin lại đưa ra con số hai năm mà không phải một năm rưỡi hoặc ba năm.
Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nga làm phương Tây vừa mừng vừa lo. Theo bà Federica Mogherini, Cao ủy Ngoại vụ của EU, thì đó không phải là điều đáng mừng cho cả thế giới, trong đó có cả EU và Ukraine. Xem ra Tổng thống Mỹ Barak Obama cũng chia sẻ quan điểm này vì cho tới nay ông vẫn chưa phê chuẩn dự luật H.R 4278 (Ukraine Support Act – Luật Hỗ trợ Ukraine), mặc dù dự luật này đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Vấn đề ở đây không phải là ông Obama không muốn, nhưng ông hiểu rằng một khi dự luật này được phê chuẩn thì chỉ có Quốc hội Hoa Kỳ mới có quyền bãi bỏ các biện pháp trừng phạt Nga mà thôi. Vào thời điểm hiện tại, đó là thẩm quyền của Tổng thống.
Cuộc họp báo của ông Putin hôm nay không mang lại hy vọng gì là quan hệ giữa Nga và phương Tây sẽ được cải thiện trong tương lai gần. Tổng thống Nga vẫn lặp lại những luận điểm quen thuộc mà chúng ta đã biết về phương Tây, Ukraine. Có lẽ nhà lãnh đao Nga vẫn tin là Nga có đủ nội lực chống chọi với khủng hoảng. Theo Bloomberg, ông Putin đã quyết định can thiệp vào Ukraine vì các cố vấn của ông cam đoan rằng Nga có dự trữ vàng và ngoại tệ đủ mạnh để đối đầu với phương Tây và vượt qua bất cứ cuộc khủng hoảng kinh tế nào.
Thời gian sẽ cho chúng ta thấy các cố vấn của V.Putin đúng hay sai.
L.M.
Tác giả gửi BVN