Vài suy ngẫm về nhân quyền và tra tấn

Cái tổ chức gọi là nhà nước nắm những yếu tố hết sức quan trọng và độc nhất. Nhà nước là tổ chức duy nhất có quyền đặt ra và thực hiện luật lệ; được đặc quyền sử dụng các biện pháp bạo lực một cách chính đáng (liệu sự chính đáng đó dựa vào sự ưng thuận dân chủ hay không). Nhà nước có chủ quyền tối cao trên một lãnh thổ nhất định. Những quyền hạn được dành riêng cho nhà nước biến nó thành một tổ chức hết sức quan trọng và có khả năng làm những gì thực tốt. Vấn đề là nhà nước phục vụ lợi ích của ai? Ai là chủ? Và có những cơ chế nào để đảm bảo nhà nước sẽ “thực hiện tốt” những trách nhiệm của “chủ” đó?

Rõ ràng lịch sử cho thấy dù nó quan trọng cách mấy, nhà nước vẫn là một tổ chức phải luôn luôn nằm dưới sự kiểm soát của người dân, dựa theo một số nguyên tắc cụ thể. Vấn đề là “dân thường” ít khi có đủ quyền để làm điều đó.

Đối với vấn đề này thì đã có những “giải pháp” thể chế. Các chế độ ‘dân chủ gián tiếp’ (hay dân chủ tư sản) tạo điều kiện cho dân chủ để chọn những đại biểu của họ dưới những điều kiện cạnh tranh. Trong các chế độ “một đảng” vai trò của đảng là thực hiện những nguyện vọng của dân. Về nguyên tắc, nhiều nhà nước đã cam kết tôn trọng các quyền con người. Nhưng, trong bất cứ chế độ nào, nếu mất sự kiểm soát tối thiểu của dân thì nhà nước rất dễ thành một tổ chức nguy hiểm cho nhân loại. Vấn đề này là đặc biệt rõ khi một nhà nước có hành động qua biên giới – rất dễ mất kiểm soát.

Trong lịch sử Hoa Kỳ, nhà nước liên bang Mỹ đã mắc phải không ít chuyện đáng buồn về nhân quyền. Từ chế độ nô lệ và những chính sách đàn áp các nhóm người da “không trắng” trong những thế kỷ 18, 19 và 20, cho đến những vi phạm ở ngoài nước, trong đó tất nhiên có cả Việt Nam. Lịch sử nhân quyền của Mỹ có quá nhiều mâu thuẫn. Đơn giản, dân chủ kiểu tư bản của Mỹ dù mạnh về nhiều mặt nhưng cũng đã và đang có những điểm yếu của nó.
Là một nhà nước đã được thiết lập trong những nguyên tắc cao quý nhất, vì sao nhà nước Mỹ đến nay đã liên tục có nhiều chuyện xấu về nhân quyền? Chúng ta có thể bàn về những vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Nhưng hôm nay tôi đang nghĩ đến những hành vi ở nước ngoài. Cụ thể, tôi đặt câu hỏi này trong tuần lễ thượng viện Mỹ công bố bảng tóm tắt một bài báo cáo về hành vi tra tấn của CIA trong những năm từ 2001 cho đến 2008.

Rất tiếc hôm này tôi không có nhiều thời giờ để dành cho bài này. Nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ một nhận xét và phân tích như sau:

Ở bất cứ nước nào, nhà nước luôn luôn phải phục vụ người dân. Quyền lực của nhà nước phải luôn luôn có những hạn chế nhất định của nó. Những hành động của một nhà nước phải luôn luôn minh bạch. Muốn được như vậy phải có những cơ chế hữu hiệu để đảm bảo luật pháp được thực thi một cách toàn diện và  công bằng. Phải có những cơ chế đảm bảo trách nhiệm giải trình — như tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do thông tin… đó chỉ là những cơ chế trong nước. Còn khi nhà nước có những hành động quân sự ở các nước khác thì sao?

Những người rành lịch sử Hoa Kỳ đều biết về những tội lỗi nước Mỹ đã gây ra trong các cuộc “phiêu lưu quân sự”. Dù mục đích của những phiêu lưu đó là rất khác nhau (chống Hitler là tốt, vào Iraq là ngu xuẩn) thì quyền hành của nhà nước Mỹ vẫn phải được kiểm soát chứ. Và cũng cần đảm bảo các nguyên tắc căn bản về nhân quyền, nhưng trên chiến trường điều đó không dễ làm. Tuy nhiên, bỏ nó qua một bên sẽ rất dễ đưa đến những kết quả tàn ác.

Vì vậy, tôi xem báo cáo của thượng viện về những hành vi của CIA là một sự kiện hứa hẹn–thậm chí tốt, dù đã mới có sau một thất bại nghiêm trọng của bộ máy nhà nước. Không có nhà nước nào được phép vi phạm nhân quyền của ai cả. Khi Bà Diane Feinstein nói rằng những hành động của CIA là một “vết bẩn trong những giá trị văn hoá và lịch sử của chúng ta”, điều này quá đúng. (Thật ra đã có quá nhiều vết bẩn!)

Trong một tuần lễ mà nước Mỹ đang bàn về những vi phạm của CIA, và nước Việt Nam đang bàn về việc những người blogger bị công an bắt, tôi xin chia sẻ một ý tưởng cuối cùng. Một nhà nước hoạt động hiệu quả là một nhà nước có thể phục vụ và bảo đảm các quyền con người của dân chúng, và thực sự nỗ lực để nâng cao phúc lợi của mọi người. Vai trò của nhân loại — tức, chúng ta — là đảm bảo tất cả các chính quyền trên thế giới đều không coi nhẹ những nguyên tắc đó dù hành động trong bất cứ lãnh thổ nào.

JL

Thêm ý: Bình thường đáng lẽ tôi đã gửi một bài như vậy cho ông Nguyễn Quang Lập. Tôi hy vọng ông ấy sẽ được thả ra sớm để nhận và đăng bài này trong trang blog của Ông. Tôi không bao giờ gặp ông ấy và không rõ ông bị bắt vì sao. Nhưng, nhìn một cách khách quan tôi có ý như thế này: Nếu mục tiêu là một Việt Nam dân chủ thì bắt những người như ông rất khó có thể mang lại những nguyện vọng dân chủ ấy.

Nguồn: http://xinloiong.jonathanlondon.net/2014/12/10/vai-suy-ngam-ve-nhan-quyen-va-tra-tan/

 

This entry was posted in Nhân Quyền. Bookmark the permalink.