Uỷ ban Bảo vệ Ký giả lên tiếng về những vụ bắt bớ bloggers Việt Nam

Reporters Without Borders, Phóng Viên Không Biên GiớiVụ Việt Nam bắt giữ chủ trang blog Quê Choa Nguyễn Quang Lập, blogger thứ nhì trong chưa đầy hai tuần lễ, cho thấy Việt Nam đang đẩy mạnh chiến dịch trấn áp giới bất đồng chính kiến, theo các hãng tin quốc tế.

Hãng tin AP hôm 7 tháng 12 nói rằng mạng internet là phương tiện duy nhất để những người bất đồng nói lên quan điểm của mình, bởi vì ở Việt Nam truyền thông hoàn toàn do nhà nước kiểm soát.

Hôm 29/11 một blogger khác ở TP. HCM, chủ trang blog Người Lót Gạch, Giáo sư Hồng Lê Thọ, một Việt kiều có quốc tịch Nhật, cũng bị cơ quan an ninh điều tra bắt giữ theo điều 258 Bộ luật Hình sự, cùng điều luật được sử dụng trong việc bắt giữ nhà văn, blogger Nguyễn Quang Lập, người thường được bạn bè gọi là Bọ Lập.

Chiến dịch đàn áp những tiếng nói độc lập, và bắt bớ bloggers hồi gần đây đã gây sự chú ý của giới bảo vệ nhân quyền quốc tế và giới quan tâm tới tình hình trong nước. Ngày blogger Bọ Lập bị bắt, giáo sư toán học Ngô Bảo Châu bày tỏ sự quan tâm của ông trên trang facebook cá nhân của mình như sau:

“Thương Bọ Lập quá. Theo cái đà này, chắc phải chịu khó viết blog”.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ -VOA, ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách Ban Á Châu-Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Ký giả Không Biên giới (RSF) nói về xu hướng gia tăng các vụ bắt bớ nhắm vào các bloggers và giới đấu tranh đòi dân chủ hoá ở Việt Nam:

“Chúng ta thấy chính quyền Việt Nam quyết tâm đàn áp bất cứ tiếng nói bất đồng nào, và không cho phép một không gian- dù là nhỏ bé – để họ được thực thi quyền tự do ngôn luận. Trường hợp các blogger Nguyễn Quang Lập và Hồng Lê Thọ, điều 258 Bộ Luật Hình sự – là lạm dụng quyền tự do dân chủ – đã được sử dụng. Đó chính là điều khoản mà các blogger Việt Nam đang đấu tranh để huỷ bỏ. Năm ngoái, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam được thành lập nhân ngày Quốc tế Nhân quyền, họ đã bắt đầu chiến dịch vận động để huỷ bỏ không những điều khoản có tính áp bức đó, mà còn chống các điều khoản khác như điều 88 và điều 79 của Bộ Luật Hình sự, là những điều khoản vẫn tiếp tục được sử dụng như những công cụ của chính quyền để kết tội và thực hiện những vụ bắt bớ trên khắp nước”.

Ông Benjamin Ismail nói nếu Việt Nam muốn chứng tỏ mình thành thật khi ký kết các công ước quốc tế và cam kết tôn trọng nhân quyền thì Việt Nam phải ngưng các hành động sách nhiễu giới bất đồng và bắt bớ bloggers:

“Việt Nam phải chấm dứt hành động sách nhiễu và đàn áp. Ký kết một công ước quốc tế sẽ không có nghĩa lý gì, mà ngược lại, còn cho thấy rõ hơn những vụ vi phạm nhân quyền diễn ra hàng ngày do nhà cầm quyền Việt Nam thực hiện, nếu họ không chấm dứt chính sách đàn áp này. Vì thế chúng tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam hãy hành động sao cho phù hợp với những lời tuyên bố của họ”.

Ông Benjamin Ismail nói xu hướng đàn áp giới bất đồng của Hà Nội đã bắt đầu từ khi ông Nguyễn Phú Trọng lên lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam. Ông Trọng được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI vào ngày 19 tháng 1 năm 2011.

Theo ông Ismail, dưới quyền lãnh đạo của ông Trọng, số nhà báo và blogger tự do bị bắt đã không ngừng gia tăng.

H.H

Nguồn:http://www.voatiengviet.com/content/rsf-phan-ung-sau-vu-bat-giu-bo-lap-vn-can-ton-trong-cong-uoc-quoc-te/2550322.html

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.