Ý nghĩa cụm từ Trung tâm văn hóa thông tin nghe rất mơ hồ và khả nghi. Nó có thể là nơi đặt đài truyền thanh Phường, Quận, nơi giao lưu, hội hè, đình đám, nơi đặt các hiện vật truyền thống lịch sử của quận, nơi các quan quận có chỗ đi lại, hóng mát. Cũng có thể là nơi chẳng làm gì cả, thấy sẵn mảnh đất đẹp, sẵn tiền ngân sách thì cứ xây chơi, sau cho thuê đám cưới, đám ma cũng kiếm bộn tiền (giống như rất nhiều trung tâm văn hóa của quận, phường ở Hà Nội hiện vẫn đang làm). Người ta không chỉ quyết xây nhà sát Hồ Gươm, người ta đã từng quyết đặt hàm cá mập sát Hồ Gươm, đặt tòa nhà bưu điện nặng nề và Tàu đặc sát Hồ Gươm, đặt Ủy ban nhân dân không hề giống công sở mà giống như một pháo đài lù lù sát Hồ Gươm, đặt bức tượng được gọi là Lý Thái Tổ (nhưng nếu gọi đó là Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát có lẽ cũng không ai cãi) sát Hồ Gươm.
Vậy thì bây giờ cớ gì người ta lại không xây được một cái nhà sát hồ Gươm? Cứ trong ý tứ mà suy thì chẳng bao lâu nữa tòa nhà sẽ mọc lên. Chưa biết chừng nó lại gợi cảm hứng cho một nhạc sĩ nào đó tụng ca kiểu Đây Hồ Gươm Hồng Hà Hồ Tây đây nhà văn hóa… phường mình mới xây”…
Đây Thăng Long sao chẳng còn giống Thăng Long?
Bauxite Việt Nam
“Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm”. Câu mở đầu bài hát “Người Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi lúc này nghe sao thấy thổn thức. Mảnh đất số 2 phố Lê Thái Tổ đâu chỉ là “tấc đất tấc vàng”, mà còn mang trong mình trầm tích kết tinh giá trị văn hoá không thể đong đếm được. Thế nhưng, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) lại như đang tìm mọi cách xoay xoả để quyết tâm xây Trung tâm thông tin văn hóa trên mảnh đất địa linh này.
Bản vẽ công trình dự kiến xây năm 2014
Mới đây, trên công luận báo chí có ý kiến cho rằng, UBND quận Hoàn Kiếm cố tình làm sai chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trong việc xây dựng dự án Trung tâm thông tin văn hoá Hồ Gươm. Ý kiến này dựa trên căn cứ của văn bản số 176/TB-UBND ngày 1-6-2010 thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo về việc tạm dừng thi công xây dựng công trình tại số 2 Lê Thái Tổ. Theo đó, UBND TP. Hà Nội giao cho Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì cùng UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với các chuyên gia và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các phương án quy hoạch kiến trúc đầu tư xây dựng tại đây để báo cáo UBND Thành phố xem xét quyết định các phương án đầu tư: Xây dựng vườn hoa, cây xanh hoặc công trình nghệ thuật gắn với quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.
Vậy tại sao quận Hoàn Kiếm triển khai dự án xây dựng Trung tâm Thông tin văn hoá Hồ Gươm mà lại không đầu tư xây dựng vườn hoa, cây xanh hoặc công trình nghệ thuật gắn với quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục như chỉ đạo của Thông báo số 176/TB-UBND ngày 1-6-2010?.
Chúng tôi cho rằng, quận Hoàn Kiếm không làm sai chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, trái lại giữa quận và thành phố lại có sự phối hợp rất nhịp nhàng và rất… đúng quy trình.
Bản Thông báo số 176/TB-UBND ngày 1-6-2010 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo như một sự “hạ nhiệt” sức nóng phản đối của dư luận về dự án xây dựng Ban Quản lý khu vực Hồ Gươm. Dư luận khấp khởi mừng thầm là người có thẩm quyền đã biết lắng nghe và đưa ra những phương án nghiên cứu để cơ quan chức năng đề xuất. Bẵng đi một thời gian, sức nóng của dư luận đã nguội thì quận Hoàn Kiếm và Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã “tinh ý” triển khai cái tiền đề quan trọng trong bản Thông báo số 176/TB-UBND ngày 1-6-2010. Đó là: “UBND quận Hoàn Kiếm quyết định đầu tư xây dựng công trình Trụ sở Ban quản lý khu vực Hồ Hoàn Kiếm tại số 2 Lê Thái Tổ, nhằm đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất và tạo điều kiện để Ban hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, là đúng thẩm quyền; quá trình phê duyệt và triển khai Dự án đã được thực hiện theo đúng quy trình, quy định; phù hợp với quy hoạch, quy chế quản lý khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận”.
Đầu tiên, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội có văn bản số 350/QHKT-TH báo cáo UBND TP. Hà Nội về 2 phương án được Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch Thành phố xem xét đề xuất là: Xây dựng công trình hoặc xây dựng vườn hoa, cây xanh, tượng đài. Ngày 25-5-2012, UBND thành phố có văn bản số 1810/VP-QHXDGT tiếp tục giao nhiệm vụ cho Sở Quy hoạch Kiến trúc nghiên cứu cụ thể đề xuất 2 phương án để lựa chọn: phương án có xây dựng công trình và phương án làm vườn hoa cây xanh. Đến đây, phương án xây dựng “công trình nghệ thuật gắn với quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục” đã được rút gọn thành “xây dựng công trình”.
Bản vẽ công trình năm 2010
Thứ hai, Sở Quy hoạch Kiến trúc và quận Hoàn Kiếm tìm kiếm sự đồng thuận của Thường trực Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong cuộc họp ngày 13-9-2012. Tiếp đó, tìm kiếm sự đồng thuận với Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch Thành phố ngày 28-9-2012. Nhiều vị lãnh đạo Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, họ không biết ai là người có ý kiến đồng thuận việc xây dựng công trình. Chỉ biết quận Hoàn Kiếm công bố đã có 14/16 phiếu dự họp tán thành xây dựng công trình, không làm vườn hoa.
Thứ ba, dựa trên sự nhất trí cao của hai cuộc họp trên, ngày 5-10-2012, Sở Quy hoạch Kiến trúc có công văn số 2981/QHKT-P8 báo cáo UBND TP. Hà Nội đề xuất chọn phương án xây dựng công trình.
Cuối cùng, nút thắt tạm dừng dự án xây dựng tại số 2 Lê Thái Tổ lại được cởi, khi UBND TP. Hà Nội có văn bản số 10176/UBND-QHXDGT ngày 20-12-2012, đồng ý với phương án đề xuất của Sở Quy hoạch kiến trúc. Sở Quy hoạch kiến trúc được giao hướng dẫn UBND quận Hoàn Kiếm hoàn chỉnh thiết kế công trình; thẩm định và phê duyệt kiến trúc công trình tại khu đất số 2 phố Lê Thái Tổ.
Vậy là sau một hồi thì “tít mù nó lại vòng quanh”. Theo nguyên tắc pháp lý, văn bản số 10176/UBND-QHXDGT ngày 20-12-2012 đã thực sự thay thế và “vô hiệu” Thông báo số 176/TB-UBND ngày 1-6-2010 (điều trùng hợp là số văn bản của năm 2012 là thêm số 10 vào trước số 176 của văn bản năm 2010). Việc xây dựng nhà ở số 2 Lê Thái Tổ vẫn cứ được thực hiện vì nó… đúng quy trình.
Thế nhưng, sự “làm mới” tên công trình của quận Hoàn Kiếm và Sở Quy hoạch Kiến trúc lại khiến dư luận nghi ngờ. Công trình “Ban Quản lý khu vực Hồ Gươm” năm 2010 đã được “hô biến” thành “Trung tâm Thông tin văn hoá Hồ Gươm”. Như vậy tức là công trình “Ban Quản lý khu vực Hồ Gươm” thực sự không cần thiết?. Thế còn công trình “Trung tâm Thông tin văn hoá Hồ Gươm” có thực sự cần thiết không? Câu hỏi này đã được nhà sử học Bùi Thiết phân tích trên báo Đại Đoàn Kết số 342 ngày 8-12.
Nếu truy nguyên, chúng ta sẽ thấy hình thức của công trình dự kiến xây dựng năm 2010 và 2014 là na ná nhau. Về quy mô thì cũng 1 tầng hầm, 3 tầng nổi và 1 tum, còn độ cao được tăng từ 12 lên 13,6m. Bản vẽ năm 2014 đã bỏ phối cảnh người đi xe máy, chỉ còn người đi ô tô và người đi bộ so với bản vẽ năm 2010. Dự toán được nâng từ 10 tỷ lên thành 14 tỷ đồng.
Một điều trùng hợp nữa là vào thời điểm năm 2010, ông Dương Đức Tuấn giữ vai trò là Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, còn thời điểm năm 2014 này thì ông giữ vị trí Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm. Ở cả hai thời điểm, ông Tuấn đều giữ trọng trách cao về dự án. Với cả 2 dự án, mục đích việc xây dựng đều là “hoàn thiện ô phố” với công trình toà nhà Long Vân – Hồng Vân. Vậy có hay không việc quyết tâm xây bằng được công trình trên khu đất số 2 phố Lê Thái Tổ? quận Hoàn Kiếm và Sở Quy hoạch Kiến trúc chưa cho dư luận thấy được tính nhất thiết và cấp thiết của công trình này. Một lần nữa chúng tôi khẳng định: Dự án này bắt buộc phải có ý kiến bằng văn bản thẩm định của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL như bài viết “Xây Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm: Cần ý kiến chính thức từ Bộ trưởng Bộ VHTT&DL” trên báo Đại Đoàn Kết số 335 ngày 1-12, nếu không sẽ vi phạm pháp luật, chứ không như ông Lâm Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm trả lời báo VOV: quận Hoàn Kiếm có công văn xin ý kiến Bộ VHTT&DL là để tìm sự đồng thuận, góp thêm góc nhìn, còn công trình vẫn sẽ được xây vì quận Hoàn Kiếm làm đúng luật.
Sau khi tái khởi động, dự án xây dựng nhà trên số 2 phố Lê Thái Tổ lại vấp phải ý kiến phản đối của cử tri, báo chí cũng có nhiều ý kiến trái chiều về dự án. Vấn đề lại nóng lên. Và trả lời báo chí, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo lại thủng thẳng: Hà Nội là bộ mặt của cả nước, Hồ Gươm là bộ mặt của Hà Nội, nên việc xây dựng các công trình ở đây không chỉ cần sự thận trọng mà còn phải tạo được sự đồng thuận, đề nghị quận Hoàn Kiếm phải phân tích rõ, lựa chọn thật trí tuệ, công khai quy hoạch để nhân dân biết. Khi đã có sự đồng thuận thì quyết định làm, vì lợi ích chung, không vì ý kiến 1-2 người mà dừng lại.
Liệu phát biểu này của vị Chủ tịch TP. Hà Nội có là bản sao của Thông báo số 176/TB-UBND ngày 1-6-2010?.
T.K
Nguồn: http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1433&Chitiet=95540&Style=1