Câu chuyện cơ quan quyền lực CS Việt Nam đang bàn bạc, cân nhắc để xóa bỏ các đạo luật 88, 79 và 258 mà một vị GS đem ra trao đổi trên đài BBC nghe ra thật hấp dẫn, chắc hẳn cũng làm lắm người vui mừng. Nhưng có lẽ đối với những ai biết nghĩ thì chẳng dám vội tin là thực, bởi nếu bỏ mấy cái sắc luật tai tiếng ấy đi thì đội ngũ an ninh đông như kiến cỏ còn việc gì để làm (như lâu nay họ đã dựa vào đó mà làm cho bao nhiêu người phải “nhập kho”, hoặc mất ăn mất ngủ). Chẳng lẽ phải giảm biên chế đi ba phần tư cái tổ chức “còn đảng còn mình” kia hay sao? Thế thì ĐCS sẽ phải giảm biên bao nhiêu? Bởi vì người dân sẽ đồng loạt đứng lên biểu tình chống quân Trung Quốc xâm lược, không chịu khoanh tay bỏ mặc cho chúng ngoạm dần lãnh hải lãnh thổ nước ta như các ngài chấp chính vẫn phải “nín thít chịu trận” và dùng sức mạnh ép dân câm miệng bao nhiêu năm nay, mà như thế thì “Ông Anh” có dung thứ cho “Ông Em” thờ phụng họ không chu đáo hay không, hay phải có liền động thái “cúp lương” để bắt em chịu một đòn trừng phạt cho bõ tức? Mà “cúp lương” thì… eo ôi, giữa thời buổi quan hệ có qua có lại này, chỉ mới nghe nói đã rụng rời. Cho nên, ngẫm ra mọi thứ đều dắt dây với nhau cả, vị GS bàn thì cứ bàn vậy thôi. Mà biết đâu, nhân sắp đến ngày Quốc tế nhân quyền, đem ra bàn cho vui câu chuyện, lại làm nhiều nước gật gù “có lẽ chúng nó sắp thay đổi thật”, thế chẳng là một đòn gió hữu hiệu ư? Chỉ băn khoăn, không biết một người vừa mới bị “bắt quả tang” vì Cái điều 258 oan khiên lôi mình vào khám hôm qua hôm kia đây là GS Hồng Lê Thọ mà nghe được những lời lẽ rất tâm huyết này thì ông sẽ nghĩ thế nào? Hay ông sẽ chép miệng: Chẳng phải ông GS ấy tự mình nghĩ ra đâu, chính là ai ai kia đang giở trò “đánh bài tá lả” với LHQ đấy.
Bauxite Việt Nam
Việt Nam đang cân nhắc sửa đổi các luật, trong đó có các bộ luật hình sự, tố tụng hình sự cho phù hợp với Hiến pháp sửa đổi 2013 và các công ước quốc tế đã ký kết liên quan nhân quyền, theo nhà nghiên cứu trong nước.
Trao đổi với BBC hôm 30/11/2014, Giáo sư Nguyễn Đăng Dung, từ Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người và Quyền Công dân, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nói:
“Nói chung Hiến pháp 2013 của Việt Nam, dưới góc độ một nhà nghiên cứu và giảng dạy về Hiến pháp, tôi thấy nó có nhiều điểm tốt. Một trong những điểm tốt đó là quy định rõ hơn về quyền con người.
“Trong Hiến pháp, một chương rất lớn, với số lượng các điều rất lớn, ngoài chương này ra, tinh thần của cả Hiến pháp cũng là bảo vệ nhân quyền. Đấy là kiểm soát quyền lực nhà nước, đấy là phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa ba quyền.
“Lập pháp do Quốc hội, hành pháp do Chính phủ và nhất là quyền tư pháp ngày nay xác định rõ là Tòa án, và Tòa án có nhiệm vụ trước tiên là bảo vệ công lý và bảo vệ quyền con người trước những thứ bảo vệ khác như trước đây.”
Về khả năng có sửa đổi hay không các điều luật liên quan, ảnh hưởng tới nhân quyền trong đó các điều 88, 79 và 258 của Bộ luật Hình sự, Giáo sư Dung nói:
“Trên tinh thần đó, còn có nhiều quy định khác như suy đoán vô tội, hay tranh tụng quyền có luật sư của bị can, bị cáo.
“Tất cả những điều đó và nhất là Việt Nam kỳ vừa rồi lại phê chuẩn Công ước chống tra tấn, cho nên có thể nói rằng việc triển khai Hiến pháp này cũng như các điều khoản của Công ước vừa được phê chuẩn, nó rất gắn liền với việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự và Bộ luật Hình sự.
Hiện nay Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự đang trên bàn để sửa đổi, đương nhiên theo quan điểm của tôi thì nó phải tính toán lại tất cả các điều khoản, không riêng gì ba điều khoản đó
GS. Nguyễn Đăng Dung
“Và Bộ luật Hình sự và Tố tụng Hình sự hiện nay đang trên đà cân nhắc những điều khoản nói trên…”
‘Không riêng ba điều’
Theo chuyên gia, việc sửa đổi luật sẽ cần tính toán tới toàn thể hệ thống mà sẽ không chỉ dừng riêng ở một số điều luật, bộ luật cụ thể như ba điều luật 88, 79 và 258 của Luật hình sự.
Giáo sư Dung nói: “Hiện nay Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự đang trên bàn để sửa đổi, đương nhiên theo quan điểm của tôi thì nó phải tính toán lại tất cả các điều khoản, không riêng gì ba điều khoản đó và những điều khoản khác để đảm bảo quyền con người trong lĩnh vực bắt giam, tha, những người trong tù…
“Những người trong tù bản thân họ vẫn có quyền con người mặc dù họ bị giam giữ, bị tước tự do nhưng mà vẫn còn, thành ra phải tính toán đến. Tôi nghĩ là phải tính toán một cách đại cục chứ không riêng gì ba điều ấy đâu”.
Trước câu hỏi liệu ba điều luật nói trên của Bộ luật Hình sự Việt Nam có ảnh hưởng gì tới tình trạng nhân quyền ở Việt Nam hiện nay hay không, nhà nghiên cứu đáp:
“Đương nhiên nó cũng có ảnh hưởng, nhưng tôi nghĩ rằng là tất cả nằm trên bàn để sửa đổi. Việc sửa đổi này không nằm riêng về từng điều một, ba điều đó.
“Nó có tất cả nội dung của Bộ luật Tố tụng Hình sự, thì bây giờ việc tranh tụng bây giờ chúng ta (Việt Nam) phải tính lại, muốn tranh tụng phải có quyền của luật sư, của bị can, bị cáo, quyền của phía buộc tội phải cân bằng nhau, chứ không có nghiêng về bên nào cả.
“Trong trường hợp như thế, anh Thẩm phán làm sao phải đứng giữa các chứng cứ mà các bên đưa ra, cho nên mà nếu tính toán lại Bộ luật Tố tụng Hình sự và (Bộ luật) Hình sự, người ta đang tính toán lại một cách toàn cục”, ông Dung nói với BBC.
Bộ luật Hình sự hiện hành của Việt Nam có ít nhất ba điều luật lâu nay bị dư luận cho là có thể ‘vi phạm, hạn chế’ nhân quyền ở trong nước, trong đó điều 258 phạt tội ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ xâm phạm ‘lợi ích của nhà nước’, điều 88 phạt tội ‘tuyên truyền chống nhà nước XHCN’ và điều 79 phạt tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2014/11/141130_nguyendangdung_vn_law_changes