Về bài viết “Tôi bị bắt” của Nguyễn Đính, nên đính chính lại một sự việc để bảo đảm tính khách quan

Nguyên cán bộ Tiểu ban Văn nghệ Miền Nam,

Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam

Hồi năm 1972, Cục Đón tiếp Ban Thống nhất Trung ương gửi đến Tiểu ban Văn nghệ Miền Nam một tập thơ viết tay trên khổ giấy A4 của Nguyễn Đính yêu cầu đọc và phối hợp với Cục để phê phán những tư tưởng sai trái trong tập thơ. Ông Bảo Định Giang giao cho tôi và Doãn Triều đọc, lúc này có Trần Đình Vân từ Miền Nam ra đang cùng sinh hoạt tại Tiểu ban, chúng tôi mời anh cùng tham gia.

Đọc xong tập thơ sực nhớ bút danh Trần Vàng Sao, tác giả của “Bài thơ của người yêu nước mình” mà trước đây, khi nhận được, biết đây là một sinh viên trong phong trào đấu tranh cho hòa bình ở Huế, Tiểu ban đã một lần ngạc nhiên và giới thiệu trên báo chí, bài thơ được độc giả miền Bắc và cả các văn nghệ sĩ rất yêu thích. Ba chúng tôi bàn nhau thấy rõ đây là mầm mống của một tài năng, nhưng với tư tưởng cực đoan và lời lẽ phê phán những tiêu cực miền Bắc một cách gay gắt như trong tập thơ nếu để bị truy bức tư tưởng thì thật oan uổng.

Biết rằng trước khi ra Bắc, Đính từng hoạt động trong Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Trị Thiên, chúng tôi trình bày để ông Bảo Định Giang có công văn đề nghị đưa Nguyễn Đính chuyển từ K65 về sinh hoạt tại Trại sáng tác Miền Nam, một tổ chức giống như một “K” của Ban Thống nhất, dành cho văn nghệ sĩ từ Miền Nam ra. Nhưng chúng tôi đã chậm một bước.

Cục Đón tiếp và K65 đang có trong tay tập nhật ký của Đính và đang tổ chức đấu tranh quyết liệt với Đính. Dù chậm nhưng hết sức thông cảm với tình trạng đang bị o ép của Đính, chúng tôi muốn Đính thoải mái hơn một chút trong những ngày tiếp theo ở miền Bắc, tôi và Doãn Triều đã nhiều lần lên xin K65 và Cục Đón tiếp và cuối cùng cũng đưa Đính về sinh hoạt với Tiểu ban. Tuy vậy, nhiều cán bộ của Cục Đón tiếp vẫn quá thành kiến với Đính nên khi đất nước thống nhất rồi, chúng tôi vẫn phải rất vất vả mới tạo được điều kiện để đưa Đính trở về Huế. Nhưng rồi ở Huế Đính vẫn lại bị o ép một cách khốn khổ. Tôi và nhiều anh chị em văn nghệ sĩ, đặc biệt anh chị em văn nghệ sĩ ở Huế rất tiếc, rất thông cảm và bất bình cho số phận của Đính.

Tôi viết mấy dòng ngắn ngủi này cũng với mong muốn không để một ai với bất cứ lý do nào đó mà bị hiểu lầm. Vì thế, tôi muốn nói lại trường hợp Đính viết về Trần Nguyên Vấn.

Tôi nghĩ rằng đây là một sự ngộ nhận: Đính nhặt được mảnh thư rơi trong phòng ông Sự, đoán đây là chữ của Trần Nguyên Vấn. Đấy là Đính đoán và ngờ, nhưng Đính cũng nói “Nó không biết gì về tôi lúc ở miền Bắc hết“.

Đúng là Vấn không thể biết gì về Đính lúc ở miền Bắc vì thời điểm này Vấn đang ở chiến trường Trị Thiên Huế. Trong thời gian ở Huế, hai anh em cũng từng cộng tác với nhau trong cùng cơ quan một cách bình thường không có gì va chạm nhau, không thù ghét nhau. Vì vậy Vấn không có lý do để viết thư tố cáo Đính với ông Sự.

Tôi công tác tại Tiểu ban Văn nghệ Miền Nam, có nhiệm vụ theo rõi việc vào Nam ra Bắc của các văn nghệ sĩ nên tôi biết rõ Trần Nguyên Vấn được điều đi chiến trường Trị Thiên từ năm 1967, công tác liên tục ở đấy cho đến tháng 8 năm 1973 mới chuyển ra Bắc.

Thời điểm Đính ở miền Bắc và viết nhật ký là từ 1869 đến 1/1972. Trong thời gian này, Vấn không thể có mặt tại miền Bắc để biết và đọc nhật ký của Đính và vì thế càng không có khả năng Vấn viết thư trong thời điểm 1972 cho ông Sự (đang ở miền Bắc) để tố cáo Đính được (*).

Tôi nghĩ Vấn nên thông cảm nỗi bức xúc của Đính. Cũng chính vì hiểu được sự quá bức xúc nên Đính thiếu bình tĩnh và ngộ nhận nên tôi càng thông cảm nỗi bức xúc của Vấn, một con người nhân hậu và sống rất tình nghĩa với bạn bè. Tôi nghĩ, nếu vì sự ngộ nhận của Đính mà Đính bị công chúng bạn bè hiểu lầm về tư cách của mình thì thật oan uổng nên có đôi lời viết lại cho đúng với sự thật.

N. T.

Tác giả gửi BVN.

(*) Xin xem “Tôi bị bắt” của Trần Vàng Sao và “Thư gửi Trần Vàng Sao” của Trần Nguyên Vấn (BVN).

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.