Vốn tư bản trong thế kỷ 21

Capital in the 21st century là tựa đề quyển sách của Giáo sư kinh tế người Pháp Thomas Piketty vốn đang tạo tranh cãi gay gắt trong năm 2014: riêng tại Mỹ, các nhà trí thức cấp tiến ca tụng đây là môt trong những tác phẩm quan trọng nhất cho tương lai, còn cánh bảo thủ gọi ông là một nhà tư tưởng Mác Xít trá hình!

Quyển sách khá dài nhưng đề tài tương đối dễ hiểu. Piketty nhận xét rằng các quốc gia sau giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng rồi đều sẽ đến lúc phát triển chậm lại còn khoảng từ 1-1.5% mỗi năm. Trường hợp này đã xảy ra tại Âu Châu, Nhật Bản và ngay cả ở Hoa Kỳ nếu không có nguồn nhân lực mới do nhập cư; sau này sẽ tái diễn tại Trung Quốc và những nước tân hưng. Nguyên nhân chủ yếu vì một khi quốc gia đã công nghệ hóa thì không còn nhiều cơ hội mới để khai phá trong khi dân số bớt sanh đẻ nên đà tăng tốc phải chậm lại.

Lợi tức trong xã hội được tạo ra nhờ vào hai nguồn lao động và vốn đầu tư. Khi dân số và đà phát triển tăng nhanh thì lao động tạo ra nhiều của cải so với vốn; trái lại khi tăng trưởng chậm thì vốn có khuynh hướng tích lũy nên lâu dài sẽ thu hút nhiều lợi tức hơn so với lao động. Kết quả là của cải trong xã hội càng ngày càng tập trung vào thiểu số dẫn đến tình trạng bất cân đối khiến nền kinh tế đánh mất đi tính cạnh tranh.

Giải thích như thế này cho dễ hiểu: ở các nước lạc hậu trước đây như Việt Nam thì gia đình có đến 10 con, con cái phải dựa vào năng lực của mình thay vì trông cậy nơi gia tài của cha mẹ. Khi vừa mở cửa thị trường thì cơ hội còn nhiều nên lao động hay kinh doanh đều có mức thu nhập cao. Đến nay các gia đình ở thành phố thường chỉ có 1 hay 2 con nên sau này dù chỉ để lại 1 căn nhà trị giá trên dưới 500 ngàn USD thì gia tài vẫn rất lớn, trong khi đa số các thanh thiếu niên còn lại sanh ra trong gia đình nghèo dù trọn đời đi làm công cũng không thể nào mơ tưởng có được căn nhà ở thành phố. Hơn thế, con cái nhà khá giả được gởi đi du học nước ngoài trong lúc thanh niên trong nước hoặc phải bỏ học hay phẩm chất giáo dục kém nên mức độ chênh lệch ở ngay bước vào đời đã khác nhau rất nhiều.

Thí dụ trên cho người Việt nhưng không phù hợp với tinh thần của quyển sách vì Việt Nam là một nước đang phát triển, trong lúc chủ đề của tác phẩm nhằm vào khối các quốc gia công nghiệp. Tác giả dùng nhiều dữ liệu thống kê ở ba nước Anh, Pháp, Mỹ kể từ thế kỷ 18 đến nay để dẫn chứng cho quan điểm của mình và đề nghị biện pháp để các nước công nghiệp giải quyết mức độ chênh lệch giàu nghèo trong xã hội.

Tưởng cũng nên nhắc rằng tình trạng khác biệt giàu nghèo cũng vừa được Thống đốc Ngân Hàng Trung ương Hoa Kỳ bà Janet Yellen nói đến, nhưng ưu tư của bà Yellen ở khía cạnh chính sách tiền tệ hiện thời của Hoa Kỳ tuy bơm lên giá địa ốc và chứng khoán còn lương bổng chưa theo đó tăng lên. Trong khi đó tác giả Piketty đứng trên tầm nhìn xa về tương quan giữa vốn và lao động trong phần còn lại của thế kỷ 21.

Dù gì thì quyển sách của Piketty cũng xuất hiện đúng thời điểm và đụng chạm đến điểm nhức nhối muôn đời nhưng nhất là kể từ sau cuộc đại khủng hoảng 2007-09 tại Hoa Kỳ và còn dài dài ở Âu Châu, vì biện pháp do tác giả đề nghị là tăng thuế nhà giàu để san bằng chênh lệch ở mức lũy tiến rất cao dựa trên tài sản và lương bổng.

Có hai lối nhìn về kinh tế và chính trị: hoặc xem nhà nước là tác nhân chính để phân phối của cải và cơ hội đồng đều cho xã hội; hay nhà nước càng tập trung quyền hành thì càng làm bậy! Ở các xã hội Âu-Mỹ còn tranh luận, riêng Việt Nam thuế má tăng vọt thì không biết đánh vào ai, nhưng tư nhân và lao động chết sớm còn quan lại quyền chức và giai cấp đặc quyền… lại sướng. Đây có lẽ là lý do khiến nhà cầm quyền Bắc Kinh cho phép dịch nguyên văn tác phẩm của Piketty và tiếp đón ông như Karl Marx đầu thai.

Nhưng phân tích của Piketty không phải là thiếu hợp lý và có thể áp dụng ngay cả các nước đang phát triển. Thí dụ phần trên về Việt Nam cho thấy tình trạng chênh lệch giàu nghèo chẳng những tăng vọt mà còn được cơ chế hóa: giả sử con Thủ tướng và con dân có mức độ thông minh và chịu khó làm việc giống nhau nhưng con Thủ tướng đi du học Âu-Mỹ trong lúc con dân học trường Việt, nếu sau này đặt trên cơ sở nhân tài (cộng thêm quan hệ tốt) thì con Thủ tướng chắc chắn phải được trọng dụng hơn. Thế là “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”, xã hội mất đi tính năng động trong lúc dòng dõi thế tục được hợp thức và hợp lý hóa theo kiểu “meritocracy” của Trung Quốc hiện nay. Cho nên phải chọn cha mẹ mà đầu thai.

Tác phẩm của Piketty dài, tuy viết dễ hiểu nhưng quá nhiều phân tích nên đọc cũng hơi chán, nếu tìm được quyển rút ngắn (abridged version) chắc tạm đủ. Điều đáng nói nơi đây là tại Âu-Mỹ có môi trường để trình bày và tranh luận những quan điểm khác biệt và quan trọng, trong khi ở Việt Nam xin đừng áp dụng lý thuyết kinh tế nào mà mình chưa thấu hiểu để sau này lãnh đạo phải thú nhận rồi trăm năm nữa cũng chẳng biết đi về đâu!

Đ.H.Q.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.