Tin ông Hà Văn Thắm bị bắt làm xôn xao dư luận Việt Nam gần đây.
Màn bắt ông Hà Văn Thắm, tiếp sau các đại gia khác bị bắt như ông Nguyễn Đức Kiên, (tức bầu Kiên), chỉ là những màn khởi đầu cho một cuộc đấu tranh giành quyền lực ngày một ‘khốc liệt hơn’ giữa các phe phái trong nội bộ cầm quyền ở Việt Nam, theo một nhà quan sát từ Sài Gòn.
Màn bắt ông Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đại dương (Ocean Bank) và người nắm trong tay bốn cơ sở kinh doanh kinh tế – tài chính quy mô lớn trong nước, báo hiệu nhiều diễn biến ‘thú vị’ nữa để công chúng quan sát, có thể là biểu hiện của một chiến dịch ‘thay máu’ đại gia, theo Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam.
Trước hết, về câu hỏi ai có thể sẽ theo chân ông Hà Văn Thắm vướng ‘vào vòng lao lý’ nếu có một chiến dịch như vậy, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng hôm 02/11/2014 nói với BBC:
“Tôi cũng có nghe thông tin về ông Phạm Nhật Vượng, nhưng rõ ràng ông Vượng là một nhân vật bí ẩn, bí ẩn hơn cả nhân vật Bầu Kiên, về khả năng, độ an nguy, an toàn của ông Phạm Nhật Vượng, thực sự tôi không dám kết luận vì tôi có quá ít thông tin về ông Vượng.
“Tôi tin rằng ngay trong giới kinh doanh cũng không có nhiều người có thông tin về ông, nhưng tôi nghĩ đây thực sự là một cuộc đấu, bởi vì vòng xoay chính trị và các nhóm lợi ích của Việt Nam vào thời điểm này, nó phải đi đến một điểm nút và giải quyết khúc mắc vào năm này và năm tới.
“Thời gian không còn nhiều cho bất kỳ ai. Họ phải giải quyết dứt khoát và giải quyết trên quan điểm là thắng và thua, chứ không có sự dung hòa”.
Trong việc ông Hà Văn Thắm bị bắt, có thể coi đây là một trong các ví dụ nhà nước bắt đầu có thái độ nghiêm khắc hơn trong đối xử với các đại gia
TS. Lê Đăng Doanh
Tuần trước, hôm 25/10, PGS. Phạm Quý Thọ từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư lại đưa ra nhận định khác nhân được hỏi về thời điểm ông Hà Văn Thắm bị bắt, vốn trùng với phiên họp của Quốc hội Việt Nam đang diễn ra.
Ông nói: “Thời điểm này đang có rất nhiều đồn đoán rằng đằng sau các đại gia này có thể là có một số thế lực nào đó, hay một nhóm lợi ích nào đó, và người ta thấy cần thiết quyết định vào lúc này”.
‘Xôn xao’
Theo nhà quan sát này, việc bắt ông Thắm chỉ là những việc mà lẽ ra chính quyền đã cần làm từ trước và mặc dù dư luận đã được trấn an, vụ bắt đại gia này đã gây xôn xao và có tác động tới hệ thống ngân hàng, tài chính ở Việt Nam.
Ông Thọ nói: “Trong khi Việt Nam chưa xử đến cuối cùng đại gia Kiên (tức ông Nguyễn Đức Kiên), thì bây giờ lại xuất hiện ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Đại Dương, Chủ tịch của bốn đơn vị tài chính, các công ty tài chính, ngân hàng.
“Điều đó đã gây xôn xao dư luận trong giới làm ăn, đặc biệt là hệ thống tài chính ngân hàng”.
“Tuy có những trấn an rằng không có ảnh hưởng gì đến những hoạt động của Ngân hàng Đại Dương, nhưng người ta nhận định rằng đây cũng là một việc cực chẳng đã, vì việc này đã được Ngân hàng Nhà nước trước đó thanh tra”.
Thứ Bảy tuần trước, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), khi đánh giá thực chất của vụ bắt giữ, thì cho rằng nhà nước đang ‘nghiêm khắc hơn’ trong đối xử với các đại gia.
Ông Doanh nói: “Trong việc ông Hà Văn Thắm bị bắt, có thể coi đây là một trong các ví dụ nhà nước bắt đầu có thái độ nghiêm khắc hơn trong đối xử với các đại gia.
“Và ông Hà Văn Thắm bị bắt, trong giới chuyên môn đã có những phỏng đoán từ khá lâu rồi”.
“Việc ông Thắm bị bắt, đối với giới chuyên môn, không có gì đột ngột, bởi vì ông Thắm đã tay không bắt giặc, đã giàu lên rất nhanh, từ một người không có tích lũy gì, không có vốn gì lớn mà đã phát triển lên rất nhanh, qua rất nhiều ngành và cũng có nhiều dự án tham vọng”.
‘Liên lụy?’
Công an có thể đang xét lại các quan hệ làm ăn của ông Thắm, theo nhà quan sát.
Gần đây, có quan chức chính quyền nói với báo giới ở Việt Nam bên lề phiên họp Quốc hội đang diễn ra, cho rằng ông Thắm đã bị bắt mặc dù ông đã được cho thời gian để khắc phục ‘sai phạm’.
Bình luận về điều này, Luật sư Trần Đình Triển từng tham gia bào chữa, trong nhiều vụ án mà thân chủ là một số quan chức cao cấp vướng vào vòng lao lý, phản biện và nói rằng tính chất ‘sai phạm’ của ông Thắm là “không thể khắc phục” được.
Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, nói với BBC hôm 30/10:
“Trong quá trình giải quyết các sai phạm, không chỉ riêng trong trường hợp ông Thắm, mà còn nhiều trường hợp khác, nhà nước Việt Nam dùng đòn bẩy kinh tế để giải quyết các sai phạm đó.
“Các doanh nghiệp và cá nhân được cho cơ hội khắc phục hậu quả và chấn chỉnh lại thì sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên đối với ông Hà Văn Thắm thì việc cho khắc phục và khả năng khắc phục được là không thể có.
“Theo quy định của pháp luật chưa có văn bản nào quy định là đối với các doanh nghiệp và cá nhân gây hậu quả nên cho thời gian bao nhiêu để khắc phục. Tuy nhiên trong thực tiễn thì cũng đã có nhiều doanh nghiệp được cho phép như vậy và đã khắc phục được.
“Nhưng có những trường hợp không khắc phục được mà còn gây thêm hậu quả, hoặc việc khắc phục không lấy kinh tế làm trọng mà có thủ đoạn gian dối, cố ý làm trái, vi phạm pháp luật thì việc khắc phục chỉ là tình tiết giảm nhẹ thôi”.
Về khả năng những ai có thể sẽ bị ảnh hưởng sau vụ bắt này, PGS Phạm Quý Thọ cho rằng, mặc dù ông Thắm đang bị tạm giam, có thể ‘không loại trừ’ việc những ai có quan hệ làm ăn trong các phi vụ ‘có vấn đề’ ông Thắm sẽ bị cơ quan điều tra xem xét.
Ông Thọ nói: “Người ta nghi ngờ rằng thí dụ nếu ông này cho vay, ông Hà Văn Thắm cho ai vay mà trái pháp luật thì những người vay chắc chắn cũng có vấn đề. Thế như vậy nó sẽ ảnh hưởng đến một loạt quan hệ làm ăn với ông Hà Văn Thắm hiện nay”.
‘Thay máu?’
Một nhóm nào đó đang tính toán tới việc cần phải loại trừ đi những tập đoàn mafia cũ. Vì những tập đoàn này đã bóc lột người dân nhiều quá rồi và làm cho uy tín cũng như chân gốc của Đảng rệu rã quá, và cần phải thanh loại nó đi.
TS. Phạm Chí Dũng
Bình luận về thực chất vụ bắt đại gia Thắm, hôm 02/11, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nêu quan điểm:
“Ở Việt Nam bây giờ có vấn đề là quan hệ giữa các nhóm lợi ích và kéo theo là quan hệ giữa các nhóm chính khách với nhau, tôi cho là đã đến điểm mà không thể dung hòa được mà chỉ có bên thắng, hoặc bên thua.
“Và nếu như một chính khách mất, đổ, thì khi đó sẽ kéo theo sự sụp đổ của một nhóm lợi ích bảo vệ cho chính khách đó. Và như vậy, đó là điều mà các nhóm lợi ích không bao giờ mong muốn và họ phải luôn luôn làm sao giữ cho sự tồn tại”.
Đi xa hơn, nhà quan sát từ Sài Gòn cho rằng dường như đang có sự ‘thay máu’ đối với các ‘đại gia’ từ những người, những nhóm nào đó được cho là đang vận hành một ‘thể chế’ ít nhiều có tính chất ‘mafia nhà nước’ ở Việt Nam hiện nay.
Ông Dũng nói:
“Về phía quan chức lãnh đạo rất cao cấp ở Việt Nam, một nhóm nào đó đang tính toán tới việc cần phải loại trừ đi những tập đoàn mafia cũ.
“Vì những tập đoàn này đã bóc lột người dân nhiều quá rồi và làm cho uy tín cũng như chân gốc của Đảng rệu rã quá, và cần phải thanh loại nó đi.
“Và cách khác mạnh hơn nữa là cần phải thay máu nó giống như điều mà Tập Cận Bình đang làm ở Trung Quốc,” Tiến sỹ Dũng nói với BBC.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/11/141102_who_is_next_after_havantham