Đã có những đề án gọi là “cải cách triệt để” chương trình giáo dục. Nhưng căn cứ vào đâu để bàn về triệt để hay không triệt để?
Đây quả là vấn đề thực sự nghiêm túc.
Nhân Quốc hội họp bàn về cải cách chương trình giáo dục, nhà giáo Vũ Cao Đàm đã gửi tới chúng tôi Bản góp ý này.
Bản góp ý dựa trên căn bản cho rằng, thế giới đã đi trước quá xa chúng ta trên con đường cải cách giáo dục. Chúng ta không thể chần chừ hơn nữa.
Một dân tộc thông minh, cần cù, ham học, mà đang ngày càng thụt lùi so với thế giới. Đó là điều tủi nhục.
Đất nước của chúng ta đâu thiếu những tài năng. Nhưng biết bao tài năng không được biết đến, thậm chí bị bỏ quên, bị giày vò, bị đẩy ra ngoài lề xã hội.
Bauxite Việt Nam xin trân trọng chuyển tải những ý kiến đầy tâm huyết này tới Quốc hội và tới các thân hữu gần xa.
Bauxite Việt Nam
Dẫn nhập
Cho đến nay ở nước ta đã có bốn mốc cải cách chương trình giáo dục mang quy mô lớn với cách gọi mà các nhà nghiên cứu đặt bằng tên các vị bộ trưởng giáo dục chủ xướng các chương trình cải cách đó (1):
- Chương trình Hoàng Xuân Hãn, Chính phủ Trần Trọng Kim, 1945.
- Chương trình Phan Huy Quát, Chính phủ Bảo Đại, 1951.
- Chương trình Nguyễn Văn Huyên, Chính phủ Hồ Chí Minh, 1952.
- Chương trình Nguyễn Dương Đôn, Chính phủ Ngô Đình Diệm. 1954.
Nguyễn Q. Thắng, trong cuốn Giáo dục và Khoa cử Việt Nam đưa ra hai nhận định mà chúng tôi cho là rất chuẩn xác:
- Chương trình Hoàng Xuân Hãn phản ánh đầy đủ và cập nhật trình độ của khoa học và công nghệ(KH&CN) đương thời (tôi nhấn mạnh: cập nhật trình độ tại thời điểm 1945).
- Các chương trình Nguyễn Văn Huyên, Phan Huy Quát và Nguyễn Dương Đôn về cơ bản vẫn mang ảnh hưởng của Chương trình Hoàng Xuân Hãn.
Khi nói “Trình độ của KH&CN đương thời” tại thời điểm 1945, chúng ta hiểu, là trình độ của KH&CN nửa đầu thế kỷ XX, nói theo Alvin Toffler, là nền KH&CN thuộc Đợt sóng thứ hai, tức của xã hội công nghiệp, mà bản chất của nó là nền văn minh cơ học.
Trong một nghiên cứu về triết lý khoa học và giáo dục (KH&GD) Việt Nam, chúng tôi cho rằng, Chương trình Hoàng Xuân Hãn vẫn còn mang dấu ấn rất rõ nét trong hệ thống giáo dục Việt Nam ngày nay(2).Đó chính là điểm xuất phát để bắt đầu cuộc thảo luận về việc cải cách chương trình giáo dục của nước ta.
Từ Chương trình Hoàng Xuân Hãn đến nay đã sắp 70 năm. Cũng theo Toffler, thế giới mà chúng ta đang sống, đang tiến mạnh mẽ sang Đợt sóng thứ ba, đã và đang bước vào một nền văn minh khác, nền văn minh thông tin. Về kinh tế, thế giới cũng đã chuyển mình từ nền kinh tế dựa trên khai thác tài nguyên sang nền kinh tế dựa trên tri thức. Chương trình Hoàng Xuân Hãn, với sự phản ánh cập nhật nền KH&CN tại thời điểm 1945 nay đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử. Lịch sử đã sang trang và chương trình giáo dục cũng buộc phải sang trang.
Chúng ta cải cách chương trình giáo dục trong bối cảnh của KH&CN đương đại, của nền kinh tế và xã hội mới mẻ đó. Chúng ta không thể xây dựng một chương trình “cập nhật trình độ của nền KH&CN đương đại” để “hiện đại hóa” các chương trình đã được xây dựng trong lịch sử giáo dục. Vì “cập nhật hóa chương trình giáo dục” vẫn là cách tiếp cận của các chương trình giáo dục, mà chúng tôi gọi là cách tiếp cận cổ điển, bởi vì, nền giáo dục đã sang trang.
Đặc điểm nổi bật của nền giáo dục đương đại
Chúng tôi xin mạnh dạn nêu một mối quan hệ chưa được nhà nghiên cứu giáo dục học nào bàn đến ở nước ta: Đó là mối quan hệ qua lại gắn bó máu thịt giữa GIÁO DỤC và KHOA HỌC trong lịch sử giáo dục của thế giới(3).
Có thể nói, Giáo dục và khoa học là hai đứa con song sinh của nhân loại. Khoa học được sinh ra là để sản xuất tri thức cho nhân loại, còn giáo dục được sinh ralà để chuyển tải khối tri thức đồ sộ đó trả về cho nhân loại. Không có khoa học, thì giáo dục không có gì để mà giảng dạy; Ngược lại, không có giáo dục, thì khoa học không được ai biết đến để mà áp dụng.
Mối quan hệ giữa Giáo dục và Khoa học của thế giới đã và đang trải qua ba giai đoạnvới những ranh giới không hoàn toàn rõ rệt:
Giai đoạn 1: Giáo dục đi sau khoa học, giảng dạy những gì tiền nhân đã sáng tạo ra. Academia của Platon được thành lập ở Hy Lạp vào thế kỷ III-IV trước CN chính là nhằm truyền bá và nghiên cứu phát triển trường phái triết học theo Platon; Quốc Tử Giám được thành lập vào thế kỷ XI sau CN của Việt Nam chính nhằm dạy cho người học xôi kinh nấu sử, những pho kinh sử mà tiền nhân đã viết ra, để người học thông thuộc làu làu những đạo nghĩa mà tiền nhân răn dạy, lúc nào cũng viện dẫn, Khổng Tử viết, Mạnh Tửdạy, Tôn Tử chỉ giáo, … để làm những bó đuốc soi đường thông tuệ, làm bách khoa toàn thư cho vạn sự trên đời … từ tu thân, tề gia, trị quốc, đến bình thiên hạ. Nền giáo dục Việt Nam ngày nay không còn viện dẫn Khổng Tử, Mạnh Tử và Tôn Tử nữa. Truyền thống ấy đã bị người Pháp khai tử từ thế kỷ XIX, ngay sau khi họ đặt nền cai trị trên đất nước ta. Nhưng ngày nay, thay vì mấy ông “… Tử” đó, thì chúng ta đang dạy cho người học viện dẫn hết Ông Jack, lại đến Ông John, … vànhững ông Tây xa lắc xa lơ từ hàng trăm năm trước, xem các ông ấy là đỉnh cao trí tuệ, thuộc nửa sau thế kỷ XIX, đang soi đường cho sự phát triển thế kỷ XXI.
Nói như thế có nghĩa, hệ thống giáo dục của chúng ta cũng chưa vượt xa bao nhiêu so với thời Platon lập Academia từ ba bốn trăm năm trước công nguyên và ông cha ta lập Quốc tử giám từ một ngàn năm trước.
Giai đoạn 2: Giáo dục tiến lên, đi sóng đôi với khoa học. Khoa học và Giáo dục liên tục “đặt hàng” cho nhau để giải quyết những nhu cầu thiết thân của cuộc sống. Giáo dục chuyển theo hướng chuyên sâu, xóa bỏ lối dạy học từ chương, ngày càng bám sát nhu cầu của cuộc sống. Trong giai đoạn này, nền giáo dục chuyên nghiệp ra đời. Có tài liệu đã ghi nhận nền giáo dục chuyên nghiệp được hình thành từ 1919(4). Giáo dục liên tục cập nhật trình độ của KH&CN đương thời, truyền thụ cho người học những kỹ năng chuyên môn để họ đủ năng lực đáp ứng công việc thuộc các ngành nghề chuyên môn ngày càng sâu của xã hội công nghiệp.
Hệ thống giáo dục Việt Nam ngày nay, có thể đã có nguồn gốc khởi đầu từ cách mạng công nghiệp và phát triển mạnh mẽ vào giữa thế kỷ XX.
Xuất phát từ sự đồng tình với Nguyễn Q. Thắng vừa viện dẫn ở trên, chúng tôi mạnh dạn nhận định, các chương trình Hoàng Xuân Hãn, Phan Huy Quát, Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Dương Đôn chính thuộc xu hướng này.
Giai đoạn 3: Giáo dục vượt lên, tiến trước khoa học, vạch đường chỉ lối cho khoa học phát triển, rèn luyện cho người học kỹ năng nhìn trước những biến động của ngoại cảnh, hơn nữa là kỹ năng đưa ra những quyết định trong các tình huống đầy biến động đó.Bản chất nền “giáo dục đi trước khoa học” này là gì?
Điều chắc chắn, đó không còn là nền giáo dục “cập nhật các thành tựu KH&CN” đương thời như thời Chương trình Hoàng Xuân Hãn nữa. Giáo dục ngày nay không thể và không cần làm điều đó.
Nói không thể, là vì khối lượng tri thức ngày nay đã quá đồ sộ, không biết chọn lọc cái gì gọi là “tiêu biểu” để đưa vào chương trình để chất tải vào những khối óc non trẻ của những người học trong nhà trường phổ thông. Shukhardin, một nhà nghiên cứu lịch sử khoa học của Nga đưa ra một nhận định thú vị: Chỉ tính trong nửa cuối thế kỷ XX, nhân loại đã sản xuất một khối lượng tri thức bằng toàn bộ khối lượng tri thức mà nhân loại đã sản xuất từ xưa đến đó.
Nói không cần, là vì nhân loại đã tạo cho mình một “thư viện” khổng lồ, là những kho thông tin đồ sộ trên cái “cyberspace” mà mỗi người đều có quyền sở hữu vào bất kỳ lúc nào thấy cần. Nó là một bộ nhớ ngoài vĩ đại, không cần lãng phí chất xám để nạp sẵn mọi tri thức trên đời trong cuộc đời đi học.
Nói một nền giáo dục đi trước khoa học, hoàn toàn không phải là một nền giáo dục bầy cho người ta biết, ngày mai sẽ có thành tựu KH&CN nào. Không ai có thểbiết trước để dạy cho người học những tri thức đó. Không một đầu óc trác việt nào dám đưa ra những dự đoán, dù là mạnh dạn nhất, về những lĩnh vực KH&CN và các ngành nghề sẽ xuất hiện trong thời tương lai.
Đó là nền giáo dục mang bản chất hoàn toàn khác, đang xuất hiện như những vệt sáng trong đêm của thế giới này. Chúng ta sẽ làm rõ ngay trong phần sau.
Bối cảnh xã hội của cải cách chương trình giáo dục
Việt Nam ngày nay không phải là ốc đảo cô lập với nền văn minh của thế giới đương đại, thế giới của hội nhập, thế giới của các quá trình toàn cầu hóa.
Trong cuốn sách nổi tiếng “Đợt sóng thứ ba”, Alvin Toffler đã đưa ra khái niệm “mã” của các xã hội (xem bảng sau). Chẳng hạn, xã hội nông nghiệp được đặc trưng bởi một nền sản xuất manh mún, xã hội công nghiệp với nền sản xuất tích tụ hóa, và đến xã hội thông tin là nền sản xuất phi-tích tụ hóa. Nền giáo dục hiện thời mới đang loay hoay dạy cho người học những kiến thức liên quan quá trình tích tụ hóa, chưa thấy hơi thở của quá trình phi-tích tụ hóa.
Xã hội nông nghiệp | Xã hội công nghiệp | Xã hội thông tin |
Sản xuất phân tán | Tập trung hoá | Phi tập trung hoá |
Sản xuất manh mún | Tích tụ hoá | Phi tích tụ hoá |
Sản xuất không cần tiêu chuẩn | Tiêu chuẩn hoá | Phi tiêu chuẩn hoá |
Sản xuất nhỏ | Cực đại hoá | Cực tiểu hoá |
Không đồng bộ | Đồng bộ hoá | Phi đồng bộ hoá |
Sản xuất không có chuyên môn | Chuyên môn hoá | Đa năng hoá |
Tương tự như vậy, chúng ta thấy xã hội thông tin có những mã xã hội hoàn toàn khác hoàn toàn với xã hội công nghiệp. Đó là một xã hội với nền sản xuất phi tiêu chuẩn hóa, phi tập trung hóa, phi đồng bộ hóa, với quy mô cực tiểu hóa và với những người lao động không phải chuyên môn hóa, mà đa năng hóa.
Như thế, chương trình giáo dục Việt Nam ngày nay, với truyền thống của Chương trình Hoang Xuân Hãn, vẫn đang là chương trình của nền văn minh cơ học, trong khi chúng ta đang cùng thế giới này tiến vào xã hội văn minh thông tin, văn minh số hóa với nền kinh tế tri thức và xã hội thông tin.
Nói chương trình giáo dục của Việt Nam vẫn thuộc chương trình của nền văn minh cơ học, chúng ta có thể lấy ví dụ một môn học bất kỳ nào đó, chẳng hạn, môn toán ở bậc trung học, là môn học được chất tải rất nặng bằng những bài toánkhảo sát hàm số và những bài tập vô cùng rắc rối về hình học không gian và tìm quỹ tích, được giải thích là “rèn luyện tư duy trừu tượng” cho học sinh. Suy cho cùng, những nội dung này thuộc chương trình toán liên tục (contituous mathematics), là cơ sở toán học của cơ học và suy rộng ra, là xã hội của nền văn minh cơ học. Học sinh trung học hầu như không biết gì về toán rời rạc (discret mathematics), như đại số ma trận, đại số Boole, toán logic, v.v… là cơ sở toán học của công nghệ thông tin, suy rộng ra, là xã hội của nền văn minh thông tin.
Không chỉ có môn toán, môn học nào cũng có vấn đề tương tự.
Tuy nhiên, còn một điều đáng nói hơn, là các chương trình giáo dục của chúng ta ngày nay còn chưa đạt đến một chương trình của xã hội công nghiệp. Bằng chứng là, chúng ta có thể vào mạng bất cứ lúc nào cũng gặp những bài trao đổi về đào tạo định hướng nhu cầu, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu, về việc đào tạo những con người chuyên sâu của xã hội công nghiệp, chấm dứt các chương trình giáo dục mang dấu ấn của nền giáo dục từ chương, nghĩa là, hệ thống giáo dục của chúng ta đang còn loay hoay tìm cách thoát khỏi nền giáo dục của Đợt sóng thứ nhất để bước vào Đợt sóng thứ hai.
Quá trình toàn cầu hóa hiện nay, xét theo cách tiếp cận của Toffler, mới đang trên con đường bước vào ngưỡng cửa của Đợt sóng thứ ba. Mặc dầu vậy, thế giới vẫn đi trước chúng ta cả một chặng đường dài, vì chúng ta vẫn đang còn đầy khó khăn trên bước đường tiến vào Đợt sóng thứ hai.
Nhận diện rõ bối cảnh xã hội theo cách phân chia ba đợt sóng của Toffler giúp chúng ta nhận rõ con đường của tiến trình cải cách giáo dục ở nước ta.
Bản chất nền giáo dục đi trước khoa học
Đó là nền giáo dục dạy cho người học những đặc điểm của xã hội mà người lao động phải đối mặt trong thời tương lai. Hơn nữa, phải hướng dẫn người học kỹ năng ra quyết định trong thời tương lai đó.
Thời tương lai mà nhân loại đang bước tới, là một tương lai đầy nhữngcơ hội và rủi ro đối mặt.
Đó là cặp đôi đặc điểm nổi bật của xã hội đương đại, một xã hội được Ulbrich Back gọi là xã hội rủi ro, và hơn nữa, là biết đưa ra những giải pháp xử lý thông minh, kịp thời trước những biến động đó.
Cái rủi ro của xã hội đương đại, không chỉ gồm những tai họa do thiên nhiên, mà còn những rủi ro mà con người tự gây cho mình đồng thời khi tạo ra các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Ulrich Beck đưa ra nhận định thú vị rằng, rủi ro và cơ hội là hai đứa con song sinh của thế giới đương đại. Còn người càng gặp nhiều cơ hội càng phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Trong Giai đoạn 3, xuất hiện hai đặc điểm cần làm rõ.
Thứ nhất, chương trình giáo dục phải thực hiện sứ mệnh: giáo dục vạch đường chỉ lối cho khoa học phát triển. Theo một chương trình như thế, tất cả các bài học, từ khi người học bước chân vào nhà trường, đã được học tập theo phương pháp nghiên cứu khoa học. Hàng loạt nhà trường ở các nước phát triển hiện nay đã và đang chuyển đổi theo hướng này. Ở Việt Nam, chương trình cải cách của Nhóm Cánh Buồm do nhà giáo Phạm Toàn khởi xướng đang đi theo hướng này.
Thứ hai, chương trình giáo dục phải mang sứ mệnh: trang bị cho người học một hành trang đi vào tương lai đầy biến động. Hành trang đó là năng lực nhìn trước các biến động và kỹ năng phản ứng trước mọi biến động trong tương lai đầy cơ hội và rủi ro. Đây không chỉ còn là năng lực đáp ứng nhu cầu về kỹ năng chuyên sâu của người lao động thuộc Đợt sóng thứ hai, mà là kỹ năng nhìn trước nhu cầu của người lao động đa năng thuộc Đợt sóng thứ ba nữa.
Con đường Cải cách giáo dục Việt Nam
Với cácluận cứ trên đây, chúng tôi mạnh dạn đề xuất phương hướng cải cách giáo dục phù hợp với sự phát triển của xã hội Việt Nam đương đại như sau:
– Thứ nhất, Việt Nam không phải là ốc đảo. Nền giáo dục Việt Nam phải hội nhập với thế giới đương đại. Đó là thế giới của Đợt sóng thứ ba, của xã hội thông tin, với nền kinh tế tri thức.
– Thứ hai, giáo dục Việt Nam phải cải cách để vượt lên trước khoa học, vạch đường chỉ lối cho khoa học phát triển, chuyển từ mục đích đào tạo người lao động chuyên sâu của Đợt sóng thứ hai, sang mục đích đào tạo người lao động đa năng của đợt sóng thứ ba.
1) Về phương hướng thứ nhất
Chương trình giáo dục phải được cải cách theo hướng phát triển của nền văn minh thông tin. Chương trình ấy chọn lọc các môn học theo tiêu chí tạo dựng nền tảng tri thức cho nền văn minh thông tin, những gì thuộc nền tảng của nền văn minh cơ học có thể giảm thiểu. Không “tiếc rẻ” đó là “kiến thức cơ bản” một cách trừu tượng, chung chung, thoát ly cuộc sống.
Những môn học có thể đưa vào chương trình giáo dục mới ngay ở các lớp cuối của bậc tiểu học và trung học có thể là những kiến thức, không phải chuẩn bị bước vào nền văn minh cơ học, mà là bước vào nền văn minh thông tin.
2) Về phương hướng thứ hai
Chương trình giáo dục phải vượt lên trước khoa học, hướng vào mục đích đào tạo những con người đa năng, có năng lực khám phá và có năng lực nhìn trước những biến động và nhanh chóng quyết định các giải pháp khắc phục mọi rủi ro, chớp nhanh mọi cơ hội trong tình thế liên tục biến đổi của xã hội.
Những môn học có thể đưa vào chương trình giáo dục, ngay ở bậc tiểu học và bậc trung học, là những môn chứa đựng các kiến thức sơ giản của Lý thuyết hệ thống, Lý thuyết quyết định, Lý thuyết tối ưu, Lý thuyết trò chơi, quy hoạch toán, Quản lý rủi ro, Quản lý khủng hoảng, v.v…
3) Một điều nữa không thể bỏ qua
Việt Nam cần sớm ký tham gia Tuyên bố Bologne 1999 về cải cách giáo dục,với hai luận điểm cơ bản xin được tóm tắt như sau:
– Rút ngắn niên hạn đào tạo theo công thức 3-5-8, theo đó, chương trình phổ thông còn 9 năm, đại học 3 năm, cao học 2 năm và tiến sỹ 3 năm.
– Thay hệ chuyên khoa theo định hướng khoa học (Khối A, B, C, D, Chuyên Toán, Chuyên Lý, v.v…) bằng định hướng nghề nghiệp
Đôi lời kết luận
Cải cách giáo dục là một công cuộc đầy gian nan. Không phải vô tình mà thế giới này nói theo Alvin Toffler, gọi là cuộc “Cách mạng giáo dục”; Cũng không phải vì thiếu cân nhắc mà ông mô tả hệ thống giáo dục là “Sự bảo lưu ngu xuẩn của quá khứ”(5).
Trước hết, Chúng ta phải dứt khoát về mặt tư tưởng, là từ bỏ nền giáo dục mang đầy khuyết tật về sự bảo lưu ngu xuẩn của quá khứ để dấn thân vào bão táp của cuộc cách mạng giáo dục của thế giới này.
Thứ hai, cuộc cải cách này không phải là cuộc “tinh giản chương trình” mấy phần trăm như vẫn thường làm từ trước đến nay, mà phải từ bỏ một loạt môn học truyền thống với đội ngũ thầy/cô giỏi, và phải bổ sung hàng loạt môn học vốn xa lạ, trong khi đội ngũ thầy/cô còn cần được bổ túc kiến thức.
Thứ ba, Công cuộc cải cách đòi hỏi nhiều biện pháp đặc cách, và đương nhiên, là đi kèm những cải cách trong thiết chế vĩ mô. Chúng tôi xin được bàn đến trong một dịp thuận tiện khác.
V.C.Đ.
Chú thích:
(1) Nguyễn Q. Thắng, Khoa cử và Giáo dục Việt Nam, NXB Văn hóa và Thông tin,1994.
(2) Vũ Cao Đàm, Báo cáo Hội thảo “Khoa học và Công nghệ – Thực trạng và Giải pháp”, Bộ KH&CN, Hà Nội, ngày 4-01-2007, Vũ Cao Đàm Tuyển tập, NXB Thế giới, Hà Nội, 2009, Tập I, tr.309
(3) Vũ Cao Đàm, Nghịch lý và Lối thoát – Bàn về triết lý Khoa học và Giáo dục Việt Nam, NXB Thế giới, 2014.
(4) Histoire de l’Education en France, http://fr.wikipedia.org/wiki/Histoire_de_l’%C3%A9ducation_en_France
(5) Xem Alvin Toffler, Future Shock, Chương 18, “Cách mạng giáo dục” , 1970
Tác giả gửi BVN