Chỉ có dân chủ mới đẩy lùi được tận gốc tệ nạn ma túy

Thời kỳ bao cấp xã hội hầu như đóng kín về mọi phương diện với thế giới bên ngoài. Khi đó ma túy chưa phải là một tệ nạn xã hội, một đại dịch như ngày nay. Do nhu cầu của cuộc sống, cơ chế thị trường thay thế cơ chế bao cấp; mở cửa, hội nhập là một tất yếu. Cơ chế mở cửa đã đem lại nhiều thành quả không thể phủ nhận, đồng thời cũng phát sinh nhiều tệ nạn xã hội nhức nhối, ngày càng gia tăng và đang vô phương ngăn chặn. Một trong những tệ nạn đó phải kể đến là tệ nạn ma túy.

Người nghiện ma túy có hai nguyên nhân: một là nguyên nhân đến từ bên ngoài và hai là nguyên nhân ở chính bản thân họ. Nguyên nhân bên ngoài thì báo chí, truyền thông… đã nhắc đến rất nhiều. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chính bản thân người nghiện; loại trừ được nguyên nhân này là loại trừ được tệ nạn ma túy hiện nay. Người nghiện ma túy không loại trừ người có thu nhập cao, người có thu nhập thấp, người có việc làm hay người thất nghiệp. Tệ nạn ma túy bao gồm hành vi sử dụng, tàng trữ, vận chuyển, mua bán… Sa ngã vào tệ nạn này đa số là thanh niên, giới trẻ, người nghèo, người không có việc làm. Người nghèo nghiện ma túy không có đủ tiền mua sẽ dễ trở thành người vận chuyển, mua bán và là nguyên nhân dẫn đến các loại tội phạm khác như cờ bạc, lừa đảo, trộm, cướp, gây thương tích, giết người… Bị bắt, tù tội, không cai được nghiện và tái phạm, cái vòng luẩn quẩn cứ như vậy lan rộng ra khắp đường làng, ngõ phố không dừng. Cả xã hội phải gánh chịu hậu quả của nó.

Vậy ai phải chịu trách nhiệm? Làm thế nào để dừng lại cái vòng luẩn quẩn tàn nhẫn đang từng ngày, từng giờ hủy hoại giới trẻ, tàn phá nền cốt của xã hội?

Tôi cho rằng nguyên nhân cội nguồn của tệ nạn này là xuất phát từ phương pháp giáo dục con người của xã hội mà ra. Phương pháp giáo dục của hệ thống nhà trường, phương pháp giáo dục của gia đình.

Bản chất của việc nghiện ma túy chính là con người đã không làm chủ được bản thân mình, không nhận thức được môi trường xã hội nên đã bị ma túy cám dỗ, hạ gục. Con người cụ thể không gì khác chính là sản phẩm của một xã hội.

Một xã hội không có dân chủ, không thừa nhận đa nguyên đó là một xã hội đơn nguyên. Xã hội đơn nguyên là sản phẩm của thể chế độc đoán, độc quyền; thể chế đó coi dân chủ, đa nguyên là một phạm trù “phản động”. Thể chế nào thì giáo dục ấy. Phương pháp giáo dục của thể chế độc quyền là buộc con người ta phải tuân lệnh, khuất phục từ tư tưởng cho đến hành vi. Đó là sự xóa bỏ nhân cách, không thừa nhận sự khác biệt và chính kiến của cá nhân. Phương pháp giáo dục của nó là sự dập khuôn, giả dối và trừng phạt, mục đích là biến con người thành những rô bốt vô hồn. Hậu quả của nó đã làm cho một đứa trẻ từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành không có khả năng tự nhận thức thế giới, không thể làm chủ bản thân, không biết thế nào là quyền con người, quyền và nghĩa vụ của một công dân. Những sản phẩm con người xã hội đó tất yếu không có khả năng đề kháng trước sự tấn công, cám dỗ của ma túy. Dân chủ, đa nguyên là một phạm trù đối lập với độc đoán, độc quyền. Do vậy, chỉ có dân chủ, tôn trọng đa nguyên mới làm thay đổi căn bản mục đích giáo dục, phương pháp giáo dục, của hệ thống nhà trường và của gia đình. Khi đó mục đích của giáo dục con người là xây dựng nhân cách, tôn trọng tự do tư tưởng, tôn trọng quyền con người và mỗi người sẽ hiểu được quyền và nghĩa vụ của một công dân.

Chỉ có dân chủ mới đẩy lùi được tận gốc tệ nạn ma túy.

Hà Nội, 29/10/2014

H.H.S.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Dân chủ. Bookmark the permalink.