Bình luận thêm về việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam

By Joshua Kurlantzick

Trần Ngọc Cư dịch

Joshua Kurlantzick là một nhà nghiên cứu Đông Nam Á tại Hội đồng về các Quan hệ Đối ngoại [the Council on Foreign Relations], một viện nghiên cứu chính sách tại Mỹ. Trong một bài bình luận trước đây, đã được dịch đăng lên BauxiteVN, Kurlantzick tranh luận rằng chiến lược xoay trục hướng về Châu Á của Mỹ có thể đẩy lùi tiến trình dân chủ hóa trong vùng này. Theo ông, sở dĩ tình hình sẽ diễn ra như vậy là vì Mỹ cần đến quan hệ đối tác với một số nước độc tài tại Đông Nam Á trong nỗ lực tái quân bình lực lượng chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy và có tham vọng bành trướng. Thật ra, việc này không có gì mới lạ trong chính sách đối ngoại truyền thống của Mỹ. Trong Chiến tranh lạnh trước đây, chẳng hạn, Mỹ không hề ngần ngại làm đồng minh với một chuỗi thủ lĩnh độc tài Châu Á, từ Lý Thừa Vãn, Phác Chính Hy tại Nam Triều Tiên, đến Tưởng Giới Thạch tại Đài Loan, Ferdinand Marcos tại Philippines, Suharto tại Indonesia, Ngô Đình Diệm và các ban lãnh đạo quân nhân (military juntas) tại Việt Nam và tại Thái Lan. Kết quả tốt đẹp của phần lớn các chế độ độc tài thân Mỹ nói trên là cuối cùng đất nước họ đã được dân chủ hóa theo mô hình phương Tây. (Dịch giả.)

Tuần trước, tiếp theo sau quyết định của Chính quyền Obama bắt đầu bán cho Việt Nam một số vũ khí sát thương hạn chế, một thay đổi trong chính sách vốn được áp dụng từ khi Chiến tranh Việt Nam chấm dứt, tôi đã nhìn nhận trong một bài đăng trên blog rằng chính quyền này đã có một động thái đúng đắn, bất chấp những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng — và ngày càng tồi tệ của Việt Nam. Các quan chức chính quyền Mỹ lưu ý rằng các thương vụ vũ khí sát thương tiếp theo và các quan hệ gần gũi hơn nữa với Việt Nam và với quân đội Việt Nam sẽ tùy thuộc vào điều kiện Việt Nam đạt được tiến bộ trong việc chấp nhận bất đồng chính dưới mọi hình thức. Thật vậy, theo một bản tin về các thương vụ vũ khí sát thương được đăng trên New York Times:

Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng việc thay đổi chính sách cấm vận chỉ áp dụng cho lãnh vực hải giám và các hệ thống “liên hệ đến an ninh” và quả quyết rằng quyết định này phản ánh những cải thiện khiêm nhượng trong hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.

Tôi thật sự không tin có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền của mình trong những năm gần đây; đấy chỉ là một hư cấu tùy tiện của Bộ Ngoai giao để xoa dịu những nhà lập pháp trong Quốc Hội Mỹ đang chống lại việc bán vũ khí sát thương vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Hà Nội. Thật vậy, bản báo cáo tình hình nhân quyền hàng năm tại các nước của Bộ Ngoại Mỹ khi nói đến Việt Nam đã nhận xét rằng không có cải thiện cụ thể nào về nhân quyền trong năm qua, và đã tóm tắt tình hình nhân quyền tại Việt Nam như sau: “những vấn đề nhân quyền đáng kể nhất tại nước này vẫn là các hạn chế gay gắt của chính phủ đối với các quyền chính trị của công dân, đặc biệt là quyền thay đổi chính phủ của mình; những biện pháp giới hạn các tự do dân sự của công dân ngày một gia tăng; và nạn tham nhũng trong hệ thống tòa án và công an.”

Tuy nhiên, mặc dù tôi nghĩ rằng nói chung Chính quyền Obama đã không đếm xỉa đến việc cổ vũ dân chủ và nhân quyền trong chiến lược tái hợp tác với Đông Nam Á của mình, nhưng tôi cũng nghĩ rằng Washington cần phải xây dựng những quan hệ gần gũi hơn nữa với Việt Nam bất chấp cả hồ sơ nhân quyền của nước này. Tôi không phải là một người theo chủ nghĩa thực tế, nhưng đây là một cơ hội mà chính trị thực tiễn [realpolitik] phải giữ thế thượng phong. Một lý do quan trọng là, việc gia tăng các thương vụ vũ khí sát thương có thể tạo thế đứng cho phe thân Mỹ trong giới lãnh đạo Việt Nam có thêm sức mạnh trước phe thân Trung Quốc hơn [the more pro-China faction] trong giới lãnh đạo này. Một số học giả và quan chức Việt Nam cho biết rằng phe thân Trung Quốc trong giới lãnh đạo Việt Nam đã lùi về phía sau, do cuộc xung đột Việt-Trung ngày càng gia tăng trên các vùng tranh chấp tại Biển Đông.

Cụ thể hơn nữa, Mỹ phải xây dựng một quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam và phải vận động cho việc thành lập một liên minh có hiệp ước chính thức với Hà Nội. Ngoài việc chấm dứt cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, Mỹ phải vận động nhắm tới mở rộng khả năng tiếp cận cho các tàu hải quân Mỹ tại Vịnh Cam Ranh, mở rộng các chương trình huấn luyện cho sĩ quan cao cấp Việt Nam và cơ chế hóa cuộc đối thoại chiến lược Mỹ-Việt ở một cấp cao hơn, đảm bảo rằng bộ trưởng quốc phòng Mỹ và người đồng nhiệm Việt Nam sẽ tham gia cuộc đối thoại chiến lược hàng năm này.

Hoạt động nhắm tới một liên minh có hiệp ước với Việt Nam sẽ là một nỗ lực trung tâm cho việc duy trì sự hiện diện của Mỹ tại Đông Á, bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông, và tìm kiếm các hải cảng mới và các căn cứ hoạt động tiền phương tương lai cho quân đội Mỹ trong khi các vấn đề chính trị nội bộ của Nhật Bản và Thái Lan đang đe dọa các quan hệ quân sự của Mỹ với những quốc gia này. Về phía Việt Nam, các quan hệ gần gũi hơn với Mỹ sẽ cho phép quân đội Việt Nam nâng cấp trang bị của mình, sẽ đảm bảo các quan hệ thương mại với Washington, và cung ứng một dạng thức an ninh để Việt Nam chọi lại một Trung Quốc quyết đoán, một loại an ninh mà hình như khối ASEAN không bao giờ có thể cung ứng cho Việt Nam.

Chúng ta hãy từ bỏ luận cứ giả tạo về một hồ sơ nhân quyền đang được cải thiện tại Việt Nam và hãy gọi mối quan hệ này bằng cái tên đích thực của nó: một đối tác chiến lược có thể là rất thiết yếu cho lợi ích của cả hai nước tại Châu Á. 

T.N.C

Dịch giả gửi BVN

Nguồn: http://blogs.cfr.org/asia/2014/10/13/more-on-selling-vietnam-lethal-arms/#more-15157

 

This entry was posted in Quân Đội. Bookmark the permalink.