Hội chứng thủy điện có lẽ là một bệnh dịch đã lây lan khắp nước và gặm ruỗng đầu óc cái đám đang chễm chệ trên ghế ở rất nhiều tỉnh, nên dù tai họa của nó làm cho mấy tỉnh miền Trung chìm sâu trong nước lũ trong hai cơn bão cuối năm 2009, vậy mà có một ai thấy cần rút kinh nghiệm thật nghiêm khắc đâu. Khi chúng tôi đi đến Bản Đôn thuộc tỉnh Daklak thì mới biết đầu nguồn con sông Srepock có đến 7 đập thủy điện làm cho dòng chảy vốn xưa kia rất trong, là nước ăn của bà con các dân tộc chạy dọc hai bên triền sông, nay trở nên đục ngầu. Giờ thì lại đến các tỉnh biên giới phía Bắc đang lên cơn sốt thủy điện. Nó đã gần như là một cơn lên đồng tập thể, bất chấp tất cả, đặt cược tính mệnh và tài sản nhân dân vào những loại dự án chưa hề được tính toán cân nhắc đến nơi đến chốn về kỹ thuật cũng như nhiều phương diện khác. “Lợi ích kinh tế từ việc phát triển 17 dự án thủy điện tại Sa Pa chưa thấy đâu, song đã xuất hiện những ảnh hưởng về môi trường như suối cạn, dòng chảy thay đổi… Người dân đối mặt với nguy cơ thiếu nước và khách du lịch có thể “chán” Sapa vì cảnh quan bị phá vỡ”.
Một địa chỉ nghỉ mát và du lịch nổi tiếng hàng trăm năm nay như Sa Pa mà cũng ngang nhiên “mặc cho nó mất” thì thật không hiểu sự mê muội của những kẻ chèo lái đất nước đã đến mức nào. Cái gì chi phối họ đến mờ mắt nếu không là… sự nặng túi?
Bauxite Việt Nam
Mặc dù có 5 trong số 17 dự án thủy điện (gồm Lao Chải, Séo Chung Hô, Sử Pán 2, Nậm Coong, Nậm Củm) đang bắt đầu triển khai, thậm chí thủy điện Séo Chung Hô dự kiến sẽ phát điện vào khoảng giữa năm 2010, thế nhưng các chuyên gia vẫn đề nghị các cơ quan quản lý xem lại chủ trương phát triển.
Chưa có điện, suối đã cạn
Hiện nay, tại Bản Hồ (Sapa), nơi có khu du lịch sinh thái Bản Hồ, với suối La Ve nổi tiếng là “bãi tắm tây”, nhưng đang trong quá trình “giãy chết” khi triển khai dự án thủy điện Sử Pán 2 (dự kiến công suất 34,5 MW). Theo phản ánh của nhiều người dân tại khu vực này, dòng suối La Ve đã biểu hiện cạn kiệt và nhiều cây bản địa có nguy cơ bị mất.
Ông Trần Tiến Thái, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Sapa cho biết, đến nay tỉnh đã cấp phép đầu tư 12 dự án thủy điện. Giống như bất kỳ công trình xây dựng nào, đã xây dựng đều ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan.
TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH – TT – DL tỉnh Sa Pa cho rằng chủ trương xây dựng 17 nhà máy thủy điện ở Sa Pa do Bộ Công thương phê duyệt đang tàn phá môi trường. Du khách đến bản Dền giờ đây giảm 2/3 vì xây dựng nhà máy thủy điện. “Đành rằng xây dựng nhà máy thủy điện thì siêu lãi nhưng làm thủy điện là phải làm đường, phá rừng, phá vỡ cảnh quan, người dân mất đất canh tác ven suối và lâu dài cạn kiệt nguồn nước”, ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó chủ tịch UBND huyện Sa Pa cho biết hiện có cả hai luồng ý kiến cả khen lẫn chê. Nhưng quy hoạch đã được phê duyệt, do vậy những gì được xem là ảnh hưởng trực tiếp thì “ai từng đến Sa Pa sẽ có câu trả lời”.
Thiếu nước, dân sống đâu?
TS Vũ Trọng Hồng, Tổng thư ký Hội Thủy lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi phân tích: nếu đầu tư để kinh doanh, làm điện nhập vào nguồn điện quốc gia thì sẽ không có giá trị vì Sa Pa không có vùng hồ chứa, tức là không có dung tích chứa nước. Trong khi đó, thủy điện lệ thuộc chủ yếu vào nguồn nước, vì vậy các dự án này sẽ không đạt được mục tiêu đề ra.
Theo ông Hồng, nếu dự án nhằm mục đích phục vụ dân sinh thì nên dùng thủy điện mini giống như Trung Quốc. Làm thủy điện đương nhiên là ngăn sông, suối, phá rừng trong khi nguồn nước Sa Pa chủ yếu là ở hốc núi đá. Tại đây mưa nhiều nhưng nước thoát xuống sông hết do địa hình dốc, không tích được nước. Các hang không có nước, người dân sẽ không có nước để sinh sống, giếng cũng khô cạn. Với vùng du lịch, nguồn nước tự nhiên phải luôn luôn có. Đặc biệt là các cây bản địa cũng cần bảo tồn và phát triển để tạo sự đặc trưng thu hút du khách, nhưng nếu nguồn nước không đảm bảo, cây bản địa sẽ mất.
“Đồng bào dân tộc thường có tập quán canh tác ven suối, nếu không có nguồn nước để sử dụng, họ sẽ sống như thế nào. Những năm hạn trước đây, người dân Sa Pa đã bỏ đồng ruộng sang Trung Quốc để tìm kiếm việc làm. Nếu họ đi hết, ai sẽ là người giữ biên giới?”, TS Hồng nói và dẫn bài học phát triển quá nhiều thủy điện ở Quảng Nam khiến dân ở vùng hạ lưu điêu đứng vì thiếu nước.
PGS Phan Kỳ Nam, nguyên Chủ nhiệm Khoa Thủy điện, Đại học Thủy lợi Hà Nội đề nghị phải đánh giá chặt chẽ tác động đến môi trường. Trong quá trình vận hành thủy điện, phải tuân thủ đúng quy trình và trả lại dòng chảy cho sông suối.
Nguồn: http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Sa-Pa-se-bien-mat/20104/87375.datviet