Bài này viết về Alain Teissonnière, một con người giản dị, khiêm nhường, người góp công đầu cho nền Tin học Việt Nam nhưng đã từ chối những vinh dự cho đóng góp đó, và đã đòi được những nghi lễ hết sức đơn sơ khi mình qua đời.
Anh Nguyễn Chí Công, người viết bài này, cũng không chịu khoe những đóng góp của mình. Nhưng anh Công là một trong vài ba người đầu tiên đã cùng với Alain bắt đầu nền Tin học Việt Nam lúc dó chỉ có những phiếu đục lỗ và cỗ máy tính đứng chật cả gian nhà lớn.
Nếu cho phép đánh giá bằng một lời ngắn gọn, xin được nói như sau: cả anh Alain và anh Công đều đã tham gia phản biện xã hội bằng những hành động rất cụ thể. Cách phản biện đó có tên gọi là: làm ra một cái tích cực là chống tiêu cực tích cực nhất của người trí thức. Ở đây là làm ra một công cụ hiện đại cho dân tộc có phương tiện tiến lên hiện đại hóa.
Xin trân trọng giới thiệu.
P.T.
Chưa đến 4 giờ sáng, những kỷ niệm ào ạt về Alain chợt làm tôi thức dậy. Phải ghi lại, trước hết là tiểu sử của Anh, không thì “cái già xềnh xệch” sẽ làm tôi lẫn lộn.
Alain Teissonnière sinh ngày 13-7-1936 tại Paris, cha mẹ đều là thợ. Thuở nhỏ Anh đã thường phải ra ngoại ô mót khoai tây với 2 anh chị ruột và xuống ga xe điện ngầm tránh rét trong những năm phát xít Đức chiếm đóng, rồi chịu cảnh kinh tế Pháp oằn lưng gánh vác cuộc chiến ở Đông Dương.
Lớn lên Anh bị bắt lính sang Algérie nhưng tham gia phản chiến rất sớm (sau này cùng nhiều cựu binh khác, Alain từng tố cáo sự im lặng của chính quyền trước sự phi nghĩa của thực dân trong bộ phim tài liệu nổi tiếng “L’ennemi intime”). Từ châu Phi trở về, Anh vào trường nghề rồi làm cho các hãng tin học để tự kiếm sống và giúp thuốc men cho bà mẹ ốm yếu phải mổ tim.
Từ giữa những năm 1960 Alain tham gia phong trào chống chiến tranh Mỹ ở Việt Nam, sau đó tham gia Ủy ban vì Sự hợp tác Khoa học và Kỹ thuật với Việt Nam, do cố Giáo sư Van Regemorter làm Chủ tịch. Năm 1982 Anh làm Tổng thư ký Ủy ban này cho đến khi qua đời ngày 20/4/2009 tại Paris.
Khi đó, nhà báo Hiệu Minh đã đăng trên Tiền phong Online một bài cảm khái “Alain Teissonnière ’CPU’ đầu tiên của máy tính Việt Nam đã yên nghỉ”, blogger Duy Mẫn viết lời “Vĩnh biệt một người bạn Pháp” xúc động, và cả hai đã nhận được nhiều hồi âm của bạn đọc xa gần.
Nay nhân giỗ đầu Alain, tôi xin nêu một vài ấn tượng sâu sắc từ quãng đời 33 năm được biết Anh, tiếp sau hồi ức “MỘT THỜI ĐỂ NHỚ” đăng trên 3 số tạp chí Tin học & Đời sống đầu xuân Đinh Hợi 2007.
Ấn tượng đầu tiên: một người đàn ông da trắng thanh lịch trong chiếc áo sơ-mi dài tay phẳng phiu màu da trời, chăm chú quan sát những nông dân Liễu Giai đang tưới bón hoa cạnh Viện Khoa học Tính toán & Điều khiển vào một ngày đông u ám, khi hòa bình mới trở lại được 2 năm. Rồi nhanh nhẹn bước vào hội trường chật cứng người nghe đến từ các viện nghiên cứu và trường đại học của Hà Nội, sau lời chào hỏi, Anh tự giới thiệu “Tôi là một kỹ thuật viên, hãy gọi tôi là…” và dùng phấn trắng viết lên góc trái bảng tường lỗ chỗ tróc sơn 5 chữ “ALAIN”, giản dị khai mở khóa học thứ nhất ở nước ta về vi xử lý.
Alain làm kỹ thuật, nhưng lại là một nhà sư phạm có cơ duyên “truyền giáo” đến Việt Nam, nhiều anh em cứ so sánh với Alexandre de Rhodes. Chỉ sau 2 tháng làm quen với bộ giáo trình viết tay do Alain soạn và các con chip Intel do Anh mua tặng bằng tiền riêng dành dụm hàng năm trời, một nhóm học viên đã giúp cho chiếc máy vi tính đầu tiên của phương Đông ngày ấy được chào đời ở Đồi Thông và mở ra một thời kỳ vẻ vang của tin học Việt Nam.
Ruộng hoa và công sở kia đã biến mất, nhiều học viên đã phải xa sự nghiệp công nghệ, chỉ mãi mãi còn đây lời tiên đoán kỳ diệu của Alain: vi xử lý dù mới ra đời nhưng nhất định sẽ làm thay đổi thế giới.
Cũng từ dịp ấy, tư tưởng, hành động và tính cách của Anh đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đời tôi, trong đó bền vững nhất là tình bạn. Ngay lần họp thứ nhất bàn công việc làm máy, dù chỉ mới bập bẹ tiếng Pháp, tôi đã may mắn được Alain chú ý và giao cho vai trò phù hợp. Sau này khi tôi mở Trung tâm Đào tạo kỹ thuật Tin học CFTI, Alain nhắc nhở: miệng lưu loát không bằng lòng cởi mở, cần biết chọn chủ đề và gợi tính hiếu kỳ, kế hoạch phải chi tiết và khả thi, nắm bắt năng lực rồi mới phân công, muốn hiểu sâu phải qua thực tiễn hành động, trong chuyển giao công nghệ tuy sách vở vô cùng quan trọng song khó có thể thay được công cụ và kinh nghiệm chuyên gia… Ngay đến cuối đời, Alain vẫn rất cẩn thận đọc các bài kiểm tra so sánh chất lượng thiết bị trong những tạp chí kỹ thuật nghiêm túc và hỏi ý kiến chuyên gia trước khi mua dùng những thứ cao cấp như màn hình HDMI, máy MacBook v.v.
Alain không chỉ là người thầy tài giỏi, qua nhiều lần làm việc chung tôi còn nhận ra Anh vừa có thể tính toán đến phần nghìn giây ở từng dòng lệnh hoặc giá cả từng mạch điện tử, vừa là một nhà chiến lược có tầm nhìn xa. Ngay từ năm 1977 anh đã bàn với các chuyên gia Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, đặc biệt với GS Phan Đình Diệu, để lập kế hoạch chọn lọc người theo thứ tự “gối đầu” gửi sang Pháp thực tập, chuyên ngành nào Việt Nam cần trước thì đi trước và phải tạo điều kiện cho các bước tiếp theo. Thực tiễn cho thấy hàng trăm thực tập sinh trở về đã đóng góp rất tốt cho những thành công nhanh chóng bất ngờ của một số ngành, nhất là tin học trong những năm 1979-1989 và 1993-2003.
Ngoài việc phải giao dịch hàng trăm lần để tìm ra những cơ sở hiện đại bậc nhất và xin được ở đó vài suất thực tập cho Việt Nam từ thời kỳ bị cấm vận, Alain còn tự nguyện lo những việc khác như chuẩn bị hồ sơ, đón rồi tiễn thực tập sinh, thu thập hoặc mua và gửi tài liệu, vật tư, v.v. Biết bao người đã được giúp như thế, thậm chí còn ăn và tạm trú tại căn hộ bé nhỏ của gia đình Alain mà không biết lương Anh eo hẹp vì chỉ làm việc 3 ngày/tuần để dành thời gian cho Việt Nam. Không chỉ riêng Alain mà cả cha, mẹ, cô, cậu và chị ruột Anh hễ có dịp là giúp đỡ ta, cũng như vẫn quyên góp quần áo, tìm việc làm, chỗ trú và dạy tiếng Pháp cho những người ngụ cư, không phân biệt màu da.
Sau năm 1989 Alain bị mất việc vì mắc bệnh cực hiếm, rồi Anh đã thoát chết nhờ bạn bè tìm ra vị Bác sĩ tỉnh lẻ từng gặp những ca như thế. Anh phải bán dần những thứ có giá trị thương mại, nhưng vẫn sống rộng rãi với bạn bè như cũ. Năm 1982 về thăm quê Alain để viếng mộ bà chị Yvane mới mất vì ung thư, tôi được dân làng kể mấy thế kỷ trước tổ tiên họ bị giáo hội Catô xua đuổi lên vùng núi cao nghèo rớt mà vẫn sống sót nhờ đùm bọc lẫn nhau và tinh thần bênh vực kẻ yếu đã trở nên truyền thống.
Tôi được các bạn trẻ du học cho biết Alain đã giúp nhiều người trong số họ tìm việc hoặc định cư ở Pháp. Và Anh đã từng có bài nói chuyên với Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) về chủ đề “Một xã hội đang tiến cần gì?”
Alain tham gia Liên đoàn Duy lý từ trước (tổ chức này từng nhiệt liệt ủng hộ Tòa án Bertrand Russell) và có chân trong tiểu ban triết học. Khi thân nhau rồi, thấy tranh luận trường phái khó dứt, Anh từng bảo tôi: thực ra không chỉ có triết học theo nghĩa một môn khoa học, nó gắn chặt với lương tâm mỗi người, mà trong cuộc sống cái quan trọng nhất là phải hành động theo lương tâm. Đúng như vậy, những năm cuối, Alain lại tham gia cùng Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) Francis Gendreau, người sẽ kế tục mình ở vị trí Tổng thư ký CCSTVN, vào việc ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam, trong đó có Hội thảo quốc tế tại Paris ngày 11-12 tháng 3-2005.
Sau khi cha mẹ qua đời, Alain sống độc thân, tự đi chợ, nấu ăn, giặt giũ và chỉ dùng các phương tiện giao thông công cộng để góp phần bảo vệ môi sinh. Tuy gia nhập phong trào vì quyền tự sát, nhưng Anh tiếp tục chiến đấu đến phút cuối cùng chống căn bệnh quái ác đang cướp dần sức lực mình. Alain vẫn vui vẻ đến nhà hát nhạc kịch, du lịch khắp các vùng quanh Địa Trung Hải, chơi những cuốn sách cực hiếm, để dành rượu vang quý và thết đãi bạn bè những món ăn ngon v.v..
Thứ bảy 20-3-2010 vừa qua tại thủ đô Paris Ủy ban vì Sự hợp tác Khoa học và Kỹ thuật với Việt Nam (CCSTVN) đã tổ chức một cuộc hội thảo mang tên “Hợp tác Tin học với Việt Nam. Tưởng niệm Alain Teissonnière (1936-2009)”. Bà A. Suzor-Weiner, Chủ tịch CCSTVN đã bay từ Washington về làm chủ tọa, và tôi vinh dự được đến tham gia đọc tham luận cùng 9 thân hữu cũ mới của Alain. Hàng chục người khác – từ quan chức Pháp về hưu đến trí thức Việt kiều – cũng bày tỏ những kỷ niệm và cảm tưởng rất đẹp về Anh. Từ nhiều góc độ, những nhân chứng quý báu đó tái hiện hình ảnh một con người khuất núi nhưng đã thành bất tử, tuy thời gian hội thảo không thể đủ để ngoài sự nghiệp hợp tác tin học của Alain còn đề cập hết tất cả tình cảm đặc biệt dành cho Việt Nam và các mối quan tâm sâu sắc tới bao lĩnh vực văn hóa .
Đêm trước hội thảo, một phụ nữ yêu Alain tha thiết đã trao lại chiếc vali nhỏ đầy ắp các thứ được xếp gọn ghẽ: chiếc đồng hồ lính Pháp, đĩa nhạc cổ điển, sách khảo cứu khoa học, lịch sử, hội họa, kiến trúc, từ điển Việt –Pháp, những bức thư tôi gửi cho Anh… và ảnh chụp của rất nhiều người Việt. Alain không hề nhắc đến những kỷ vật đó, dù tôi thường xuyên gọi điện thăm hỏi Anh trong các tháng cuối cùng bị liệt không thể dùng email được nữa.
Tính Anh khiêm tốn, làm ơn suốt đời mà chẳng kể công. Một bạn Pháp từng được Đại sứ Việt Nam gắn huy chương Hữu nghị cho biết Alain đã từ chối vinh dự này, cũng như không muốn ai sẽ viếng hoa cho mình.
Nhưng lần này tôi không thể nghe Anh. Sau hội thảo, tôi đi tiếp gần nghìn cây số cuối cùng về ngôi làng nhỏ Colognac của Alain ở vùng núi Cévennes. Cả tuần nắng đẹp, trời bỗng đổ mưa tầm tã suốt hôm đó. Bà chủ một hàng hoa dọc đường cất giọng miền Nam ấm áp hỏi tôi từ đâu đến nơi hẻo lánh này và đích thân chọn cho những loại hoa có thể tươi lâu để viếng mộ Anh. Cạnh ngôi mộ chung giống hệt của cha mẹ, Anh nằm đó bên bình tro của Yvane, dưới tấm cẩm thạch trắng nhỏ khắc tên hai chị em và năm sinh, năm mất, không chức vị. Và ở góc nghĩa trang có một ngôi mộ cũ gây chú ý với cây cột đá đứng thẳng, ngụ ý chủ nhân là nhà tư tưởng tự do.
Ngày 18-4-2010
NCC