Chính quyền Việt Nam chấm dứt đàn áp nhân quyền là điều kiện để Mỹ nới lỏng cấm vận vũ khí

Từ Hoa Kỳ, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ gửi đường link bài sau đây cho chúng tôi, trong đó nêu ý kiến vì lý do quân sự và chính trị, Mỹ chỉ nên bán máy bay săn tàu ngầm P-3 Orion cho Việt Nam chừng nào chính quyền Việt Nam “chấm dứt đàn áp nhân quyền”.

Ý kiến của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ nhanh chóng lạc hậu: vừa có tin Mỹ sẽ bắt đầu dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, mà một trong những thương vụ đầu tiên rất có thể chính là máy bay săn tàu ngầm P-3 Orion. Việt Nam đã “chấm dứt đàn áp nhân quyền” hay ít ra đã có tiến bộ rõ rệt về mặt này rồi ư? Thực tế khiến cho không ai tin điều đó, kể cả Mỹ. Hay là vị thế địa chính trị của Việt Nam quan trọng đến mức Mỹ không thể không giúp Việt Nam như dựng một con đê ngăn sóng đỏ Trung Cộng ở vùng Đông Nam Á, bất chấp thành tích nhân quyền tệ hại của chính quyền Việt Nam? Trên bàn cờ chính trị hiện nay, mọi thứ đều có thể.

Bauxite Việt Nam

Phát biểu tại Lầu Năm góc hôm 25/9 vừa qua, Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết chính phủ Việt Nam đang thương thảo để mua vũ khí của Mỹ. Phát biểu này đã gián tiếp xác nhận tin chính quyền Việt Nam muốn mua 6 máy bay săn tàu ngầm P-3 Orion của Mỹ. Vậy tại sao có chuyện này?

Trước hết cần nhắc lại rằng chính quyền hiện nay ở Việt Nam không đại diện cho nhân dân Việt Nam vì dưới chế độ độc tài của Đảng Cộng sản Việt Nam không có bầu cử tự do và công bằng – nền tảng cho một chính quyền của dân, do dân và vì dân. Trên thực tế, chính quyền này gây tội ác với nhân dân mà các cuộc cướp đất tràn lan diễn ra hàng ngày và các cuộc đàn áp tàn bạo những người yêu nước và những người đòi hỏi thực thi nhân quyền là những bằng chứng không thể bác bỏ.

Đối với Trung Quốc, từ sau Hội đàm Thành Đô năm 1990 giữa lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản và Nhà nước của Việt Nam và Trung Quốc, chính quyền Việt Nam đã liên tục thi hành chính sách đầu hàng.

Thực vậy, chính quyền này đã để mất nhiều lãnh thổ của Việt Nam cho Trung Quốc khi ký với nước này Hiệp định biên giới năm 1999 và Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ 2000, không dám bảo vệ ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc liên tục tấn công ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở biển Đông, không dám dùng ngay cả biện pháp đấu tranh hòa bình là kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế do có các hành vi xâm chiếm chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam cũng ở biển Đông và rõ ràng hơn cả, đàn áp, bỏ tù những người dân chống các hành vi xâm lược ấy của Trung Quốc.

Chính sách và thực tế đầu hàng Trung Quốc nói trên của Đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam đã khiến mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống nồng nàn yêu nước vô cùng phẫn nộ; điều này đặt chính quyền Việt Nam vào thế phải có những hành động trấn an người dân nhằm tránh một cuộc nổi dậy đồng loạt của họ, thậm chí của cả  quân đội. Điều này giải thích vì sao năm 2009 chính quyền Việt Nam lần đầu tiên đặt mua tàu ngầm của Nga, cụ thể là 6 tàu ngầm lớp Kilo mà sự chuyển giao sẽ kết thúc vào 2016.

Thế nhưng việc chính quyền Việt Nam mua tàu ngầm của Nga đã không làm Trung Quốc chùn bước trong tham vọng thôn tính biển Đông mà việc nước này ngang nhiên cắm giàn khoan dầu HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và cũng là thềm lục địa của Việt Nam trong hơn 2 tháng, từ đầu tháng 5 cho đến giữa tháng 7 năm nay, là bằng chứng. Sở dĩ như vậy là vì chỉ tính lực lượng tàu ngầm thì Trung Quốc đã áp đảo Việt Nam với hơn 60 chiếc trong đó có 12 chiếc lớp Kilo. Không những thế, Trung Quốc đã chế tạo được máy bay săn tàu ngầm mà loại mới nhất là GX6 trong khi Việt Nam hoàn toàn không có năng lực sản xuất máy bay đã đành mà cũng chưa mua được máy bay săn tàu ngầm tiên tiến nào. Do đó, để khả dĩ đối phó với số lượng tàu ngầm áp đảo của Trung Quốc, chính quyền Việt Nam buộc phải có máy bay săn tàu ngầm tiên tiến.

Vậy Việt Nam có thể mua máy bay săn tàu ngầm từ Nga không? Câu trả lời là “không” với 2 căn cứ sau:

Thứ nhất, Nga phải giữ vai trò trung lập trong xung đột Việt – Trung để có thể bán được vũ khí cho cả hai bên, điều này có nghĩa khi Nga quyết định không bán cho Trung Quốc hoặc Việt Nam loại vũ khí nào đó thì nước kia cũng không mua được loại vũ khí này từ Nga. Thực tế cho thấy Nga đã không bán cho Trung Quốc máy bay săn tàu ngầm hiện đại nào bởi Trung Quốc luôn là kẻ thù tiềm tàng của Nga mà cuộc chiến tranh biên giới do Trung Quốc gây ra với nước này năm 1969 đã cho thấy. Đó là chưa nói tới việc Nga chắc chắn sẽ bị Trung Quốc cạnh tranh trong việc bán máy bay săn tàu ngầm nếu như Nga bán cho Trung Quốc phương tiện chiến tranh này vì năng lực sao chép công nghệ của Trung Quốc rất cao. Tóm lại, Nga sẽ không dại gì bán máy bay săn tàu ngầm cho Việt Nam để mà đánh mất Trung Quốc như là khách hàng mua tàu ngầm quan trọng bậc nhất.

Thứ hai, dẫu Trung Quốc được Nga xác định là kẻ thù tiềm tàng thì điều này không ngăn Nga cần Trung Quốc như một đồng minh tiềm tàng nhằm chống lại sức ép quân sự của Mỹ cũng như của NATO trong khi Việt Nam không bao giờ có thể đóng một vai trò như vậy. Nói cách khác, Nga không thể vì làm hài lòng Việt Nam mà làm mếch lòng Trung Quốc.

Tình hình trên buộc chính quyền Việt Nam phải tìm nguồn khác cung ứng máy bay săn tàu ngầm. Vấn đề đặt ra là tại sao Việt Nam lại chọn Mỹ chứ không phải là Anh, Pháp, Nhật, Thụy Điển cũng là những nước sản xuất máy bay săn tàu ngầm? Có ba lý do cho sự lựa chọn này.
Một là, việc mua máy bay săn tàu ngầm P-3 Orion đa năng của Mỹ rất thích hợp với ngân sách rất hạn chế của Việt Nam. Thực vậy, máy bay này không chỉ có uy lực chống tàu ngầm vào bậc nhất mà còn chống chiến hạm cũng như thực hiện nhiệm vụ tuần tra bờ biển và trinh sát vô tuyến trên không, điều mà các máy bay săn tàu ngầm của các nước khác không có.

Hai là, chính quyền Việt Nam muốn thông qua đơn đặt hàng này với Mỹ để hù Trung Quốc. Thật vậy, Trung Quốc rút giàn khoan dầu HD 981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế đồng thời là thềm lục địa của Việt Nam chỉ 4 hôm sau khi Thượng viện Mỹ hôm 10 tháng 7 vừa qua ra Nghị quyết S. Res 412 lên án những hành vi của Trung Quốc gây hấn trên biển Đông đồng thời yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan dầu HD 981; điều này đã làm cho chính quyền Việt Nam nhận thức rõ ràng rằng Mỹ là nước duy nhất có thể làm Trung Quốc chùn bước trong toan tính thôn tính biển Đông được cụ thể hóa bằng bản đồ lãnh thổ tự vẽ gồm chín đoạn bao chiếm 80% biển này. Tóm lại, Trung Quốc hoàn toàn không sợ Việt Nam chạy đua vũ trang vì biết rõ năng lực tài chính của Việt Nam chẳng thấm tháp gì so với Trung Quốc mà chỉ sợ Việt Nam được Mỹ chống lưng về quân sự trong khuôn khổ của một liên minh quân sự giữa hai nước mà việc Mỹ nới lỏng cấm vận vũ khí một khi xảy ra là động thái đầu tiên.

Ba là, bằng việc mua vũ khí của Mỹ chính quyền Việt Nam hy vọng đổi lấy được việc Mỹ giảm sức ép về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam để từ đó lập lờ là Mỹ cần chính quyền cộng sản để chống bành trướng Trung Quốc hơn là ủng hộ dân chủ hóa Việt Nam nhằm giảm nguy cơ của một cuộc nổi dậy của người dân đang vô cùng bất mãn với chế độ cộng sản và ít nhiều được cổ võ bởi các cuộc cách mạng chống độc tài xảy ra trong thời gian vừa qua tại Bắc Phi và Trung Đông.

Như vậy, tại thời điểm hiện nay chính quyền Việt Nam rất cần Mỹ chìa bàn tay quân sự dù chỉ là tượng trưng để giảm bớt sự hung hăng của Trung Quốc trong hành động xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam ở biển Đông nhằm tránh một cuộc nổi dậy đồng loạt chống chính quyền để cứu nước từ phía người dân và không loại trừ của cả quân đội.

Vấn đề còn lại là Mỹ có nên nới lỏng cấm vận vũ khí bằng cách bán máy bay săn tàu ngầm P-3 Orion cho chính quyền Việt Nam như một hình thức nới lỏng cấm vận vũ khí đối với chính quyền này hay không. Nghĩa là phải xem Mỹ sẽ được gì và mất gì trong việc bán vũ khí tối tân này cho chính quyền Việt Nam để từ đó siêu cường này có lựa chọn chính xác nhất.

Tôi khẳng định rằng nếu Mỹ nới lỏng cấm vận vũ khí trong khi chính quyền Việt Nam vẫn đàn áp nhân quyền, thậm chí ngày càng nghiêm trọng, thì Mỹ chỉ được một tý lợi về thương mại nhưng sẽ thất bại cả về quân sự lẫn chính trị. Thực vậy, như tôi đã từng đề cập trong diễn văn đọc tại Quốc Hội Mỹ ngày 16 tháng 7 vừa qua (*), Mỹ chỉ có thể thành công trong việc ngăn chặn Trung Quốc thôn tính biển Đông – cốt lõi của chiến lược “xoay trục quân sự” sang châu Á – Thái Bình Dương của Tổng thống Obama – nếu có một Việt Nam đồng minh quân sự mà điều này là không thể chừng nào còn chế độ cộng sản ở Việt Nam vốn là kẻ thù của lý tưởng Tự do và Dân chủ của Mỹ. Bản thân chính quyền Việt Nam loại trừ liên minh quân sự với Mỹ khi luôn khẳng định chính sách “3 không” của chính quyền này là “không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống lại nước khác”.

Phân tích như thế để nói việc Mỹ bán vũ khí cho chính quyền Việt Nam ở thời điểm này không những không phục vụ chiến lược quân sự mới của Mỹ ở biển Đông mà còn gây hại cho việc dân chủ hóa Việt Nam bởi một thương vụ như vậy có tác dụng giải cứu chế độ cộng sản Việt Nam đang trong tình thế bị người dân xóa bỏ để cứu nước và giữ nước một cách bền vững. Do đó, Mỹ phải làm mọi cách để giúp chuyển hóa Việt Nam từ chế độ độc tài cộng sản sang chế độ dân chủ – đa đảng. Vả lại, một Việt Nam dân chủ – đa đảng nhất định sẽ chiếm được lòng tin của giới đầu tư quốc tế; điều này tất dẫn đến kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ đồng nghĩa với thu nhập quốc dân tăng đáng kể và với năng lực tài chính như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành khách hàng quan trọng của Mỹ trong lĩnh vực vũ khí.

Với cách nhìn như vậy, việc nới lỏng cấm vận vũ khí cũng như chấp nhận cho Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chỉ có thể được Mỹ cứu xét nếu như những điều này thúc đẩy dân chủ hóa Việt Nam. Cụ thể là Mỹ yêu cầu chính quyền Việt Nam chấm dứt đàn áp nhân quyền bằng cách bãi bỏ không chậm trễ các điều luật phản nhân quyền (các điều 79, 88, 258 Bộ luật hình sự) và trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân chính trị – tù nhân lương tâm như khởi đầu của lộ trình dân chủ hóa như điều kiện để Mỹ nới lỏng cấm vận vũ khí cũng như chấp nhận Việt Nam tham gia TPP.

Nếu chính quyền Việt Nam không chấp nhận điều kiện tiên quyết nói trên của Mỹ – điều chắc chắn xảy ra – đồng nghĩa với triển vọng Việt Nam được Mỹ chống lưng về quân sự bị triệt tiêu. Trong trường hợp đó Trung Quốc tất đánh chiếm nốt Trường Sa cũng như thôn tính toàn bộ chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông và như hệ quả tất yếu, nhân dân Việt Nam sẽ phải nổi dậy lật đổ chế độ cộng sản để liên minh quân sự với Mỹ nhằm cứu nước.

Tóm lại, việc Mỹ không nới lỏng cấm vận vũ khí đối với chính quyền Việt Nam cũng sớm dẫn đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản đồng nhất với sự ra đời của Nhà nước dân chủ thực thi đầy đủ quyền con người ở Việt Nam, mở đường cho việc hình thành liên minh quân sự với Mỹ chống bành trướng Trung Quốc ở vị trí chiến lược bậc nhất Đông Nam Á này như kêu gọi mà tôi đã đưa tra cách đây 4 năm, vào năm 2010: “Đồng hành quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại” (**).
————————————————————————————————————
(*) TS Cù Huy Hà Vũ – Dân chủ hóa Việt Nam và lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ ở biển Đông.
(**) TS Cù Huy Hà Vũ: Ðồng hành quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại.

 C. H. H. V.

Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/cham-dut-dan-ap-nhan-quyen-la-dieu-kien-de-my-noi-long-cam-van-vu-khi/2470546.html

This entry was posted in Hoa Kỳ. Bookmark the permalink.