Trần Ngọc Cư dịch từ news.yahoo.com
(Reuters) – Trong vòng một tuần lễ, một đại học lớn thứ hai của Mỹ tuyên bố sẽ cắt quan hệ với Viện Khổng Tử được Chính phủ Trung Quốc tài trợ, một cơ sở mà các nhà phê bình gọi là cánh tay tuyên truyền đội lốt văn hóa và giáo dục ngôn ngữ.
Đại học Pennsylvania State vào hôm thứ Tư thông báo sẽ chấm dứt mối quan hệ 5 năm với Viện vào cuối năm nay, nêu ra những bất đồng quan điểm với cơ quan chính phủ của Trung Quốc hiện kiểm soát và tài trợ các viện này.
“Nhiều mục tiêu của chúng tôi không đi đôi với các mục tiêu của Văn phòng Hội đổng Trung văn Quốc tế, được mệnh danh là Hán ban, một cơ quan của chính phủ Trung Quốc tài trợ các Viện Khổng Tử khắp thế giới,” Susan Welch, Khoa trưởng Văn khoa tại Đại học Pennsylvania State, đã tuyên bố bằng email như thế.
Ngày 25 tháng Chín, Đại học Chicago cũng cắt quan hệ với Viện Khổng Tử, đồng thời cho biết rằng một quan chức cao cấp của Cơ quan Hán ban đã tuyên bố với một tờ báo Trung văn rằng cơ quan này sẽ thắng thế trong các cuộc đàm phán đang diễn ra với đại học này.
Cả hai đại học nói trên đều không đưa ra chi tiết của các cuộc đàm phán, hay nội hàm của những vấn đề tranh chấp.
Tuy nhiên, các giáo sư tại Đại học Chicago cũng như Đại học Pennsylvania State đều than phiền rằng các viện Khổng Tử này quá gắn bó với Chính phủ Trung Quốc vốn coi chúng là các công cụ tuyên truyền thuộc “quyền lực mềm” có bổn phận rao giảng ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc cho càng nhiều sinh viên trên thế giới càng tốt.
Những động thái này diễn ra trong lúc các cuộc biểu tình đang có lớn mạnh tại Hồng Kông, nơi các nhà hoạt động dân chủ đang chiếm các khu rộng lớn trong thành phố. Hồng Kông là một trục thương mại quốc tế đã nằm dưới sự kiểm soát của lục địa từ năm 1997, khi Trung Quốc lấy lại quyền cai trị trên cựu thuộc địa của Anh.
Hoa Kỳ có gần 500 viện Khổng Tử cung cấp ngân quĩ và đưa ra các chương trình [giảng dạy văn hóa và ngôn ngữ Trung Hoa] cho các đại học và các hệ thống trường công tại Mỹ. Ngoài ra, còn có thêm hàng trăm viện Khổng Tử khác trên toàn thế giới.
Các giáo sư và các nhà phê bình nói rằng họ lo sợ về chế độ kiểm duyệt và tự kiểm duyệt liên quan đến các đề tài nhạy cảm như chế độ cai trị của Trung Quốc tại Tây Tạng và cuộc thảm sát sinh viên vận động dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, năm 1989.
Tại Canada tuần này, một số ủy viên trong Sở Giáo dục Thành phố Toronto cho biết rằng họ sẽ đưa ra đề nghị hủy bỏ việc triển khai một viện Khổng Tử đã được lên kế hoạch tại đây.
(Sharon Bernstein tường trình và Richard Chang biên tập)
S. B.
Dịch giả gửi BVN.