Câu chuyện thứ bảy: Nuôi rẽ

Thời kháng chiến chống Pháp, gia đình tôi tản cư (sơ tán) ra vùng tự do, nơi ở lâu nhất từ năm 1951 cho đến hòa bình lập lại (cuối năm 1954) là thôn Bình Phú, xã Hợp Thành, huyện Đơn Dương, Tỉnh Tuyên Quang, thuộc khu ATK (An Toàn Khu). Ba tôi đi công tác thường xuyên vắng nhà, hai anh lớn đi học xa. Chỉ có hai chị em tôi sống với mẹ. Trong các năm 1952, 1953, 1954, mẹ tôi bị ốm, không có sữa uống. Ba tôi mua mấy con dê sữa để hai chị em tôi chăn dắt và vắt sữa cho mẹ tôi uống hàng ngày. Có lần, ông mang về một con dê sữa giống Ấn Độ, to bằng con bê, lông vàng, khoang trắng, tai to và cúp xuống. Ông bảo con dê này quý vì cho nhiều sữa hơn mấy con dê cỏ, giống địa phương. Dê cỏ chỉ nhỏ bằng con chó, lông màu đen, đôi khi có khoang trắng, tai nhỏ và vểnh, như ta vẫn thấy ở dê núi Ninh Bình ngày nay. Hàng ngày, sau giờ học, tôi chăn dê ở trên núi gần nhà, phải canh chừng không cho lũ dê vào phá nương (rẫy) của đồng bào. Một hôm, con dê giống Ấn Độ trở dạ đẻ khi đang ăn lá cây trên rừng. Nó kêu vang cả núi rừng vì đau đẻ. Mãi nó không đẻ được. Tôi chỉ thấy hai chân con dê con thò ra ngoài. Sợ nó chết (nó chết thì không có sữa cho mẹ tôi), tôi bèn dùng hai tay nắm hai chân con dê con kéo ra. Da ở hai chân con dê con bị bong ra, máu của dê mẹ, dê con tung tóe. Thì ra nó đẻ ngược (hai chân sau ra trước, chứ không phải đầu ra trước). Kéo được dê con ra, tôi mừng lắm, dê con chết nhưng cứu được dê mẹ, thế là có sữa rồi. Khổ nỗi, không có dê con thúc bú mỗi ngày, dê mẹ cũng không cho sữa nữa, mặc dù nó được cho ăn các loại lá, mà theo kinh nghiệm dân gian, dê cho nhiều sữa, như lá cây ngõa, cây vả…, do tôi đi hái về.

Lũ dê “ta”, nhỏ con, ít sữa nhưng lại đẻ khỏe, chả mấy chốc đàn dê nhà tôi nhiều quá, không sao chăn xuể, để nó phá nương của hàng xóm (hầu hết là đồng bào Tày, Nùng). Thế là mẹ tôi cho “nuôi rẽ”. Bà đem con dê cái giao cho nhà hàng xóm nuôi. Khi nó đẻ được dê con và nuôi lớn có thể bán được thì mỗi nhà được ½ . Cách đó người ta gọi là “nuôi rẽ”. Còn trong trồng trọt, người chủ đất (địa chủ) giao đất nông nghiệp của mình cho người khác canh tác và chia hoa lợi theo thỏa thuận, nhận được phần của mình gọi là “địa tô”. Hình thức này gọi là “phát canh thu tô”. Cả hai hình thức tổ chức chăn nuôi và canh tác này đều giống nhau về bản chất kinh tế  – xã hội, mà theo Các Mác, đó là bóc lột giá trị thặng dư (sau này tôi mới biết vậy).

Chả vậy mà khi bên Thái Nguyên, cải cách ruộng đất, người ta xử tử bà địa chủ Nguyễn Thị Năm về tội “phát canh thu tô” cho nông dân, ba tôi hoảng quá, đạp xe hộc tốc từ cơ quan Bộ Tư Pháp về nhà,bảo mẹ tôi phải đem hết lũ dê “nuôi rẽ” cho không những người hàng xóm nhận nuôi. Bởi bán không ai mua, mà tự chăn dắt thì chị em tôi không đủ sức. Hồi học ở Đại học Kinh tế – Kế hoạchHà Nội năm 1963, các thầy dạy tôi rằng, theo Các Mác, các con dê cái mà mẹ tôi cho nuôi rẽ là lao động vật hóa, là lao động quá khứ, là tiền vốn, nó không sinh ra giá trị mới. Chỉ có sức lao động của người nuôi rẽ mới tạo ra giá trị mới là con dê con. Vì vậy, nên mẹ tôi hưởng ½ gía trị con dê con là bóc lột 50% giá trị thặng dư do người nhận nuôi rẽ sáng tạo ra. Ấy vậy mà mấy chục năm sau, hình thức nuôi rẽ lại được phục hồi mà không có nó sẽ không có đàn dê, cừu đông đúc như ngày nay ở cái xứ khô cằn là tỉnh Ninh Thuận.Ai không tin cứ về Ninh Thuận xem người ta đã sử dụng hình thức “nuôi rẽ” để tạo ra “giá trị thặng dư” nhiều như thế nào mà không ai bị quy là mắc tội “bóc lột”.

Vợ chồngngười bạn U70 của tôi ở ngoại thành TP HCM, có hơn một mẫu đất canh tác. Do không có sức lao động, con trai, con gái đã trưởng thành vào TP HCM làm việc với thu nhập khá cao và ổn định, nên hai ông bà già cho thuê đất. Nông dân ngoài Bắc vào ngoại thành TP.HCM thuê đất trồng rau, mang lại thu nhập khá hơn nhiều so với lúc họ ở ngoài quê. Họ trả cho bạn tôi khoảng 5 triệu đồng/ 1 ha/ 1 tháng. Cả hai đều có lợi. Thế mà ông bạn tôi không bị kết tội “phát canh thu tô”, như bà Nguyễn Thị Năm cách đây 60 năm trước ở Thái Nguyên. Thế mới biết “Đổi Mới” trước hết là trở về “MO”, về điểm xuất phát, rồi mới tính tiếp cái chuyện tiến lên sản xuất hàng hóa lớn theo định hướng xã hội chủ nghĩa bằng cách nào!

Mà cái chủ nghĩa xã hội thì theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 100 năm nữa, đến cuối thế kỷ 21 này cũng chưa biết nó thế nào. Vậy hôm nay, từ điểm “MO”, Việt Nam chúng ta đi lên như thế nào nhỉ?

1/2014

V. T. K.

Tác giả gửi BVN.

 

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.