Thoát Trung hay vượt Trung?

Cách đây hơn 4 năm đã có một đợt tranh luận sôi nổi về chủ đề “Thoát Á ,  Thoát Trung  hay Thoát thân” ? [TLTK (1),(5)] nhưng số người tham gia viết bài chưa nhiều và cũng chưa có những buổi tọa đàm mở với sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp công chúng như hiện nay.

Thế mới biết nhận thức là cả một quá trình…

Từ tin tưởng, luôn tâm niệm vào câu thần chú “16 chữ vàng và 4 tốt” đến thái độ tỉnh táo hơn “dám” nghĩ (dù còn ngập ngừng, lúng túng và không biết có dám làm thật không ?) đến một lối thoát khỏi cái vòng kim cô Made in China,  đối với chúng ta, quả thực đã là một chuyển biến tích cực mang ý nghĩa to lớn.

Thế nhưng thoát Trung là Trung nào vì bản thân Trung Quốc cũng đang biến đổi hàng ngày để vươn lên vị trí một siêu cường có tham vọng bá chủ thế giới?

Thoát theo cái lối là “ xúc đất đổ đi”[TLTK(6)] hay đoạn tuyệt mọi liên hệ thì dễ rơi vào tình thế tự cô lập mình để rồi bị đối phương bỏ xa trong một thế giới phẳng, năng động và toàn cầu hóa cao độ như ngày nay.

Nếu nhìn lại lịch sử thì  chúng ta có nguồn gốc khác với Hán tộc đến từ Phương Bắc và tuy bị Hán hóa khá sâu đậm sau 1000 năm Bắc thuộc nhưng quá trình đồng hóa đã thất bại trước sức sống mãnh liệt về văn hóa và thể chất của Việt tộc.

Chính các học giả Trung Quốc gần đây đã tái khẳng định: “Việt Nam là quốc gia duy nhất được xây dựng bởi chủ thể là các hậu duệ của tộc người Bách Việt từng sinh sống ở Quảng Đông và bán đảo Đông dương”[TLTK(7)].

Hãy nhớ tới điều này trong lời nhắc nhở từ các vị tiền nhân  :

“ Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi, sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc- Nam cũng khác

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”…[TLTK(8)].

Theo học thuyết tiến hóa thì rõ ràng sự sinh tồn của chúng ta cho tới ngày hôm nay bên cạnh người hàng xóm Phương Bắc tham lam, hùng mạnh, thâm hiểm và chưa bao giờ nguôi khát vọng thôn tính là minh chứng cho tính vượt trội của Gien Việt tộc. Ở đây có thể hiểu ngoài khái niệm gien sinh học bao hàm các đặc thù thể chất con người còn là văn hóa – một loại gien di truyền mang tính xã hội, nói theo cách của học giả nổi tiếng người Pháp Edgar Morin [TLTK(9)].

Vậy thì chính Lịch sử dân tộc đã cho chúng ta một bài học về  ý nghĩa sinh tồn của sự VƯỢT TRỘI,  đó là – muốn sống và phát triển bên cạnh Trung Hoa chúng ta bắt buộc phải VƯỢT Trung Hoa.

Tất nhiên không thể vượt họ về diện tích lãnh thổ và dân số – những yếu tố định lượng mà phải vượt họ về CHẤT, về độ TINH. Đây cũng chính là bí quyết thắng lợi : “ lấy ít địch nhiều, lấy chí nhân để thay cường bạo”…

Trên thế giới đã có nhiều tấm gương về chất chế ngự được lượng mà Việt Nam cần tham khảo. Vì sao quốc gia Israel nhỏ bé lại có thể phát triển vượt bậc trên thế thượng phong bên cạnh cả một thế giới Ả Rập rộng lớn, giàu tài nguyên và đông dân gấp nhiều lần? Và vì sao quốc gia không đông dân, tài nguyên chủ yếu là gỗ như Phần Lan lại khuynh đảo thị trường viễn thông thế giới?[TLTK(10)]. Vì sao các tiểu quốc như Singapore, Thụy Sĩ lại có vị thế cao như ngày nay trên thị trường tài chính quốc tế? Xa hơn, phải chăng Nhật Bản nhờ “ thoát Á” đồng thời nhờ kiến tạo được mô hình thể chế chính trị- kinh tế- xã hội văn minh, tiến bộ mà đã lột xác hoàn toàn để trở thành một trong số những dân tộc trưởng thành (nhìn theo góc độ của nhà thơ Tản Đà- Nguyễn Khắc Hiếu: “Dân hai lăm triệu ai người lớn. Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”).

Quay trở về với những kinh nghiệm xương máu của quá khứ, phải chăng nhờ có chữ Quốc ngữ mà người dân Việt đã được nâng cao dân trí toàn diện  khiến nhiều nước Á Châu phải ngưỡng mộ ? Và nếu chúng ta nghe theo chuyên gia Trung Quốc mà dùng chiến thuật biển người trong chiến dịch Điện Biên Phủ thì kết cục sẽ ra sao nếu không phải là một thất bại hiển nhiên ? “Cải cách ruộng đất” theo sự hướng dẫn của chuyên gia Trung Quốc đã gây nên bao thảm họa khủng khiếp đối với xã hội Việt Nam như thế nào chắc lịch sử sau này sẽ bạch hóa, và nếu Việt Nam cũng tiến hành “Cách mạng văn hóa” theo trào lưu bên Trung Quốc thì sự tình sẽ đi đến đâu ?

Trong kinh tế chúng ta theo mô hình Kế hoạch hóa tập trung kiểu Xô Viết mấy chục năm trời chỉ để lại một xã hội đói nghèo, thiếu hàng hóa, thụ động, ỷ lại và vô trách nhiệm, khác hẳn với bản chất chăm chỉ, sáng tạo và dám mạo hiểm kinh doanh của người Việt [TLTK(11)]. Gần đây không biết các đoàn cán bộ của chúng ta sang Trung Quốc được “ bạn” truyền cho những bài học và kinh nghiệm gì mà hễ bên kia có nạn tham nhũng, mua bán chức quyền, phân hóa giàu nghèo khủng khiếp, ô nhiễm môi trường, đàn áp bất đồng chính kiến… thì bên này cũng diễn ra những vấn nạn tương tự. Sự cúc cung học tập Trung Quốc phải chăng là cơ sở để tờ Hoàn Cầu dám trịch thượng gọi Việt Nam là “đứa con đi hoang…hãy trở về nhà” !!!

Liệu đã có sự kiện nào trong lịch sử mấy ngàn năm của Dân tộc lại nhục hơn thế?

Tất cả những sự thất bại , yếu kém và nhục nhã đều bắt nguồn từ sự lệ thuộc quá đáng vào hệ tư tưởng, lối tư duy và cách hành động do bên ngoài chi phối, sắp đặt hoặc ép buộc. Theo ngôn ngữ của khoa học chính trị người ta gọi đó là sự lệ thuộc về THỂ CHẾ .

 

Do vậy, để trả lời cho câu hỏi “ thoát Trung hay vượt Trung” thiết nghĩ hãy suy nghĩ sâu sắc và toàn diện vấn đề THỂ CHẾ. [TLTK(12)]

Cải cách sâu rộng lĩnh vực THỂ CHẾ chính là điểm mấu chốt giúp chúng ta VƯỢT TRUNG về CHẤT. Đó chính là thành công mà các quốc gia nhỏ bé như Israel đã nêu gương.

Còn nếu chỉ bàn hai chữ THOÁT TRUNG mà không biết sau đó đi về đâu sợ rằng sẽ rất mất thời gian, tâm trí và cả CƠ HỘI LỊCH SỬ nữa.

Thăng long- Hà nội 22/8/2014

P.G.M

Tác giả gửi BVN

 

Tài liệu tham khảo [TLTK]

(1) Giáp Văn Dương: Thoát thân luận http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2009-12-29-thoat-than-luan-

Thoát Trung luận

www.viet-studies.info/GiapVanDuong_ThoatTrungLuan.

(2) Phạm Gia Minh: Thoát Á mới có thể thoát thân. www.tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-01-08-thoat-A-moi-co-the-thoat-than

(3) Fukuzawa Yukichi: Thoát Á luận.

http://Triethoc.hnue.edu.vn

(4) Phạm Gia Minh: Quốc gia phải tự nâng mình theo chuẩn thế giới

www.tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-01-15-Quoc-gia-phai-tu-nang-minh-theo-chuan-the-gioi.

(5) Phạm Gia Minh: Bàn về mô hình Trung Quốc. Thư ngỏ gửi GS Francis Fukuyama

www.viet-studies.info/PhamGiaMinh_thuFukuyama.

Nov. 11,2011

(6) Nguyễn Thanh Giang: Có nên đặt vấn đề thoát Trung?

https://boxitvn.online/bai/28875

(7) Trần Kinh Nghị: Nhân tố Bách Việt trong lập luận chủ quyền biển đảo Việt Nam.

http://trankinhnghi.blogspot.com.es

(8)Nguyễn Trãi:Bình Ngô Đại cáo.

(9) Edgar Morin:Thách đố của thế kỷ XXI. Liên kết tri thức. NXB. Tri thức 2005

(10) Phạm Gia Minh: Để không bị nhấn chìm trong biển hàng Trung Quốc.

www.tuanvietnam.vietnamnet.vn

(11) Phạm Gia Minh: Tản mạn chuyện Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam.

  1. viet-studies.info/…/PGMinh_TanManPhanIII.html.

(12) Phạm Gia Minh: Một số ý kiến đóng góp vào cuộc tọa đàm chủ đề “thoát Trung”.

http://boxitvn.blogspot.com/2014/06/mot-so-y-kien-ong-gop-vao-cuoc-toa-am.html

 

 

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.