Chùa Bồ Đề – một tiếng chuông cảnh tỉnh

Không thể không có một sự bừng tỉnh của cả xã hội để có được những giải pháp căn cơ nhằm khôi phục các giá trị chuẩn mực của xã hội…

Việc cơ quan công an Hà Nội khởi tố vụ án mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội đã gióng lên một hồi chuông báo động về việc buông lỏng quản lý tại các cơ sở tín ngưỡng cũng như thực trạng đạo đức xã hội bị xuống cấp nghiêm trọng.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Không lâu sau, một sự kiện cũng gây bão dư luận đó là việc nhà sư Pháp Định khóa môi ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng trong một cuộc “đấu giá rượu” từ thiện ở một phòng trà tại TP Hồ Chí Minh. Đây có thể chỉ là một hành động bột phát trong những khoảnh khắc nhất thời nhưng nó cũng đủ cơ sở để vén toang bức màn về cuộc sống “hậu trường” của không ít người khoác áo tu hành thời nay. Liên tiếp trong năm 2014 dư luận lại phải đón nhận các cú sốc khác khi hàng loạt những người khoác áo tu hành bị tố cáo hiếp dâm như vụ sư Thích Thông Anh tại chùa Từ Vân, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Sư Thích Nhuận Tiến từng tu tại chùa Liên Hoa, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai… Luôn có hàng trăm nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho các vụ việc này nhưng hậu quả thì luôn có một đáp án chung: Niềm tin tại nơi đáng tin nhất đang bị chà đạp!Còn nhớ chùa Trăm Gian ở huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội bị phá dỡ Nhà Tổ và Gác Khánh không thương tiếc đã gây xôn xao dư luận và phơi bày phần nào việc thiếu trách nhiệm trong việc quản lý di tích lịch sử của các cấp chính quyền và ngành văn hóa đồng thời cũng chỉ ra sự hạn chế về ý thức của các nhà chùa đối với việc bảo tồn di tích và các giá trị văn hóa lịch sử. Tuy sự việc đã được phát hiện và xử lý nhưng mọi sự đã trở nên quá muộn khi một di tích lịch sử đặc biệt quý hiếm cấp quốc gia với gần một nghìn năm tuổi đã được “làm mới”.

Quay trở lại với vụ việc tại chùa Bồ Đề tại quận Long Biên, TP Hà Nội, có hay không việc liên quan của sư trụ trì Thích Đàm Lan đến việc mua bán trẻ em và trách nhiệm của nhà chùa đến đâu sẽ được làm sáng tỏ? Nhưng một thực tế không thể phủ nhận rằng Nhà Chùa – một thiết chế quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt đang bị phủ một bóng đen ngờ vực và niềm tin của công chúng đối với các địa chỉ tín ngưỡng đang bị thử thách một cách ghê gớm.

Chùa Bồ Đề đã từng được coi là một điểm sáng về công tác chia sẻ trách nhiệm xã hội khi đã cưu mang hàng trăm trẻ em bị bỏ rơi và chính nơi đây cũng trở thành một địa chỉ thu hút rất đông người dân trong và ngoài nước đến hoạt động thiện nguyện. Đáng tiếc chùa Bồ Đề đã vượt ra khỏi sứ mệnh của nó là một nơi thực hành tín ngưỡng để mang một sứ mệnh khác quá lớn, vượt ra khỏi khả năng của nhà chùa mà được biết đến nhiều hơn: Nơi cưu mang và chăm sóc hàng trăm trẻ em bị bỏ rơi .

Những tin đồn có liên quan đến những khuất tất trong việc chăm sóc trẻ em tại ngôi chùa này đã có từ lâu tuy nhiên công tác thanh kiểm tra mang nặng tính hình thức và chiếu lệ đã không giúp giải quyết được vấn đề và cái xấu vẫn có đất để phát triển.

Câu hỏi đặt ra là tại sao một ngôi chùa điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo, không có chuyên môn chăm sóc trẻ em mà vẫn có thể nuôi hàng trăm trẻ em cùng một lúc? Tại sao nhà chùa không được phép cho hay nhận con nuôi mà vẫn ngang nhiên hoạt động? Trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở, của Giáo hội Phật Giáo rồi của cả Sở LĐ-TB &XH trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở đâu khi để sự việc diễn ra trong một thời gian dài mà không hề bị phát hiện?

Quản lý nhà nước không chỉ là thấy các sự việc xảy ra rồi mới thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra để chấn chỉnh và đối phó mà trách nhiệm quản lý nhà nước là phải có các biện pháp quản lý chặt chẽ để ngăn ngừa các sự việc tiêu cực xảy ra hoặc phát hiện kịp thời để ngăn chặn. Nếu không có đơn tố cáo của người dân và sự vào cuộc điều tra của báo chí thì liệu vụ việc sẽ đi đến đâu?

Khi vụ án buôn bán trẻ em tại chùa Bồ Đề được khởi tố thì cũng là khi có hàng nghìn người đã từng đến nơi này cảm thấy bị xúc phạm. Đó là những người tuy cuộc sống còn muôn vàn khó khăn nhưng vẫn mở lòng chia sẻ cho những mảnh đời bất hạnh, những người chẳng quản xa xôi từ khắp mọi miền đất nước thậm chí từ nước ngoài vẫn sẵn sàng ủng hộ cả vật chất và tinh thần mà chẳng mảy may suy tính, rồi cả những cơ sở đang có những hoạt động từ thiện khác trên cả nước cũng bị ảnh hưởng khi niềm tin vào các nơi này đang bị nghi ngờ.

Nếu xâu chuỗi và nhìn nhận sự việc tại chùa Bồ Đề với các sự việc khác xảy ra gần đây một cách khách quan thì không khó để thấy rằng những sự việc trên chỉ là biểu hiện tất yếu của biểu đồ văn hóa xã hội bị lệch chuẩn và đang trên đà đi xuống.

Công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức tôn giáo bị buông lỏng, nguồn thu từ các cơ sở tín ngưỡng quá lớn nhưng lại thiếu một cơ chế quản lý minh bạch đã rất dễ làm phát sinh cơ chế ăn chia giữa những “nhóm lợi ích”, đặc biệt tại các thành phố lớn nơi có hạ tầng kinh tế ở mức cao hơn. Với những cụm từ như “công đức” hay “tâm linh”, người ta rất dễ tạo ra một sự mập mờ, một tâm lý ngại đụng chạm và cũng chỉ với hai cụm từ này thì sự thật đôi khi bị bóp méo một cách dễ dàng.

Quy trình đào tạo tại chính các cơ sở đào tạo Phật giáo cũng đang có nhiều bất ổn và đặt ra các dấu hỏi lớn, đặc biệt là việc thiếu trang bị các kiến thức nền cơ bản về lịch sử, về văn hóa, về kiến trúc… đã làm cho rất nhiều các di tích lịch sử bị xâm hại, chùa chiền khắp nơi được bê tông hóa và sáng tạo một cách bừa bãi mà nguyên nhân rất nhiều xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của chính các vị sư trụ trì nhất là tại các chùa ở vùng nông thôn. Bên cạnh đó vai trò của Giáo hội Phật Giáo các cấp trong việc giám sát hoạt động của các cơ sở tín ngưỡng cũng như việc kiểm tra đạo đức, lối sống thường xuyên đối với những người tu hành đang thiếu hiệu quả dẫn đến tình trạng lộn xộn và suy thoái diễn ra ngày một phổ biến.

Chùa là nơi tập tu đức hạnh, nơi để sám hối, mong tìm thấy sự bình an, thanh thản và làm chiếc thước căn chỉnh xây đắp lên các giá trị cao đẹp của cuộc sống, nhưng nhiều nơi Chùa lại trở thành nơi của sự xin cho và bị thương mại hóa. Thiếu các giá trị văn hóa căn bản về tâm linh đã biến một số đông dân chúng lao đến Chùa như những con thiêu thân để tìm kiếm lộc lá và mong chờ vận may. Tiền vung vãi khắp nơi đã làm xấu hình ảnh chốn thanh tịnh, hình ảnh người tu hành giản dị, dứt bỏ lối sống trần tục dần được hóa thân trong những bộ cà sa nhung lụa trên những chiếc xe hơi đời mới sang trọng.

Bề dày lịch sử của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc được thể hiện bằng các giá trị văn hóa trong đó có tín ngưỡng và tâm linh. Việc ứng xử với các giá trị văn hóa tín ngưỡng và tâm linh của công chúng chính là thước đo dân trí của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Khi cái ác đã lấp ló nơi cửa Phật cũng là khi các giá trị văn hóa xã hội đang ở mức báo động của sự tha hóa. Vì vậy không thể không có một sự bừng tỉnh của cả xã hội để có được những giải pháp căn cơ nhằm khôi phục các giá trị chuẩn mực của xã hội. Các giải pháp đó phải bắt đầu từ việc xây dựng một cơ chế quản lý thu chi minh bạch cho tất cả các cơ sở tín ngưỡng, cải cách các quy trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo tôn giáo, đồng thời xây dựng bộ khung chuẩn về tín ngưỡng cũng như các kiến thức căn bản để hướng dẫn cũng như tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân khi tham gia vào các hoạt động tín ngưỡng, chính người dân đã xây dựng nên chùa để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của họ vì vậy họ nên trở thành một thành tố chính trong công tác quản lý và giám sát hoạt động tại nơi này.

N.D.H

Nguồn: http://infonet.vn/chua-bo-de-mot-tieng-chuong-canh-tinh-post141773.info

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.