Nhà nước nên có chủ trương cho ngư dân thuê tàu đánh cá

Hiện nay, nhà nước đang khuyến khích cho ngư dân vay tiền để mua sắm tàu sắt để đánh bắt hải sản và bám biển bảo vệ chủ quyền quốc gia. Mức cho vay của nhà nước rất cao, thậm chí cho vay đến 90 -95%, thời gian ân hạn và lãi suất lại rất ưu đãi.

Việc thực hiện theo nguyên tắc bộ ba: ngư dân, ngân hàng, doanh nghiệp đóng tàu. Người hưởng lợi có xác định được ngay là ngân hàng và doanh nghiệp đóng tàu, còn lợi ích của ngư dân thì phải sau khi thanh toán hết tiền gốc và lãi vay mới xác định được. Cơ chế tổ chức thực hiện chủ trương hỗ trợ cho ngư dân như vậy chứa đựng nhiều nguy cơ bất lợi cho ngư dân và chương trình hỗ trợ sẽ không nhận được sự đồng tình của ngư dân bởi các lý do sau:

1- Ngân hàng khi cho ngư dân vay được nhà nước bảo lãnh vốn vay hoặc được cấp vốn để cho vay; lãi suất được nhà nước hỗ trợ nên ngân hàng sẽ không bắt buộc phải quan tâm đến hiệu quả hoạt động của các tàu cá đầu tư cho ngư dân. Ngân hàng sẽ dễ dãi trong việc thẩm định phương án vay để mục đích giải ngân số tiền càng lớn thì ngân hàng càng có lợi.

2- Doanh nghiệp thiết kế, đóng tàu sẽ theo cơ chế chỉ định thầu nên thiết kế công năng con tàu sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân không đặt ra yêu cầu khắt khe. Hơn nữa, chất lượng và giá thành không chịu sự tác động của cơ chế thị trường, yếu tố cạnh tranh là hạn chế tất yếu dẫn đến chất lượng tàu cá không cao và chi phí không phải là thấp nhất.

3- Không loại trừ khả năng tiêu cực do ngân hàng và doanh nghiệp đóng tàu bắt tay với nhau đẩy giá thành tàu cá lên cao để bòn rút tiền của nhà nước. Sau khi bàn giao con tàu thì doanh nghiệp đóng tàu hầu như hết trách nhiệm và ngân hàng thì đã có pháp luật bảo trợ, trách nhiệm thanh toán nợ lúc này đổ lên đầu ngư dân.

4- Ngư dân là người có vốn đối ứng với tỷ lệ thấp nên lên tiếng nói về việc: yêu cầu về thiết kế, lựa chọn doanh nghiệp đóng tàu và yêu cầu về giá cả con tàu là rất yếu ớt. Hay nói cách khác, con tàu mà họ được hỗ trợ vốn vay sẽ có giá cả cao không tương xứng về công năng và chất lượng kém. Do tỷ lệ vốn đối ứng thấp nên điều dễ hiểu là ngư dân sẽ bị ngân hàng và doanh nghiệp đóng tàu áp đặt. Phần thua thiệt sẽ thuộc về nhà nước và ngư dân; hoặc trong quá trình khai thác sử dụng ngư dân mới nhận ra việc đầu tư con tàu là không có hiệu quả thì lúc đó không biết bán hay trả lại cho ai.

Nếu như vậy thì chương trình hỗ trợ ngư dân được vay vốn ưu đãi để đóng tàu sắt về bản chất cũng giống như chương trình hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ đã thất bại từ các năm trước đây, nếu có khác là mức ưu đãi cao hơn mà thôi.

Để hỗ trợ ngư dân một cách hiệu quả, theo tôi nhà nước nên sử dụng nguồn lực đó bằng cách áp dụng thêm cơ chế cho ngư dân thuê tàu sắt để đánh bắt. Một doanh nghiệp nhà nước sẽ chịu trách nhiệm đứng ra ký hợp đồng cho ngư dân thuê tàu theo thời hạn và các điều kiện thuê do hai bên thỏa thuận. Phương thức này tạo cho ngư dân có nhiều chủ động và nhà nước phải có trách nhiệm với hiệu quả làm ăn của ngư dân:

1- Thuê tàu với thời hạn một vài năm, tiền thuê thanh toán từng đợt. Ngư dân sẽ không phải bỏ ra vốn đối ứng lớn như vay tiền nhà nước để đóng tàu.

2- Ngư dân có thể tính toán được hiệu quả việc thuê tàu sau các chuyến đi biển. Nếu không hiệu quả, ngư dân có thể sớm rút khỏi cuộc chơi mà không có ràng buộc gì.

3- Để cho thuê được tàu, nhà nước phải đóng tàu có thiết kế đáp ứng được yêu cầu sử dụng của ngư dân, phải giám sát giá thành đóng tàu, phải chịu trách nhiệm bảo dưỡng con tàu. Nếu tàu bị đâm va hay bị Trung Quốc thu giữ thì nhà nước phải chịu trách nhiệm vì đó là tài sản của nhà nước.

4- Để cho thuê được tàu nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn ngư trường đánh bắt cho ngư dân cả về sinh mạng và tài sản.

Hà Nội, ngày 13/08/2014

H.H.S.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Biển Đông. Bookmark the permalink.