Willi Germund (Frankfurter Rundschau *)
Bản dịch của Vũ Huyên (Diễn Đàn Việt Nam 21)
02/08/2014 (Diễn Đàn Việt Nam 21) – Nhờ Wikileaks mà thế giới biết được một vụ tham nhũng hàng triệu đô la tại Á châu. 17 quan chức cao cấp ở Úc, Việt Nam, Malaysia và Indonesia đã nhận rất nhiều tiền hối lộ. Trong số đó có Trương Tấn Sang, chủ tịch nhà nước Việt nam, thủ tướng Malaysia Najib Razak, tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono và cựu nữ tổng thống Magawati Sukamoputri. Những nhân vật này đã được doanh nghiệp in tiền tệ „Note Printing Australia and Securency” (NPAS) thuộc Ngân hàng dự trữ Úc đút lót trong thời gian từ 2001 đến 2011 để bẻ gãy thế thượng phong của công ty Đức Giesecke & Devrient ở Munich hầu dễ dàng nhận được hợp đồng in tiền ở Á châu.
Thế giới chỉ biết tin này khi Wikileaks vào ngày 29/07/2014 vừa qua đã công bố lệnh của một tòa án ở Melbourne (Úc). Theo đó ngày 19/06/2014 một thẩm phán ở đây đã phán quyết theo đơn của Bộ Ngoại thương – Thương mại cấm mọi tường thuật về vụ tham nhũng và xử phạt nếu phổ biến lệnh cấm. Lý do: chi tiết về vụ hối lộ và những viên chức trách nhiệm trong Ngân hàng trung ương sẽ là mối đe dọa an ninh quốc gia và các quan hệ quốc tế.
Nhờ Wikileaks, truyền thông Úc mới mạnh bạo đưa tin và qua Internet, thế giới biết thêm các chi tiết bẩn thỉu. Tuy nhiên, một công dân ở Úc nếu chuyển bằng email hay SMS đường link dẫn đến bài báo về đề tài này có thể bị phạt.
In tiền tệ là một thị trường kiếm tiền bạc tỉ: Công ty Giesecke & Devrient ở Munich (München), Đức, đã đạt doanh thu khoảng 2 tỷ đô la trong năm 2013. Tiền mới của Afghanistan phát xuất từ nhà in này. Là thị trường dễ kiếm tiền nên nhiều công ty, kể cả các doanh nghiệp in tiền của Úc đều muồn tham gia ăn phần, Úc đã muốn in tiền cho Iraq trong thời gian Saddam Hussein cầm quyền dù nước này bị cấm vận.
Một lái buôn vũ khí làm trung gian
Các cuộc trung gian mua vũ khí rất thành công ở Malaysia. Một lái buôn vũ khí tên là Abdul Kayam đã nhận hoa hồng một triệu đô la nhờ móc nối đối tác. Brian Hood, „Bí thư công ty“ (một loại tư vấn pháp luật), nằm trong ban điều hành của NPAS từ 2004 đến 2008 đã tố giác trước dư luận việc này vào năm 2013.
Hood đã phản bác sự cam đoan vô tội của ban chấp hành ngân hàng trung ương tuyên bố rằng họ chỉ biết đến vụ bê bối hối lộ qua các tường thuật của giới truyền thông. “Người thổi còi” (**) Hood khẳng định ban chấp hành đã được thông báo từ năm 2007 nhưng chẳng có biện pháp gì.
David Chaikin, thuộc đại học thương mại Sydney tuyên bố trên đài truyền hình Úc ABC cũng trong năm qua „Đây là vụ tham nhũng tồi tệ nhất trong lịch sử Úc. Việc này không chỉ liên quan đến số tiền mà còn cho thấy sự bất lực của các cơ quan danh tiếng của quốc gia“.
Lệnh cấm ngày 19/06 dường như chỉ tạo phản ứng ngược. Nhiều người Úc tin chắc rằng phán quyết của tòa chỉ nhằm đặc biệt bảo vệ nhóm chính trị gia chung quanh thủ tướng Tony Abbott vốn được coi là „người thanh liêm“. Qua ngày hôm sau 30/07 các quốc gia liên hệ ở Đông Nam Á vẩn còn im hơi lặng tiếng.
* Nguyên bản tiếng Đức: Die Geschäfte der australischen Gelddrucker, Willi Germund, Frankfurter Rundschau 01.08.2014
** Whistleblower: người tố giác các vụ phạm pháp kể cả vi phạm nhân quyền, hối lộ, tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức tư nhân hay nhà nước (theo wikipedia)
- Tài liệu: Phán quyết của toà án Úc ngày 19/06/2014 do Wikileaks phổ biến, trong đó có nêu tên Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Đức Thúy, Nông Đức Mạnh trên trang 4 của PDF tức trang 3 của phán quyết: Australia-wide censorship order for corruption case involving Malaysia, Indonesia and Vietnam, WikiLeaks release: July 29, 2014
Diễn đàn Việt Nam 21 gửi BVN